Bài viết này sẽ chia sẻ: Cho thuê tài sản là gì? Các trường hợp cho thuê cũng như cách hạch toán trích khấu hao tài sản cố định thuê tài chính, thuê hoạt động.
I. Cho thuê tài sản là gì? Trường hợp nào cho thuê tài sản?
1. Khái niệm
Cho thuê tài sản là việc chủ sở hữu tài sản giao tài sản cho bên thuê sử dụng trong thời gian nhất định. Bên thuê chỉ được sử dụng các tài sản trong một thời hạn đã thỏa thuận, phải trả tiền thuê tài sản đấy.
2. Có 2 trường hợp cho thuê tài sản cố định
2.1. Thuê tài chính
Là hoạt động doanh nghiệp đi thuê tài sản cố định mà bên cho thuê ngoài chuyển giao quyền sử dụng còn chuyển giao phần lớn rủi ro và lợi ích cũng như quyền sở hữu tài sản cho bên thuê.
Một số dấu hiệu nhận biết hoạt động thuê được phân loại là thuê tài chính:
- Khi hết thời hạn thuê, bên cho thuê sẽ giao quyền sở hữu tài sản cho bên thuê;
- Trong hợp đồng có thỏa thuận điều khoản sau khi hết thời hạn thuê, bên thuế có quyền mua lại tài sản thuê với mức giá ước tính thấp hợp giá trị hợp lý của tài sản đó;
- Thời gian cho thuê tài sản dài và chiếm phần lớn thời gian sử dụng của tài sản đó;
- Khoản thanh toán tiền thuê tối thiểu ban đầu chiếm phần lớn giá trị của tài sản thuê.
2.2. Thuê hoạt động
Thuê hoạt động là hoạt động thuê tài sản thông thường mà bên cho thuê chỉ cho bên thuê quyền sử dụng tài sản và thường là cho thuê ngắn hạn.
2.3. So sánh giữa hoạt động cho thuê tài chính và thuê hoạt động
➤ Về đặc điểm
Thuê hoạt động |
Thuê tài chính |
Chỉ chuyển giao quyền sử dụng chứ không chuyển giao rủi ro cũng như quyền sở hữu tài sản cho bên thuê. |
Hợp đồng có sự chuyển giao phần lớn rủi ro và lợi ích gắn liền với quyền sở hữu tài sản cho bên thuê. |
➤ Các loại tài sản thường áp dụng
Thuê hoạt động |
Thuê tài chính |
Thường là các tài sản có giá trị nhỏ: máy tính, máy chiếu, một căn phòng… |
Thường là các tài sản có giá trị lớn như: nhà máy, máy móc, đất đai, tòa nhà. |
➤ Thời hạn thuê
Thuê hoạt động |
Thuê tài chính |
Hợp đồng ngắn hạn. |
Hợp đồng dài hạn thường chiếm phần lớn thời gian sử dụng của tài sản. |
➤ Phương pháp hạch toán kế toán
Thuê hoạt động |
Thuê tài chính |
Tài sản vẫn thuộc quyền sở hữu của bên cho thuê. Vì vậy, bên thuê chỉ ghi nhận chi phí thuê vào chi phí kết quả kinh doanh trong kỳ, không ghi nhận là TSCĐ của doanh nghiệp và không được trích khấu hao. |
Tài sản thuộc quyền sở hữu của bên đi thuê. Nên bên đi thuê sẽ ghi nhận tài sản thuê tài chính là tài sản cố định. Hàng kỳ được trích khấu hao tài sản vào chi phí của doanh nghiệp. |
II. Cách hạch toán kế toán đối với tài sản thuê hoạt động
1. Đối với đơn vị đi thuê tài sản
➤ Trường hợp 1: Trường hợp trả trước tiền thuê cho nhiều kỳ.
- Kế toán xác định khoản tiền thuê trả trước sẽ phải trả:
- Nợ TK 242: Giá chi phí thuê TSCĐ trả trước cho nhiều kỳ;
- Nợ TK 133: Tiền thuế GTGT khấu trừ (nếu có);
- Có các TK 111, 112, 331…: Tổng số tiền thanh toán.
