Khai báo tạm vắng khi nào? Xin giấy tạm vắng cần những gì, ở đâu? Hướng dẫn cách làm thủ tục khai báo tạm vắng online & trực tiếp, tải mẫu đơn xin tạm vắng.
Căn cứ quy định tại Điều 31 Luật Cư trú 2020, bạn phải thực hiện khai báo tạm vắng với cơ quan đăng ký cư trú nếu thuộc 3 trường hợp sau đây:
➧ Trường hợp 1: Vắng mặt tại nơi thường trú hoặc nơi tạm trú thuộc phạm vi đơn vị hành chính cấp xã từ 1 ngày trở lên đối với các đối tượng như:
- Bị can, bị cáo đang tại ngoại;
- Người đang thi hành án phạt quản chế, cải tạo không giam giữ;
- Người đang thi hành biện pháp giáo dục ở xã/phường/thị trấn;
- Người được tha tù trước thời hạn có điều kiện đang trong thời hạn thử thách;
- Người bị kết án phạt tù nhưng được hưởng án treo trong thời gian thử thách;
- Người bị kết án phạt tù nhưng chưa có quyết định thi hành án hoặc đã có quyết định thi hành án nhưng đang tại ngoại hoặc được hoãn/tạm đình chỉ chấp hành án;
- Người phải thi hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở cai nghiện bắt buộc, trường giáo dưỡng nhưng được hoãn hoặc tạm đình chỉ chấp hành;
- Người đang bị quản lý trong quá trình làm thủ tục xem xét và quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc trường giáo dưỡng.
➧ Trường hợp 2: Vắng mặt tại nơi thường trú hoặc tạm trú thuộc phạm vi đơn vị hành chính cấp huyện từ 3 tháng liên tục trở lên đối với các đối tượng như:
- Người thuộc độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự;
- Người đang thực hiện các nghĩa vụ khác theo quyết định của cơ quan nhà nước.
➧ Trường hợp 3: Vắng mặt tại nơi thường trú thuộc phạm vi đơn vị hành chính cấp xã từ 12 tháng liên tục trở lên đối với những người không thuộc 2 trường hợp trên (trừ khi đã đăng ký tạm trú tại chỗ ở mới hoặc đã xuất cảnh ra nước ngoài).
Lưu ý:
1) Nếu bạn vắng mặt tại nơi thường trú từ 12 tháng liên tục trở lên mà không khai báo tạm vắng hoặc không đăng ký tạm trú ở chỗ ở khác thì sẽ bị xóa đăng ký thường trú, ngoại trừ:
- Xuất cảnh ra nước ngoài mà không phải định cư;
- Đang thi hành án phạt tù, thi hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục, sở cai nghiện bắt buộc hoặc trường giáo dưỡng.
2) Đối với các đối tượng thuộc trường hợp 3 là người chưa đủ 18 tuổi thì cha mẹ hoặc người giám hộ là người khai báo tạm vắng thay.
Bài viết liên quan:
>> Cách đăng ký tạm trú online - trực tiếp;
>> Cách đăng ký tạm trú cho người thuê nhà;
>> Cách đăng ký thường trú online - trực tiếp;
>> Thủ tục đăng ký thường trú cho người đi thuê nhà;
>> Phân biệt nơi tạm trú, lưu trú, cư trú và thường trú.
Tùy từng trường hợp đăng ký tạm vắng mà bạn áp dụng hình thức khai báo khác nhau. Cụ thể:
- Đối với trường hợp 1: Chỉ thực hiện khai báo tạm vắng trực tiếp tại cơ quan đăng ký cư trú;
- Đối với trường hợp 2 và 3: Có thể khai báo tạm vắng thông qua 1 trong 3 hình thức gồm:
- Khai báo trực tiếp tại công an xã;
- Khai báo qua số điện thoại hoặc email cơ quan đăng ký cư trú đã niêm yết;
- Khai báo qua Cổng dịch vụ công Bộ Công an.
Bạn có thể tham khảo thủ tục khai báo tạm vắng online và trực tiếp tương ứng với từng trường hợp theo hướng dẫn dưới đây của Anpha.
1. Thủ tục khai báo tạm vắng trực tiếp đối với trường hợp 1
Trước khi rời khỏi nơi cư trú, bạn đến trực tiếp cơ quan đăng ký cư trú để khai báo tạm vắng theo quy trình 2 bước sau:
➧ Bước 1: Chuẩn bị bộ hồ sơ khai báo tạm vắng;
Hồ sơ đăng ký tạm vắng gồm các giấy tờ sau:
- Đơn xin tạm vắng - Mẫu CT03;
- Văn bản đồng ý cho tạm vắng của cơ quan giám sát, quản lý, giáo dục người đăng ký tạm vắng.
>> TẢI MIỄN PHÍ: Đơn đề nghị khai báo tạm vắng.
➧ Bước 2: Nộp hồ sơ cho cơ quan công an cấp xã.
- Trong vòng 1 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ khai báo tạm vắng, cơ quan công an sẽ kiểm tra hồ sơ và cấp phiếu khai báo tạm vắng (phiếu báo nhân khẩu tạm vắng/giấy tạm vắng có xác nhận của công an xã);
- Đối với các trường hợp phức tạp, thời hạn cấp giấy tạm vắng có thể kéo dài hơn nhưng tối đa là 2 ngày làm việc.
