Hướng dẫn ghi nhận doanh thu tính thuế Hoạt Động Xuất Khẩu

Tìm hiểu: Xuất khẩu hàng hóa là gì? Thời điểm ghi nhận doanh thu xuất khẩu? Hồ sơ & cách ghi nhận doanh thu tính thuế hoạt động xuất khẩu. Có ví dụ cụ thể

I. Xuất khẩu là gì?

Xuất khẩu là hình thức kinh doanh mua bán, trao đổi hàng hóa giữa các quốc gia (bên ngoài lãnh thổ Việt Nam) bao gồm: 

  • Xuất khẩu trực tiếp: là hình thức trao đổi hàng hóa, dịch vụ giữa người mua và người bán không thông qua bên trung gian;
  • Xuất khẩu ủy thác: là hình thức thuê một đơn vị kinh doanh chuyên về xuất nhập khẩu để thực hiện các hoạt động xuất nhập khẩu thay cho bên mua hoặc bên bán;
  • Xuất khẩu tại chỗ: là hình thức các doanh nghiệp Việt Nam bán cho thương nhân nước ngoài, sau đó sẽ được giao hàng cho doanh nghiệp khác tại Việt Nam theo chỉ định của thương nhân nước ngoài;
  • Tạm nhập tái xuất: là hình thức nhập khẩu hàng hóa vào lãnh thổ Việt Nam trong một thời gian ngắn, sau đó hàng hóa sẽ được xuất khẩu qua một quốc gia khác hoặc chính quốc gia đã xuất khẩu ban đầu.

II. Chứng từ sử dụng làm hồ sơ khai thuế đối với với hoạt động xuất khẩu

Theo Khoản 5 Điều 43 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/06/2019 có quy định đối với hàng hóa xuất khẩu thì hồ sơ hải quan theo quy định của Luật Hải quan được sử dụng làm hồ sơ khai thuế.
Khoản 8 Điều 4 Luật Hải quan số 54/2014/QH13 ngày 23/06/2014, hồ sơ hải quan gồm tờ khai hải quan và các chứng từ phải nộp hoặc xuất trình cho cơ quan hải quan.
Như vậy, bộ chứng từ đầy đủ làm hồ sơ khai thuế đối với hoạt động xuất khẩu gồm:

  1. Hoá đơn giá trị gia tăng/hóa đơn bán hàng;
  2. Tờ khai hải quan và xác nhận thông quan;
  3. Hợp đồng kinh tế;
  4. Hóa đơn thương mại;
  5. Packing list;
  6. Chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt;
  7. Một số chứng từ khác kèm theo Luật Hải quan.

Lưu ý:

  • Thiếu các chứng từ trên sẽ ảnh hưởng đến việc kê khai hồ sơ thuế và áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 0%;
  • Nếu đủ các chứng từ khác nhưng thiếu chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thì doanh nghiệp sẽ không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào;
  • Nếu thiếu tờ khai hải quan theo quy định nhưng có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thì hàng xuất khẩu của doanh nghiệp sẽ được xem như là hàng hóa tiêu thụ trong nước;
  • Riêng đối với hàng hóa xuất khẩu tại chỗ và hàng hóa gia công chuyển tiếp nếu không có đủ một trong các thủ tục, hồ sơ theo quy định thì phải tính và nộp thuế GTGT như hàng hóa tiêu thụ nội địa và được khấu trừ thuế GTGT đầu vào.

III. Thời điểm lập hoá đơn hoạt động xuất khẩu

Theo quy định tại Điểm c Khoản 3 Điều 13 Nghị định 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020, khi xuất hàng hóa vận chuyển đến nơi làm thủ tục xuất khẩu, doanh nghiệp sử dụng phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ theo quy định làm chứng từ lưu thông trên thị trường. Sau khi làm xong thủ tục cho hàng hóa thông quan, doanh nghiệp lập hóa đơn giá trị gia tăng cho hàng hóa xuất khẩu đối với doanh nghiệp kê khai tính thuế theo phương pháp khấu trừ.

Kết luận: Thời điểm lập hóa đơn xuất khẩu là sau khi hoàn tất thủ tục tờ khai xuất khẩu đối với cơ quan hải quan.
>> Xem thêm: Cách xuất hóa đơn xuất khẩu theo Nghị định 123.

