So sánh cách tính Thuế Doanh Nghiệp & Thuế Hộ Kinh doanh

Khái niệm, quy định đăng ký doanh nghiệp, hộ kinh doanh. Cách tính thuế doanh nghiệp, thuế khoán hộ kinh doanh. Ưu, nhược điểm của doanh nghiệp và HKD.

I. Khái niệm doanh nghiệp, hộ kinh doanh

1. Công ty, doanh nghiệp là gì?

Doanh nghiệp là mô hình kinh doanh do một hoặc nhiều cá nhân góp vốn để thành lập, có tư cách pháp nhân (trừ doanh nghiệp tư nhân) và hoạt động dưới sự quản lý của nhà nước. Trong đó:

  • Đại diện pháp nhân của doanh nghiệp là người đại diện pháp luật của doanh nghiệp;
  • Đại diện pháp lý của doanh nghiệp là con dấu của doanh nghiệp;
  • Mọi giao dịch của doanh nghiệp chỉ được xác nhận khi có chữ ký của người đại diện pháp luật và đóng dấu tròn của doanh nghiệp.

2. Hộ kinh doanh là gì?

Hộ kinh doanh (HKD) là mô hình kinh doanh do một cá nhân hay các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ và chịu trách nhiệm dưới sự quản lý của nhà nước. 

Lưu ý:

Trường hợp các thành viên của hộ gia đình cùng đăng ký thành lập hộ kinh doanh thì cần ủy quyền cho một thành viên làm đại diện. Cá nhân đăng ký hộ kinh doanh hay người được các thành viên hộ gia đình bầu ra để ủy quyền làm đại diện cho hộ sẽ là chủ hộ kinh doanh.

II. Quy định về đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hộ kinh doanh

1. Đăng ký doanh nghiệp

  • Doanh nghiệp hoặc người đăng ký thành lập doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về tính hợp pháp, chính xác và trung thực của các thông tin đã đăng ký trong hồ sơ cũng như các báo cáo của doanh nghiệp;
  • Những tranh chấp giữa các thành viên hoặc cổ đông cần được giải quyết xong trước khi nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh;
  • Không cần đóng dấu cho giấy đề nghị đăng ký, thông báo thay đổi nội dung đăng ký, nghị quyết, quyết định, biên bản họp trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp. Tiến hành đóng dấu với các tài liệu khác theo quy định pháp luật có liên quan khi đăng ký doanh nghiệp;
  • Doanh nghiệp có thể được thành lập bởi cá nhân hoặc tổ chức và được nhà nước bảo hộ theo quy định của pháp luật;
  • Căn cứ theo Nghị định 01/2021/NĐ-CP, người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp có nghĩa vụ:
    • Thực hiện các hồ sơ đăng ký doanh nghiệp một cách đầy đủ và kịp thời;
    • Công khai các thông tin về việc thành lập và hoạt động của doanh nghiệp;
    • Công khai các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
  • Khi cá nhân, tổ chức đăng ký thành lập doanh nghiệp, cơ quan đăng ký kinh doanh và các cơ quan khác không được quyền gây trở ngại khi tiếp nhận hồ sơ, đồng thời phải giải quyết hồ sơ đăng ký cho doanh nghiệp.

>> Tham khảo: Thủ tục đăng ký thành lập công ty - chi tiết điều kiện và hồ sơ.

2. Đăng ký hộ kinh doanh

Khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, hộ kinh doanh phải hoạt động theo đúng quy định tại Nghị định 01/2021/NĐ-CP. 

Điều kiện để được cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập hộ kinh doanh gồm:

  • Ngành nghề đăng ký kinh doanh không thuộc nhóm ngành nghề bị cấm;
  • Tên hộ kinh doanh được đặt theo đúng quy định tại Điều 88 Nghị định 01/2021/NĐ-CP (*);
  • Nộp đủ lệ phí theo quy định khi đăng ký hộ kinh doanh.

(*) Tên hộ kinh doanh cần đảm bảo:

>> Bao gồm 2 thành tố theo thứ tự sau:

  • Thành tố thứ nhất là cụm từ “Hộ kinh doanh”;
  • Thành tố thứ 2 là tên riêng, được đặt theo các quy định sau:
    • Được viết bằng những chữ cái trong bảng tiếng Việt, các chữ F, J, Z, W, có thể kèm theo chữ số hoặc ký hiệu;
    • Không được vi phạm truyền thống lịch sử, đạo đức, văn hóa, thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam.

>> Khi đặt tên cho hộ kinh doanh, không được dùng cụm từ “Doanh nghiệp”, “Công ty”;

>> Không được đặt trùng tên với hộ kinh doanh khác trong phạm vi cấp huyện.

