Điều kiện, quy định thành lập công ty cổ phần - Có ví dụ chi tiết

Để thành lập doanh nghiệp với loại hình công ty cổ phần, bạn cần thỏa các điều kiện và quy định của cơ quan nhà nước như vốn, người thành lập, bằng cấp... Tại bài viết này, Anpha sẽ chia sẻ chi tiết những điều kiện cần biết để thành lập công ty cổ phần nhanh chóng.

Điều kiện về người thành lập và người đại diện công ty cổ phần

1. Người thành lập công ty cổ phần

Các trường hợp sau không được phép thành lập doanh nghiệp nói chung hay công ty cổ phần nói riêng: Cán bộ, công nhân viên chức, cá nhân không có năng lực hành vi dân sự, người đang trong thời gian thi hành án… Bạn có thể tham khảo thêm các trường hợp cụ thể được quy định tại Khoản 2, 3 Điều 18 Luật Doanh nghiệp 2014.

Theo Luật Doanh nghiệp năm 2014, một cá nhân có thể đồng thời là giám đốc, phó giám đốc, tổng giám đốc... từ 2 công ty trở lên (không căn cứ vào loại hình hay quy mô doanh nghiệp). Trừ trường hợp nếu đã là giám đốc, tổng giám đốc của doanh nghiệp nhà nước thì không được kiêm nhiệm chức vụ giám đốc, tổng giám đốc của một doanh nghiệp khác theo Khoản 8 Điều 100 Luật Doanh nghiệp 2014.

Cán bộ, công nhân viên chức nếu đang là thành viên hội đồng quản trị, giám đốc, tổng giám đốc, phó giám đốc, kế toán trưởng hoặc các vị trí cấp quản lý khác của doanh nghiệp trực thuộc nhà nước, chỉ được phép tham gia góp vốn với tư cách cổ đông.

2. Người đại diện công ty cổ phần

Đối với công ty cổ phần, có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật.

Điều lệ của công ty cổ phần phải quy định cụ thể số lượng người đại diện, chức danh quản lý, quyền và nghĩa vụ của từng đại diện theo pháp luật.

Người đại diện của công ty cổ phần có thể đồng thời là đại diện của nhiều công ty khác nhau (không căn cứ vào loại hình hay quy mô doanh nghiệp).

Cá nhân đang giữ vị trí giám đốc, tổng giám đốc của doanh nghiệp nhà nước không được phép làm người đại diện của công ty cổ phần.

Điều kiện về bằng cấp và các ngành nghề kinh doanh

1. Về bằng cấp

Đối với việc thành lập doanh nghiệp nói chung và công ty cổ phần nói riêng, cơ quan nhà nước không có quy định cụ thể về việc bằng cấp hoặc mức trình độ văn hóa như thế nào thì được thành lập công ty.

Tuy nhiên, trong quá trình thành lập công ty, bạn phải đăng ký ngành nghề. Tại đây, một số ngành nghề yêu cầu người thành lập doanh nghiệp phải cung cấp chứng chỉ hành nghề hoặc bằng cấp tương ứng với ngành nghề mà doanh nghiệp chọn.

Ví dụ: Nếu bạn muốn thành lập công ty cổ phần với ngành nghề du lịch lữ hành nội địa, bạn cần phải có 1 trong 2 bằng cấp sau:

  • Bằng tốt nghiệp chuyên ngành lữ hành, tối thiểu bậc trung cấp;

  • Bằng tốt nghiệp chuyên ngành bất kỳ, tối thiểu bậc trung cấp và chứng chỉ nghiệp vụ tương ứng với ngành nghề mà doanh nghiệp đăng ký. 

Tóm lại, tùy vào ngành nghề hoạt động của từng doanh nghiệp sẽ quyết định bằng cấp cần để thành lập công ty cổ phần là gì.

2. Các ngành nghề

Có 2 nhóm ngành nghề sau:

Ngành nghề kinh doanh không có điều kiện: Là nhóm những ngành nghề mà khi đăng ký thành lập doanh nghiệp, pháp luật không đòi hỏi bạn phải đáp ứng những điều kiện về chứng chỉ hành nghề hay mức vốn pháp định (mức vốn tối thiểu pháp luật quy định) khi đăng ký.