IV. Thời điểm ghi nhận doanh thu xuất khẩu

Theo quy định tại Khoản 7 Điều 3 Thông tư 119/2014/TT-BTC, ngày xác định doanh thu xuất khẩu để tính thuế là ngày xác nhận hoàn tất thủ tục hải quan trên tờ khai hải quan.

V. Hướng dẫn ghi nhận doanh thu xuất khẩu

Tham khảo ví dụ sau để nắm rõ cách ghi nhận doanh thu xuất khẩu.
Ví dụ:
Doanh nghiệp A hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nhựa để xuất khẩu sang thị trường nước ngoài, doanh nghiệp kê khai tính thuế theo phương pháp khấu trừ.

  • Ngày 05/01/2023 xuất hàng ra cảng chờ xuất khẩu, giá xuất kho 5.000.000 đồng;
  • Ngày 06/01/2023 sau khi hoàn tất các thủ tục hải quan và tờ khai xuất khẩu (thông quan), hàng đã được giao lên tàu. Doanh nghiệp tiến hành xuất hóa đơn GTGT mẫu số 1 ký hiệu C22TTT ngày 06/01/2023, biết giá bán chưa thuế 1.000USD. Khách hàng B chưa thanh toán, thuế xuất khẩu 500.000 đồng, các chi phí liên quan (bốc dỡ, vận tải...) được trả bằng tiền mặt là 600.000 đồng;
  • Ngày 20/01/2023, doanh nghiệp A nhận được giấy báo có của ngân hàng Vietcombank về khoản tiền do khách hàng B thanh toán là 990USD có nội dung: Ghi tăng tài khoản tiền gửi ngân hàng USD của doanh nghiệp là 990USD, phí ngân hàng 10USD.

Biết rằng:

  • Tỷ giá thực tế của ngân hàng Vietcombank tại ngày 06/01/2023 khi giao hàng lên tàu để xuất khẩu như sau: Tỷ giá mua: 23.310 đồng/USD - Tỷ giá bán: 23.630 đồng/USD;
  • Tỷ giá thực tế của ngân hàng Vietcombank tại ngày 20/01/2023 khi khách hàng thanh toán như sau: Tỷ giá mua: 23.280 đồng/USD - Tỷ giá bán: 23.620 đồng/USD.

Định khoản kế toán như sau:

  • Ngày 05/01/2023 xuất hàng gửi bán:
       Nợ TK 157: 5.000.000;
       Có TK 156: 5.000.000.
  • Ngày 06/01/2023 giao hàng lên tàu:
       ➢ Ghi nhận doanh thu: (ghi nhận theo tỷ giá mua ngày 06/01/2023):
       Nợ TK 131: 23.310.000 (1.000USD x 23.310 đồng/USD);
       Có TK 511 (5111): 23.310.000 (1.000USD x 23.310 đồng/USD).
       ➢ Ghi nhận giá vốn:
       Nợ TK 632: 5.000.000;
       Có TK 157: 5.000.000.
  • Các chi phí liên quan:
       Nợ TK 641: 600.000;
       Có TK 111 (1111): 600.000.
  • Thuế xuất khẩu:
       Nợ TK 511 (5111): 500.000;
       Có TK 333 (3333): 500.000.
  • Khi nhận giấy báo có: (ghi nhận theo tỷ giá mua ngày 20/01/2023, phần chênh lệch với tỷ giá ghi sổ ngày 06/01/2023 sẽ được ghi nhận vào tài khoản 515 (Lãi) hoặc tài khoản 635 (Lỗ)):
       Nợ TK 635: 29.700 [990USD x (23.310 - 23.280)];
       Nợ TK 112 (1122): 23.047.200 (990USD x 23.280 đồng/USD);
       Có TK 131: 23.076.900 (990USD x 23.310 đồng/USD).
  • Phí ngân hàng: (ghi nhận theo tỷ giá bán ngày 20/01/2023):
       Nợ TK 641/642: 236.200 (10USD x 23.620 đồng/USD);
       Có TK 131: 233.100 (10USD x 23.310 đồng/USD);
      Có TK 515: 3.100 [10USD x (23.620 - 23.310)].
  • Khi giao dịch bằng ngoại tệ sẽ phát sinh khoản chênh lệch tỷ giá. Khi nhận thanh toán nếu:
       ➢ Tỷ giá giao dịch thực tế lớn hơn tỷ giá ghi sổ. Doanh nghiệp ghi nhận lãi trên TK 515 (Doanh thu hoạt động tài chính);
       ➢ Tỷ giá giao dịch thực tế nhỏ hơn tỷ giá ghi sổ. Doanh nghiệp ghi nhận lỗ trên TK 635 (Chi phí hoạt động tài chính).

