Chia sẻ khác biệt giữa hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai với phương pháp khoán - Tải mẫu chứng từ, sổ sách kế toán HKD theo Thông tư 88.
I. So sánh hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán & kê khai
Tại nội dung này, Anpha sẽ so sánh chi tiết cho bạn 6 điểm khác nhau giữa hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai và hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán.
1. Đối tượng áp dụng
Phương pháp kê khai |
Phương pháp khoán |
Áp dụng đối với hộ kinh doanh có quy mô lớn, tuy nhiên đối các hộ kinh doanh quy mô nhỏ vẫn có thể chọn nộp thuế theo phương pháp kê khai nếu có mong muốn. |
Được áp dụng với hộ kinh doanh có quy mô nhỏ. |
2. Kỳ kê khai thuế
Phương pháp kê khai |
Phương pháp khoán |
Kê khai theo tháng/theo quý. |
Không phải kê khai thuế. |
3. Chế độ kế toán, sổ sách và chứng từ
Phương pháp kê khai |
Phương pháp khoán |
Phải lập các sổ sách kế toán (sổ doanh thu, sổ tiền mặt...);
Phải lập các chứng từ kế toán (phiếu thu, phiếu chi, phiếu nhập kho, phiếu xuất kho...) và lưu trữ các chứng từ khác (nếu có). |
Không cẩn phải lập sổ sách, chứng từ kế toán. |
4. Hóa đơn đầu ra
Phương pháp kê khai |
Phương pháp khoán |
Được đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử và phải xuất hóa đơn mỗi khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ cho khách hàng. |
HKD không được đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử. Trường hợp cần xuất hóa đơn cho Khách hàng. HKD cần mua hóa đơn của cơ quan thuế theo từng lần. |
5. Số thuế phải nộp
Phương pháp kê khai |
Phương pháp khoán |
Số thuế phải nộp được tính dựa trên tỷ lệ đối với doanh thu thực tế phát sinh trong kỳ tính thuế của HKD. |
Số thuế phải nộp được cơ quan thuế khoán một mức nộp cố định. Không phụ thuộc vào doanh thu phát sinh trong kỳ tính thuế đó.
Ngoài ra, khi HKD mua hóa đơn của cơ quan thuế sẽ phải nộp thêm tiền thuế tính theo tỷ lệ của giá trị hóa đơn đó. |
6. Quyết toán thuế năm
Phương pháp kê khai |
Phương pháp khoán |
HKD chỉ phải kê khai và nộp thuế theo tháng/quý. Không cần phải kê khai quyết toán năm. |
HKD không phải kê khai thuế chỉ nộp thuế khoán hàng năm. |
II. Hệ thống chứng từ, sổ sách kế toán hộ kinh doanh theo Thông tư 88/2021
1. Tổ chức công tác kế toán
- Chủ hộ kinh doanh là người quyết định bố trí người làm kế toán cho hộ kinh doanh của mình. Chủ hộ có thể bố trí bất kỳ ai làm kế toán cho HKD của mình kể cả cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, vợ, chồng, con… và người đó có thể vừa làm kế toán cho HKD vừa làm quản lý điều hành, thủ quỹ, thủ kho không bị giới hạn như đối với doanh nghiệp;
- Hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh được thực hiện chế độ kế toán hướng dẫn tại Thông tư này (Thông tư 88/2021/TT-BTC) hoặc được phép lựa chọn áp dụng chế độ kế toán doanh nghiệp siêu nhỏ (theo Thông tư 132/2018/TT-BTC) cho phù hợp với nhu cầu và đặc điểm hoạt động sản xuất kinh doanh của hộ kinh doanh;
- Đối với việc lưu trữ tài liệu kế toán phục vụ cho việc xác định nghĩa vụ thuế đối với hộ kinh doanh cũng áp dụng giống như doanh nghiệp thông thường. Cụ thể:
- Lưu ít nhất 5 năm đối với tài liệu kế toán dùng cho quản lý, điều hành và không sử dụng trực tiếp để ghi sổ kế toán;
- Lưu ít nhất 10 năm đối với tài liệu, chứng từ dùng để ghi sổ kế toán và lập báo cáo thuế;
- Lưu vĩnh viễn đối với tài liệu có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, an ninh, quốc phòng.
2. Danh mục chứng từ kế toán
Tùy vào tình hình phát sinh của hộ kinh doanh mà kế toán sẽ lập các chứng từ kế toán tương ứng. Thông tư 88 quy định các loại chứng từ kế toán áp dụng cho HKD được chia sẻ như dưới đây.
- Phiếu thu - Mẫu số 01-TT: HKD phải lập khi phát sinh thu tiền mặt, nhập quỹ;
- Phiếu chi - Mẫu số 2-TT: HKD phải lập khi phát sinh tiền mặt;
- Phiếu nhập kho - Mẫu số 3-VT: HKD lập khi nhập kho vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, dụng cụ;
- Phiếu xuất kho - Mẫu số 4-VT: HKD lập khi xuất kho vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, dụng cụ;
- Bảng thanh toán tiền lương - Mẫu số 5-LĐTL, các khoản thu nhập của người lao động: HKD phải lập khi có chi trả lương cho nhân viên.
Ngoài ra, hộ kinh doanh cũng cần lưu trữ lại những chứng từ khác nếu có phát sinh, ví dụ:
- Hóa đơn;
- Giấy nộp tiền vào NSNN;
- Giấy báo nợ và giấy báo có của ngân hàng;
- Ủy nhiệm chi ngân hàng.
