Đối tượng, điều kiện bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp là gì?

Bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp là gì? Đối tượng, điều kiện bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh, kiểu dáng công nghiệp… Tất cả sẽ được Anpha giải đáp trong bài viết này.

Quyền bảo hộ sở hữu công nghiệp là gì?

Theo quy định tại Khoản 4 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành: Quyền sở hữu công nghiệp là quyền của tổ chức/cá nhân sở hữu hợp pháp đối với bí mật kinh doanh, thiết kế bố trí mạch tích hợp, nhãn hiệu, tên thương mại, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, chỉ dẫn địa lý, quyền chống cạnh tranh không lành mạnh.

Thủ tục bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp là thủ tục hành chính được thực hiện bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền thừa nhận quyền của tổ chức, cá nhân đối với các đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp.

Đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp

Theo khái niệm về quyền sở hữu công nghiệp ở trên, đối tượng được bảo hộ của quyền sở hữu công nghiệp được chia thành 2 nhóm cơ bản, liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại. Cụ thể:

➨ Nhóm 1 - Các đối tượng mang tính sáng tạo trong lĩnh vực công nghiệp

  1. Sáng chế là giải pháp kỹ thuật được thể hiện bằng sản phẩm hoặc 1 quy trình nhằm giải quyết một vấn đề cụ thể thông qua việc ứng dụng các quy luật tự nhiên;
  2. Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của một sản phẩm hoặc một bộ phận để lắp ráp thành sản phẩm phức hợp. Kiểu dáng công nghiệp được thể hiện bằng đường nét, màu sắc, hình khối hoặc sự kết hợp các yếu tố này và nhìn quan sát được trong quá trình khai thác công năng của sản phẩm/sản phẩm phức hợp;
  3. Thiết kế bố trí mạch tích hợp chính là cấu trúc không gian của các phần tử mạch bán dẫn và mối liên kết giữa các phần tử trong mạch tích hợp bán dẫn với nhau.

➨ Nhóm 2 - Các dấu hiệu mang tính phân biệt trong thương mại

  1. Nhãn hiệu là dấu hiệu nhận biết dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân này với hàng hóa, dịch vụ của cá nhân, tổ chức khác;
  2. Tên thương mại là tên gọi của cá nhân, tổ chức sử dụng trong kinh doanh, được dùng để phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên thương mại này với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực, khu vực kinh doanh;
  3. Chỉ dẫn địa lý là một dấu hiệu dùng để chỉ nguồn gốc địa lý của sản phẩm như địa phương, khu vực, vùng lãnh thổ hoặc quốc gia cụ thể;
  4. Bí mật kinh doanh là thông tin thu thập được từ hoạt động đầu tư trí tuệ, đầu tư tài chính, chưa được bộc lộ ra bên ngoài và có khả năng sử dụng trong kinh doanh để mang lại lợi thế cho người sử dụng hoặc nắm giữ bí mật kinh doanh.

>> Có thể bạn quan tâm: Thủ tục đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp.

Điều kiện bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp

1. Điều kiện bảo hộ sáng chế

Điều kiện bảo hộ đối với sáng chế được quy định như sau:

  • Sáng chế được bảo hộ theo hình thức cấp bằng độc quyền sáng chế nếu đáp ứng đủ 3 điều kiện là: có khả năng áp dụng công nghiệp, có tính mới và có trình độ sáng tạo;
  • Sáng chế được bảo hộ theo hình thức cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích nếu đáp ứng 2 điều kiện là: có tính mới và có khả năng áp dụng công nghiệp.

Trong đó:

  • Một sáng chế có khả năng áp dụng công nghiệp là sáng chế có thể được áp dụng để thực hiện việc chế tạo, sản xuất hàng loạt sản phẩm hoặc có thể áp dụng lặp lại quy trình là nội dung của sáng chế và thu được kết quả ổn định;
  • Một sáng chế được coi là có tính mới nếu không thuộc 1 trong 2 trường hợp sau: 
    • Bị bộc lộ công khai thông qua hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hay bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước/nước ngoài trước ngày nộp đơn đăng ký bảo hộ sáng chế hoặc trước ngày ưu tiên (trường hợp được hưởng quyền ưu tiên);
    • Bị bộc lộ trong đơn đăng ký sáng chế khác có ngày nộp đơn/ngày ưu tiên sớm hơn nhưng được công bố vào cùng ngày hoặc sau ngày nộp đơn/ngày ưu tiên của đơn đăng ký sáng chế đó.
  • Một sáng chế có trình độ sáng tạo nếu căn cứ vào vào các giải pháp kỹ thuật đã được bộc lộ công khai qua hình thức sử dụng hay mô tả bằng văn bản hay bất cứ hình thức nào khác ở trong nước/nước ngoài trước ngày nộp đơn/ngày ưu tiên của đơn đăng ký sáng chế trong trường hợp đơn đăng ký cấp bằng sáng chế được hưởng quyền ưu tiên, sáng chế đó là một bước tiến sáng tạo, không thể được tạo ra một cách dễ dàng bởi người có trình độ hiểu biết trung bình trong lĩnh vực kỹ thuật tương ứng.