>> Tham khảo: Thủ tục đăng ký hộ kinh doanh cá thể

III. Cách tính thuế doanh nghiệp và thuế khoán hộ kinh doanh

1. Cách tính thuế doanh nghiệp

Về cơ bản, các loại thuế doanh nghiệp phải nộp bao gồm:

1.1. Thuế môn bài

Thuế môn bài của doanh nghiệp sẽ được đóng theo vốn điều lệ đã đăng ký khi thành lập công ty. Theo đó, tùy vào mức vốn mà doanh nghiệp tự xác định số tiền thuế môn bài cần phải đóng cho mỗi năm. Cụ thể: 

Vốn điều lệ/vốn góp kinh doanh của doanh nghiệp Mức lệ phí môn bài cần nộp
Vốn điều lệ/vốn góp kinh doanh của doanh nghiệp từ 10 tỷ đồng trở xuống. 2.000.000 đồng/năm
Vốn điều lệ/vốn góp kinh doanh của doanh nghiệp trên 10 tỷ đồng. 3.000.000 đồng/năm

1.2. Thuế giá trị gia tăng (GTGT)

➤ Trường hợp áp dụng phương pháp tính thuế GTGT trực tiếp trên doanh thu:

Công thức tính thuế GTGT phải nộp:

Tiền thuế GTGT phải nộp = Doanh thu tính thuế GTGT x Tỷ lệ thuế GTGT

Dưới đây là thông tin về thuế suất thuế GTGT áp dụng cho ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp khi kê khai theo phương pháp trực tiếp:

STT Danh mục áp dụng cho ngành nghề kinh doanh Tỷ lệ % áp dụng tính thuế GTGT
1 Kinh doanh phân phối và cung cấp hàng hóa. 1%
2 Kinh doanh dịch vụ, xây dựng chưa bao thầu nguyên vật liệu. 5%
3 Kinh doanh sản xuất, vận tải, các dịch vụ bao gồm hàng hóa, xây dựng đã bao gồm bao thầu nguyên vật liệu. 3%
4 Các hoạt động kinh doanh khác. 2%

>> Tham khảo chi tiết: Danh mục ngành nghề tính thuế GTGT theo tỷ lệ % trên doanh thu

Ví dụ:

Trong quý 4/2023, công ty Anpha hoạt động bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ như sau:

  • Bán buôn, bán lẻ bàn ghế - xuất 200 hóa đơn bán hàng. Tổng tiền của 200 hóa đơn là 400 triệu đồng;
  • Dịch vụ tư vấn thành lập doanh nghiệp - xuất 200 hóa đơn bán hàng. Tổng tiền của 200 hóa đơn là 800 triệu đồng.

→ Số thuế GTGT công ty Anpha phải nộp trong quý 4/2023 được xác định như sau:

  • Đối với doanh thu bán bàn ghế: 400 triệu x 1% = 4 triệu đồng;
  • Đối với doanh thu dịch vụ tư vấn: 800 triệu x 5% = 40 triệu đồng.

➤ Trường hợp áp dụng phương pháp khấu trừ:

Công thức tính thuế GTGT phải nộp:

Tiền thuế GTGT phải nộp = Thuế GTGT đầu ra x Thuế GTGT đầu vào (được khấu trừ)

Ví dụ:

Ngày 28/10/2023, công ty Anpha bán một bộ bàn ghế với giá chưa thuế là 20 triệu đồng, thuế GTGT ở mức 10% là 2 triệu đồng (20 triệu x 10%). 

Ngày 30/10/2023, công ty Anpha xuất bán bộ bàn ghế khác cho khách hàng với giá bán chưa thuế là 22 triệu đồng, thuế GTGT ở mức 10% là 2.2 triệu đồng (22 triệu x 10%).

→ Tiền thuế GTGT cuối kỳ phải nộp = 2.2 triệu - 2 triệu = 200.000 đồng.

1.3. Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN)

Trong năm, doanh nghiệp có phát sinh thu nhập thì thuế TNDN sẽ được tính trên khoản lợi nhuận sau khi đã trừ các chi phí phát sinh trong năm. Cụ thể như sau:

Tiền thuế TNDN phải nộp = Lợi nhuận x Thuế suất

Trong đó, lợi nhuận (phần thu nhập tính thuế TNDN) được xác định như sau:

Thu nhập tính thuế TNDN = Doanh thu kinh doanh - Giá vốn kinh doanh - Chi phí kinh doanh

Ví dụ:

Năm 2023, công ty Anpha có:

  • Doanh thu là 500 triệu đồng;
  • Giá vốn bán hàng là 150 triệu đồng;
  • Các loại chi phí khi phát sinh doanh thu (chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp) là 50 triệu đồng.

→ Thuế TNDN phải nộp năm 2023 = (500 triệu - 150 triệu - 50 triệu ) x 20% = 60 triệu đồng.

