Cách tính Thuế Thu Nhập Cá Nhân hợp đồng dịch vụ, thời vụ

Hướng dẫn tính thuế thu nhập cá nhân TNCN các khoản thu nhập từ hợp đồng lao động ngắn hạn (hợp đồng giao khoán, hợp đồng thời vụ & hợp đồng dịch vụ).

Theo Bộ luật Lao động năm 2019 có quy định về 2 loại hợp đồng lao động được giao kết là hợp đồng lao động xác định thời hạn và hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp sẽ phát sinh những công việc mang tính chất thời vụ, ngắn hạn, không thường xuyên và theo thỏa thuận yêu cầu công việc giữa các bên. Đó là nguyên nhân phát sinh các loại hợp đồng giao khoán, hợp đồng dịch vụ và hợp đồng thời vụ để đáp ứng nhu cầu hoạt động, vận hành của từng doanh nghiệp.

I. Cách tính thuế TNCN từ hợp đồng dịch vụ, thời vụ, giao khoán

Theo quy định tại Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định các khoản thu nhập chịu thuế TNCN bao gồm:

  • Thu nhập từ tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công dưới các hình thức bằng tiền hoặc không bằng tiền;
  • Tiền thù lao nhận được dưới các hình thức: tiền tham gia các dự án, đề án, nhuận bút, tiền dịch vụ quảng cáo, tiền dịch vụ khác, thù lao khác…

Từ đó, các loại hợp đồng như hợp đồng giao khoán (tiền công), hợp đồng dịch vụ, hợp đồng thời vụ được ký kết giữa người sử dụng lao động (NSDLĐ) và người lao động (NLĐ), khi có thu nhập phát sinh thì thuộc diện chịu thuế TNCN. Lúc này, thuế TNCN sẽ được xác định như sau:

➨ Trường hợp 1: Tổng mức thu nhập dưới 2.000.000 đồng/lần thì không khấu trừ thuế TNCN.

➨ Trường hợp 2: Tổng thu nhập từ 2.000.000 đồng/lần, có ký hợp đồng dưới 3 tháng hoặc không ký hợp đồng thì thực hiện khấu trừ theo mức 10% trên thu nhập trước khi thanh toán cho NLĐ được quy định tại Khoản i Mục 1 Điều 25 Thông tư 111/2013/TT-BTC. 

Thuế thu nhập cá nhân được tính theo công thức:

Thuế TNCN = Thu nhập tính thuế x 10%

Trong đó: 

Thu nhập tính thuế là tổng thu nhập không giảm trừ, cụ thể không giảm trừ các khoản bản thân và người phụ thuộc, không giảm trừ các khoản miễn thuế…

Lưu ý:

1) Chứng từ để kê khai thuế TNCN mà NLĐ cần cung cấp là CMND/CCCD và mã số thuế cá nhân.

2) Khi cá nhân làm bản cam kết ước tính tổng thu nhập trong năm dương lịch chưa đến mức chịu thuế TNCN, yêu cầu doanh nghiệp tạm thời chưa khấu trừ 10% thuế TNCN. Điều kiện để làm bản cam kết là:

  • Đã có mã số thuế cá nhân tại thời điểm làm bản cam kết theo mẫu 08/CK-TNCN;
  • Có thu nhập phát sinh duy nhất tại một nơi;
  • Ước tính tổng thu nhập trong năm dương lịch chưa đến mức chịu thuế TNCN theo quy định.

➨ Trường hợp 3: Tổng thu nhập từ 2.000.000 đồng/lần có ký hợp đồng từ 3 tháng trở lên, cá nhân thực hiện khấu trừ thuế theo biểu thuế lũy tiến toàn phần quy định tại Khoản b Mục 1 Điều 25 Thông tư 111/2013/TT-BTC. 

Thuế thu nhập cá nhân được tính theo công thức:

Thuế TNCN = Thu nhập tính thuế x Thuế suất

Trong đó:

Thu nhập tính thuế là tổng thu nhập không giảm trừ, cụ thể không giảm trừ các khoản bản thân và người phụ thuộc, không giảm trừ các khoản miễn thuế…

Lưu ý: 

Chứng từ để kê khai thuế TNCN mà NLĐ cần cung cấp bao gồm CMND/CCCD và mã số thuế cá nhân

Biểu tính thuế rút gọn: Phụ lục 01/PL-TNCN

Tham khảo chi tiết: 

>> Cách tính thuế thu nhập cá nhân;

>> Tính thu nhập chịu thuế.

II. Các điều kiện trong hợp đồng giao khoán, hợp đồng dịch vụ & thời vụ

Trên thực tế, có một số ít doanh nghiệp làm giả phương thức giao kết các loại hợp đồng giao khoán, hợp đồng dịch vụ và hợp đồng thời vụ nhằm trốn tránh nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT và BHTN cho người lao động. 