-----
Mẫu đơn xin tạm vắng (mẫu giấy tạm vắng):
2. Thủ tục đăng ký tạm vắng online và trực tiếp đối với trường hợp 2 và 3
Trường hợp đăng ký tạm vắng trực tiếp, qua điện thoại hoặc qua email
Khi khai báo tạm vắng cho trường hợp 2 và 3, bạn không cần chuẩn bị hồ sơ như trường hợp 1 mà chỉ cần cung cấp chính xác các thông tin sau đây cho cơ quan đăng ký cư trú:
- Họ tên người khai báo tạm vắng;
- Mã số định danh cá nhân, số CMND hoặc số hộ chiếu của người khai báo tạm vắng;
- Lý do tạm vắng;
- Thời gian tạm vắng;
- Địa chỉ nơi đến.
Bạn có thể tiến hành đăng ký tạm vắng online theo các bước sau đây:
➧ Bước 1: Đăng nhập vào Cổng dịch vụ công Bộ Công an bằng tài khoản VNeID;
>> Tham khảo chi tiết: Cách đăng nhập Cổng dịch vụ công bằng tài khoản VNeID.
➧ Bước 2: Tại mục “Đăng ký, quản lý cư trú” chọn “Khai báo tạm vắng” và bấm “Nộp hồ sơ”;
➧ Bước 3: Điền đầy đủ và chính xác các thông tin theo yêu cầu;
➧ Bước 4: Sau khi điền xong thông tin, bạn chọn hình thức nhận thông báo và kết quả sau đó bấm “Ghi và gửi”;
➧ Bước 5: Cơ quan đăng ký cư trú tiếp nhận và kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ khai báo tạm vắng nộp trên Cổng dịch vụ công:
- Trường hợp hồ sơ hợp lệ: Cơ quan cấp phiếu tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả;
- Trường hợp hồ sơ đủ điều kiện nhưng thiếu thông tin: Cơ quan sẽ hướng dẫn bạn điều chỉnh và cấp phiếu hướng dẫn, bổ sung và hoàn thiện hồ sơ;
- Trường hợp hồ sơ không đủ điều kiện: Cơ quan sẽ từ chối và cấp phiếu từ chối tiếp nhận, giải quyết hồ sơ khai báo tạm vắng.
>> Tham khảo thêm: Thủ tục xin giấy tạm vắng nghĩa vụ quân sự.
Các câu hỏi thường gặp khi xin giấy khai báo tạm vắng online - trực tiếp
1. Khai báo tạm vắng khi nào?
3 trường hợp phải khai báo tạm vắng gồm:
- Đi khỏi nơi thường trú hoặc nơi tạm trú thuộc phạm vi đơn vị hành chính cấp xã từ 1 ngày trở lên đối với các đối tượng như: bị can, bị cáo đang tại ngoại, người đang thi hành án…;
- Vắng mặt tại nơi thường trú hoặc tạm trú thuộc phạm vi đơn vị hành chính cấp huyện từ 3 tháng liên tục trở lên đối với những người trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự…;
- Vắng mặt tại nơi thường trú thuộc phạm vi đơn vị hành chính cấp xã từ 12 tháng liên tục trở lên đối với những người không thuộc 2 trường hợp trên (trừ khi đã đăng ký tạm trú tại chỗ ở mới hoặc đã xuất cảnh ra nước ngoài).
>> Xem chi tiết: Các trường hợp phải đăng ký tạm vắng.
2. Có cần khai báo tạm vắng cho người nước ngoài xuất cảnh không?
Theo quy định về các trường hợp bắt buộc phải khai báo tạm vắng, Điều 31 Luật Cư trú 2020 không có đề cập đến trường hợp người nước ngoài phải khai báo tạm vắng khi xuất cảnh. Do đó người nước ngoài không cần khai báo tạm vắng khi xuất cảnh ra nước ngoài.
>> Xem chi tiết: Các trường hợp phải đăng ký tạm vắng.
3. Giấy tạm vắng là gì?
Giấy tạm vắng là phiếu khai báo tạm vắng có xác nhận của cơ quan công an về việc một cá nhân tạm thời vắng mặt tại nơi cư trú trong một khoảng thời gian nhất định.
4. Xin giấy tạm vắng cần những gì?
Tùy vào từng trường hợp đăng ký tạm vắng mà bạn cần chuẩn bị hồ sơ hoặc chỉ cần cung cấp các thông tin cơ bản cho cơ quan đăng ký cư trú.
>> Xem chi tiết: Thủ tục khai báo tạm vắng cho từng trường hợp.
5. Xin giấy tạm vắng ở đâu?
Bạn có thể xin giấy tạm vắng tại cơ quan đăng ký cư trú nơi bạn đang cư trú.
6. Thủ tục đăng ký tạm vắng online trên Cổng dịch vụ công gồm những bước nào?
4 bước đăng ký tạm vắng online trên Cổng dịch vụ công gồm:
- Bước 1: Đăng nhập vào Cổng dịch vụ công Bộ Công an bằng tài khoản VNeID;
- Bước 2: Tại mục “Đăng ký, quản lý cư trú” chọn “Khai báo tạm vắng” và bấm “Nộp hồ sơ”;
- Bước 3: Điền đầy đủ và chính xác các thông tin theo yêu cầu;
- Bước 4: Sau khi điền xong thông tin, bạn chọn hình thức nhận thông báo và kết quả sau đó bấm “Ghi và gửi”;
- Bước 5: Chờ cơ quan đăng ký cư trú tiếp nhận, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và thông báo kết quả.
>> Xem chi tiết: Thủ tục đăng ký tạm vắng online trên Cổng dịch vụ công Bộ Công an.
Gọi cho chúng tôi theo số 0984 477 711 (Miền Bắc) - 0903 003 779 (Miền Trung) - 0938 268 123 (Miền Nam) để được hỗ trợ.