1.4. Thuế thu nhập cá nhân (TNCN)

Là loại thuế mà doanh nghiệp cần nộp thay cho người lao động khi họ làm việc tại công ty và có phát sinh thuế phải nộp.

Công thức tính thuế TNCN trong trường hợp này:

Tiền thuế TNCN phải nộp = Thu nhập tính thuế TNCN x Thuế suất

Trong đó:

Thu nhập tính thuế TNCN = Tổng thu nhập - Các khoản giảm trừ - Bảo hiểm bắt buộc

Các khoản giảm trừ và bảo hiểm bắt buộc của cá nhân thường bao gồm:

  • Giảm trừ gia cảnh bản thân và người phụ thuộc: 
    • Bản thân: 11 triệu đồng/người/tháng;
    • Người phụ thuộc: 4.4 triệu đồng/người/tháng.
  • Bảo hiểm bắt buộc: bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm nghề nghiệp trong một số lĩnh vực đặc biệt.

2. Cách tính thuế khoán hộ kinh doanh phải nộp

Hộ kinh doanh có doanh thu trong năm dương lịch từ hoạt động sản xuất kinh doanh ít hơn hoặc bằng 100 triệu đồng sẽ được miễn nộp thuế môn bài, thuế GTGT và thuế TNCN. 

Ngược lại, hộ kinh doanh có doanh thu trong năm dương lịch từ hoạt động sản xuất kinh doanh nhiều hơn 100 triệu đồng thì bắt buộc phải nộp đủ 3 loại thuế: lệ phí môn bài, thuế GTGT và thuế TNCN.

Cách tính thuế khoán cho hộ kinh doanh được quy định như sau:

2.1. Thuế môn bài của hộ kinh doanh

Mức thuế môn bài phải nộp trong một năm của HKD được xác định căn cứ vào doanh thu mỗi năm của hộ. Cụ thể:

Doanh thu mỗi năm Mức thuế môn bài một năm
Doanh thu trên 500 triệu đồng/năm 1.000.000 đồng/năm
Doanh thu trên 300 triệu đồng/năm 500.000 đồng/năm
Doanh thu trên 100 triệu đến 300 triệu đồng/năm 300.000 đồng/năm

2.2. Thuế GTGT và TNCN của hộ kinh doanh

Dưới đây là công thức xác định thuế GTGT và thuế TNCN hộ kinh doanh phải nộp:

Tiền thuế GTGT phải nộp = Doanh thu tính thuế GTGT x Tỷ lệ % GTGT

 

Tiền thuế TNCN phải nộp = Doanh thu tính thuế TNCN x Tỷ lệ % TNCN

Lưu ý:

Tùy thuộc nhóm ngành nghề hoạt động kinh doanh cụ thể của hộ kinh doanh là gì mà quy định về tỷ lệ thuế GTGT và tỷ lệ thuế TNCN sẽ khác nhau, bạn có thể tra cứu thông tin chi tiết tại Phụ lục I Thông tư 40/2021/TT-BTC.

Ví dụ 1: 

Ông Hưng mở cửa hàng kinh doanh karaoke, có:

  • Doanh thu một tháng phát sinh là 10 triệu đồng;
  • Doanh thu 12 tháng theo đó là 120 triệu đồng/năm (10 triệu x 12) > 100 triệu đồng/năm. 

Như vậy, ông Hưng thuộc diện phải nộp thuế khoán. Mức thuế khoán hộ kinh doanh ông Hưng phải nộp cụ thể như sau:

  • Số thuế môn bài phải nộp = 300.000 đồng/năm;
  • Số thuế GTGT phải nộp = 10 triệu x 5% = 500.000 đồng/tháng;
  • Số thuế TNCN phải nộp = 10 triệu x 2% = 200.000 đồng/tháng.

Ví dụ 2

Ông Đức mở cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống, có:

  • Doanh thu một tháng phát sinh là 30 triệu đồng;
  • Doanh thu 12 tháng theo đó là 360 triệu đồng/năm (30 triệu x 12 tháng) > 100 triệu đồng/năm. 

Như vậy, ông Đức thuộc diện phải nộp thuế khoán. Mức thuế khoán hộ kinh doanh ông Đức phải nộp cụ thể như sau:

  • Số thuế môn bài phải nộp = 500.000 đồng/năm;
  • Số thuế GTGT phải nộp = 30 triệu x 3% = 900.000 đồng/tháng;
  • Số thuế TNCN phải nộp = 30 triệu x 1.5% = 450.000 đồng/tháng.

