Quy định phân chia tài sản riêng, tài sản chung của vợ chồng

Tài sản trong thời kỳ hôn nhân, tài sản riêng của vợ chồng là gì? Khi chồng mất thì tài sản thuộc về ai? Tài sản thừa kế là tài sản chung hay riêng của vợ chồng.

Tài sản chung của vợ chồng là gì?

Tài sản chung của vợ chồng là tài sản thuộc quyền sở hữu chung của cả 2 vợ chồng bao gồm:

  • Tài sản do vợ và chồng tạo lập trong thời kỳ hôn nhân;
  • Thu nhập từ lao động, sản xuất, kinh doanh của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân;
  • Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân;
  • Thu nhập khác của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân như:
    • Tiền thưởng, tiền trúng số, tiền trợ cấp ngoại trừ các khoản trợ cấp, ưu đãi cho người có công với cách mạng và quyền tài sản khác gắn liền với nhân thân;
    • Các tài sản từ vật vô chủ, vật bị chôn giấu, chìm đắm, vật bị đánh rơi, bỏ quên và vật nuôi dưới nước, gia súc, gia cầm bị thất lạc mà vợ chồng đã được xác lập quyền sở hữu theo quy định của pháp luật;
    • Các khoản thu nhập hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
  • Tài sản vợ chồng được tặng cho chung, thừa kế chung;
  • Tài sản mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung;
  • Quyền sử dụng đất có được sau khi kết hôn, ngoại trừ được thừa kế riêng hoặc được tặng cho riêng hoặc thông qua các giao dịch bằng tài sản riêng.

Tài sản riêng của vợ chồng là gì?

Tài sản riêng của vợ chồng là tài sản thuộc quyền sở hữu riêng của vợ hoặc chồng bao gồm:

  • Tài sản mà vợ hoặc chồng có trước khi kết hôn;
  • Tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân;
  • Tài sản được chia riêng cho vợ hoặc chồng từ tài sản chung;
  • Tài sản sử dụng cho nhu cầu thiết yếu của vợ chồng;
  • Tài sản được tạo ra từ tài sản riêng của vợ chồng;
  • Tài sản riêng khác của vợ, chồng theo quy định của pháp luật như:
    • Quyền tài sản (khai thác, sử dụng, định đoạt và thu lợi nhuận) từ các đối tượng sở hữu trí tuệ (tài sản trí tuệ);
    • Tài sản đã được xác lập quyền sở hữu riêng của vợ hoặc chồng dựa trên bản án, quyết định của Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền;
    • Các khoản trợ cấp, ưu đãi đối với người có công với cách mạng mà vợ chồng được nhận theo quy định của pháp luật;
    • Quyền tài sản khác gắn liền với nhân thân của vợ, chồng.

Cách xác định tài sản thừa kế là tài sản chung hay riêng của vợ chồng

Tài sản thừa kế trong thời kỳ hôn nhân là tài sản là chung hay tài sản riêng là câu hỏi khá phổ biến mà luật sư của Kế toán Anpha thường xuyên nhận được. Để xác định tài sản, di sản thừa kế là tài sản chung hay tài sản riêng của vợ chồng thì bạn cần xem xét vợ và chồng có được hưởng chung tài sản thừa kế trong thời kỳ hôn nhân hay không. 

Cụ thể, nguyên tắc chia tài sản vợ chồng trong trường hợp được hưởng thừa kế như sau:

1. Đối với tài sản thừa kế theo di chúc

➧ Trường hợp 1: Căn cứ xác lập tài sản chung của vợ chồng khi thừa kế

Di chúc của người để lại di sản ghi rõ di sản để lại cho vợ chồng thì sau khi người này qua đời, cả vợ và chồng đều được hưởng tài sản thừa kế. Khi đó tài sản thừa kế là tài sản chung của vợ chồng.

➧ Trường hợp 2: Căn cứ xác lập tài sản riêng của vợ chồng khi thừa kế

Ngược lại với trường hợp trên, nếu di chúc của người để lại di sản chỉ định riêng một người là vợ hoặc chồng được thừa kế tài sản thì người được chỉ định sẽ được hưởng di sản này. Khi đó tài sản thừa kế là tài sản riêng của vợ hoặc chồng.

2. Đối với tài sản thừa kế theo pháp luật

Trường hợp vợ, chồng được thừa kế tài sản theo pháp luật thì tài sản thừa kế đó là tài sản riêng của vợ hoặc chồng.

Tham khảo thêm:

>> Thủ tục khai nhận di sản thừa kế theo di chúc;

>> Thủ tục khai nhận di sản thừa kế theo pháp luật.

Nguyên tắc chia tài sản khi ly hôn, chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn

Các nguyên tắc phân chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn bao gồm:

1. Trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định thì việc phân chia tài sản khi ly hôn dựa trên thỏa thuận của vợ và chồng. Nếu không thỏa thuận được thì một trong hai người hoặc cả vợ và chồng có thể yêu cầu Tòa án giải quyết.

2. Trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận thì việc phân chia tài sản khi ly hôn tuân theo thỏa thuận đó. Nếu thỏa thuận không rõ ràng thì chia theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình 2014.

3. Trường hợp chia đôi tài sản chung của vợ chồng thì việc chia tài sản khi ly hôn dựa trên các yếu tố sau đây:

  • Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;
  • Công sức đóng góp của vợ chồng vào khối tài sản chung đó;
  • Lao động của vợ, chồng trong gia đình là lao động có thu nhập;
  • Bảo vệ lợi ích chính đáng của vợ, chồng trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp, tạo điều kiện cho vợ và chồng được tiếp tục lao động;
  • Lỗi của vợ, chồng trong vi phạm quyền và nghĩa vụ của vợ chồng.

4. Trường hợp tài sản chung của vợ chồng là hiện vật mà không chia được thì chia theo giá trị của hiện vật đó. Người nào nhận hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải trả cho người còn lại phần chênh lệch giá trị tài sản đó.

5. Trường hợp tài sản là tài sản riêng của vợ hoặc chồng thì thuộc quyền sở hữu của người đó. Tuy nhiên, nếu tài sản riêng đã sáp nhập vào tài sản chung thì vợ hoặc chồng sẽ được chia phần giá trị tài sản mà mình đã đóng góp vào khối tài sản chung đó, trừ khi vợ chồng có thỏa thuận khác.

6. Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình.

7. Việc phân chia tài sản này sẽ tuân theo hướng dẫn của Tòa án phối hợp với Viện kiểm sát và Bộ Tư pháp.

Tham khảo thêm: 

>> Nguyên tắc chia tài sản khi ly hôn liên quan đến đất đai;

>> Đơn phương ly hôn có được chia tài sản không?

Không có di chúc thì khi chồng mất vợ có toàn quyền chia tài sản không?

Căn cứ Điều 66 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 và Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015, quyền thừa kế tài sản chung của vợ chồng khi chồng hoặc vợ chết không có di chúc được quy định như sau:

Nếu người chồng hoặc vợ chết không để lại di chúc thì người còn sống được quyền quản lý tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp người chết chỉ định người khác quản lý di sản trong di chúc hoặc những người thừa kế thỏa thuận cử người quản lý khác.

Nếu có yêu cầu chia di sản thì tài sản chung của vợ chồng được chia đôi (trừ khi vợ chồng đã có thỏa thuận về phân chia tài sản).

Tài sản riêng và phần tài sản chung được chia đôi còn lại của người chồng hoặc người vợ đã chết sẽ được chia đều cho những người thừa kế trong cùng hàng thừa kế theo thứ tự như sau:

  • Hàng thừa kế thứ nhất: vợ, chồng, cha/mẹ đẻ, cha/mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
  • Hàng thừa kế thứ hai: ông/bà nội, ông/bà ngoại, anh/chị/em ruột, cháu ruột của người chết (người chết là ông/bà nội, ông/bà ngoại);
  • Hàng thừa kế thứ 3: 
    • Cụ nội/ngoại, bác/chú/cô/cậu/dì ruột của người chết;
    • Cháu ruột của người chết (người chết là bác/chú/cô/cậu/dì ruột);
    • Chắt ruột của người chết (người chết là cụ nội/ngoại).
Kết luận: Khi người chồng mất không để lại di chúc, người vợ không có quyền tự ý phân chia tài sản của chồng.

>> Tham khảo thêm: Quy định và cách khai nhận di sản thừa kế theo pháp luật (không di chúc).

Một số trường hợp chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn

1. Phân chia tài sản chung khi ly hôn trong trường hợp vợ chồng sống chung với gia đình

➧ Trường hợp 1: Tài sản của vợ chồng trong khối tài sản chung của gia đình không xác định được thì:

  • Khi ly hôn vợ hoặc chồng được chia 1 phần trong khối tài sản chung đó dựa trên sự đóng góp của vợ chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung hay đời sống chung của gia đình;
  • Việc chia tài sản này dựa vào thỏa thuận của vợ chồng với gia đình. Trường hợp không thỏa thuận được thì chia theo quyết định của Tòa án.

➧ Trường hợp 2: Tài sản của vợ chồng trong khối tài sản chung của gia đình có thể xác định được theo phần thì khi ly hôn, phần tài sản được trích ra từ khối tài sản chung đó sẽ chia cho vợ và chồng theo quy định của pháp luật.

2. Phân chia tài sản chung khi ly hôn của vợ chồng là quyền sử dụng đất (chia đất khi ly hôn)

Đối với đất nông nghiệp trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản: 

  • Trường hợp cả vợ và chồng đều có mong muốn, có điều kiện trực tiếp sử dụng đất thì chia theo thỏa thuận của 2 người. Ngược lại, nếu không thỏa thuận được thì chia theo quyết định của Tòa án;
  • Trường hợp chỉ có một người là vợ hoặc chồng có mong muốn, có điều kiện trực tiếp sử dụng đất thì người đó được tiếp tục sử dụng nhưng phải trả cho người còn lại giá trị quyền sử dụng đất mà họ được hưởng.

