Bảo hiểm xã hội 1 lần là gì? Tìm hiểu: công thức - cách tính BHXH 1 lần, điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần, hồ sơ cũng như thủ tục rút bảo hiểm xã hội 1 lần...
I. Bảo hiểm xã hội 1 lần là gì?
➤ Bảo hiểm xã hội 1 lần là gì?
Bảo hiểm xã hội (BHXH) là khoản trợ cấp nhằm bù đắp một phần thu nhập dành cho người lao động khi họ bị ốm đau, thai sản hay bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết trên cơ sở đóng quỹ BHXH.
Do đó, chế độ bảo hiểm xã hội 1 lần chỉ là một trong những quyền lợi mà người tham gia được hưởng khi đáp ứng đủ điều kiện sau một khoảng thời gian đóng BHXH.
➤ Có nên nhận BHXH 1 lần?
Việc hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần cũng có những điểm ưu điểm và hạn chế khi nhận. Từ những điểm cộng và trừ sau đây mà bạn cân nhắc việc có nên nhận BHXH 1 lần hay không.
- Về ưu điểm:
- Được trả toàn bộ một lần;
- Có một khoản tiền lớn để sử dụng cho nhu cầu chi tiêu cấp thiết khi cần;
- Người lao động chuyển sang lao động tự do hoặc không có nhu cầu đóng BHXH.
- Về hạn chế:
- Không đảm bảo nguồn thu nhập hàng tháng khi về già;
- Không được hưởng chế độ khám chữa bệnh BHYT;
- Số tiền rút BHXH 1 lần thực tế sẽ thấp hơn nhiều so với số tiền đã đóng vào quỹ BHXH;
- Khi tử vong thì gia đình không nhận được tiền trợ cấp mai táng và trợ cấp hàng tháng;
- Khi rút ra BHXH hưởng 1 lần, sau này muốn đóng lại thì không được tính thời gian trước đó.
II. Điều kiện hưởng BHXH 1 lần
Căn cứ theo Điểm a và b, Khoản 1, Điều 8, Nghị Định 115/2015/NĐ-CP và Điều 60, Luật Bảo hiểm xã hội Việt Nam số 58/2014/QH13 quy định các trường hợp được nhận BHXH 1 lần gồm:
- Ra nước ngoài để định cư;
- Đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đóng BHXH đủ 20 năm;
- Công an, bộ đội khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc mà không đủ điều kiện hưởng lương hưu;
- Đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đóng BHXH đủ 15 năm và không tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện (đối với lao động nữ hoạt động ở xã, phường, thị trấn);
- Người đang bị mắc bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế;
- Người tham gia BHXH bắt buộc sau 1 năm nghỉ việc hoặc tham gia BHXH tự nguyện sau 1 năm không tiếp tục đóng mà chưa đủ 20 năm đóng (Điều 1 Nghị quyết 93/2015/QH13).
III. Hướng dẫn cách tính bảo hiểm xã hội 1 lần
Trợ cấp BHXH 1 lần được chi trả dựa trên thời gian người lao động tham gia BHXH và mức bình quân tiền lương (MBQTL) tháng đóng BHXH (căn cứ vào Khoản 4, Điều 19, Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH).
➤ Cách tính mức hưởng BHXH 1 lần
Mức hưởng = (1,5 x Mbqtl x thời gian tham gia BHXH trước năm 2014) + (2 x Mbqtl x thời gian tham gia BHXH từ năm 2014)
Lưu ý:
➧ Trường hợp chưa đóng đủ 1 năm thì được tính bằng 22% của các mức tiền lương tháng đã đóng BHXH, mức tối đa bằng 02 tháng mức bình quân tiền lương.
Ví dụ:
Bạn Lan đóng BHXH từ tháng 02/2021 đến tháng 11/2021, đóng chưa đủ 1 năm với mức lương là 6.000.000 đồng. Như vậy, bảo hiểm 1 lần được lĩnh tính như sau:
- Khoản 2 Điều 60 Luật BHXH 2014 quy định đối với trường hợp thời gian đóng BHXH chưa đủ 1 năm: Mức hưởng BHXH bằng số tiền đã đóng, tối đa bằng 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH;
- Đồng thời, theo Khoản 2 Điều 19 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH quy định đối với người lao động có thời gian đóng BHXH chưa đủ 1 năm: Mức hưởng BHXH 1 lần được tính bằng 22% của các mức tiền lương tháng đã đóng BHXH, mức tối đa bằng 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH;
- Mức lương bình quân đóng BHXH của Lan là 6.000.000 đồng.
