Nguyên tắc kế toán là gì? 7 Nguyên tắc kế toán cơ bản 2024

Nguyên tắc kế toán là gì? Các nguyên tắc cơ bản của kế toán theo Chuẩn mực kế toán Việt Nam. Ví dụ về 7 nguyên tắc kế toán cơ bản như: giá gốc, phù hợp…

I. Căn cứ pháp lý

  • Chuẩn mực kế toán Việt Nam VAS 01 - Chuẩn mực chung theo Quyết định 165/2002/QĐ-BTC ngày 31/12/2002 của Bộ trưởng Bộ Tài chính;
  • Luật Kế toán số 88/2015/QH13 ban hành ngày 20/11/2015.

II. Nguyên tắc kế toán là gì? Ý nghĩa của việc áp dụng các nguyên tắc kế toán

1. Nguyên tắc kế toán là gì?

Nguyên tắc kế toán là các quy tắc, hướng dẫn cơ bản mà mọi kế toán cần áp dụng trong công việc nhằm đảm bảo tính chính xác, đáng tin cậy và minh bạch của thông tin tài chính. 

Khái niệm nguyên tắc kế toán này được thừa nhận là chuẩn mực chung, là kim chỉ nam cho việc đánh giá, phân loại, tổng hợp, ghi chép và báo cáo cung cấp thông tin về hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Trong hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam được ban hành có chuẩn mực kế toán VAS số 01 (chuẩn mực chung) quy định các nguyên tắc kế toán cơ bản sau đây:

  1. Nguyên tắc cơ sở dồn tích;
  2. Nguyên tắc hoạt động liên tục;
  3. Nguyên tắc giá gốc (giá vốn);
  4. Nguyên tắc trọng yếu;
  5. Nguyên tắc phù hợp;
  6. Nguyên tắc thận trọng;
  7. Nguyên tắc nhất quán.

2. Ý nghĩa của việc áp dụng các nguyên tắc kế toán

  • Giúp doanh nghiệp đảm bảo tính trung thực, ngăn chặn sự gian lận, tăng cường tính minh bạch trong báo cáo tài chính;
  • Là nền tảng giúp các nhà đầu tư có thể so sánh tình hình tài chính giữa các doanh nghiệp một cách chuẩn xác nhất, từ đó đưa ra những quyết định đầu tư phù hợp, hiệu quả.

III. 7 nguyên tắc kế toán cơ bản theo hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam

1. Nguyên tắc cơ sở dồn tích

  • Mọi nghiệp vụ kinh tế, tài chính của doanh nghiệp liên quan đến tài sản, nợ phải trả, nguồn vốn chủ sở hữu, doanh thu, chi phí phải được ghi vào sổ sách kế toán tại thời điểm phát sinh, không căn cứ vào thời điểm thực tế thu hoặc thực tế chi hoặc tương đương tiền; 
  • Báo cáo tài chính phản ánh tình hình tài chính của doanh nghiệp trong quá khứ, hiện tại và tương lai.

Ví dụ: 

Ngày 10/04/N, công ty A xuất kho bán 1 lô hàng hóa cho công ty B theo hóa đơn số 260 ngày 10/04/N, công ty B đã kiểm nhận đủ hàng và chấp nhận thanh toán. Tuy nhiên ngày 20/04/N, công ty B mới thực hiện thanh toán cho công ty A. Theo nguyên tắc cơ sở dồn tích, nghiệp vụ bán hàng này được ghi nhận doanh thu vào ngày 10/04/N.

2. Nguyên tắc hoạt động liên tục

  • Công việc kế toán được đặt ra trong điều kiện giả thiết doanh nghiệp sẽ tiếp tục hoạt động liên tục và sẽ tiếp tục hoạt động kinh doanh bình thường trong tương lai gần;
  • Trong trường hợp thực tế khác với giả định hoạt động liên tục thì báo cáo tài chính phải được lập trên một cơ sở khác và doanh nghiệp phải giải thích cơ sở đã sử dụng để lập báo cáo tài chính.

>> Tham khảo thêm: Dịch vụ nhận làm báo cáo tài chính - Từ 1.000.000đ.

3. Nguyên tắc giá gốc

  • Tài sản (vật tư, hàng hóa, các khoản công nợ...) phải được ghi nhận, phản ánh theo đúng giá gốc của chúng; 
  • Giá gốc của tài sản được ghi nhận theo số tiền hoặc tương đương tiền mà doanh nghiệp đã trả, phải trả hoặc được tính theo giá trị hợp lý của tài sản đó vào thời điểm ghi nhận;
  • Kế toán không được thay đổi, điều chỉnh giá gốc của tài sản trừ khi có quy định khác được quy định trong chuẩn mực kế toán cụ thể.

Ví dụ: 

Tháng 5/N, công ty A mua máy hàn có giá chưa thuế giá trị gia tăng (GTGT) là 200.000.000 đồng, thuế GTGT 10%, tổng giá thanh toán là 220.000.000 đồng. Chi phí vận chuyển, bốc dỡ về nhập kho là 1.100.000 đồng (trong đó thuế GTGT 10%). 

