Quy định về tái ký hợp đồng lao động: nguyên tắc, thời hạn...

Quy định về tái ký hợp đồng lao động. Hết hạn hợp đồng nhưng không ký tiếp được không & người lao động không tái ký hợp đồng báo trước bao nhiêu ngày?

Tái ký hợp đồng lao động là gì?

Tái ký hợp đồng lao động là việc ký lại hợp đồng lao động giữa người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (NSDLĐ) sau khi hợp đồng lao động cũ hết hạn.

Hợp đồng lao động (HĐLĐ) được tái ký theo 1 trong 2 loại cơ bản sau:

  • Hợp đồng lao động không xác định thời hạn;
  • Hợp đồng lao động xác định thời hạn.

Quy định về tái ký hợp đồng lao động

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 20 Bộ luật Lao động 2019, khi HĐLĐ có thời hạn (tối đa 36 tháng) hết hiệu lực mà NSDLĐ muốn giữ NLĐ tiếp tục làm việc thì thực hiện tái ký HĐLĐ. Cụ thể:

  • Trong vòng 30 ngày kể từ ngày HĐLĐ hết hiệu lực, NSDLĐ và NLĐ cần ký kết hợp đồng mới. Trong thời gian chờ ký hợp đồng mới, cả 2 bên vẫn thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ và hưởng các quyền lợi theo nội dung hợp đồng cũ;
  • Nếu sau 30 ngày kể từ ngày HĐLĐ hết hiệu lực, NSDLĐ và NLĐ không ký kết HĐLĐ mới thì hợp đồng có thời hạn trước đó sẽ tự động chuyển thành HĐLĐ không xác định thời hạn;
  • Nếu HĐLĐ mới ký kết là HĐLĐ có thời hạn thì sau khi HĐLĐ mới này hết hiệu lực, NSDLĐ muốn NLĐ tiếp tục làm việc thì phải ký HĐLĐ không thời hạn. Ngoại trừ các trường hợp như:
  • NLĐ là người được thuê làm giám đốc doanh nghiệp vốn nhà nước;
  • NLĐ là người cao tuổi;
  • NLĐ là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam;
  • NLĐ là thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện NLĐ còn trong nhiệm kỳ mà hết hạn HĐLĐ và phải gia hạn hợp đồng cho đến khi hết nhiệm kỳ.

Tham khảo thêm:

>> Quy định về hợp đồng lao động với người nước ngoài;

>> Công ty có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ trước thời hạn không?.

Nguyên tắc tái ký khi hợp đồng lao động hết hạn

Việc tái ký HĐLĐ phải được thực hiện dựa trên các nguyên tắc sau:

➧ Nguyên tắc giao kết HĐLĐ:

  • Tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác và trung thực;
  • Tự do ký kết HĐLĐ nhưng phải hợp pháp và tuân thủ thỏa ước lao động tập thể và đạo đức xã hội.

➧ Hình thức HĐLĐ:

  • Hợp đồng được lập bằng văn bản và làm thành 2 bản, mỗi bên giữ 1 bản;
  • HĐLĐ bản điện tử có giá trị pháp lý như hợp đồng bản giấy;
  • Đối với HĐLĐ dưới 1 tháng có thể giao kết bằng lời nói.

➧ Thẩm quyền tái ký HĐLĐ:

  • NLĐ là người trực tiếp ký kết HĐLĐ;
  • Nếu công việc theo mùa vụ hoặc công việc nhất định có thời hạn dưới 1 năm thì NLĐ từ đủ 18 tuổi trở lên có thể ủy quyền cho người khác ký kết hợp đồng, nhưng với điều kiện:
    • Người được ủy quyền phải đủ 18 tuổi trở lên;
    • HĐLĐ phải được lập bằng văn bản và phải kèm danh sách thông tin của từng NLĐ như họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú và chữ ký của NLĐ.
  • NSDLĐ có thẩm quyền tái ký HĐLĐ thuộc 1 trong các đối tượng sau:
    • Người đại diện pháp luật của doanh nghiệp hoặc người được ủy quyền;
    • Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có tư cách pháp nhân hoặc người được ủy quyền;
    • Người đại diện hộ kinh doanh, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân hoặc người được ủy quyền;
    • Người sử dụng lao động là cá nhân.

>> Tham khảo thêm: Dịch vụ soạn thảo hợp đồng lao động - Chỉ từ 1.500.000 đồng.

Hết hạn hợp đồng nhưng không ký tiếp có phải báo trước không?

1. Có phải thông báo không tái ký hợp đồng lao động không?

NSDLĐ và NLĐ có quyền chấm dứt HĐLĐ khi hết hạn và việc có tiếp tục tái ký hợp đồng hay không tùy thuộc vào thỏa thuận của 2 bên. 

  • Đối với NLĐ: Hiện tại không có quy định việc NLĐ phải thông báo trước cho NSDLĐ về ý định không tái ký HĐLĐ của mình;
  • Đối với NSDLĐ: Theo quy định tại Điều 45 của Bộ luật Lao động 2019, dù có tiếp tục tái ký hay không thì NSDLĐ vẫn phải có nghĩa vụ thông báo bằng văn bản cho NLĐ biết về việc HĐLĐ hết thời hạn và không tái ký hợp đồng. 