>> Xem thêm: Thủ tục đăng ký cấp bằng sáng chế.

2. Điều kiện bảo hộ kiểu dáng công nghiệp

Kiểu dáng công nghiệp được cấp bằng bảo hộ khi có đủ 3 điều kiện là: có tính mới, tính sáng tạo và khả năng áp dụng công nghiệp.

Trong đó:

  • Một kiểu dáng công nghiệp được coi là có tính mới nếu: Kiểu sáng công nghiệp này khác biệt đáng kể với những kiểu dáng công nghiệp đã bị bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, được mô tả bằng văn bản hay bất cứ hình thức nào khác ở trong nước/nước ngoài trước ngày nộp đơn đăng ký bảo hộ hoặc trước ngày ưu tiên (nếu đơn được hưởng quyền ưu tiên);
  • Một kiểu dáng công nghiệp được coi là có tính sáng tạo nếu: Căn cứ vào các kiểu dáng công nghiệp đã được bộc lộ công khai thông quan hình thức sử dụng, được mô tả bằng văn bản hay bất cứ hình thức nào khác ở trong nước/nước ngoài trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên của đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp (nếu đơn được hưởng quyền ưu tiên), kiểu dáng công nghiệp đó không thể được tạo ra một cách dễ dàng bởi một người có hiểu biết trung bình trong lĩnh vực tương ứng;
  • Một kiểu dáng công nghiệp được coi là có khả năng áp dụng công nghiệp nếu: Kiểu dáng công nghiệp có thể được sử dụng làm mẫu để chế tạo hàng loạt sản phẩm với hình dáng bên ngoài là kiểu dáng công nghiệp đó bằng phương pháp chế tạo thủ công hay công nghiệp.
3. Điều kiện bảo hộ nhãn hiệu, thương hiệu độc quyền

Một nhãn hiệu được cấp văn bằng bảo hộ độc quyền nhãn hiệu khi đáp ứng 2 điều kiện sau đây:

  • Là dấu hiệu có thể nhìn thấy được dưới dạng hình ảnh, chữ cái, từ ngữ, hình vẽ hoặc là sự kết hợp giữa các yếu tố đó bằng một hoặc nhiều màu sắc khác nhau, hoặc là dấu hiệu âm thanh được thể hiện dưới dạng đồ họa;
  • Phân biệt được dịch vụ, hàng hóa của chủ sở hữu này với chủ sở hữu khác.

Trong đó: Một nhãn hiệu được xem là có khả năng phân biệt nếu được tạo thành từ một, một số yếu tố dễ nhận biết, dễ ghi nhớ hoặc được tạo thành từ nhiều yếu tố kết hợp thành một tổng thể dễ nhận biết, dễ ghi nhớ.

>> Xem thêm: Thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu.

4. Điều kiện bảo hộ thiết kế bố trí mạch tích hợp

Thiết kế bố trí mạch tích hợp được bảo hộ khi đáp ứng đủ 2 điều kiện là: có tính nguyên gốc và tính mới thương mại.

Trong đó:

  • Một thiết kế bố trí được xem là có tính nguyên gốc nếu đáp ứng 2 điều kiện sau: Là kết quả lao động sáng tạo của chính tác giả và thiết kế bố trí này chưa được những người sáng tạo thiết kế bố trí và các nhà sản xuất mạch tích hợp bán dẫn biết đến một cách rộng rãi tại thời điểm tạo ra thiết kế bố trí đó;
  • Một thiết kế bố trí được xem là có tính thương mại nếu thiết kế bố trí đó chưa được khai thác thương mại tại bất kỳ nơi nào trên thế giới, trước ngày nộp đơn đăng ký bảo hộ.
5. Điều kiện bảo hộ tên thương mại

Tên thương mại được bảo hộ khi tên đó có khả năng phân biệt với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực, khu vực kinh doanh.

