Tham khảo chi tiết hồ sơ, thủ tục giải thể hộ kinh doanh cá thể (hay còn gọi là thủ tục đóng mã số thuế và chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh) trong bài viết này.
Nguyên nhân dẫn đến giải thể hộ kinh doanh
Ngày nay, đa phần nhiều người thường chọn đăng ký hộ kinh doanh cá thể (kinh doanh hộ gia đình) để mở cửa hàng ăn uống, bán tạp hóa, văn phòng phẩm… bởi mô hình này yêu cầu vốn ít, thủ tục đăng ký đơn giản và mức thuế phải nộp thấp. Vậy nguyên do nào có thể khiến hộ kinh doanh phải giải thể hay chấm dứt hoạt động?
Có một số lý do như sau:
- Phải đóng cửa hoặc hạn chế kinh doanh do dịch bệnh kéo dài;
- Hộ kinh doanh gặp khó khăn do thiếu vốn, thiếu ứng dụng công nghệ, marketing vào hoạt động bán hàng dẫn đến khách hàng ít, kinh doanh thua lỗ;
- Hộ kinh doanh muốn chuyển địa chỉ kinh doanh nên phải giải thể hộ kinh doanh ở quận/huyện cũ thì mới được chuyển sang quận/huyện mới;
- Vì muốn tiếp cận được nhiều đối tượng khách hàng doanh nghiệp hơn nên chủ hộ kinh doanh muốn giải thể hộ kinh doanh để thành lập công ty.
Quy trình, thủ tục giải thể hộ kinh doanh cá thể
Thủ tục giải thể hộ kinh doanh cũng tương tự như thủ tục giải thể công ty, doanh nghiệp nhưng hồ sơ đơn giản hơn và thời gian giải quyết nhanh hơn.
Quy trình giải thể hộ kinh doanh được thực hiện theo 2 bước sau:
Bước 1. Làm thủ tục đóng mã số thuế hộ kinh doanh tại cơ quan thuế
Thủ tục đóng mã số thuế hộ kinh doanh còn gọi là thủ tục chấm dứt hiệu lực mã số thuế hộ kinh doanh. Để đóng mã số thuế hộ kinh doanh, chủ hộ cần làm đồng thời 2 việc sau:
➨ Một là, hoàn thành nghĩa vụ thuế, nghĩa vụ với người lao động và chủ nợ:
- Nghĩa vụ với người lao động và chủ nợ: Hộ kinh doanh có trách nhiệm phải thanh toán đầy đủ các khoản tiền lương, thưởng cho người lao động; phải thanh toán đầy đủ các khoản nợ cho các chủ nợ (nếu có). Trường hợp chưa thanh toán được hết ngay thì phải có biên bản thỏa thuận giữa chủ hộ kinh doanh và người lao động hoặc chủ nợ về biện pháp xử lý tiền lương, thưởng và các khoản nợ sau này;
- Nghĩa vụ với cơ quan thuế: Chủ hộ kinh doanh cần liên hệ với cán bộ quản lý thuế để kiểm tra và hoàn thành các nghĩa vụ về thuế như: tiền thuế phát sinh chưa đóng đến thời điểm giải thể, các loại tờ khai, báo cáo chưa nộp (nếu có).
➨ Hai là, nộp hồ sơ đóng mã số thuế hộ kinh doanh:
Hồ sơ đóng mã số thuế hộ kinh doanh hộ kinh doanh gồm có :
- Văn bản đề nghị chấm dứt hiệu lực mã số thuế (mẫu số 24/ĐK-TCT);
- Bản gốc giấy chứng nhận đăng ký thuế của hộ kinh doanh;
- Công văn xin xác nhận hoàn thành nghĩa vụ thuế của hộ kinh doanh.
TẢI MIỄN PHÍ: Hồ sơ đóng mã số thuế hộ kinh doanh.
➨ Nơi nộp hồ sơ: Hộ kinh doanh nộp hồ sơ trực tiếp tại Chi cục Thuế quản lý cấp quận/huyện;
➨ Quy trình xử lý hồ sơ:
Sau khi nhận được hồ sơ hợp lệ, trong vòng 2 ngày làm việc Chi cục Thuế quản lý sẽ:
- Ra thông báo về việc người nộp thuế ngừng hoạt động và đang làm thủ tục chấm dứt hiệu lực mã số thuế;
- Chuyển trạng thái MST của hộ kinh doanh trên ứng dụng đăng ký thuế từ “Đang hoạt động” sang “NNT ngừng hoạt động nhưng chưa hoàn thành thủ tục chấm dứt hiệu lực mã số thuế”.