Ngành nghề kinh doanh có điều kiện: Là nhóm ngành nghề mà pháp luật quy định về điều kiện chứng chỉ hành nghề hoặc vốn pháp định khi đăng ký hoạt động.

Ví dụ: 

  • Ngành kinh doanh bất động sản cần vốn tối thiểu là 20 tỷ; 

  • Để đăng ký dịch vụ kế toán thì cần phải có chứng chỉ hành nghề kế toán.

Tùy theo ngành nghề kinh doanh cụ thể mà cơ quan nhà nước sẽ có văn bản riêng quy định về điều kiện của ngành nghề đó là gì. Bạn có thể tham khảo danh mục ngành nghề có điều kiện.

Điều kiện về vốn góp, vốn điều lệ của công ty cổ phần

Công ty cổ phần phải có vốn góp từ ít nhất 3 thành viên đồng sáng lập (gọi là cổ đông), có đủ tư cách pháp nhân và không hạn chế số lượng tối đa.

Vốn điều lệ trong công ty cổ phần sẽ được chia thành nhiều phần bằng nhau (gọi là cổ phần).

Theo Luật Doanh nghiệp, không có quy định cụ thể về vốn điều lệ khi thành lập công ty cổ phần, trừ trường hợp ngành nghề đăng ký yêu cầu về vốn pháp định (vốn góp, vốn điều lệ).

Ví dụ: 

Khi hoạt động ngành bán hàng đa cấp cần vốn pháp định là từ 10 tỷ trở lên (Điều 7 Nghị định 40/2018/NĐ-CP);

Khi hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ thì vốn pháp định phải từ 2 tỷ đồng (Điều 13 Nghị định 104/2007/NĐ-CP).

Lưu ý:

Tùy vào ngành nghề đăng ký sẽ quyết định vốn điều lệ của doanh nghiệp là bao nhiêu.

Đồng thời, vốn điều lệ của doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng đến thuế môn bài mà doanh nghiệp phải nộp cho cơ quan thuế.

Do đó, để hạn chế khả năng thay đổi, bổ sung giấy phép đăng ký kinh doanh sau thành lập, hãy cho Anpha biết ngành nghề bạn muốn kinh doanh, Anpha sẽ tư vấn phương pháp tối ưu cho bạn.

Điều kiện về tên công ty và trụ sở

1. Về tên công ty

Phải được viết bằng tiếng Việt, đúng thuần phong mỹ tục, không được trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của các công ty đã đăng ký trước.

Không được sử dụng tên hoặc một phần tên của các cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang, các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp... trực thuộc bộ máy nhà nước, ngoại trừ được sự chấp thuận của các cơ quan, tổ chức đó.

Đối với tên công ty viết bằng tiếng nước ngoài: Tên tiếng nước ngoài là tên được dịch từ tên tiếng Việt của công ty theo 2 cách sau:

  • Giữ nguyên tên riêng tiếng Việt và sử dụng đồng thời như tên tiếng nước ngoài;

  • Dịch gần đúng nhất so với tên viết bằng tiếng Việt, 

Đối với tên công ty viết tắt, phải được viết tắt từ tên tiếng Việt hoặc tên tiếng nước ngoài. 

Ví dụ:

Tên tiếng Việt: Công ty cổ phần truyền thông Tập Trung Vàng;

Tên tiếng nước ngoài: Golden Focus Media Joint Stock Company hoặc Tap Trung Vang Media Joint Stock Company;      

Tên viết tắt: GFM JSC hoặc TTVM JSC.

2. Về trụ sở: 

Phải là địa chỉ rõ ràng (số nhà, ngách, hẻm, ngõ phố, phố, đường hoặc thôn, xóm, ấp, xã, phường, thị trấn, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương) và được quyền sử dụng hợp pháp.

Trường hợp trụ sở đặt tại chung cư, căn hộ, tòa nhà phức hợp… thì công ty cần phải có giấy xác nhận địa chỉ đó có chức năng thương mại, kinh doanh.