- Mỗi kỳ, kế toán phân bổ tiền thuê TSCĐ vào khoản mục chi phí ứng với mục đích sử dụng:
- Nợ các TK 627, 641, 642: Trị giá chi phí thuê TSCĐ trong kỳ (theo Thông tư 200);
- Nợ các TK 154, 642: Trị giá chi phí thuê TSCĐ trong kỳ (theo Thông tư 133);
- Có TK 242: Trị giá chi phí thuê TSCĐ trong kỳ.
➤ Trường hợp 2: Trường hợp đơn vị trả tiền thuê theo từng kỳ.
Kế toán xác định khoản tiền đi thuê trả hàng kỳ, ghi nhận chi phí thuê vào khoản mục chi phí tương ứng với mục đích sử dụng của tài sản, hạch toán như sau:
- Nợ các TK 627, 641, 642: Trị giá chi phí thuê TSCĐ một kỳ (theo Thông tư 200);
- Nợ các TK 154, 642: Trị giá chi phí thuê TSCĐ một kỳ (theo Thông tư 133);
- Nợ TK 133: Tiền thuế VAT được khấu trừ (nếu có);
- Có các TK 111, 112, 331…: Tổng giá trị thanh toán.
2. Đối với đơn vị cho thuê TSCĐ
2.1. Hạch toán các chi phí trực tiếp liên quan đến hoạt động cho thuê tài sản
➤ Trường hợp 1: Chi phí trực tiếp phát sinh của một kỳ.
- Nợ TK 627: Chi phí sản xuất chung chưa có thuế giá trị gia tăng (theo Thông tư 200);
- Nợ TK 154: Chi phí sản xuất kinh doanh dở dang chưa có thuế GTGT (theo Thông tư 133);
- Nợ TK 133: Tiền thuế giá trị gia tăng được khấu trừ (nếu có);
- Có các TK 111, 112, 331…: Tổng số tiền thanh toán.
➤ Trường hợp 2: Chi phí trực tiếp liên quan đến nhiều kỳ.
- Khi phát sinh chi phí, kế toán hạch toán;
- Nợ TK 242: Chi phí trả trước cho nhiều kỳ phải phân bổ chưa có thuế giá trị gia tăng;
- Nợ TK 133: Tiền thuế giá trị gia tăng được khấu trừ (nếu có);
- Có các TK 111, 112, 331…: Tổng số tiền thanh toán.
- Hàng kỳ, kế toán tiến hành phân bổ chi phí trực tiếp ban đầu liên quan đến việc cho thuê hoạt động của đơn vị phù hợp với việc ghi nhận doanh thu cho thuê hoạt động như sau:
- Nợ TK 627: Chi phí SXC (theo Thông tư 200);
- Nợ TK 154: Chi phí SXKDDD (theo Thông tư 133);
- Có TK 242: Chi phí trả trước.
2.2. Hạch toán khi đơn vị thu tiền cho thuê hoạt động
➤ Trường hợp 1: Hạch toán đơn vị thu tiền cho thuê hoạt động định kỳ.
Trường hợp đơn vị tính thuế GTGT phải nộp theo phương pháp khấu trừ:
- Kế toán hạch toán khi công ty phát hành hóa đơn thanh toán tiền thuê TSCĐ:
- Nợ TK 131: Tổng số tiền phải thu của khách hàng;
- Có TK 511: Trị giá tiền cho thuê chưa có thuế giá trị gia tăng;
- Có TK 33311: Tiền thuế giá trị gia tăng đầu ra.
- Kế toán hạch toán khi công ty thu được tiền của khách hàng:
- Nợ các TK 111, 112…: Tổng trị giá phải thu của khách hàng;
- Có TK 131: Tổng số tiền phải thu của khách hàng.
