Điều kiện & thủ tục giải thể công ty có vốn đầu tư nước ngoài

Điều kiện, thủ tục giải thể công ty có vốn đầu tư nước ngoài (doanh nghiệp FDI) như thế nào? Các trường hợp giải thể doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài

Sau một thời gian đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (doanh nghiệp FDI) vì một số lý do sẽ tiến hành thủ tục giải thể. Tuy nhiên, thủ tục giải thể đối với doanh nghiệp FDI có giấy chứng nhận đầu tư sẽ phức tạp hơn thủ tục giải thể doanh nghiệp FDI không có giấy chứng nhận đầu tư. Bài viết dưới đây của Anpha sẽ chia sẻ đầy đủ về điều kiện và thủ tục giải thể công ty có vốn đầu tư nước ngoài đối với cả 2 trường hợp này.

Các trường hợp giải thể doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài

Doanh nghiệp FDI có thể giải thể vì 1 trong các lý do sau đây:

  • Kết thúc thời hạn hoạt động công ty đã ghi trong điều lệ mà không có quyết định gia hạn;
  • Theo nghị quyết, quyết định của chủ doanh nghiệp tư nhân, của hội đồng thành viên đối với công ty hợp danh, của hội đồng thành viên hoặc chủ sở hữu công ty đối với công ty TNHH, của đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần;
  • Công ty không còn có đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định của Luật Doanh nghiệp với từng loại hình trong thời hạn 6 tháng liên tục mà không tiến hành thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp;
  • Bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, ngoại trừ trường hợp Luật Quản lý thuế có quy định khác.

Điều kiện giải thể doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài

Tương tự như doanh nghiệp Việt Nam, công ty có vốn đầu tư nước ngoài phải đáp ứng các điều kiện dưới đây khi giải thể:

  • Doanh nghiệp FDI chỉ được tiến hành giải thể khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ, nghĩa vụ tài sản khác và không đang trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án nhân dân hoặc cơ quan trọng tài;
  • Người quản lý có liên quan và doanh nghiệp FDI bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cùng nhau liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ của doanh nghiệp.

Hồ sơ, thủ tục giải thể công ty FDI không có giấy chứng nhận đầu tư

1. Trường hợp giải thể chủ động

Doanh nghiệp thuộc 1 trong 3 trường hợp sau đây thì tiến hành thủ tục giải thể tự nguyện:

  • Khi công ty kết thúc thời hạn hoạt động đã ghi trong điều lệ; 
  • Khi công ty giải thể theo quyết định của các cá nhân, hội đồng có thẩm quyền trong công ty;
  • Khi công ty không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu.

Quy trình giải thể doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo 1 trong 3 trường hợp kể trên như sau:

➨ Bước 1: Thông qua nghị quyết hoặc quyết định giải thể doanh nghiệp

Nghị quyết, quyết định giải thể doanh nghiệp phải gồm có những nội dung chủ yếu sau đây:

  • Tên và địa chỉ trụ sở hoạt động chính của công ty;
  • Lý do giải thể;
  • Thời hạn thanh lý, thủ tục thanh lý hợp đồng, thanh toán các khoản nợ của doanh nghiệp;
  • Phương án để xử lý những nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng lao động;
  • Họ, tên, chữ ký của chủ doanh nghiệp tư nhân (DNTN), chủ sở hữu công ty, chủ tịch hội đồng thành viên, chủ tịch hội đồng quản trị.

➨ Bước 2: Thanh lý tài sản của doanh nghiệp

  • Chủ doanh nghiệp tư nhân, hội đồng thành viên hoặc chủ sở hữu công ty, hội đồng quản trị (tùy loại hình doanh nghiệp) trực tiếp tổ chức thanh lý tài sản doanh nghiệp, trừ trường hợp điều lệ có quy định thành lập tổ chức thanh lý riêng.

