Thuế giá trị gia tăng là gì? Quy định về giảm thuế VAT theo Nghị định 44, cách tra cứu các mặt hàng được giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% năm 2023.
I. Thuế giá trị gia tăng là gì? Các loại thuế suất thuế giá trị gia tăng
Thuế giá trị gia tăng (GTGT) là thuế tiêu dùng đánh trên giá trị hàng hóa, dịch vụ do người tiêu dùng chi trả thông qua việc cộng thuế vào giá bán mà người tiêu dùng phải thanh toán khi mua hàng hóa, dịch vụ.
Tùy từng loại hàng hóa, dịch vụ thì sẽ chịu thuế suất thuế GTGT khác nhau là 10%, 5%, 0%, không chịu thuế và không kê khai tính, nộp thuế.
Để hiểu thêm chi tiết thuế suất áp dụng đối với từng loại hàng hóa, bạn có thể tham khảo bài viết: Quy định về thuế giá trị gia tăng tại Anpha.
II. Quy định về giảm thuế GTGT (giảm thuế VAT) năm 2023
Theo Điều 1 Nghị định 44/2023/NĐ-CP quy định về điều chỉnh giảm thuế GTGT 2023, một số nhóm hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất thuế GTGT 10% sẽ được giảm xuống còn 8% trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau:
- Nhóm 1: Dịch vụ viễn thông, dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, kim loại và các sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, các sản phẩm khai khoáng (trừ khai thác than), sản phẩm than cốc, dầu mỏ tinh chế và các sản phẩm hóa chất (chi tiết tại phụ lục I);
- Nhóm 2: Những hàng hóa, dịch vụ chịu thuế TTĐB (chi tiết tại phụ lục II);
- Nhóm 3: Các hàng hóa dịch vụ thuộc ngành công nghệ thông tin (chi tiết tại phụ lục III).
Lưu ý:
- Các mặt hàng được giảm thuế GTGT hay không được giảm thuế GTGT sẽ được áp dụng ở tất cả các khâu từ sản xuất, nhập khẩu, gia công đến thương mại. Ngoại trừ mặt hàng than chỉ được giảm thuế GTGT ở khâu khai thác bán ra, còn ở các khâu khác thì không được giảm;
- Hàng hóa được giảm thuế GTGT chỉ áp dụng đối với các mặt hàng chịu thuế suất 10% theo quy định của Luật Thuế GTGT. Còn nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế 5%, đối tượng không chịu thuế GTGT hoặc không kê khai tính nộp thuế GTGT thì không được giảm thuế.
Tham khảo:
>> Danh mục giảm thuế GTGT từ 10% xuống 8%;
>> Phân biệt không chịu thuế, thuế suất 0%, không tính thuế GTGT.
Vậy làm cách nào để chúng ta có thể biết được mặt hàng, dịch vụ của doanh nghiệp mình đang kinh doanh có được giảm thuế hay không. Anpha sẽ hướng dẫn chi tiết cho bạn đọc ở ngay bên dưới nhé.
III. Hướng dẫn tra cứu mặt hàng giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị định 44
Về nguyên tắc, nếu hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp đang kinh doanh chịu thuế suất khác 10% thì vẫn áp dụng mức thuế suất đó. Còn đối với những mặt hàng, dịch vụ chịu thuế suất 10% nằm trong 3 phụ lục I, II, III của Nghị định 44/2023/NĐ-CP thì sẽ không được giảm thuế.
Để xác định hàng hóa của doanh nghiệp có thuộc các mặt hàng được giảm thuế GTGT (giảm thuế VAT) hay không, bạn có thể thực hiện tra cứu bằng 3 cách bên dưới:
➤ Cách 1: Tra cứu theo tên dịch vụ, hàng hóa
Đây là cách tra cứu đơn giản nhất, bạn chỉ cần gõ tên hàng hóa, dịch vụ mà doanh nghiệp đang kinh doanh đối chiếu với các mặt hàng trong 3 phụ lục nêu trên bằng công cụ tìm kiếm trên Word (Ctrl+f). Nếu thấy tên hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp xuất hiện tại 1 trong 3 phụ lục tức là hàng hóa, dịch vụ đó không được giảm thuế.
