Điều kiện, thủ tục mở phòng khám chuyên khoa tai - mũi - họng như thế nào? Có bắt buộc phải thành lập công ty hay hộ kinh doanh để mở phòng khám không? Tất cả những thắc mắc này sẽ được Anpha giải đáp đầy đủ, chi tiết trong bài viết dưới đây.
Cơ sở pháp lý
- Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009;
- Nghị định 109/2016/NĐ-CP quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám, chữa bệnh;
- Nghị định 155/2018/NĐ-CP sửa đổi quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế;
- Thông tư 41/2011/TT-BYT hướng dẫn cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám, chữa bệnh do Bộ Y tế ban hành;
- Thông tư 41/2015/TT-BYT sửa đổi Thông tư 41/2011/TT-BYT hướng dẫn cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành.
Hiện nay, đời sống tăng cao kèm theo đó là nhu cầu chăm sóc sức khỏe cũng ngày càng được ưu tiên. Vì thế, việc mở các phòng khám chuyên khoa tai - mũi - họng không còn là xa lạ. Nhưng không phải ai muốn mở phòng khám cũng được. Hãy cùng Anpha tìm hiểu về điều kiện và thủ tục mở phòng khám chuyên khoa tai - mũi - họng như thế nào nhé!
Điều kiện cấp giấy phép hoạt động phòng khám chuyên khoa tai mũi họng
Căn cứ theo quy định pháp luật hiện hành, hoạt động khám bệnh, chữa bệnh là 1 trong những ngành nghề có điều kiện, cho nên phòng khám chuyên khoa nói chung và phòng khám tai mũi họng nói riêng phải đáp ứng đủ các điều kiện sau đây thì mới được cấp giấy phép hoạt động. Cụ thể:
1. Điều kiện pháp lý
Muốn mở phòng khám chuyên khoa tai mũi họng và xin giấy phép hoạt động cho phòng khám thì cá nhân, tổ chức bắt buộc phải đáp ứng điều kiện pháp lý sau đây:
Tuy nhiên theo quy định tại Điều 17 Luật Doanh nghiệp và Điều 2 Luật Viên chức, không phải bác sĩ, cán bộ nào của bệnh viện muốn thành lập công ty hoặc hộ kinh doanh để mở phòng khám cũng được. Cụ thể:
- Bác sĩ thuộc diện cán bộ, công chức, viên chức của bệnh viện chỉ có thể thành lập hộ kinh doanh cá thể để mở phòng khám;
- Bác sĩ làm việc tại các bệnh viện công lập theo hợp đồng lao động và chưa thuộc diện cán bộ, công chức, viên chức thì có thể đăng ký thành lập công ty hoặc đăng ký hộ kinh doanh đều được.
2. Điều kiện về cơ sở vật chất
Cơ sở khám chữa bệnh chuyên khoa tai - mũi - họng cần đáp ứng các điều kiện sau đây:
- Phòng khám đặt tại một địa điểm cố định;
- Đảm bảo các điều kiện về phòng cháy chữa cháy và an toàn bức xạ;
- Bố trí khu vực tiệt trùng để xử lý dụng cụ y tế tiếp tục sử dụng lại, trừ trường hợp không có dụng cụ tiệt trùng lại hoặc hợp đồng với cơ sở y tế khác để tiệt trùng dụng cụ;
- Trường hợp thực hiện thủ thuật, kỹ thuật cấy ghép răng (implant), châm cứu, xoa bóp day ấn huyệt thì phải có phòng hoặc khu vực riêng dành cho việc thực hiện thủ thuật. Phòng hoặc khu vực thực hiện thủ thuật phải có đủ diện tích để thực hiện kỹ thuật chuyên môn.
