Cách ghi tờ khai đăng ký thuế mẫu số 03-ĐK-TCT [Mới nhất]

Hướng dẫn cách ghi, tải mẫu tờ khai đăng ký thuế mẫu số 03-ĐK-TCT theo Thông tư 86 2024. Hồ sơ đăng ký thuế lần đầu cho hộ gia đình, cá nhân kinh doanh.

Tải miễn phí tờ khai đăng ký thuế mẫu số 03-ĐK-TCT theo Thông tư 86

Từ ngày 06/02/2025, người nộp thuế thuộc một trong các trường hợp dưới đây phải sử dụng tờ khai đăng ký thuế theo mẫu số 03-ĐK-TCT (ban hành kèm theo Thông tư 86/2024/TT-BTC) để kê khai thông tin, làm hồ sơ đăng ký thuế lần đầu với cơ quan thuế.

Theo đó, người nộp thuế bao gồm:

  • Cá nhân, hộ gia đình có hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật nhưng không phải thành lập hộ kinh doanh cá thể (tức là không cần xin giấy phép kinh doanh);
  • Cá nhân kinh doanh của các quốc gia có chung đường biên giới đất liền với Việt Nam có hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa tại chợ cửa khẩu, chợ biên giới, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu.

>> TẢI MẪU: Mẫu số 03-ĐK-TCT: Tờ khai đăng ký thuế.

Hướng dẫn cách ghi tờ khai đăng ký thuế mẫu số 03-ĐK-TCT

Sau đây Anpha sẽ hướng dẫn điền tờ khai đăng ký thuế theo mẫu số 03-ĐK-TCT dành cho hộ gia đình kinh doanh, cá nhân kinh doanh khi làm hồ sơ đăng ký thuế lần đầu.

Chi tiết như sau:

1. Chọn đối tượng

Người nộp thuế phải tích chọn 1 trong 3 đối tượng dưới đây:

  • Hộ gia đình kinh doanh;
  • Cá nhân kinh doanh;
  • Cá nhân kinh doanh của nước có chung đường biên giới đất liền với Việt Nam thực hiện hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa tại chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu.

2. Điền thông tin cá nhân/chủ hộ gia đình

➨ Đối với cá nhân/đại diện hộ gia đình là người Việt Nam:

  1. Họ và tên: Ghi họ tên đầy đủ bằng chữ in hoa (Ví dụ: HOÀNG VĂN MẠNH);
  2. Ngày, tháng, năm sinh: Ghi rõ ngày, tháng, năm sinh (Ví dụ: 16/06/1995);
  3. Số định danh cá nhân: Số định danh cá nhân chính là số thẻ căn cước/số CCCD của cá nhân kinh doanh/đại diện hộ gia đình và có 12 số (Ví dụ: 035195005988);
  4. Điện thoại liên hệ: Ghi số điện thoại của cá nhân/đại diện hộ gia đình đang sử dụng (nếu có).
  5. Email: Ghi địa chỉ email cá nhân/đại diện hộ gia đình đang sử dụng (nếu có).

Lưu ý:

Cá nhân, đại diện hộ gia đình phải kê khai các thông tin cá nhân của mình (như họ tên, ngày tháng năm sinh, số định danh cá nhân) chính xác so với các thông tin được cập nhật trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Đối với cá nhân là người có quốc tịch nước ngoài hoặc người Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài và không có số định danh cá nhân: 

  1. Họ và tên: Ghi họ tên đầy đủ bằng chữ in hoa (Ví dụ: HOÀNG VĂN AN, ROBERT POWERS);
  2. Ngày, tháng, năm sinh: Ghi rõ ngày, tháng, năm sinh (Ví dụ: 16/06/1995);
  3. Giới tính: Tích chọn ô “Nam” hoặc “Nữ”;
  4. Quốc tịch: Ghi rõ quốc tịch (Ví dụ: Việt Nam, Lào);
  5. Giấy tờ pháp lý: 
    • Chỉ chọn 1 trong 4 loại giấy tờ là hộ chiếu/giấy thông hành/CMND biên giới/giấy tờ chứng thực cá nhân khác;
    • Ghi rõ số giấy tờ, ngày cấp, nơi cấp (chỉ ghi tỉnh, thành phố cấp, cơ quan cấp).
  6. Địa chỉ thường trú: Ghi địa chỉ rõ ràng, đầy đủ thông tin về địa chỉ thường trú;
  7. Địa chỉ hiện tại: Ghi rõ ràng, đầy đủ các thông tin về địa chỉ nơi ở hiện tại của cá nhân (cá nhân chỉ ghi nếu địa chỉ hiện tại khác với địa chỉ thường trú);
  8. Thông tin khác: Cá nhân ghi số điện thoại liên hệ, địa chỉ email (nếu có).

3. Điền thông tin đại lý thuế (nếu có)

Cá nhân, hộ gia đình chỉ ghi thông tin của đại lý thuế trong trường hợp thuê đại lý thuế làm thủ tục đăng ký thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế 2019.