➝ Mức hưởng BHXH 1 lần của Lan tính theo quy định = 22% x (6.000.000 x 10) = 13.200.000 đồng > 2 x 6.000.000 đồng = 12.000.000 đồng.
Như vậy, mức hưởng BHXH một lần của Lan là 12.000.000 đồng.
➧ Thời gian tham gia BHXH lẻ:
- Từ 1 - 6 tháng được tính là ½ năm;
- Từ 7 - 11 tháng được tính tròn 1 năm.
Ví dụ:
Thời gian đóng BHXH là 2 năm 3 tháng thì khi tính thời gian tham gia BHXH là 2,5 năm. Nếu thời gian đóng BHXH là 3 năm 9 tháng thì khi tính thời gian tham gia BHXH là 4 năm.
➤ Cách tính mức lương bình quân
MBQTL = Tổng số tiền lương đóng BHXH/Tổng số tháng đóng BHXH
Trong đó:
Tổng số tiền lương đóng BHXH = Số tháng đóng x Mức đóng x Mức điều chỉnh hằng năm
➤ Mức điều chỉnh thu nhập tháng đã đóng BHXH
Mức điều chỉnh tiền lương và thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội được quy định tại Thông tư 36/2021/TT-BLĐTBXH như sau:
Bảng hệ số trượt giá tính BHXH tính đến năm 2022:
Dành cho đối tượng tham gia BHXH bắt buộc
|
Năm
|
Mức điều chỉnh
|
Năm
|
Mức điều chỉnh
|
< 1995
|
5,10
|
2007
|
2,47
|
1995
|
4,33
|
2008
|
2,01
|
1996
|
4,09
|
2009
|
1,88
|
1997
|
3,96
|
2010
|
1,72
|
1998
|
3,68
|
2011
|
1,45
|
1999
|
3,53
|
2012
|
1,33
|
2000
|
3,58
|
2013
|
1,25
|
2001
|
3,59
|
2014
|
1,20
|
2002
|
3,46
|
2015
|
1,19
|
2003
|
3,35
|
2016
|
1,16
|
2004
|
3,11
|
2017
|
1,12
|
2005
|
2,87
|
2018
|
1,08
|
2006
|
2,67
|
2019
|
1,05
|
|
|
2020
|
1,02
|
|
|
2021
|
1,00
|
|
|
2022
|
1,00
|
Dành cho đối tượng tham gia BHXH tự nguyện
|
Năm
|
Mức điều chỉnh
|
Năm
|
Mức điều chỉnh
|
2008
|
2,01
|
2016
|
1,16
|
2009
|
1,88
|
2017
|
1,12
|
2010
|
1,72
|
2018
|
1,08
|
2011
|
1,45
|
2019
|
1,05
|
2012
|
1,33
|
2020
|
1,02
|
2013
|
1,25
|
2021
|
1,00
|
2014
|
1,20
|
2022
|
1,00
|
2015
|
1,19
|
|
|
Ví dụ 1:
Chị Hà 40 tuổi có thời gian tham gia BHXH từ tháng 01/2013 đến tháng 08/2020 như sau:
- Từ tháng 01/2013 đến tháng 5/2016 mức lương 4.500.000 đồng;
- Từ tháng 08/2016 đến tháng 10/2019 mức lương là 5.000.000 đồng;
- Từ tháng 11/2019 đến tháng 08/2020 mức lương 5.500.000 đồng.
Chị Hà có thời gian tham gia BHXH là 7 năm 6 tháng (tương ứng là 90 tháng), mức lương bình quân của chị Hà sẽ được tính như sau:
MLBQ = (12 x 1.25 x 4.500.000 + 12 x 1.2 x 4.500.000 + 12 x 1.19 x 4.500.000 + 5 x 1.16 x 4.500.000 + 5 x 1.16 x 5.000.000 + 12 x 1.12 x 5.000.000 + 22 x 1,08 x 5.000.000 + 2 x 1,05 x 5.500.000 + 8 x 1.02 x 5.500.000) : 90 = 5.489.889 đồng/tháng.
Thời gian chị Hà tham gia BHXH trước năm 2014 là 1 năm;
Thời gian tham gia BHXH từ năm 2014 là 6.5 năm.
Như vậy, mức hưởng BHXH 1 lần của chị Hà là (1.5 x 1 + 6.5 x 2) x 5.489.889 = 79.603.391 đồng.
Ví dụ 2:
Cô Linh có thời gian tham gia BHXH từ 05/2020 đến tháng 12/2021 với mức lương là 8.000.000 đồng. Thời gian tham gia BHXH là 1 năm 8 tháng.