3. Điều kiện về trang thiết bị y tế
- Có đủ trang thiết bị y tế phù hợp với chuyên môn hoạt động của phòng khám;
- Phòng khám tư vấn sức khỏe hoặc phòng tư vấn sức khỏe qua các phương tiện công nghệ thông tin, viễn thông không bắt buộc phải có trang thiết bị y tế nhưng phải có đầy đủ các thiết bị công nghệ thông tin, viễn thông phù hợp với phạm vi hoạt động đăng ký;
- Nếu phòng khám điều trị bệnh nghề nghiệp phải có bộ phận xét nghiệm sinh hóa;
- Có hộp thuốc chống sốc và đủ thuốc cấp cứu chuyên khoa.
4. Điều kiện về nhân sự
Phòng khám tai mũi họng phải có một người chịu trách nhiệm về chuyên môn kỹ thuật và người này phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
- Là bác sĩ có chứng chỉ hành nghề phù hợp với chuyên môn hoạt động của phòng khám;
- Trường hợp phòng khám có nhiều chuyên khoa thì chứng chỉ hành nghề của người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật phải có chuyên môn phù hợp với ít nhất một trong các chuyên khoa lâm sàng mà cơ sở đăng ký hoạt động.
Ngoài ra, tùy theo chuyên khoa của phòng khám thì người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật còn phải đáp ứng các điều kiện khác theo quy định của pháp luật.
Quy trình - thủ tục mở phòng khám chuyên khoa tai mũi họng
1. Thực hiện thủ tục thành lập công ty hoặc đăng ký hộ kinh doanh
Tùy thuộc vào mô hình kinh doanh của phòng khám mà bạn sẽ cần chuẩn bị các giấy tờ khác nhau:
➨ Đăng ký hộ kinh doanh cá thể
Thông tin và hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh cá thể cần chuẩn bị gồm:
- Thông tin dự kiến thành lập hộ kinh doanh: tên hộ kinh doanh, địa chỉ, ngành nghề kinh doanh, vốn điều lệ, chủ hộ kinh doanh và thành viên góp vốn, số người lao động…;
- Bản sao CMND/CCCD/hộ chiếu của chủ hộ kinh doanh và các thành viên góp vốn;
- Hợp đồng thuê nhà (nếu địa chỉ thuê) hoặc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và nhà ở (nếu là của chủ hộ kinh doanh);
- Bản sao chứng chỉ hành nghề.
Cách thức nộp hồ sơ: Nộp trực tiếp hoặc nộp qua mạng đến UBND quận/huyện nơi đăng ký địa chỉ kinh doanh.
Thời gian giải quyết: 5 - 7 ngày làm việc (tùy quận/huyện thì có thể giải quyết hồ sơ nhanh hoặc chậm hơn), UBND quận/huyện sẽ cấp giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh.
>> Tham khảo chi tiết: Thủ tục đăng ký hộ kinh doanh cá thể & 7 lưu ý bạn phải biết.
➨ Thành lập công ty, doanh nghiệp
Thông tin và hồ sơ thành lập công ty cần chuẩn bị gồm:
- Thông tin để thành lập doanh nghiệp bao gồm: tên công ty, địa chỉ trụ sở chính, ngành nghề muốn kinh doanh, vốn điều lệ và tỷ lệ góp vốn của các thành viên (nếu có), thông tin người đại diện pháp luật và chủ sở hữu hoặc thành viên góp vốn/cổ đông sáng lập…;
- Bản sao CMND/CCCD/hộ chiếu của đại diện pháp luật, chủ sở hữu/thành viên góp vốn/cổ đông sáng lập.
Cách thức nộp hồ sơ: Người đại diện theo pháp luật hoặc cá nhân được ủy quyền làm thủ tục có thể nộp hồ sơ trực tiếp tại bộ phận Một cửa - Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở KH&ĐT tỉnh - nơi đặt trụ sở chính hoặc nộp online trên website của Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Thời gian hoàn thành: 5 - 7 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ, Phòng Đăng ký kinh doanh sẽ cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (đăng ký kinh doanh).