Tuy nhiên, nếu không thấy thì chưa thể khẳng định ngay là hàng hóa, dịch vụ đó được giảm thuế mà cần phải tiếp tục tra cứu theo cách 2 và cách 3 dưới đây.
➤ Cách 2: Tra cứu theo mã ngành nghề
Bước 1: Xác định mặt hàng doanh nghiệp đang kinh doanh thuộc mã ngành nghề theo tên gọi ngành sản phẩm quy định tại Quyết định 43/2018/QĐ-TTg.
- Mã ngành hàng hóa, dịch vụ của công ty được căn cứ theo mã ngành doanh nghiệp đã đăng ký khi đăng ký kinh doanh. Cách để xác định mã ngành là điền mã số thuế công ty vào Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, màn hình sẽ hiển thị các mã ngành mà doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh. Từ đó xác định mã ngành các mặt hàng của doanh nghiệp;
- Trường hợp mặt hàng bạn đang cần tra cứu chưa được công ty đăng ký kinh doanh thì cần tra cứu mã ngành trực tiếp trên danh mục và nội dung hệ thống ngành sản phẩm Việt Nam (ban hành kèm theo Quyết định 43/2018/QĐ-TTg 01/11/2018 của Thủ tướng Chính phủ).
Bước 2: Sau khi đã xác định được mã ngành của hàng hóa, dịch vụ, bạn thực hiện đối chiếu với 3 phụ lục I,II,III ban hành kèm Nghị định 44/2023/NĐ-CP. Nếu trùng với mã ngành của mặt hàng tại 1 trong 3 phụ lục thì đó là các mặt hàng không được giảm thuế GTGT.
➤ Cách 3: Tra cứu theo mã HS code
Nếu hàng hóa của doanh nghiệp được nhập khẩu thì có thể sử dụng mã HS của sản phẩm đối chiếu với mã HS trong các phụ lục kể trên. Nếu trùng với mã HS trong phụ lục thì hàng hóa đó không được giảm thuế GTGT.
Lưu ý:
Trong quá trình tra cứu, bạn nên áp dụng lần lượt cả 3 cách trên để chắc chắn rằng sản phẩm, dịch vụ mà doanh nghiệp đang kinh doanh có hay không nằm trong 3 phụ lục trên để xác định chính xác thuế suất thuế GTGT của mặt hàng đó.
IV. Các câu hỏi thường gặp về quy định giảm thuế GTGT năm 2023
1. Các mặt hàng, dịch vụ chịu thuế suất thuế GTGT 5% có được giảm thuế GTGT hay không?
Chính sách giảm thuế GTGT chỉ áp dụng cho mặt hàng chịu thuế suất 10% nên các mặt hàng, dịch vụ chịu thuế GTGT 5% không được giảm.
2. Chính sách giảm thuế GTGT của Nghị định 44/2023/NĐ-CP áp dụng trong thời gian nào?
Chính sách giảm thuế GTGT được áp dụng từ ngày 01/07/2023 đến hết 31/12/2023.
>> Tham khảo: Quy định về giảm thuế GTGT 2023.
3. Hàng hóa, dịch vụ đã cung cấp từ tháng 01/2023 đến tháng 06/2023 có sai sót, nếu từ tháng 07/2023 đến tháng 12/2023 lập hóa đơn điều chỉnh và trả lại hàng thì áp dụng mức thuế suất nào?
Đối với các hóa đơn đã lập trước tháng 07/2023 với thuế suất GTGT 10%, sau ngày 01/07/2023 phát sinh các nội dung sai sót cần điều chỉnh về tiền hàng, về tiền thuế GTGT hoặc trả lại hàng thì hóa đơn điều chỉnh, hóa đơn trả lại hàng được lập với thuế suất thuế GTGT là 10%.
(Tham khảo công văn 2688/BTC-TCT ngày 23/03/2022).
Hà Phạm - Phòng Kế toán Anpha
BÌNH LUẬN - HỎI ĐÁP
Hãy để lại câu hỏi của bạn, chúng tôi sẽ trả lời TRONG 15 PHÚT