3. Sổ sách kế toán hộ kinh doanh
Hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh sử dụng các loại sổ kế toán theo danh mục sau đây:
- Sổ chi tiết doanh thu bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ (mẫu số S1- HKD): để theo dõi và tổng hợp doanh thu bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ của HKD. Và sổ phải được lập theo từng nhóm danh mục ngành nghề có cùng tỷ lệ tính thuế VAT, thuế TNCN để làm căn cứ tính số thuế phát sinh;
- Sổ chi tiết vật liệu và dụng cụ, sản phẩm và hàng hóa (mẫu số S2-HKD): Để theo dõi tình hình nhập, xuất, tồn kho cho từng vật liệu, dụng cụ, sản phẩm, hàng hóa của HKD;
- Sổ chi phí sản xuất và kinh doanh (mẫu số S3-HKD): để tập hợp chi phí sản xuất kinh doanh theo từng loại chi phí khác nhau gồm: chi phí nhân công, chi phí điện, chi phí nước, chi phí viễn thông, chi phí thuê kho bãi, chi phí quản lý, chi phí khác…;
- Sổ theo dõi tình hình thực hiện nghĩa vụ thuế với NSNN (mẫu số S4-HKD): để theo dõi tình hình phát sinh thuế và nộp thuế của HKD để làm căn cứ xác định xem HKD có nộp đủ, và nộp đúng hạn các khoản thuế, phí hay không;
- Sổ theo dõi tình hình thanh toán tiền lương và các khoản phải nộp theo lương của NLĐ (mẫu số S5-HKD): để theo dõi tình hình thanh toán lương của HKD và các khoản nộp theo lương (ví dụ: các khoản phải nộp cho BHXH) để làm căn cứ xác định số đã trả và còn phải trả NLĐ;
- Sổ quỹ tiền mặt (mẫu số S6-HKD): để theo dõi tình hình thu, chi tồn quỹ tiền mặt của HKD;
- Sổ tiền gửi ngân hàng (mẫu số S7-HKD): để theo dõi tình hình thu, chi tồn quỹ tiền gửi ngân hàng của HKD. Đối với mỗi tài khoản ngân hàng HKD sẽ phải mở một sổ theo dõi riêng.
4. Xác định doanh thu, chi phí và nghĩa vụ thuế của hộ kinh doanh
Đối với doanh thu, chi phí của hộ kinh doanh thì được xác định giống như doanh nghiệp. Còn đối với nghĩa vụ thuế sẽ được tính dựa vào doanh thu tính thuế và tỷ lệ tính thuế. Tức là việc HKD bạn nộp thuế nhiều hay ít phụ thuộc vào doanh thu của HKD. Và sẽ khác nhau đối với các ngành nghề kinh doanh khác nhau. Cụ thể tỷ lệ thuế phải nộp:
- Lĩnh vực thương mại mua bán hàng hóa: tỷ lệ thuế GTGT 1%, thuế TNCN 0.5%;
- Lĩnh vực dịch vụ không kèm hàng hóa, lĩnh vực xây dựng không bao gồm nguyên vật liệu: tỷ lệ thuế GTGT 5%, thuế TNCN 2%;
- Lĩnh vực sản xuất, dịch vụ có kèm với hàng hóa, vận tải, xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu: tỷ lệ thuế GTGT 3%, thuế TNCN 1.5%;
- Lĩnh vực dịch vụ, sản xuất sản phẩm thuộc đối tượng chịu GTGT mức thuế suất 5% theo phương pháp khấu trừ và các lĩnh vực khác không thuộc các nhóm trên: tỷ lệ thuế GTGT 2%, thuế TNCN 1%.
>> Tham khảo ngay: Cách tính thuế hộ kinh doanh theo phương pháp kê khai.
III. Các câu hỏi liên quan đến nộp thuế theo phương pháp kê khai và phương pháp khoán
Hỏi: Đối với hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai thì cần phải lập những loại sổ sách nào?
Trả lời: Đối với hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai thì cần phải lập những loại sổ:
- Sổ chi tiết doanh thu bán hàng hóa và dịch vụ;
- Sổ chi tiết vật liệu và dụng cụ, sản phẩm, hàng hóa;
- Sổ chi phí sản xuất và kinh doanh;
- Sổ theo dõi tình hình thực hiện nghĩa vụ thuế với ngân sách nhà nước;
- Sổ theo dõi tình hình thanh toán tiền lương và các khoản phải nộp theo lương của NLĐ;
- Sổ quỹ tiền mặt;
- Sổ tiền gửi ngân hàng.
Tuy nhiên không phải hộ kinh doanh nào cũng lập đủ cả 7 loại sổ sách trên. Mà tùy vào tình hình phát sinh của HKD mà bạn sẽ lập các sổ tương ứng.
Ví dụ:
Nếu HKD của bạn không có lao động, không phát sinh chi trả lương cho nhân viên thì HKD của bạn không phải lập “Sổ theo dõi tình hình thanh toán tiền lương và các khoản phải nộp theo lương của NLĐ”.
Tuấn Thành - Phòng Kế toán Anpha
Đánh giá chất lượng bài viết, bạn nhé!
BÌNH LUẬN - HỎI ĐÁP
Hãy để lại câu hỏi của bạn, chúng tôi sẽ trả lời TRONG 15 PHÚT