Đối với đất nông nghiệp trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản chung với hộ gia đình thì phần quyền sử dụng đất của vợ chồng được tách ra và chia như trường hợp ở trên.

Đối với đất nông nghiệp trồng cây lâu năm, đất lâm nghiệp trồng rừng, đất ở thì cũng sẽ được chia dựa theo nguyên tắc ở trên.

Đối với các loại đất khác thì chia theo quy định của pháp luật về đất đai.

Trường hợp vợ chồng ở chung với gia đình nhưng không có quyền sử dụng đất chung với hộ gia đình thì khi ly hôn người không có quyền sử dụng đất và không tiếp tục ở với gia đình sẽ được chia như trường hợp vợ chồng sống chung với gia đình phía trên.

>> Tham khảo thêm: Nguyên tắc chia tài sản khi ly hôn liên quan đến đất đai.

3. Phân chia tài sản chung khi ly hôn của vợ chồng đưa vào kinh doanh

Trường hợp vợ hay chồng đang kinh doanh liên quan đến tài sản chung của vợ chồng thì khi ly hôn, người kinh doanh có quyền được nhận tài sản đó và trả cho người còn lại phần giá trị tài sản mà họ được hưởng.

Các câu hỏi liên quan đến tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng

1. Trường hợp nào được xác định là tài sản chung?

Tài sản chung của vợ chồng thuộc các trường hợp sau:

  • Thu nhập, tài sản do vợ và chồng tạo lập trong thời kỳ hôn nhân;
  • Lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân;
  • Các khoản thu nhập khác như tiền thưởng, tiền trúng số, tiền trợ cấp…;
  • Các tài sản từ vật vô chủ, vật bị chôn giấu, đánh rơi… và vật nuôi dưới nước, gia súc, gia cầm bị thất lạc mà vợ chồng đã được xác lập quyền sở hữu theo quy định của pháp luật;
  • Các khoản thu nhập hợp pháp khác theo quy định của pháp luật;
  • Tài sản vợ chồng được tặng cho chung, thừa kế chung;
  • Tài sản mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung;
  • Quyền sử dụng đất có được sau khi kết hôn.

>> Xem chi tiết: Tài sản chung là gì?

2. Tài sản thừa kế của chồng vợ có được hưởng không?

Tài sản mà người chồng được thừa kế riêng trong thời kỳ hôn nhân được xem là tài sản riêng nên người vợ không được hưởng phần di sản này. Trừ trường hợp người chồng mất thì người vợ được hưởng theo di chúc hoặc theo hàng thừa kế. 

Xem chi tiết: 

>> Quy định các hàng thừa kế theo pháp luật;

>> Cách xác định tài sản thừa kế là tài sản chung hay riêng của vợ chồng.

3. Tài sản trước hôn nhân có bị chia không?

Tài sản có được trước khi kết hôn thì sẽ là tài sản riêng của vợ hoặc tài sản riêng của chồng. Tuy nhiên, nếu như hai bên thỏa thuận nhập tài sản riêng này vào tài sản chung vợ chồng thì sẽ trở thành tài sản chung và sẽ được chia theo quy định của pháp luật.

4. Khi chồng mất thì tài sản thuộc về ai? 

  • Trường hợp 1: Khi chồng mất có di chúc thì những ai được chỉ định sẽ có quyền hưởng phần di sản tương ứng được để lại trong di chúc;
  • Trường hợp 2: Khi chồng mất không có di chúc thì tài sản được chia như sau:
    • Người vợ còn sống được quyền quản lý tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp người chồng đã mất chỉ định người khác quản lý hoặc những người thừa kế thỏa thuận cử người quản lý khác;
    • Nếu có yêu cầu chia di sản thì tài sản chung của vợ chồng được chia đôi;
    • Tài sản riêng và phần tài sản chung được chia đôi còn lại của người chồng đã mất sẽ được chia theo hàng thừa kế.

>> Xem chi tiết: Không có di chúc thì khi chồng mất vợ có toàn quyền chia tài sản không?

5. Vợ chồng đã ly hôn nhưng chung hộ khẩu có được chia tài sản không?

Việc chung hộ khẩu không ảnh hưởng đến vấn đề phân chia tài sản. Việc phân chia tài sản vợ chồng dựa trên quyền thừa kế và các nguyên tắc phân chia tài sản theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình.

>> Xem chi tiết: Nguyên tắc chia tài sản khi ly hôn.

Gọi cho chúng tôi theo số 0984 477 711 (Miền Bắc) - 0903 003 779 (Miền Trung) - 0938 268 123 (Miền Nam) để được hỗ trợ.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Đánh giá chất lượng bài viết, bạn nhé!

0.0

Chưa có đánh giá nào
Chọn đánh giá

Gửi đánh giá

BÌNH LUẬN - HỎI ĐÁP

Hãy để lại câu hỏi của bạn, chúng tôi sẽ trả lời TRONG 15 PHÚT

SĐT và email sẽ được ẩn để bảo mật thông tin của bạn GỬI NHANH