Cách xử lý trường hợp khách hàng không lấy hóa đơn GTGT

Tìm hiểu các trường hợp người mua không lấy hóa đơn VAT. Hướng dẫn viết hóa đơn GTGT và kê khai hóa đơn VAT khi khách hàng không lấy hóa đơn GTGT

I. Căn cứ pháp lý

  • Căn cứ theo Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/03/2014 của Bộ Tài chính;
  • Căn cứ theo Thông tư 26/2015/TT-BTC ban hành ngày 27/02/2015 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 39/2014/TT-BTC;
  • Căn cứ Thông tư 153/2010/TT-BTC ban hành ngày 28/09/2010;
  • Căn cứ Nghị định 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ;
  • Căn cứ Thông tư 78/2021/TT-BTC ngày 17/09/2021.

II. Các trường hợp người mua không lấy hóa đơn VAT

1. Trường hợp khách hàng không lấy hóa đơn có giá trị từ 200.000 đồng trở lên

Căn cứ Điểm b Khoản 7 Điều 3 Thông tư 26/2015/TT-BTC ban hành ngày 27/02/2015 sửa đổi, bổ sung Điểm b Khoản 2 Điều 16 Thông tư 39/2014/TT-BTC quy định như sau:

Trường hợp mỗi lần bán hàng hóa cung ứng dịch vụ từ 200.000 đồng trở lên, doanh nghiệp bắt buộc vẫn phải xuất hóa đơn theo từng lần bán hàng cho khách hàng nếu: 

  • Người mua không lấy hóa đơn;
  • Không có mã số thuế;
  • Không cung cấp tên và địa chỉ.

Như vậy, khi bán hàng hoặc cung cấp dịch vụ có giá trị đơn hàng trên 200.000 đồng thì phải xuất hóa đơn (dù khách không lấy hóa đơn). 

2. Trường hợp người mua không lấy hóa đơn có giá trị dưới 200.000 đồng

Căn cứ Điều 16 Thông tư 153/2010/TT-BTC quy định như sau:

  • Đối với bán hàng hóa, dịch vụ có tổng giá trị thanh toán dưới 200.000 đồng mỗi lần thì không phải lập hóa đơn cho từng lần (trừ trường hợp người mua yêu cầu xuất);
  • Cuối ngày, cơ sở kinh doanh lập một hóa đơn giá trị gia tăng ghi tổng số tiền bán kèm theo bảng kê bán lẻ hàng hóa dịch vụ trong ngày.

Như vậy, khi bán hàng có giá trị dưới 200.000 đồng mỗi lần thì bắt buộc vẫn phải xuất hóa đơn cho khách hàng không lấy hóa đơn.

3. Trường hợp khách hàng đã tạm ứng dịch vụ nhưng sau đó hủy dịch vụ không lấy hóa đơn

  • Căn cứ Khoản 2 Điều 9 Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định thời điểm lập hóa đơn như sau: 
    • Đối với cung ứng dịch vụ, thời điểm lập hóa đơn là thời điểm hoàn thành cung ứng dịch vụ, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa;
    • Trường hợp người mua dịch vụ thanh toán tiền trước hoặc trong khi cung cấp dịch vụ thì thời điểm lập hóa đơn là thời điểm thu tiền.
    • Căn cứ Điểm b Khoản 1 Điều 7 Thông tư 78/2021/TT-BTC quy định về trường hợp người bán lập hóa đơn tại thời điểm thu tiền trước hoặc trong khi cung cấp dịch vụ, sau đó phát sinh hủy hoặc chấm dứt dịch vụ như sau:
    • Người bán phải hủy hóa đơn đã lập;
    • Gửi thông báo cho cơ quan thuế về việc hủy hóa đơn đã lập theo mẫu 04/SS-HĐĐT.

Như vậy, khi bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ, người bán bắt buộc phải xuất hóa đơn GTGT cho khách hàng (dù khách hàng không lấy hóa đơn GTGT), trừ một số trường hợp không phải xuất hóa đơn theo quy định của pháp luật.

Xem thêm: 

>> Quy định về trường hợp bắt buộc phải xuất hóa đơn GTGT;

>> Các trường hợp phải xuất hóa đơn và không phải xuất hóa đơn.

III. Cách xử lý khi khách hàng không lấy hóa đơn (khách lẻ không lấy hóa đơn)

1. Cách viết hóa đơn GTGT khi khách không lấy hóa đơn

Cách viết hóa đơn giá trị gia tăng khi khách hàng không lấy hóa đơn như sau:

  • Trên tiêu thức “Tên người mua hàng”: Ghi “Người mua không lấy hóa đơn” hoặc “Khách lẻ không lấy hóa đơn”;
  • Trên tiêu thức “Địa chỉ”: Để trống, không cần ghi. 

2. Cách kê khai hóa đơn GTGT khi khách không lấy hóa đơn

Kê khai hóa đơn đối với khách mua không lấy hóa đơn, kế toán thực hiện hạch toán và kê khai thuế GTGT như các hóa đơn bình thường khác.

Xem thêm: 

>> Hướng dẫn lập tờ khai thuế GTGT;

>> Đối tượng không phải kê khai thuế GTGT (VAT).

IV. Câu hỏi thường gặp về các trường hợp khách lẻ không lấy hóa đơn VAT

1. Người nước ngoài đến Việt Nam mua hàng, khách không lấy hóa đơn thì ghi thông tin xuất hóa đơn như thế nào?

Tại Điểm b Khoản 5 Điều 10 Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ cho khách hàng nước ngoài đến Việt Nam, thông tin về địa chỉ người mua được thay thế bằng giấy tờ xuất nhập cảnh hoặc số hộ chiếu và quốc tịch của khách nước ngoài.

2. Trường hợp bán hàng tại siêu thị, trung tâm thương mại thì xuất hóa đơn như thế nào?

Căn cứ vào Điểm c Khoản 14 Điều 10 Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định đối với hóa đơn điện tử bán hàng tại siêu thị, trung tâm thương mại nếu người mua là cá nhân không kinh doanh thì trên hóa đơn không bắt buộc phải có tên, địa chỉ, mã số thuế người mua. 

Như vậy đối với khách hàng không lấy hóa đơn điện tử tại siêu thị thì hóa đơn chỉ cần ghi rõ tên người mua là “Khách lẻ không lấy hóa đơn”.

3. Người mua không cung cấp thông tin xuất hóa đơn thì không xuất có được không?

Không. Việc người mua không cung cấp thông tin để xuất hóa đơn, doanh nghiệp bắt buộc vẫn phải xuất hóa đơn và ghi rõ tên “Người mua không lấy hóa đơn”, nếu doanh nghiệp không xuất hóa đơn sẽ bị phạt về hành vi trốn doanh thu.

>> Xem thêm: Quy định xử phạt hành chính về hóa đơn.

Thu Lê - Phòng Kế toán Anpha

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Đánh giá chất lượng bài viết, bạn nhé!

0.0

Chưa có đánh giá nào
Chọn đánh giá

Gửi đánh giá

BÌNH LUẬN - HỎI ĐÁP

Hãy để lại câu hỏi của bạn, chúng tôi sẽ trả lời TRONG 15 PHÚT

SĐT và email sẽ được ẩn để bảo mật thông tin của bạn GỬI NHANH