Sau khi cán bộ thuế kiểm tra hộ kinh doanh cá thể đã hoàn thành hết các nghĩa vụ thuế thì trong vòng 3 ngày làm việc tiếp theo, cơ quan thuế sẽ:
- Ra Thông báo về việc chấm dứt hiệu lực mã số thuế của hộ kinh doanh (Mẫu số 18/TB-ĐKT);
- Và cấp thông báo xác nhận hoàn thành nghĩa vụ thuế cho hộ kinh doanh.
Bước 2. Làm thủ tục chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh tại UBND quận/huyện
Sau khi làm xong thủ tục đóng MST, chủ hộ thực hiện thủ tục giải thể hay còn gọi là thủ tục chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh tại UBND quận/huyện nơi cấp giấy phép hoạt động cho hộ kinh doanh.
Hồ sơ chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh gồm có:
- Bản gốc giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh;
- Thông báo về việc chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh;
- Thông báo xác nhận hoàn thành nghĩa vụ thuế (do Cơ quan Thuế cấp ở bước 1);
- Thông báo về việc chấm dứt hiệu lực mã số thuế của hộ kinh doanh (Mẫu số 18/TB-ĐKT);
- Bản sao công chứng biên bản họp của các thành viên hộ gia đình về việc chấm dứt hoạt động HKD cá thể (nếu các thành viên của hộ gia đình cùng thành lập hộ kinh doanh).
TẢI MIỄN PHÍ: Hồ sơ chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh.
Trong vòng 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, UBND quận/huyện ra thông báo về việc chấm dứt hoạt động cho hộ kinh doanh cá thể.
Lưu ý:
Trường hợp hộ kinh doanh tự ý chấm dứt hoạt động kinh doanh mà không thông báo hoặc không nộp lại giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cho UBND quận/huyện thì có thể bị xử phạt hành chính từ 500.000đ - 1.000.000đ tùy theo mức độ vi phạm và buộc phải thông báo hoặc nộp lại bản gốc giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cho UBND quận/huyện.
Các câu hỏi thường gặp khi giải thể hộ kinh doanh
1. Có mấy trường hợp dẫn đến giải thể hộ kinh doanh?
Hộ kinh doanh có thể giải thể trong các trường hợp sau:
- Hoạt động kinh doanh thua lỗ;
- Phải đóng cửa hoặc hạn chế kinh doanh do dịch bệnh kéo dài;
- Giải thể hộ kinh doanh để chuyển địa chỉ sang quận/huyện mới;
- Giải thể hộ kinh doanh để thành lập công ty, doanh nghiệp.
2. Thủ tục giải thể hộ kinh doanh gồm mấy bước?
Thủ tục giải thể hộ kinh doanh bao gồm 2 bước sau:
- Bước 1. Làm thủ tục đóng mã số thuế hộ kinh doanh tại cơ quan thuế;
- Bước 2. Làm thủ tục chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh tại UBND quận/huyện.
Xem chi tiết: Thủ tục giải thể hộ kinh doanh cá thể.
3. Hồ sơ giải thể hộ kinh doanh gồm những gì?
Bộ hồ sơ giải thể hộ kinh doanh gồm hồ sơ đóng mã số thuế hộ kinh doanh nộp tại cơ quan thuế và hồ sơ chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh nộp tại UBND quận/huyện.
4. Hồ sơ đóng mã số thuế hộ kinh doanh gồm những gì?
Thành phần hồ sơ gồm có: Văn bản đề nghị chấm dứt hiệu lực mã số thuế (mẫu số 24/ĐK-TCT), bản gốc giấy chứng nhận đăng ký thuế của hộ kinh doanh, công văn xin xác nhận hoàn thành nghĩa vụ thuế của hộ kinh doanh.
5. Hồ sơ chấm dứt hiệu lực mã số thuế gồm những gì?
Thành phần hồ sơ gồm có:
- Bản gốc giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh;
- Thông báo về việc chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh;
- Thông báo xác nhận hoàn thành nghĩa vụ thuế;
- Thông báo về việc chấm dứt hiệu lực mã số thuế;
- Bản sao công chứng biên bản họp của các thành viên hộ gia đình về việc chấm dứt hoạt động HKD cá thể (nếu các thành viên của hộ gia đình cùng thành lập HKD).
6. Khi giải thể, hộ kinh doanh có phải nộp lại giấy chứng nhận đăng ký thuế và giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh không?
Có. Hộ kinh doanh phải nộp lại giấy chứng nhận đăng ký thuế cho cơ quan thuế quản lý và giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho UBND quận/huyện.
Gọi cho chúng tôi theo số 0984 477 711 (Miền Bắc) - 0903 003 779 (Miền Trung) - 0938 268 123 (Miền Nam) để được hỗ trợ.
Đánh giá chất lượng bài viết, bạn nhé!
BÌNH LUẬN - HỎI ĐÁP
Hãy để lại câu hỏi của bạn, chúng tôi sẽ trả lời TRONG 15 PHÚT