Công thức và cách tính Thuế Thu Nhập Cá Nhân Bất Thường

Thuế thu nhập bất thường là gì? Cách tính thuế thu nhập bất thường từ tiền lương, tiền công; đầu tư vốn; chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng chứng khoán…

I. Căn cứ pháp lý

  • Thông tư 111/2013/TT-BTC có hiệu lực ngày 01/10/2013;
  • Nghị định 125/2020/NĐ-CP có hiệu lực ngày 05/12/2022;
  • Thông tư 80/2021/TT-BTC có hiệu lực ngày 01/01/2022;
  • Thông tư 92/2015/TT- BTC hiệu lực ngày 30/07/2015.

II. Thuế thu nhập bất thường là gì?

Thuế thu nhập bất thường là thuế TNCN phải nộp trong trường hợp bạn có các khoản thu nhập phát sinh không thường xuyên. Vì khoản thu nhập này ít gặp nên mọi người thường quên nộp thuế cho những khoản thu nhập đó. 

Bài viết dưới đây Anpha sẽ tổng hợp các trường hợp phải đóng thuế thu nhập cá nhân bất thường để bạn có thể thực hiện đúng nghĩa vụ thuế của mình.

III. Trường hợp và cách tính thuế thu nhập cá nhân bất thường (có ví dụ)

Trường hợp 1: Thuế thu nhập cá nhân bất thường từ tiền lương, tiền công

Theo Điểm i Khoản 1 Điều 25 Thông tư 111/2013/TT-BTC về thuế TNCN quy định: Các tổ chức, cá nhân trả tiền công, tiền thù lao, tiền chi khác cho các cá nhân cư trú không ký hợp đồng lao động (theo hướng dẫn tại Điểm c, d Khoản 2 Điều 2 Thông tư này) hoặc ký hợp đồng lao động dưới 3 tháng có tổng mức trả thu nhập từ 2.000.000 đồng/lần trở lên thì phải khấu trừ thuế theo mức 10% trên thu nhập trước khi trả cho cá nhân.

Theo quy định trên thì các đối tượng sẽ bị khấu trừ thuế TNCN là 10% trên tổng thu nhập gồm: 

  • Người lao động không ký HĐLĐ với các tổ chức, cá nhân trả tiền lương, tiền công, thù lao;
  • Người lao động ký HĐLĐ dưới 3 tháng và có tổng mức trả thu nhập từ 2.000.000 đồng/lần trở lên.
Công thức tính thuế TNCN bất thường từ tiền lương, tiền công
Số tiền thuế TNCN phải nộp = Thu nhập x Thuế suất 10%

Ví dụ: 

Bạn làm CTV viết bài cho một trang báo với mức thù lao là: 400.000 đồng/bài viết. 

Trong tháng 12 bạn viết được 6 bài, thu nhập tháng 12 là: 6 x 400.000 = 2.400.000 đồng.

➨ Thuế TNCN phải nộp = 2.400.000 x 10% = 240.000 đồng.

>> Xem thêm: Cách tính thuế TNCN từ tiền lương, tiền công.

Trường hợp 2: Thuế thu nhập cá nhân bất thường từ đầu tư vốn 

Thuế thu nhập nhận từ việc đầu tư vốn là khoản thu nhập cá nhân nhận được dưới các hình thức sau: 

  • Tiền lãi nhận từ việc cho tổ chức, doanh nghiệp vay theo hợp đồng vay;
  • Nhận cổ tức từ việc góp vốn mua cổ phần hoặc phần lợi nhuận được chia khi góp vốn vào công ty TNHH 2 TV trở lên, hợp tác xã, công ty hợp danh, hợp đồng hợp tác kinh doanh;
  • Tiền lãi từ trái phiếu, tín phiếu và các giấy tờ giá trị khác được phát hành bởi các tổ chức trong nước (trừ lãi tiền gửi tín dụng, ngân hàng nước ngoài và lãi trái phiếu của Chính phủ);
  • Phần tăng thêm của giá trị vốn góp khi công ty chuyển đổi mô hình hoạt động kinh doanh, giải thể, chia, tách, sáp nhập hoặc hợp nhất doanh nghiệp.