>> Xem thêm: Cách hạch toán, công thức và cách tính thuế xuất khẩu.

VI. Các câu hỏi thường gặp khi ghi nhận doanh thu xuất khẩu

1. Cách xử lý hóa đơn đã lập phát hiện sai sót?

Căn cứ theo Điều 19 Nghị định 123/2020/NĐ-CP:
➤ Hóa đơn sai sót đã được cấp mã của cơ quan thuế nhưng chưa gửi cho người mua:

  • Người bán thực hiện thông báo sai sót với cơ quan thuế (mẫu 04/SS-HĐĐT);
  • Lập hoá đơn mới theo thông tin đúng.

➤ Hóa đơn sai sót đã được cấp mã của cơ quan thuế đã gửi cho người mua:

  • Nếu chỉ sai về tên, địa chỉ của người mua thì người bán thông báo sai sót (mẫu 04/SS-HĐĐT) để thông báo với cơ quan thuế, không cần lập lại hóa đơn mới;
  • Nếu sai mã số thuế, số tiền trên hóa đơn người bán thông báo mẫu 04/SS-HĐĐT gửi cơ quan thuế. Sau đó có thể chọn lập hóa đơn điều chỉnh cho hóa đơn đã lập hoặc lập hóa đơn mới thay thế cho hóa đơn có sai sót đã lập.

>> Tham khảo thêm: Hướng dẫn xử lý hóa đơn viết sai.


2. Xuất khẩu hàng hóa có phải lập hóa đơn giá trị gia tăng?

➤ Trước 01/07/2022: Căn cứ Thông tư số 11/VBHN-BC ngày 26/12/2013 và các văn bản liên quan: 
Doanh nghiệp kê khai thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ khi xuất khẩu không phải lập hóa đơn GTGT trừ trường hợp bán hàng giữa doanh nghiệp nội địa và doanh nghiệp chế xuất, doanh nghiệp trong khu phi thuế quan.
➤ Sau 01/07/2022: Căn cứ Nghị định 123/2020/NĐ-CP và Thông tư 78/2021/TT-BTC:
Doanh nghiệp kê khai thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ yêu cầu sử dụng hóa đơn GTGT để ghi nhận doanh thu khi xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ ra nước ngoài và vào khu vực phi thuế quan.


3. Mức thuế suất thuế GTGT áp dụng đối với hoạt động xuất khẩu thông thường?

Theo Điều 9 Thông tư 219/2013/TT-BTC về thuế suất thuế GTGT đối với hàng hóa dịch vụ xuất khẩu như sau: Thuế suất 0%: áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu; hoạt động xây dựng, lắp đặt công trình ở nước ngoài và ở trong khu phi thuế quan; vận tải quốc tế; hàng hoá, dịch vụ thuộc diện không chịu thuế GTGT khi xuất khẩu, trừ các trường hợp không áp dụng mức thuế suất 0% hướng dẫn tại khoản 3 Điều này.
➨ Như vậy, đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, mức thuế suất thuế GTGT đầu ra là 0%. Thuế suất 0% thì doanh nghiệp không phải nộp thuế nhưng vẫn được khấu trừ thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu.


Lê Huân - Phòng Kế toán Anpha

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Đánh giá chất lượng bài viết, bạn nhé!

0.0

Chưa có đánh giá nào
Chọn đánh giá

Gửi đánh giá

BÌNH LUẬN - HỎI ĐÁP

Hãy để lại câu hỏi của bạn, chúng tôi sẽ trả lời TRONG 15 PHÚT

SĐT và email sẽ được ẩn để bảo mật thông tin của bạn GỬI NHANH