➨ Bước 3: Gửi hồ sơ đến Sở KH&ĐT, cơ quan thuế, người lao động trong doanh nghiệp

  • Kể từ ngày thông qua, nghị quyết, quyết định giải thể và biên bản họp, trong thời hạn 7 ngày làm việc phải được gửi đến cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế có thẩm quyền, người lao động trong doanh nghiệp. Nghị quyết, quyết định giải thể công ty phải được đăng tải trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và phải được niêm yết công khai tại trụ sở chính cũng như chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp;
  • Trường hợp doanh nghiệp còn những nghĩa vụ tài chính chưa thanh toán thì phải gửi kèm theo nghị quyết, quyết định giải thể và phương án giải quyết các khoản nợ đến các chủ nợ, đến người có quyền, nghĩa vụ và có lợi ích liên quan;
  • Ngay sau khi nhận được nghị quyết hoặc quyết định giải thể của doanh nghiệp thì cơ quan đăng ký kinh doanh có thẩm quyền phải thông báo tình trạng doanh nghiệp đang làm thủ tục giải thể trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

➨ Bước 4: Đóng mã số thuế và giải quyết các vấn đề liên quan

  • Công ty sẽ liên quan cơ quan thuế quản lý của công ty để tiến hành thủ tục đóng mã số thuế, trong quá trình đóng mã số thuế công ty cũng cần giải quyết các vấn đề xử phạt, xử lý các vi phạm về thuế, chậm nộp thuế - nếu có. Tùy thuộc vào thực tế hồ sơ kế toán của doanh nghiệp mà thủ tục đóng mã số thuế sẽ kéo dài với thời gian khác nhau;
  • Trong quá trình thực hiện thủ tục đóng mã số thuế, thủ tục quyết toán thuế, doanh nghiệp tiến hành các thủ tục để báo giảm lao động và giải quyết các chế độ cho người lao động trong thời hạn quy định tại Bộ luật Lao động.

➨ Bước 5: Nộp hồ sơ để đăng ký giải thể

Kể từ ngày thanh toán hết các khoản nợ của doanh nghiệp thì trong thời hạn 5 ngày làm việc, doanh nghiệp gửi hồ sơ đăng ký giải thể doanh nghiệp đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở hoạt động chính.

➨ Bước 6: Trả dấu công ty

Đối với trường hợp công ty sử dụng con dấu do cơ quan công an cấp, công ty có trách nhiệm làm thủ tục trả lại con dấu, giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu cho cơ quan công an quản lý theo quy định khi làm thủ tục giải thể.

>> Xem thêm: Thủ tục giải thể công ty đã phát sinh và chưa phát sinh.

2. Trường hợp bắt buộc giải thể 

Đối với những doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc bắt buộc giải thể theo quyết định của Tòa án thì thủ tục giải thể công ty có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện theo các bước sau đây:

Bước 1: Cơ quan đăng ký kinh doanh có thẩm quyền phải thông báo tình trạng doanh nghiệp đang làm thủ tục giải thể

Song song với việc ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc ngay sau khi nhận được quyết định giải thể của Tòa án nhân dân đã có hiệu lực pháp luật, cơ quan đăng ký kinh doanh phải thông báo tình trạng của doanh nghiệp đang làm thủ tục giải thể trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Bước 2: Doanh nghiệp tiến hành triệu tập họp để quyết định giải thể

  • Kể từ ngày nhận được quyết định thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc quyết định của Tòa án nhân dân có hiệu lực pháp luật, trong thời hạn 10 ngày, doanh nghiệp phải tiến hành triệu tập họp để quyết định giải thể;
  • Tiếp theo, doanh nghiệp phải gửi nghị quyết, quyết định giải thể và bản sao quyết định thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc quyết định của Tòa án nhân dân có hiệu lực pháp luật đến cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế quản lý, người lao động của doanh nghiệp và còn phải được niêm yết công khai tại trụ sở chính, cũng như chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp;
  • Trong trường hợp pháp luật yêu cầu phải đăng báo thì nghị quyết, quyết định giải thể doanh nghiệp phải được đăng tải ít nhất trên 1 tờ báo in hoặc báo điện tử trong 3 số báo liên tiếp;
  • Trường hợp công ty vẫn còn nghĩa vụ tài chính chưa thanh toán thì còn phải đồng thời gửi kèm theo nghị quyết, quyết định giải thể của doanh nghiệp, phương án giải quyết các khoản nợ đến các chủ nợ, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Bước 3: Đóng mã số thuế và giải quyết các vấn đề liên quan

  • Công ty sẽ liên quan cơ quan thuế quản lý của công ty để tiến hành thủ tục đóng mã số thuế, trong quá trình đóng mã số thuế công ty cũng cần giải quyết các vấn đề xử phạt, xử lý các vi phạm về thuế, chậm nộp thuế - nếu có. Tùy thuộc vào thực tế hồ sơ kế toán của doanh nghiệp mà thủ tục đóng mã số thuế sẽ kéo dài với thời gian khác nhau;
  • Trong quá trình thực hiện thủ tục đóng mã số thuế, quyết toán thuế, doanh nghiệp tiến hành các thủ tục để báo giảm lao động và giải quyết các chế độ cho người lao động trong thời hạn quy định tại Bộ luật Lao động.