4. Điền thông tin về hoạt động kinh doanh

Cá nhân, đại diện hộ gia đình thực hiện kê khai các thông tin về hoạt động kinh doanh như sau:

  1. Tên cửa hàng/thương hiệu: Ghi đầy đủ tên cửa hàng hoặc thương hiệu (Ví dụ: Winny Shop);
  2. Địa chỉ kinh doanh:
    • Trường hợp cá nhân, hộ gia đình có địa điểm kinh doanh cố định hoặc có bất động sản cho thuê thì ghi rõ địa chỉ của địa điểm kinh doanh, địa chỉ của bất động sản cho thuê (bao gồm số nhà, tên đường phố, phường/xã, quận/huyện, tỉnh/thành phố) và ghi số điện thoại, số fax, email (nếu có);
    • Trường hợp cá nhân, hộ gia đình không có địa điểm kinh doanh cố định thì ghi địa chỉ nơi cá nhân, hộ gia đình đang cư trú.
  3. Địa chỉ nhận thông báo thuế: Nếu có địa chỉ nhận thông báo thuế khác với địa chỉ kinh doanh ở mục 2 thì cá nhân, hộ gia đình ghi rõ địa chỉ nhận thông báo thuế;
  4. Ngành nghề kinh doanh chính: Ghi 1 ngành nghề chính mà cá nhân, hộ gia đình đang kinh doanh tại địa điểm kinh doanh;
  5. Ngày bắt đầu hoạt động: Ghi rõ ngày bắt đầu hoạt động kinh doanh;
  6. Phương pháp tính thuế GTGT: Chọn phương pháp kê khai hoặc phương pháp khoán. Thông thường cá nhân, hộ gia đình kinh doanh quy mô nhỏ thì chọn phương pháp khoán.

5. Ký và ghi rõ họ tên

Phần người đại diện hộ gia đình/cá nhân kinh doanh (ký và ghi rõ họ tên): Cá nhân kinh doanh, đại diện hộ gia đình ký và ghi rõ họ tên vào phần này.

Nhân viên đại lý thuế: Trường hợp cá nhân, hộ gia đình thuê đại lý thuế kê khai thuế thay thì ghi đầy đủ họ tên, số chứng chỉ hành nghề của nhân viên đại lý thuế vào phần này.

Cá nhân, hộ kinh doanh có phải kê khai thuế không?

Theo quy định, bất kỳ cá nhân, hộ gia đình hay hộ kinh doanh nào có hoạt động kinh doanh thì đều phải thực hiện kê khai thuế theo quy định của pháp luật.

Trước khi tiến hành kê khai thuế thì cá nhân, hộ gia đình và hộ kinh doanh phải thực hiện đăng ký thuế (còn gọi là đăng ký mã số thuế kinh doanh). Tuy nhiên, quy định này có sự khác biệt giữa hộ kinh doanh và cá nhân/hộ gia đình như sau:

➨ Đối với hộ kinh doanh cá thể:

  • Khi thực hiện hồ sơ xin cấp giấy phép đăng ký hộ kinh doanh, hộ sẽ được cấp luôn mã số thuế (MST) kinh doanh, nên không cần thực hiện thủ tục đăng ký thuế riêng;
  • Sau đó, chủ hộ kinh doanh phải lên Chi cục Thuế quản lý tại nơi đặt địa điểm kinh doanh để thực hiện việc kê khai và nộp thuế (thông thường sẽ là nộp thuế khoán).

➨ Đối với hộ gia đình, cá nhân kinh doanh:

Hộ gia đình, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật nhưng không phải đăng ký hộ kinh doanh cá thể nộp hồ sơ đăng ký thuế lần đầu tại 1 trong 2 nơi sau:

  • Nộp tại Chi cục Thuế/Chi cục Thuế khu vực nơi đặt địa điểm kinh doanh cố định, hoặc nơi có bất động sản cho thuê của hộ gia đình, cá nhân kinh doanh;
  • Nộp tại Chi cục Thuế hoặc Chi cục Thuế khu vực nơi cư trú của hộ gia đình, cá nhân kinh doanh, trường hợp cá nhân, hộ gia đình không có địa điểm kinh doanh cố định.

Như vậy, dù là cá nhân, hộ gia đình hay hộ kinh doanh, khi tham gia hoạt động kinh doanh đều phải thực hiện nghĩa vụ kê khai thuế theo quy định, đồng thời đảm bảo hoàn tất thủ tục đăng ký thuế trước khi kê khai.

 

Hồ sơ đăng ký thuế lần đầu của cá nhân kinh doanh, hộ gia đình

Trong vòng 10 ngày kể từ ngày bắt đầu hoạt động kinh doanh thì hộ gia đình và cá nhân kinh doanh phải làm thủ tục đăng ký thuế lần đầu với cơ quan thuế.

Hồ sơ đăng ký thuế lần đầu bao gồm:

  • Tờ khai đăng ký thuế theo mẫu số 03-ĐK-TCT;
  • Bản sao CCCD/thẻ căn cước/hộ chiếu của cá nhân, chủ hộ;
  • Bản sao hợp đồng thuê nhà/địa điểm kinh doanh hoặc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (trường hợp có địa điểm kinh doanh cố định hoặc có bất động sản cho thuê).

>> TẢI MẪU: Mẫu số 03-ĐK-TCT: Tờ khai đăng ký thuế.

Trên đây, Anpha đã hướng dẫn cho bạn cách ghi tờ khai đăng ký thuế và cách chuẩn bị hồ sơ đăng ký thuế lần đầu dành cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, hộ gia đình. Nếu bạn cần hỗ trợ thêm thông tin có thể để lại câu hỏi bên dưới bài viết hoặc liên hệ cho Anpha theo số 0901 042 555 (Miền Bắc) - 0939 356 866 (Miền Trung) - 0902 602 345 (Miền Nam) để được Anpha tư vấn miễn phí.

Gọi cho chúng tôi theo số 0901 042 555 (Miền Bắc) - 0939 356 866 (Miền Trung) - 0902 602 345 (Miền Nam) để được hỗ trợ.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Đánh giá chất lượng bài viết, bạn nhé!

5.0

1 đánh giá
Chọn đánh giá

Gửi đánh giá

BÌNH LUẬN - HỎI ĐÁP

Hãy để lại câu hỏi của bạn, chúng tôi sẽ trả lời TRONG 15 PHÚT

SĐT và email sẽ được ẩn để bảo mật thông tin của bạn GỬI NHANH