Tham khảo mẫu thông báo không tái ký hợp đồng lao động sau đây.

2. Công ty và người lao động không tái ký hợp đồng phải báo trước bao nhiêu ngày?

Theo Bộ luật Lao động 2012 (luật cũ) nếu không tái ký HĐLĐ, NSDLĐ phải báo trước cho NLĐ trong vòng 15 ngày tính đến ngày hợp đồng hết hạn.

Tuy nhiên, Bộ luật Lao động 2019 không quy định cụ thể thời gian báo trước về việc không tái ký HĐLĐ. Theo đó, NSDLĐ chỉ cần thông báo cho NLĐ trước khi HĐLĐ hết hiệu lực mà không cần phải đảm bảo về số ngày báo trước.

3. Quy định phạt không thông báo về việc không tái ký hợp đồng lao động

Trường hợp không thông báo về việc không tái ký HĐLĐ trước khi hợp đồng hết hạn thì NSDLĐ có thể bị phạt tiền, cụ thể:

  • Phạt tiền từ 1.000.000 - 3.000.000 đồng đối với cá nhân vi phạm;
  • Phạt tiền từ 2.000.000 - 6.000.000 đồng đối với cơ quan, tổ chức vi phạm.

Ngoài ra, nếu không tái ký HĐLĐ thì NSDLĐ phải có nghĩa vụ thực hiện các công việc sau:

  • Thanh toán các khoản tiền liên quan đến quyền lợi của NLĐ;
  • Chi trả tiền lương, tiền BHXH, BHYT, BHTN, trợ cấp thôi việc và các quyền lợi khác (nếu có thỏa thuận);
  • Ưu tiên thanh toán HĐLĐ trong trường hợp doanh nghiệp bị phá sản, chấm dứt hoạt động hoặc giải thể;
  • Hoàn tất thủ tục chốt sổ BHXH, BHTN và trả lại bản gốc các giấy tờ khác đang giữ của NLĐ;
  • Cung cấp bản sao các giấy tờ, tài liệu có liên quan đến quá trình làm việc của NLĐ nếu NLĐ có yêu cầu và chi trả toàn bộ chi phí sao, gửi các tài liệu đó.

Tham khảo thêm: 

>> Mức bồi thường khi công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng;

>> Các giấy tờ phải trả cho NLĐ khi chấm dứt HĐLĐ.

Các câu hỏi thường gặp về việc tái ký hợp đồng lao động

1. Tái ký hợp đồng lao động là gì?

Tái ký hợp đồng lao động là việc ký lại hợp đồng lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động sau khi hợp đồng lao động cũ hết hạn.

>> Xem chi tiết: Tái ký hợp đồng lao động là gì?

2. Hợp đồng lao động hết hạn nhưng không ký tiếp có được không?

Khi HĐLĐ hết hạn thì NSDLĐ và NLĐ đều có quyền tái ký hợp đồng hoặc không tùy thuộc vào thỏa thuận của 2 bên. 

3. Công ty không tái ký hợp đồng có cần báo trước cho NLĐ không?

Khi HĐLĐ sắp hết hiệu lực, NSDLĐ phải thông báo bằng văn bản cho NLĐ về việc hợp đồng hết hiệu lực và có tái ký HĐLĐ hay không.

>> Xem chi tiết: Công ty không tái ký hợp đồng có phải báo trước không?

4. Thời hạn thông báo không tái ký hợp đồng là bao lâu?

Hiện nay, Bộ luật Lao động 2019 không quy định cụ thể về thời gian báo trước cho NLĐ về việc không tái ký HĐLĐ, tuy nhiên NSDLĐ vẫn phải đảm bảo thông báo cho NLĐ trước khi HĐLĐ hết hiệu lực.

Còn trước đó theo Bộ luật Lao động 2012 (luật cũ) nếu không tái ký HĐLĐ, NSDLĐ phải báo trước cho NLĐ trong vòng 15 ngày tính đến ngày hợp đồng hết hạn.

>> Xem chi tiết: Thời hạn thông báo không tái ký hợp đồng lao động.

5. Người lao động nghỉ việc khi hết hạn hợp đồng có cần làm đơn xin nghỉ việc không?

Khi hợp đồng lao động hết thời hạn, quan hệ lao động giữa hai bên sẽ tự động kết thúc. Theo đó NLĐ không cần phải làm đơn xin nghỉ việc.

Gọi cho chúng tôi theo số 0901 042 555 (Miền Bắc) - 0939 356 866 (Miền Trung) - 0902 602 345 (Miền Nam) để được hỗ trợ.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Đánh giá chất lượng bài viết, bạn nhé!

0.0

Chưa có đánh giá nào
Chọn đánh giá

Gửi đánh giá

BÌNH LUẬN - HỎI ĐÁP

Hãy để lại câu hỏi của bạn, chúng tôi sẽ trả lời TRONG 15 PHÚT

SĐT và email sẽ được ẩn để bảo mật thông tin của bạn GỬI NHANH