Những trường hợp trên được áp dụng biểu thuế toàn phần với thuế suất 5%.

Công thức tính thuế TNCN bất thường từ đầu tư vốn
Số tiền thuế TNCN phải nộp = Thu nhập x Thuế suất 5%

Ví dụ 1: 

Bạn cho một công ty vay số tiền: 100.000.000 đồng, lãi suất 15%/năm, lãi nhận cuối mỗi năm. Vào ngày 31/12/2023 bạn nhận được tiền lãi của năm 2023 là: 100.000.000 x 15% = 15.000.000 đồng.

➨ Thuế TNCN phải nộp = 15.000.000 x 5% = 750.000 đồng.

Ví dụ 2: 

Bạn góp vốn thành lập công ty cổ phần hoặc công ty TNHH 2 thành viên trở lên. Sau 1 năm, công ty kinh doanh có lãi và có số lợi nhuận sau thuế 100.000.000 đồng. Công ty quyết định chia số lợi nhuận này cho các thành viên góp vốn. Trong đó bạn được chia là: 20.000.000 đồng.

➨ Thuế TNCN phải nộp = 20.000.000 x 5% = 1.000.000 đồng.

Trường hợp 3: Thuế TNCN từ việc chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng chứng khoán

1. Thu nhập từ chuyển nhượng vốn

Đây là thu nhập phát sinh khi cá nhân góp vốn trong công ty TNHH, công ty cổ phần, hợp tác xã, công ty hợp danh... chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ số vốn của doanh nghiệp mà mình đã đầu tư sang cho một hoặc nhiều tổ chức, cá nhân khác.

Thuế suất thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn góp áp dụng theo biểu thuế toàn phần với thuế suất là 20%.

Công thức tính thuế TNCN bất thường từ chuyển nhượng phần vốn góp
Số tiền thuế TNCN phải nộp = (Giá chuyển nhượng - Giá trị vốn góp/mua vốn góp ban đầu) x Thuế suất 20%

Ví dụ: 

Bạn góp vốn thành lập công ty TNHH 2 thành viên trở lên với số vốn góp là: 40.000.000 đồng (tương ứng tỷ lệ vốn 30%). Sau một thời gian bạn chuyển nhượng toàn bộ số vốn này cho anh A với giá chuyển nhượng: 50.000.000 đồng.

➨ Thuế TNCN phải nộp = (50.000.000 - 40.000.000) x 20% = 2.000.000 đồng.

2. Thu nhập nhận từ chuyển nhượng chứng khoán

Đây là thu nhập từ việc chuyển nhượng cổ phiếu (bao gồm chuyển nhượng vốn góp trong công ty cổ phần), quyền mua cổ phiếu (CP), trái phiếu (TP), tín phiếu, chứng chỉ quỹ và các loại chứng khoán khác.

Cá nhân chuyển nhượng chứng khoán sẽ tạm nộp thuế với thuế suất 0,1% trên giá chuyển nhượng chứng khoán từng lần. 

Công thức tính thuế TNCN khi chuyển nhượng chứng khoán
Số tiền thuế TNCN phải nộp = Giá chuyển nhượng CK từng lần x Thuế suất 0,1%

Lưu ý:

Cuối năm cá nhân phải quyết toán thuế áp dụng cách tính thuế như đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn và được trừ đi số thuế đã tạm nộp 0,1% trong năm.

Ví dụ: 

Bạn góp vốn thành lập công ty cổ phần với số vốn góp là: 50.000.000 đồng (tương ứng tỷ lệ góp vốn 50%), sau đó bạn chuyển nhượng toàn bộ số vốn này cho anh B với giá chuyển nhượng: 70.000.000 đồng.