➝ Mức lương bình quân là = (8 x 1.02 x 8.000.000 + 12 x 1 x 8.000.000) : 20 = 8.064.000 đồng.
Do thời gian tham gia BHXH lẻ 8 tháng nên sẽ được tính là 1 năm. Như vậy, mức hưởng BHXH 1 lần là 2 x 2 x 8.064.000 = 32.256.000 đồng.
IV. Thủ tục nhận bảo hiểm xã hội 1 lần
1. Hồ sơ rút bảo hiểm xã hội 1 lần
Căn cứ Điều 109, Luật BHXH năm 2014 quy định hồ sơ nhận bảo hiểm xã hội 1 lần bao gồm:
- Sổ bảo hiểm xã hội (bản chính);
- Đề nghị hưởng trợ cấp BHXH 1 lần (mẫu 14 - HSB);
- Với người ra nước ngoài để định cư thì nộp thêm bản sao giấy xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc thôi quốc tịch Việt Nam hoặc bản dịch tiếng Việt có chứng thực hoặc công chứng một trong các giấy tờ sau đây:
- Hộ chiếu do nước ngoài cấp;
- Thị thực của cơ quan nước ngoài có thẩm quyền cấp có xác nhận việc cho phép nhập cảnh với lý do định cư ở nước ngoài;
- Giấy tờ xác nhận về việc đang làm thủ tục nhập quốc tịch nước ngoài; giấy tờ xác nhận hoặc thẻ thường trú, cư trú có thời hạn từ 05 năm trở lên của cơ quan nước ngoài có thẩm quyền cấp.
>> TẢI MIỄN PHÍ: Mẫu 14 - HSB.
Lưu ý:
Đối với hồ sơ rút bảo hiểm xã hội một lần, bạn cần mang theo sổ hộ khẩu/giấy tờ tạm trú và CMND/CCCD (bản chính).
2. Cách thức nộp hồ sơ hưởng BHXH 1 lần
➤ Cơ quan tiếp nhận hồ sơ rút BHXH 1 lần
Cơ quan BHXH huyện, thành phố, tỉnh nơi cá nhân nộp hồ sơ cư trú (theo địa chỉ thường trú trên sổ hộ khẩu hoặc nơi đăng ký tạm trú).
➤ Hình thức nộp hồ sơ
➧ Cách 1: Giao dịch điện tử:
Người hưởng chế độ BHXH 1 lần đăng ký nhận mã xác thực và gửi hồ sơ điện tử qua website Cổng thông tin điện tử - Bảo hiểm Xã Hội Việt Nam theo các bước sau:
- Bước 1: Đăng nhập thông tin tài khoản cá nhân đã được cơ quan BHXH cấp trên Cổng dịch vụ công của BHXH Việt Nam;
- Bước 2: Chọn kê khai hồ sơ;
- Bước 3: Chọn cơ quan BHXH tiếp nhận và kê khai thủ tục hưởng BHXH 1 lần;
- Bước 4: Chọn hồ sơ thích hợp với điều kiện hưởng BHXH 1 lần;
- Bước 5: Điền các thông tin theo mẫu;
- Bước 6: Tải các file đính kèm tương ứng với từng trường hợp hưởng của bản thân;
- Bước 7: Nhập mã OTP do BHXH gửi về điện thoại;
- Bước 8: Kiểm tra lại bằng cách chọn “Lịch sử kê khai” và tra cứu tình trạng xử lý hồ sơ qua tab “Lịch sử kê khai”.
Sau khi xác nhận thành công, hệ thống gửi thông báo đã nộp hồ sơ thành công, đồng thời, gửi tin nhắn về số điện thoại đã đăng ký.
➧ Cách 2: Dịch vụ bưu chính công ích được cung ứng theo yêu cầu của nhà nước để phục vụ nhiệm vụ đặc thù;
➧ Cách 3: Người lao động nộp hồ sơ trực tiếp tại cơ quan BHXH.
3. Nơi nộp hồ sơ hưởng BHXH 1 lần
Để làm thủ tục rút bảo hiểm xã hội 1 lần, người hưởng chế độ cần chuẩn bị bộ hồ sơ đầy đủ đã được quy định tại mục 1. Người lao động sẽ nộp sổ bảo hiểm xã hội đến cơ quan BHXH cấp quận/huyện hoặc BHXH tỉnh nơi người lao động có hộ khẩu hoặc sổ tạm trú (căn cứ theo các quy định tại Khoản 2, Điều 1 và Điều 20 Quyết định 636/QĐ-BHXH).