Theo nguyên tắc giá gốc, nguyên giá của tài sản = 200.000.000 + 1.000.000 = 201.000.000 đồng.

Đến tháng 10/N giá thị trường của máy này có tăng lên 30%, tuy nhiên giá trị ghi nhận trên sổ sách vẫn theo giá trị tại thời điểm mua, kế toán không điều chỉnh theo giá trị tăng thêm trên thị trường.

>> Tham khảo thêm: Cách nhận biết và tính nguyên giá tài sản cố định hữu hình.

4. Nguyên tắc trọng yếu

  • Tập trung chú trọng đến các yếu tố, các khoản mục chi phí mang tính quan trọng, quyết định đến bản chất, nội dung của các sự kiện kinh tế;
  • Cho phép bỏ qua hoặc đơn giản hóa các sự kiện, nghiệp vụ không quan trọng, không làm ảnh hưởng tới bản chất, nội dung nghiệp vụ kinh tế phát sinh;
  • Giúp cho việc ghi chép các thông tin kế toán trở nên đơn giản, hiệu quả hơn nhưng vẫn đảm bảo được tính chất trung thực, khách quan của thông tin kế toán.

5. Nguyên tắc phù hợp

  • Đưa ra hướng dẫn giúp doanh nghiệp xác định phần chi phí tương ứng với doanh thu đã thực hiện. 
  • Việc ghi nhận doanh thu và chi phí phải phù hợp với nhau;
  • Khi ghi nhận một khoản doanh thu thì kế toán phải ghi nhận một khoản chi phí tương ứng có liên quan đến việc tạo ra doanh thu đó;
  • Nguyên tắc này được vận dụng chủ yếu liên quan đến nghiệp vụ bán hàng. Khi ghi nhận doanh thu, doanh nghiệp cần xác định và ghi nhận phần chi phí tương ứng với doanh thu đó.

Ví dụ: 

Công ty A bán 1 lô hàng cho công ty B theo hóa đơn GTGT số 245 ngày 13/05/N:

  • Giá trị chưa thuế là 100.000.000 đồng;
  • Thuế suất thuế GTGT 10%;
  • Tổng thanh toán là 110.000.000 đồng; 
  • Công ty B đã kiểm nhận đủ hàng và chấp nhận thanh toán; 
  • Giá vốn của lô hàng: 80.000.000 đồng.

Theo nguyên tắc phù hợp, phần doanh thu và chi phí công ty A cần ghi nhận như sau:

  • Công ty A ghi nhận doanh thu là 100.000.000 đồng, đồng thời ghi nhận phần chi phí giá vốn tương ứng là 80.000.000 đồng;
  • Định khoản: 
  • Ghi nhận doanh thu:

Nợ TK 131: 110.000.000 đồng;

Có TK 511: 100.000.000 đồng;

Có TK 3331: 10.000.000 đồng.

  • Ghi nhận chi phí giá vốn tương ứng với phần doanh thu:

Nợ TK 632: 80.000.000 đồng;

Có TK 156: 80.000.000 đồng.

>> Tham khảo thêm: Dịch vụ kế toán bán hàng cho doanh nghiệp.

6. Nguyên tắc thận trọng

Nguyên tắc thận trọng xuất phát từ yêu cầu về tính chính xác, tin cậy của thông tin kế toán. Một hệ thống thông tin kế toán tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc thận trọng sẽ đáng tin cậy hơn, giúp những nhà đầu tư và người quản lý doanh nghiệp đưa ra những quyết định thông minh, hiệu quả hơn.

  •  Theo nguyên tắc thận trọng, kế toán được phép: 
    • Ghi nhận tăng chi phí hoặc ghi giảm tài sản khi có bằng chứng về khả năng phát sinh chi phí;
    • Ghi nhận doanh thu hoặc tăng nguồn vốn, tài sản chỉ khi có bằng chứng chắc chắn về khả năng thu được lợi ích kinh tế.
  • Nguyên tắc thận trọng quy định: 
    • Phải lập khoản dự phòng nhưng không được lập quá lớn;
    • Không đánh giá cao hơn giá trị của các tài sản và các khoản thu nhập;
    • Không đánh giá thấp hơn giá trị của các khoản nợ phải trả và chi phí;
    • Doanh thu và thu nhập chỉ được ghi nhận khi có bằng chứng chắc chắn về khả năng thu được lợi ích kinh tế; 
    • Chi phí phải được ghi nhận khi có bằng chứng về khả năng phát sinh.

Ví dụ: 

Nguyên tắc thận trọng thường được kế toán áp dụng: 

Tham khảo thêm:

>> Thanh lý tài sản cố định và đánh giá lại tài sản cố định;

>> Cách nhận biết và tính nguyên giá tài sản cố định hữu hình.