>> Tham khảo chi tiết: Điều kiện, thủ tục thành lập công ty, doanh nghiệp;
2. Xin giấy phép đủ điều kiện hoạt động phòng khám chuyên khoa tai mũi họng
Thành phần hồ sơ xin cấp phép hoạt động phòng khám tai mũi họng gồm có:
- Đơn đề nghị cấp giấy phép hoạt động đối với khám bệnh, chữa bệnh;
- Giấy phép kinh doanh của phòng khám (bản sao công chứng);
- Chứng chỉ hành nghề của bác sĩ chuyên khoa và những người thực hiện việc khám, chữa bệnh (bản sao công chứng);
- Danh sách đăng ký những người hành nghề khám, chữa bệnh tại phòng khám;
- Giấy xác nhận quá trình hành nghề của người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật (ít nhất 54 tháng về chuyên khoa);
- Giấy tờ pháp lý chứng minh phòng khám đáp ứng đủ điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế và nhân sự phù hợp với chuyên khoa hoạt động.
>> TẢI MẪU: Hồ sơ xin cấp phép hoạt động phòng khám chuyên khoa tai mũi họng.
Lưu ý:
Ngoài các giấy tờ trên, phòng khám có thể cần bổ sung thêm các giấy tờ sau theo yêu cầu của cơ quan y tế cấp phép:
- Hợp đồng lao động với các nhân sự có hoạt động chuyên môn;
- Hợp đồng thuê nhà hoặc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của địa chỉ phòng khám;
- Hợp đồng xử lý rác y tế;
- Hóa đơn; giấy phép lưu hành; giấy phép nhập hoặc mua sắm các trang thiết bị y tế…
Sau khi chuẩn bị đủ hồ sơ ở trên, chủ phòng khám tai mũi họng nộp hồ sơ xin cấp phép hoạt động tại Sở Y tế tỉnh - nơi đặt địa chỉ phòng khám.
Trong vòng 90 - 100 ngày làm việc (tùy theo điều kiện và tình hình thực tế của phòng khám thời gian giải quyết có thể lâu hơn) cơ quan nhà nước sẽ kiểm tra hồ sơ, xác minh cơ sở và giấy tờ, điều kiện của phòng khám để xem xét, cấp phép.
Một số câu hỏi về thủ tục mở phòng khám chuyên khoa tai mũi họng.
1. Để mở phòng khám chuyên khoa cần có những giấy phép nào?
Để đăng ký phòng khám chuyên khoa thì cần phải có 2 loại giấy phép:
- Giấy phép đăng ký kinh doanh (tức là phải thành lập công ty hoặc đăng ký hộ kinh doanh);
- Giấy phép đủ điều kiện hoạt động khám chữa bệnh.
2. Thủ tục mở phòng khám chuyên khoa tai mũi họng gồm mấy bước?
Quy trình mở phòng khám chuyên khoa tai mũi họng gồm 2 bước sau:
- Bước 1: Thành lập công ty hoặc đăng ký hộ kinh doanh cá thể;
- Bước 2: Xin cấp giấy phép hoạt động cho phòng khám.
3. Người chịu trách nhiệm về chuyên môn kỹ thuật của phòng khám có cần kinh nghiệm gì không?
Có, người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật phải có giấy tờ xác nhận kinh nghiệm làm việc ít nhất 54 tháng về chuyên khoa.
4. Cơ quan nào cấp giấy phép hoạt động phòng khám chuyên khoa tai mũi họng?
Giấy phép hoạt động của phòng khám chuyên khoa tai mũi họng có thể do Bộ Y tế hoặc Sở Y tế cấp phép.
Gọi cho chúng tôi theo số 0984 477 711 (Miền Bắc) - 0903 003 779 (Miền Trung) - 0908 742 789 (Miền Nam) để được hỗ trợ..
Kim Tư - Phòng Pháp lý Anpha
BÌNH LUẬN - HỎI ĐÁP
Hãy để lại câu hỏi của bạn, chúng tôi sẽ trả lời TRONG 15 PHÚT