IV. Ưu, nhược điểm của mô hình doanh nghiệp và hộ kinh doanh

1. Ưu, nhược điểm của doanh nghiệp

➤ Ưu điểm của doanh nghiệp:

  • Có tư cách pháp nhân (trừ doanh nghiệp tư nhân);
  • Có con dấu pháp nhân;
  • Chủ sở hữu có toàn quyền quyết định mọi vấn đề liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp;
  • Được mở thêm chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh tại các địa chỉ khác nhau;
  • Một cá nhân có thể thành lập nhiều doanh nghiệp;
  • Được quyền tự quyết định về:
    • Số lượng hóa đơn xuất ra;
    • Hình thức hóa đơn sử dụng;
    • Chủ động trong việc xuất hóa đơn cho khách hàng.
  • Không bị giới hạn về số lượng ngành nghề đăng ký kinh doanh và được xuất hóa đơn cho tất cả ngành nghề đã đăng ký kinh doanh;
  • Không bị hạn chế về số lượng lao động.

➤ Nhược điểm của doanh nghiệp:

  • Phải lập sổ sách kế toán và báo cáo thuế hàng tháng hoặc hàng quý;
  • Thủ tục thành lập công ty phức tạp khi cần phải chuẩn bị nhiều hồ sơ công ty (điều lệ);
  • Quản lý dựa trên điều lệ vì có nhiều thành viên nên cần thống nhất ý kiến của các thành viên;
  • Phải đóng mức thuế môn bài cao hơn và phải có tài khoản công ty riêng.

>> Tham khảo: Ưu nhược điểm của các loại hình doanh nghiệp.

2. Ưu, nhược điểm của hộ kinh doanh

➤ Ưu điểm của hộ kinh doanh:

  • Thủ tục đăng ký thành lập hộ kinh doanh khá đơn giản;
  • Không phải kê khai báo cáo thuế hàng tháng, hàng quý;
  • Chế độ về chứng từ, sổ sách kế toán khá đơn giản;
  • Quy mô nhỏ, rất phù hợp cho cá nhân kinh doanh;
  • Được áp dụng thuế khoán đối với thuế phải nộp;
  • Mức thuế môn bài phải nộp mỗi năm dao động từ 300.000 - 1.000.000 đồng.

➤ Nhược điểm của hộ kinh doanh:

  • Mỗi hộ kinh doanh chỉ được có tối đa 10 lao động;
  • Không được mở thêm chi nhánh hay địa điểm kinh doanh tại địa chỉ khác;
  • Không có tư cách pháp nhân và con dấu pháp nhân;
  • Chủ hộ cần chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động của HKD;
  • Khi phát sinh cần xuất hóa đơn, HKD phải liên hệ cơ quan thuế để mua hóa đơn. Số lượng hóa đơn được phép mua bị hạn chế.

V. Câu hỏi thường gặp về doanh nghiệp và hộ kinh doanh

1. Muốn đăng ký hộ kinh doanh cần điều kiện gì?

  • Điều kiện về đối tượng thành lập: 
    • Phải là công dân Việt Nam, từ 18 tuổi trở lên, có năng lực dân sự;
    • Là một nhóm đối tượng, hộ gia đình.
  • Điều kiện về hồ sơ phải nộp: 
    • Giấy đề nghị đăng ký kinh doanh; 
    • Bản sao chứng thực thẻ CCCD hoặc hộ chiếu còn hiệu lực của cá nhân muốn đăng ký HKD hoặc người đại diện cho hộ.

2. Nên thành lập doanh nghiệp hay hộ kinh doanh?

Tùy vào nhu cầu thành lập, quy mô hoạt động và khả năng tài chính mà bạn có thể đưa ra quyết định thành lập doanh nghiệp hay hộ kinh doanh sao cho phù hợp. Cụ thể:

  • Nếu bạn chỉ có nhu cầu hoạt động với quy mô nhỏ, số vốn hạn chế thì đăng ký thành lập hộ kinh doanh sẽ là lựa chọn phù hợp, cho phép quản lý kinh doanh dễ dàng hơn;
  • Trường hợp bạn có định hướng mở rộng phát triển để liên kết, tiếp cận được nhiều khách hàng và đối tác thì nên mở công ty, bởi điều này sẽ giúp tạo dựng lòng tin tốt hơn cho đối tác và khách hàng.

>> Tham khảo chi tiết: Nên thành lập công ty hay hộ kinh doanh.

Nguyễn Xanh - Phòng Kế toán Anpha

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Đánh giá chất lượng bài viết, bạn nhé!

0.0

Chưa có đánh giá nào
Chọn đánh giá

Gửi đánh giá

BÌNH LUẬN - HỎI ĐÁP

Hãy để lại câu hỏi của bạn, chúng tôi sẽ trả lời TRONG 15 PHÚT

SĐT và email sẽ được ẩn để bảo mật thông tin của bạn GỬI NHANH