4. Thời gian trả kết quả BHXH 1 lần
Theo quy định, thời hạn giải quyết BHXH 1 lần là trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ. Nếu người lao động vẫn chưa nhận được tiền trong trường hợp nêu trên thì người lao động cầm theo phiếu hẹn trước đó đến cơ quan BHXH để kiểm tra lại quá trình xử lý hồ sơ, đảm bảo giải quyết kịp thời quyền lợi của người lao động.
Trường hợp không giải quyết thì cơ quan BHXH có trách nhiệm phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
5. Cách nhận bảo hiểm xã hội 1 lần
Người lao động nhận kết quả giải quyết chế độ BHXH 1 lần gồm:
- Bộ hồ sơ bao gồm các giấy tờ liên quan theo hình thức đã đăng ký trong hồ sơ;
- Tiền hưởng chế độ BHXH 1 lần.
6. Phương thức lãnh tiền bảo hiểm xã hội một lần
Trường hợp người hưởng chế độ đăng ký chi trả chế độ bằng hình thức chi trả qua ATM sẽ được cơ quan BHXH chuyển tiền vào số tài khoản đã đăng ký;
Trường hợp người hưởng đăng ký nhận tiền mặt trực tiếp tại cơ quan BHXH, khi đến cơ quan bảo hiểm xã hội, bạn cần mang theo giấy hẹn và CCCD để được hỗ trợ nhận tiền.
V. Một số câu hỏi thường gặp về rút bảo hiểm xã hội 1 lần
1. Em muốn rút BHXH một lần nhưng em bị quá hạn CMND. Vậy, em có thể thay thế CMND bằng CCCD hay hộ chiếu không?
Hồ sơ hưởng BHXH 1 lần gồm có:
- Sổ bảo hiểm xã hội;
- Đơn đề nghị hưởng BHXH một lần (mẫu số 14 - HSB).
Như vậy, CMND/CCCD đều không phải là giấy tờ bắt buộc trong hồ sơ hưởng BHXH một lần. Tuy nhiên, để đối chiếu thông tin về người lao động thì bạn vẫn phải xuất trình CMND/CCCD.
Vì vậy, trường hợp đang trong thời gian chờ cấp lại CMND quá hạn, bạn vẫn được nhận tiền BHXH 1 lần. Bạn có thể xuất trình CCCD, hộ chiếu, bằng lái xe… và các giấy tờ khác có ảnh với đầy đủ thông tin cá nhân cho cơ quan BHXH.
2. Em đã ngừng đóng bảo hiểm xã hội 1 năm, gần đây có làm công ty và nghỉ ngang, công ty không đóng bảo hiểm. Vậy em có thể lãnh bảo hiểm xã hội một lần được không?
Theo Điểm b Khoản 1 Điều 8 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ, người lao động được hưởng BHXH một lần nếu thuộc trường hợp sau:
- Sau một năm nghỉ việc mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH và không tiếp tục đóng BHXH;
- …
Như vậy, nếu bạn đủ điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần theo yêu cầu trên thì bạn được hưởng BHXH 1 lần và làm các hồ sơ theo quy định.
3. Em muốn hỏi là em làm việc ở công công ty khoảng hơn 3 năm và vừa xin nghỉ vào hồi cuối tháng 02/2022. Hiện tại đang là tháng 05/2022, em có thể rút BHXH 1 lần được hay không và hồ sơ bao gồm những gì? Em ở tỉnh nhưng có đăng ký tạm trú tại Sài Gòn, giấy tờ hiện em có là giấy tạm trú, quyết định thôi việc, sổ BHXH, CCCD thì đã đủ hay chưa ạ. Em cảm ơn!
➤ Về điều kiện rút bảo hiểm xã hội 1 lần:
- Đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại các Khoản 1, 2 và 4 Điều 54 của Luật BHXH mà chưa đóng BHXH đủ 20 năm hoặc theo quy định tại Khoản 3 Điều 54 của Luật BHXH mà chưa đủ 15 năm đóng BHXH và không tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện;
- Sau một năm nghỉ việc mà chưa đóng BHXH đủ 20 năm và không tiếp tục đóng BHXH;
- Ra nước ngoài để định cư;
- Người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế.
Bạn xem xét nếu trường hợp mình thỏa mãn 1 trong các điều kiện trên thì được hưởng BHXH 1 lần.
➤ Về hồ sơ hưởng BHXH một lần:
Hồ sơ hưởng BHXH một lần bao gồm: Bản chính Sổ BHXH và Đơn đề nghị hưởng BHXH một lần (theo quy định tại Điều 109 Luật BHXH năm 2014).
Hương Giang - Phòng Kế toán Anpha