Bước 4: Nộp hồ sơ để đăng ký giải thể

Kể từ ngày thanh toán hết các khoản nợ của doanh nghiệp, trong thời hạn 5 ngày làm việc, doanh nghiệp gửi hồ sơ để đăng ký giải thể đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở hoạt động chính.

Lưu ý:

Trước khi nộp hồ sơ đăng ký giải thể doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp có địa điểm kinh doanh, chi nhánh hay văn phòng đại diện thì phải thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động các đơn vị phụ thuộc này trước.

3. Thời gian dự kiến hoàn thành giải thể doanh nghiệp

Sau thời hạn 180 ngày kể từ ngày gửi quyết định giải thể đến Sở Kế hoạch và Đầu tư, nếu như không có sự phản đối của các bên và doanh nghiệp đã hoàn tất các bước nêu trên, trong 5 ngày làm việc cơ quan đăng ký kinh doanh cập nhật tình trạng pháp lý của doanh nghiệp trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Thủ tục, hồ sơ giải thể doanh nghiệp FDI có giấy chứng nhận đầu tư

Ngoài những bước cần tiến hành như khi giải thể công ty FDI không có giấy chứng nhận đầu tư ở trên thì thủ tục giải thể công ty FDI có giấy chứng nhận đầu tư cần phải tiến hành thêm thủ tục chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư.

Việc chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư được thực hiện theo thủ tục như sau:

  • Trường hợp công ty tự quyết định chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư, nhà đầu tư tiến hành gửi quyết định chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư cho cơ quan đăng ký đầu tư trong thời hạn là 15 ngày kể từ ngày quyết định chấm dứt, kèm theo là giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;
  • Trường hợp công ty chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư theo các điều kiện quy định trong hợp đồng, điều lệ hoặc hết thời hạn hoạt động của dự án đầu tư, lúc này nhà đầu tư thông báo và nộp lại giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho cơ quan đăng ký đầu tư trong thời hạn là 15 ngày kể từ ngày chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư, kèm theo đó là bản sao tài liệu ghi nhận việc chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư. Cơ quan đăng ký đầu tư thông báo việc chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư cho các cơ quan có liên quan.

Một số câu hỏi thường gặp về thủ tục giải thể doanh nghiệp FDI

1. Hồ sơ giải thể doanh nghiệp FDI cần nộp lên cơ quan đăng ký kinh doanh gồm những gì?

Hồ sơ giải thể doanh nghiệp FDI bao gồm các giấy tờ sau đây:

  • Thông báo theo mẫu quy định về giải thể doanh nghiệp;
  • Báo cáo thanh lý tài sản doanh nghiệp; danh sách chủ nợ và số nợ đã thanh toán, trong đó thể hiện gồm cả thanh toán hết các khoản nợ về thuế và nợ tiền đóng bảo hiểm gồm có bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và cả bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động sau khi quyết định giải thể doanh nghiệp (nếu có).

2. Thời gian thực tế để hoàn tất thủ tục giải thể doanh nghiệp FDI là bao lâu?

Thời gian thực tế để hoàn tất thủ tục giải thể còn phụ thuộc vào việc phát sinh thực tế về vấn đề thuế của mỗi công ty sẽ khác nhau.

3. Công ty có vốn đầu tư nước ngoài thành lập bao lâu thì được quyền giải thể?

Hiện tại Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn liên quan không quy định về thời gian từ lúc thành lập thì bao lâu công ty được quyền giải thể. Khi công ty rơi vào các trường hợp giải thể doanh nghiệp theo luật quy định thì có thể tiến hành thủ tục giải thể.

Gọi cho chúng tôi theo số 0984 477 711 (Miền Bắc) - 0903 003 779 (Miền Trung) - 0938 268 123 (Miền Nam) để được hỗ trợ.

Hoàn Hảo - Phòng Pháp lý Anpha

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Đánh giá chất lượng bài viết, bạn nhé!

0.0

Chưa có đánh giá nào
Chọn đánh giá

Gửi đánh giá

BÌNH LUẬN - HỎI ĐÁP

Hãy để lại câu hỏi của bạn, chúng tôi sẽ trả lời TRONG 15 PHÚT

SĐT và email sẽ được ẩn để bảo mật thông tin của bạn GỬI NHANH