7. Nguyên tắc nhất quán

  • Nguyên tắc nhất quán đòi hỏi doanh nghiệp phải áp dụng, thực hiện các khái niệm, nguyên tắc, chuẩn mực, phương pháp kế toán... phải thống nhất ít nhất trong suốt một kỳ kế toán năm;
  • Trong trường hợp có những thay đổi về chính sách và phương pháp kế toán đã lựa chọn thì doanh nghiệp phải giải trình được lý do và sự ảnh hưởng của thay đổi đó trong thuyết minh báo cáo tài chính;
  • Áp dụng nguyên tắc nhất quán sẽ đảm bảo cho số liệu, thông tin kế toán trung thực, khách quan, đồng thời đảm bảo tính thống nhất, so sánh được của các chỉ tiêu giữa các kỳ kế toán với nhau.

Ví dụ: 

Nguyên tắc nhất quán mà các doanh nghiệp thường hay áp dụng:

  • Doanh nghiệp A áp dụng một phương pháp tính giá duy nhất cho tất cả các loại hàng tồn kho. Nếu có thay đổi thì phải giải trình trên thuyết minh báo cáo tài chính;
  • Doanh nghiệp B áp dụng phương pháp tính khấu hao theo đường thẳng cho tài sản E ít nhất là trong vòng một niên độ kế toán. Nếu muốn thay đổi phương pháp khấu hao của tài sản thì phải giải trình được lý do và nếu được cơ quan có thẩm quyền cho phép mới được thay đổi.

Tham khảo thêm:

>> Cách hạch toán, tính khấu hao tài sản cố định đã qua sử dụng;

>> Trích khấu hao tài sản cố định chưa sử dụng được không?

IV. Một số câu hỏi liên quan đến các nguyên tắc cơ bản của kế toán

1. Công ty A thành lập từ ngày 01/02/N và đang áp dụng phương pháp tính giá hàng tồn kho theo phương pháp nhập trước xuất trước (FIFO). Đến ngày 12/11/N, do thấy phương pháp FIFO này không thích hợp nên kế toán công ty muốn đổi sang áp dụng phương pháp tính bình quân gia quyền. Kế toán công ty cần làm gì để đổi được phương pháp tính giá xuất kho?

Theo nguyên tắc nhất quán, công ty A cần áp dụng thống nhất phương pháp tính giá hàng tồn kho ít nhất trong một năm tài chính. Vì vậy:

  • Nếu công ty A đang áp dụng phương pháp FIFO cho năm tài chính N thì nên áp dụng xuyên suốt cả năm N; 
  • Sang năm N+1, kế toán có thể chuyển sang áp dụng phương pháp bình quân gia quyền;
  • Khi thay đổi, kế toán cần giải trình trên thuyết minh báo cáo tài chính. Hoặc kế toán công ty có thể sửa lại sổ sách và cách tích giá hàng tồn kho từ đầu năm N. Từ đó, công ty có thể áp dụng phương pháp tính giá hàng tồn kho theo phương pháp bình quân gia quyền cho năm tài chính N.

>> Tham khảo thêm: Các phương pháp tính giá xuất kho.

2. Ngày 12/06/N, công ty A nhượng bán một TSCĐ hữu hình sử dụng tại bộ phận bán hàng cho công ty C, nguyên giá là 100.000.000 đồng, đã khấu hao 50.000.000 đồng. Giá bán chưa có thuế GTGT là 60.000.000 đồng, thuế suất thuế GTGT 10%. Công ty C đã thanh toán qua ngân hàng. Trong ví dụ trên, khi hạch toán kế toán cần áp dụng nguyên tắc kế toán nào?

Khi công ty A nhượng bán TSCĐ, kế toán công ty cần hạch toán trên sổ sách kế toán như sau:

  • Ghi nhận doanh thu:

Nợ TK 112: 66.000.000 đồng;

TK 711: 60.000.000 đồng;

Có TK 3331: 6.000.000 đồng.

  • Ghi nhận chi phí:

Nợ TK 811: 50.000.000 đồng;

Nợ TK 214: 50.000.000 đồng;

Có TK 211: 100.000.000 đồng.

Như vậy, có thể thấy, để hạch toán đúng vào sổ sách kế toán, kế toán công ty cần áp dụng nguyên tắc giá gốc khi hạch toán ghi giảm giá trị của tài sản cố định, áp dụng nguyên tắc phù hợp khi xác định, ghi nhận phần chi phí tương ứng với doanh thu thu được từ việc nhượng bán tài sản cố định.

>> Tham khảo thêm: Cách hạch toán thanh lý - nhượng bán tài sản cố định.

Ngân Trần - Phòng Kế toán Anpha

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Đánh giá chất lượng bài viết, bạn nhé!

0.0

Chưa có đánh giá nào
Chọn đánh giá

Gửi đánh giá

BÌNH LUẬN - HỎI ĐÁP

Hãy để lại câu hỏi của bạn, chúng tôi sẽ trả lời TRONG 15 PHÚT

SĐT và email sẽ được ẩn để bảo mật thông tin của bạn GỬI NHANH