➨ Thuế TNCN phải tạm nộp trong năm = 70.000.000 x 0,1% = 70.000 đồng.

Trường hợp 4: Thuế TNCN phải nộp từ việc chuyển nhượng bất động sản

Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản là thu nhập từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, chuyển nhượng quyền sở hữu nhà ở, chuyển quyền thuê đất, thuê mặt nước...

Công thức tính thuế TNCN khi chuyển nhượng BĐS
Số tiền thuế TNCN phải nộp = Giá chuyển nhượng BĐS từng lần x Thuế suất 2%

Lưu ý:

Có một số trường hợp khi chuyển nhượng bất động sản sẽ được miễn thuế, như:

  • Chuyển nhượng BĐS giữa các đối tượng có quan hệ ruột thịt với nhau như: giữa vợ với chồng, bố mẹ với con đẻ, bố mẹ nuôi với con nuôi, bố mẹ chồng với con dâu, ông bà ngoại với cháu ngoại, ông bà nội với cháu nội, anh chị em ruột với nhau;
  • Cá nhân chỉ có duy nhất một BĐS chuyển nhượng đi. 

Và một số trường hợp khác bạn có thể tham khảo thêm Điều 3 Thông tư 111/2013/TT-BTC quy định về các khoản thu nhập được miễn thuế.

>> Tham khảo thêm: Cách kê khai thuế TNCN từ chuyển nhượng bất động sản.

Trường hợp 5: Thuế TNCN phải nộp từ trúng thưởng, từ quà tặng, quà biếu

Thu nhập từ trúng thưởng bao gồm:

  • Thu nhập từ trúng thưởng xổ số do nhà nước phát hành và các hình thức xổ số khuyến mại khi mua hàng hóa hoặc sử dụng dịch vụ bao gồm cả trúng thưởng bằng tiền hay hiện vật;
  • Trúng thưởng trong casino hay trong các trò chơi cuộc thi có thưởng;
  • Thu nhập từ quà biếu, quà tặng bằng hiện vật do các tổ chức, cá nhân từ nước ngoài gửi về cho cá nhân ở Việt Nam qua mọi hình thức. Cụ thể:
    • Được nhận quà tặng là chứng khoán, phần vốn góp, bất động sản;
    • Được nhận quà tặng là các tài sản mà phải đăng ký quyền sở hữu và quyền sử dụng với cơ quan quan nhà nước như: xe máy, ô tô, tàu thủy, du thuyền, máy bay...

Tức là nếu bạn nhận quà tặng bằng tiền hoặc nhận quà tặng mà không phải đăng ký quyền sở hữu như tivi, tủ lạnh... thì không phải chịu thuế TNCN.

Công thức tính thuế TNCN từ quà tặng, trúng thưởng, thừa kế
Số tiền thuế TNCN phải nộp = (Phần giá trị hiện vật được tặng/Phần giá trị giải thưởng - 10.000.000) x Thuế suất 10%

Ví dụ: 

Bạn bốc thăm trúng thưởng 1 chiếc xe máy trị giá: 30.000.000 đồng.

➨ Thuế TNCN phải nộp = (30.000.000 - 10.000.000) x 10% = 2.000.000 đồng.

Trường hợp 6: Thuế TNCN phải nộp từ các hoạt động khác

Thu nhập nhận được từ chuyển giao, chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ, hay thu nhập từ chuyển giao công nghệ, như:

  • Chuyển giao, chuyển nhượng quyền tác giả của các tác phẩm văn học nghệ thuật…;
  • Chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp gồm kiểu dáng công nghiệp, bí mật kinh doanh, nhãn hiệu…;
  • Chuyển giao công nghệ như chuyển giao các bí mật kỹ thuật, giải pháp đổi mới công nghệ hay giải pháp hợp lý hóa sản xuất…;
  • Thu nhập nhận được từ nhượng quyền thương mại.
Công thức tính thuế TNCN từ các hoạt động khác
Số tiền thuế TNCN phải nộp = (Phần thu nhập nhận được - 10.000.000) x Thuế suất 5%

Ví dụ: 

Bạn bán lại quyền tác giả của 1 tác phẩm văn học với giá là: 100.000.000 đồng.