Trường hợp đơn vị tính thuế GTGT phải nộp theo phương pháp trực tiếp:
- Kế toán hạch toán khi xuất hóa đơn thanh toán tiền thuê tài sản:
- Nợ TK 131: Tổng trị giá phải thu đã có thuế giá trị gia tăng;
- Có TK 511: Tổng trị giá phải thu đã có thuế giá trị gia tăng.
- Kế toán hạch toán khi đơn vị thu được tiền:
- Nợ các TK 111, 112…: Tổng trị giá phải thu của khách hàng;
- Có TK 131: Tổng số tiền phải thu của khách hàng.
- Định kỳ kế toán phản ánh số thuế GTGT phải nộp cho cơ quan thuế:
- Nợ TK 511: Tiền thuế giá trị gia tăng phải nộp;
- Có TK 33311: Tiền thuế GTGT phải nộp.
➤ Trường hợp 2: Hạch toán đơn vị thu tiền cho thuê hoạt động cho nhiều kỳ.
Trường hợp đơn vị tính thuế GTGT phải nộp theo phương pháp khấu trừ:
- Kế toán khi xác định số tiền thuế thu được:
- Nợ TK 111, 112, 131…: Tổng trị giá tiền nhận trước của khách hàng;
- Có TK 3387: Doanh thu chưa thực hiện chưa có thuế giá trị gia tăng;
- Có TK 33311: Tiền thuế giá trị gia tăng đầu ra.
- Định kỳ, kế toán kết chuyển doanh thu chưa thực hiện của kỳ và hạch toán:
- Nợ TK 3387: Doanh thu chưa thực hiện trong kỳ;
- Có TK 511: Doanh thu cung cấp dịch vụ, hàng hóa.
- Khi hợp đồng cho thuê TSCĐ tạm dừng không thực hiện tiếp hoặc thời gian thực hiện đang ngắn hơn thời gian đã thu tiền trước (nếu có) thì hạch toán số tiền phải trả lại cho khách hàng:
- Nợ TK 3387: Doanh thu chưa thực hiện chưa có thuế giá trị gia tăng;
- Nợ TK 33311: Tiền thuế giá trị gia tăng đầu ra;
- Có các TK 111, 112, 3388: Trị giá số tiền trả hoặc còn phải trả khách hàng.
Trường hợp đơn vị tính thuế GTGT phải nộp theo phương pháp trực tiếp:
- Kế toán khi xác định số tiền thuê thu được:
- Nợ TK 111, 112,131…: Tổng trị giá tiền nhận trước;
- Có TK 3387: Tổng số tiền nhận trước.
- Định kỳ, kế toán kết chuyển doanh thu trong kỳ hạch toán như sau:
- Nợ TK 3387: Doanh thu chưa thực hiện;
- Có TK 511: Doanh thu cung cấp dịch vụ, hàng hóa.
- Khi hợp đồng cho thuê tài sản đã không được thực hiện tiếp hoặc thời gian khi thực hiện ngắn hơn thời gian đã thu tiền trước (nếu có), kế toán ghi nhận số tiền phải trả lại cho khách hàng như sau:
- Nợ TK 3387: Doanh thu chưa thực hiện đã có thuế giá trị gia tăng;
- Có các TK 111, 112, 3388: Trị giá tiền đã trả hoặc còn phải trả của khách hàng.
- Định kỳ, kế toán phản ánh số thuế giá trị gia tăng phải nộp như sau:
- Nợ TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ;
- Có TK 33311: Tiền thuế giá trị gia tăng đầu ra.
2.3. Hạch toán trích khấu hao TSCĐ cho thuê hoạt động vào chi phí sản xuất kinh doanh
Định kỳ kế toán tiến hành tính và trích khấu hao tài sản cố định cho thuê hoạt động vào chi phí sản xuất kinh doanh, hạch toán:
- Nợ TK 627: Chi phí sản xuất chung (theo Thông tư 200);
- Nợ TK 154: Chi phí sản xuất và kinh doanh dở dang - khấu hao theo tài sản cố định (theo Thông tư 133);
- Có TK 214: Trị giá hao mòn tài sản cố định cho thuê hoạt động.