Trong đó, tên thương mại được xem là có khả năng phân biệt nếu đáp ứng được 3 điều kiện sau:

  • Tên thương mại có tên riêng, ngoại trừ trường hợp đã được biết đến rộng rãi do sử dụng;
  • Tên thương mại này không trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thương mại đã được người khác sử dụng trước và trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh;
  • Tên thương mại không trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu khác đã được bảo hộ hoặc với chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ trước ngày tên thương mại đó được sử dụng.
6. Điều kiện bảo hộ chỉ dẫn địa lý

Chỉ dẫn địa lý được bảo hộ khi đáp ứng 2 điều kiện cơ bản sau đây:

  • Sản phẩm có nguồn gốc địa lý từ địa phương, khu vực, vùng lãnh thổ, quốc gia tương ứng với chỉ dẫn địa lý;
  • Sản phẩm có danh tiếng, tính chất đặc thù, chất lượng do điều kiện địa lý của địa phương, khu vực, vùng lãnh thổ, quốc gia đó quyết định.

Trong đó:

  • Danh tiếng sản phẩm được xác định thông qua đánh giá mức độ tín nhiệm của người tiêu dùng đối với sản phẩm (cụ thể là đánh giá mức độ rộng rãi người tiêu dùng biết đến và chọn lựa sản phẩm);
  • Chất lượng, tính chất đặc thù của sản phẩm được xác định bằng một hoặc một số chỉ tiêu định tính, định lượng, cảm quan về vật lý, hoá học, hoặc vi sinh và các chỉ tiêu này có thể kiểm tra được bằng phương tiện kỹ thuật hoặc được kiểm tra bởi chuyên gia với phương pháp kiểm tra phù hợp.

>> Xem thêm: Thủ tục đăng ký chỉ dẫn địa lý.

7. Điều kiện bảo hộ bí mật kinh doanh

Bí mật kinh doanh được bảo hộ khi đáp ứng đủ 3 điều kiện sau:

  • Không dễ dàng có được và không phải hiểu biết thông thường;
  • Khi được sử dụng trong kinh doanh, người nắm giữ bí mật kinh doanh này sẽ có nhiều lợi thế hơn so với người không nắm giữ hoặc không sử dụng nó;
  • Bí mật kinh doanh được chủ sở hữu bảo vệ, bảo mật bằng các biện pháp cần thiết để không bị lộ ra bên ngoài và không dễ dàng tiếp cận được.

Một số câu hỏi thường gặp về bảo hộ sở hữu công nghiệp

1. Có mấy đối tượng được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp?

Có 7 đối tượng được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp gồm:

  • Sáng chế;
  • Kiểu dáng công nghiệp;
  • Thiết kế bố trí mạch tích hợp;
  •  Nhãn hiệu;
  • Tên thương mại;
  • Chỉ dẫn địa lý;
  • Bí mật kinh doanh.

2. Tên thương mại là gì?

Tên thương mại là tên gọi của cá nhân, tổ chức sử dụng trong kinh doanh, được dùng để phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên thương mại này với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực, khu vực kinh doanh.

3. Bí mật kinh doanh là gì?

Bí mật kinh doanh là thông tin thu thập được từ hoạt động đầu tư trí tuệ, đầu tư tài chính, chưa được bộc lộ ra bên ngoài và có khả năng sử dụng trong kinh doanh để mang lại lợi thế cho người sử dụng hoặc nắm giữ bí mật kinh doanh.

4. Sáng chế là gì?

Sáng chế là giải pháp kỹ thuật được thể hiện bằng sản phẩm hoặc 1 quy trình nhằm giải quyết một vấn đề cụ thể thông qua việc ứng dụng các quy luật tự nhiên.

5. Điều kiện bảo hộ đối với kiểu dáng công nghiệp là gì?

Kiểu dáng công nghiệp được cấp bằng bảo hộ khi có đủ 3 điều kiện là: có tính mới, tính sáng tạo và khả năng áp dụng công nghiệp.

>> Xem chi tiết: Điều kiện bảo hộ kiểu dáng công nghiệp

Gọi cho chúng tôi theo số 0984 477 711 (Miền Bắc) - 0903 003 779 (Miền Trung) - 0938 268 123 (Miền Nam) để được hỗ trợ.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Đánh giá chất lượng bài viết, bạn nhé!

0.0

Chưa có đánh giá nào
Chọn đánh giá

Gửi đánh giá

BÌNH LUẬN - HỎI ĐÁP

Hãy để lại câu hỏi của bạn, chúng tôi sẽ trả lời TRONG 15 PHÚT

SĐT và email sẽ được ẩn để bảo mật thông tin của bạn GỬI NHANH