➨ Thuế TNCN phải nộp = (100.000.000 - 10.000.000) x 5% = 4.500.000 đồng.

Có thể bạn quan tâm:

>> Dịch vụ đăng ký bản quyền tác giả, logo;

>> Dịch vụ đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu.

IV. Câu hỏi thường gặp về thuế thu nhập cá nhân bất thường

1. Không nộp thuế thu nhập TNCN bất thường từ tiền lương, tiền công có được không?

Để không phải đóng thuế thu nhập TNCN trong trường hợp này, cá nhân cần làm cam kết theo mẫu số 08/CK-TNCN căn cứ vào Thông tư 80/2021/TT-BTC và gửi tổ chức trả thu nhập để tổ chức đó làm căn cứ tạm thời không khấu trừ thuế TNCN. 

Trường hợp phát hiện bản cam kết đó khai thu nhập không đúng sự thật sẽ bị xử phạt theo quy định. Điều kiện để bạn được làm cam kết:

  • Cá nhân phải đăng ký thuế và đã có mã số thuế do cơ quan quản lý thuế cấp;
  • Trong năm cá nhân chỉ có duy nhất thu nhập thuộc tượng phải khấu trừ thuế theo thuế suất toàn phần 10% theo Điểm i Khoản 1 Điều 25 Thông tư 111/2013/TT-BTC;
  • Tổng mức thu nhập trong năm sau khi giảm trừ gia cảnh chưa đến mức thu nhập chịu thuế.

>> TẢI MIỄN PHÍ: Mẫu 08/CK-TNCN.

2. Trường hợp trong năm bạn đã nộp số thuế TNCN từ tiền lương, tiền công thì có thể nhận lại được tiền thuế thu nhập TNCN đã bị thu đó hay không?

Trường hợp cá nhân đã bị trừ 10% thuế nhưng tổng thu nhập của cả năm đã trừ đi giảm trừ gia cảnh và các khoản miễn thuế mà chưa tới mức phải nộp thuế thì sẽ đủ điều kiện để có thể nhận lại được số tiền thuế TNCN đã nộp.

Cách thực thực hiện như sau: Cuối năm, người lao động yêu cầu công ty cấp cho chứng từ khấu trừ thuế TNCN và thực hiện làm hồ sơ quyết toán thuế TNCN để nhận lại số tiền thuế TNCN đã nộp. Khi hồ sơ được chấp nhận cơ quan thuế sẽ tiến hành hoàn thuế cho cá nhân đó.

>> Xem thêm: Thủ tục hoàn thuế thu nhập cá nhân.

3. Khi nhận được quà tặng là laptop, tivi, tủ lạnh thì có phải nộp thuế TNCN không?

Không. Chỉ khi bạn nhận quà tặng là những tài sản mà phải đăng ký quyền sở hữu và quyền sử dụng với cơ quan nhà nước như: xe máy, ô tô, tàu thủy, du thuyền, máy bay... thì mới phải nộp thuế.

>> Xem thêm: Thuế TNCN phải nộp từ trúng thưởng, từ quà tặng, quà biếu. 

Lan Anh - Phòng Kế toán Anpha

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Đánh giá chất lượng bài viết, bạn nhé!

0.0

Chưa có đánh giá nào
Chọn đánh giá

Gửi đánh giá

BÌNH LUẬN - HỎI ĐÁP

Hãy để lại câu hỏi của bạn, chúng tôi sẽ trả lời TRONG 15 PHÚT

SĐT và email sẽ được ẩn để bảo mật thông tin của bạn GỬI NHANH