III. Cách hạch toán kế toán đối với tài sản cố định thuê tài chính
1. Hạch toán tài sản cố định thuê tài chính đối với bên đi thuê
➤ Hạch toán các chi phí liên quan đến tài sản cố định thuê tài chính.
Các chi phí trực tiếp phát sinh lúc ban đầu liên quan đến TSCĐ thuê tài chính trước khi nhận tài sản cho thuê như: chi phí khi đàm phán, khi mà ký kết hợp đồng… kế toán phải hạch toán:
- Nợ TK 242: Trị giá các chi phí phải trả;
- Có các TK 111, 112…: Trị giá các loại chi phí phải trả.
➤ Hạch toán tiền thuê tài chính ứng trước hoặc ký quỹ đảm bảo việc thuê các tài sản.
- Nợ TK 3412: Số tiền thuê trả trước;
- Nợ TK 244: Số tiền ký quỹ, ký cược;
- Có các TK 111, 112…: Trị giá tổng tiền phải trả.
➤ Khi Doanh nghiệp tiến hành nhận TSCĐ cho thuê tài chính, căn cứ vào hợp đồng thuê tài sản, các chứng từ có liên quan khác phản ánh trị giá TSCĐ thuê tài chính theo giá chưa có thuế VAT đầu vào, kế toán hạch toán:
- Nợ TK 212: Giá trị TSCĐ cho thuê tài chính theo giá chưa có thuế VAT;
- Có TK 3412: Giá trị TSCĐ cho thuê tài chính theo giá chưa có thuế VAT.
➤ Trị giá chi phí trực tiếp ban đầu liên quan tới hoạt động cho thuê tài chính được ghi nhận vào nguyên giá của TSCĐ thuê tài chính, hạch toán:
- Nợ TK 212: Trị giá chi phí trực tiếp ban đầu liên quan;
- Có TK 242: Chi phí trực tiếp đã được trả trước khi nhận bàn giao tài sản;
- Có các TK 111, 112…: Chi phí trực tiếp ban đầu liên quan.
➤ Hàng kỳ, khi doanh nghiệp trả nợ gốc, tiền lãi thuê cho bên cho thuê, hạch toán:
- Nợ TK 635: Trị giá của tiền lãi thuê trả kỳ này;
- Nợ TK 3412: Trị giá của nợ gốc trả kỳ này;
- Có các TK 111, 112…: Trị giá tiền phải trả.
➤ Khi doanh nghiệp nhận hóa đơn chứng từ của bên cho thuê yêu cầu thanh toán khoản thuế VAT đầu vào, có 2 trường hợp xảy ra:
- Trường hợp 1: Trường hợp thuế VAT được khấu trừ, hạch toán:
- Nợ TK 1332: Trị giá thuế VAT được khấu trừ;
- Có TK 112: Trị giá tiền phải trả ngay;
- Có TK 338: Trị giá thuế VAT đầu vào phải trả bên cho thuê.
- Trường hợp 2: Trường hợp thuế VAT đầu vào không được khấu trừ, kế toán hạch toán:
- Nợ TK 212: Trị giá TSCĐ cho thuê tài chính (thanh toán thuế VAT được thực hiện một lần ngay tại thời điểm ghi nhận TSCĐ cho thuê tài chính);
- Nợ các TK 627, 641, 642: Số tiền phải trả (thanh toán theo định kỳ nhận hóa đơn);
- Có TK 112: Số tiền phải trả;
- Có TK 338: Trị giá thuế VAT đầu vào phải trả bên cho thuê.
➤ Khi doanh nghiệp phải trả phí cam kết sử dụng vốn phải trả cho bên cho thuê TSCĐ, hạch toán:
- Nợ TK 635: Phí cam kết sử dụng vốn phải trả;
- Có các TK 111, 112…: Phí cam kết sử dụng vốn phải trả.
➤ Khi bên thuê trả lại TSCĐ thuê tài chính theo quy định của hợp đồng thuê, kế toán ghi giảm giá trị TSCĐ thuê tài chính, hạch toán:
- Nợ TK 2142: Trị giá hao mòn của TSCĐ;
- Có TK 212: Trị giá hao mòn của TSCĐ.