Vậy nên, khi ký kết các hợp đồng giao khoán, dịch vụ hoặc thời vụ cần thêm các điều kiện như sau:

  • Đối với hợp đồng giao khoán và hợp đồng dịch vụ: 
    • Chứng chỉ hành nghề, trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu của NSDLĐ;
    • Biên bản nghiệm thu dịch vụ đã hoàn thành;
    • Biên bản thanh ký hợp đồng;
    • Chứng từ thanh toán.
  • Đối với hợp đồng thời vụ: 
    • Bảng chấm công, bảng tính và thanh toán tiền lương;
    • Chứng từ thanh toán.

>> Bài viết liên quan: Quy định về hợp đồng thời vụ.

III. Câu hỏi khi tính thuế TNCN hợp đồng giao khoán, dịch vụ, thời vụ

1. Công ty A có ký hợp đồng thời vụ với NLĐ dưới 3 tháng, theo thỏa thuận nhận lương theo tuần, mức chi trả hàng tuần đều dưới 2.000.000đ/lần chi trả. Vậy trường hợp này NLĐ có phát sinh thuế TNCN không?

Đối với tình huống ở trên, có 2 trường hợp có thể xảy ra như sau:

  • Trường hợp 1: Nếu tổng thu nhập tính trên 1 tháng của NLĐ dưới 2.000.000đ/tháng → Không thực hiện khấu trừ thuế TNCN;
  • Trường hợp 2: Nếu tổng thu nhập tính trên 1 tháng của NLĐ trên 2.000.000đ/tháng → Thực hiện khấu trừ 10% trên tổng thu nhập trước khi thanh toán cho NLĐ (hướng dẫn cụ thể tại Công văn số 9611/CT- TTHT ngày 21/11/2023 của Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh).

>> Tham khảo chi tiết: Thu nhập chịu thuế TNCN.

2. Công ty B có ký hợp đồng dưới 3 tháng với cá nhân H, trước khi ký hợp đồng với đơn vị, nhân viên H có thu nhập ở nơi khác và đã số mã số thuế cá nhân. Tại công ty B, nhân viên H có làm bản cam kết ước tính thu nhập trong năm dương lịch chưa đạt đến mức chịu thuế TNCN để công ty B tạm thời không khấu trừ 10% TNCN. Trường hợp này có đúng theo quy định về thuế TNCN không?

Trong trường hợp cá nhân H ký hợp động với công ty B dưới 3 tháng, trong năm dương lịch trước khi vào đơn vị, cá nhân H đã làm việc nơi khác và có thu nhập tại những nơi này, đã có mã số thuế cá nhân thì cá nhân H không thuộc diện làm cam kết - mẫu 08/CK-TNCN.

Công ty B phải thực hiện khấu trừ thuế TNCN theo mức 10% trên tổng mức thu nhập từ 2.000.000 đồng trở lên theo Điểm i Khoản 1 Điều 25 Thông tư 111/2023-TT-BTC ban hành ngày 15/08/2023.

3. Công ty C hoạt động lĩnh vực xây dựng, thường thuê mướn lao động theo nhu cầu phát sinh phục vụ cho hoạt động thi công công trình. Vậy nên, việc ký hợp đồng với NLĐ dưới 3 tháng, ký nhiều lần trong năm và xác định nghĩa vụ thuế TNCN của NLĐ tính như thế nào?

Công ty C ký hợp đồng theo mùa vụ với NLĐ dưới 3 tháng. Trong năm tài chính, Công ty C ký nhiều lần không liên tục (chỉ khi có nhu cầu), cả năm cá nhân đó có tổng thời gian lao động tại đơn vị từ 3 tháng đến dưới 12 tháng thì công ty C thực hiện tạm khấu trừ thuế của cá nhân trong trường hợp trên theo Biểu thuế lũy tiến từng phần tính trên thu nhập tháng.

Trường hợp này được hướng dẫn cụ thể theo Công văn số 9611/CT-TTHT ngày 21/11/2023 của Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh.

>> Tham khảo chi tiết: Cách tính thuế TNCN từ tiền lương tiền công.

Dung Lê - Phòng Kế toán Anpha

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Đánh giá chất lượng bài viết, bạn nhé!

0.0

Chưa có đánh giá nào
Chọn đánh giá

Gửi đánh giá

BÌNH LUẬN - HỎI ĐÁP

Hãy để lại câu hỏi của bạn, chúng tôi sẽ trả lời TRONG 15 PHÚT

SĐT và email sẽ được ẩn để bảo mật thông tin của bạn GỬI NHANH