Lưu ý:

Căn hộ chung cư chỉ có chức năng để ở, không có chức năng thương mại, kinh doanh thì không được cấp giấy phép kinh doanh tại địa chỉ đó.

Chủ đầu tư tại các chung cư, căn hộ, tòa nhà phải cung cấp bản sao y công chứng giấy phép xây dựng, được cấp phép xây dựng, giấy xác nhận... cho phía doanh nghiệp để xác nhận chức năng đăng ký kinh doanh, thương mại, dịch vụ khi doanh nghiệp tiến hành mua, thuê địa điểm đó để làm văn phòng. 

Ví dụ:

Nếu trụ sở tại thành phố: 86 Điện Biên Phủ, phường Đakao, quận 1, TP. HCM;

Nếu trụ sở tại tỉnh: Thôn Nam Đào, xã Nam Bình, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình;

Nếu trụ sở tại chung cư, căn hộ, tòa nhà.. : Phòng 1007, tầng 10, tòa nhà Diamond, số 34 Lê Duẩn, phường Bến Nghé, quận 1, TP. HCM.

Các câu hỏi thường gặp

Để thành lập công ty cổ phần, doanh nghiệp cần thỏa 4 điều kiện sau: Điều kiện về người thành lập và người đại diện; Điều kiện về bằng cấp và các ngành nghề kinh doanh; Điều kiện về vốn góp và vốn điều lệ; Điều kiện về tên công ty và trụ sở. 

Hiện nay, Luật Doanh nghiệp không có bất cứ quy định nào về vốn khi mở công ty. Tuy vậy, nếu ngành nghề doanh nghiệp đăng ký thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện, yêu cầu các giới hạn về vốn, thì doanh nghiệp phải đảm bảo góp đủ số vốn đó trong vòng 90 ngày kể từ ngày có quyết định thành lập. Đồng thời, một công ty cổ phần phải có vốn góp từ ít nhất 3 cổ đông.

Điều lệ của công ty cổ phần sẽ quy định vị trí, chức danh, quyền và nghĩa vụ của người đại diện công ty cổ phần. Tuy nhiên, cá nhân giữ chức vụ giám đốc, tổng giám đốc của doanh nghiệp nhà nước không được phép làm người đại diện công ty cổ phần để tránh các trường hợp tham ô, tham nhũng.

Hiện nay, để làm chủ doanh nghiệp hoặc thành lập công ty cổ phần, không có quy định về bằng cấp/trình độ văn hóa. Tuy nhiên, tùy vào ngành nghề đăng ký kinh doanh (ngành nghề kinh doanh có điều kiện) mà người thành lập/chủ công ty cổ phần phải đáp ứng các điều kiện về bằng cấp, chứng chỉ hành nghề.

Tên công ty cổ phần phải thỏa các quy định về tên công ty theo Luật Doanh nghiệp 2014. Doanh nghiệp khi đặt tên công ty cổ phần cần lưu ý 3 điểm chính sau: Không được trùng hoặc gây nhầm lẫn; Không được mượn tên tổ chức/đơn vị nhà nước (trừ trường hợp đã được sự cho phép từ các đơn vị đó); Không được vi phạm thuần phong mỹ tục. Bạn có thể tham khảo cách đặt tên doanh nghiệp hay và đúng tại đây.

Theo quy định, địa chỉ công ty cổ phần phải là địa chỉ cụ thể trên lãnh thổ Việt Nam và có quyền sử dụng hợp pháp. Đối với các địa chỉ như căn hộ, chung cư chỉ có chức năng để ở thì không được phép sử dụng làm trụ sở công ty.

Gọi cho chúng tôi theo số 0984 477 711 (Miền Bắc), 0903 003 779 (Miền Trung) hoặc 0938 268 123 (Miền Nam) để được hỗ trợ.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Đánh giá chất lượng bài viết, bạn nhé!

5.0

2 đánh giá

BÌNH LUẬN - HỎI ĐÁP

Hãy để lại câu hỏi của bạn, chúng tôi sẽ trả lời TRONG 15 PHÚT

SĐT và email sẽ được ẩn để bảo mật thông tin của bạn