➤ Khi Doanh nghiệp đi thuê chỉ thuê hết một phần của giá trị tài sản, sau đó mua lại thì khi nhận tài sản, Kế toán ghi nhận giảm TSCĐ thuê tài chính và ghi tăng TSCĐ hữu hình, hạch toán:
- Nợ TK 211: Trị giá của TSCĐ hữu hình;
- Có TK 212: Trị giá còn lại của TSCĐ thuê tài chính;
- Có các TK 111, 112…: Trị giá số tiền phải trả thêm.
➤ Đồng thời kế toán chuyển trị giá hao mòn, kế toán hạch toán:
- Nợ TK 2142: Giá trị hao mòn của TSCĐ thuê tài chính;
- Có TK 2141: Giá trị hao mòn của TSCĐ thuê tài chính.
2. Hạch toán TSCĐ thuê tài chính đối với bên cho thuê
➤ Khi bàn giao TSCĐ cho bên đi thuê, hạch toán:
- Nợ TK 228: Trị giá TSCĐ cho thuê;
- Nợ TK 214 (2141, 2143): Giá trị hao mòn TSCĐ (nếu có);
- Có TK 211, 213: Giá trị nguyên giá TSCĐ cho thuê;
- Có TK 241: Giá trị XDCB hoàn thành sang cho thuê (đối với TS đang trong giai đoạn XDCB).
➤ Định kỳ (hàng tháng, quý, năm) theo hợp đồng thuê, kế toán phản ánh số tiền thu về cho thuê trong kỳ (cả vốn lẫn lãi):
- Nợ TK 111, 112, 1388...: Tổng số thu được từ bên đi thuê;
- Có TK 711, 511, 515: Số tiền thu về từ cho thuê TSCĐ;
- Có TK 3331 (33311): Thuế GTGT phải nộp.
Đồng thời kế toán xác định giá trị TS cho thuê phải thu hồi trong quá trình đầu tư của từng kỳ.
- Nợ TK 811:Giá trị TSCĐ thu hồi;
- Có TK 228: Giá trị TSCĐ thu hồi.
➤ Nếu bên cho thuê bán TS cho bên đi thuê trước khi hết hạn hoặc khi hết hạn cho thuê.
- Kế toán phản ánh số thu về chuyển nhượng tài sản:
- Nợ TK 111, 112, 131… Trị giá số thu về;
- Có TK 711: Trị giá số thu về.
- Kế toán phản ánh số vốn đầu tư còn lại chưa thu hồi:
- Nợ TK 811: Trị giá chưa thu hồi;
- Có TK 228: Trị giá chưa thu hồi.
➤ Nếu bên cho thuê nhận lại TS khi hết thời hạn cho thuê, căn cứ giá trị được đánh giá lại (nếu có), hạch toán:
- Nợ TK 211, 213: Giá trị đánh giá lại hoặc giá trị còn lại;
- Nợ TK 811 (hoặc có TK 711): Phần chênh lệch giữa GTCL chưa thu hồi với giá trị được đánh giá lại;
- Có TK 228: GTCL chưa thu hồi.
IV. Câu hỏi về cách hạch toán tài sản cố định thuê tài chính, thuê hoạt động
1. Doanh nghiệp có thể bán tài sản cố định và thuê tài chính lại tài sản cố định đó hay không?
Doanh nghiệp có thể bán tài sản cố định và thuê tài chính lại tài sản cố định và giao dịch này còn được gọi là bán và thuê lại.
2. Tài sản cố định đã được cho thuê tài chính thì doanh nghiệp cho thuê có được trích khấu hao tài sản cố định này nữa hay không?
TSCĐ cho thuê tài chính là đã chuyển giao quyền sở hữu cho bên thuê vì vậy DN cho thuê không được trích khấu hao TSCĐ này nữa.
Tuấn Thành - Phòng Kế toán Anpha