Người chưa được xóa án tích có được đi nước ngoài không?

Người có án tích, người đi tù về có được đi nước ngoài không? Trường hợp nào thì không được xuất cảnh và điều kiện xuất cảnh của công dân Việt Nam là gì?

Án tích là gì? Xóa án tích là gì?

1. Án tích là gì?

Án tích của một người xuất hiện khi người đó phạm tội và bị kết án, đây được xem là đặc điểm xấu về nhân thân và cũng chính là cách thực hiện trách nhiệm hình sự.

Án tích được ghi và lưu lại trong lý lịch tư pháp của người bị kết án nhưng không mang tính vĩnh viễn mà chỉ tồn tại từ thời điểm kết án cho đến khi án tích được xóa hoàn toàn, khi đó người này được xem như chưa từng bị kết án (không có án tích).

2. Xóa án tích là gì?

Sau khi người bị kết án chấp hành xong bản án của Tòa án, trải qua một khoảng thời gian nhất định, đồng thời đáp ứng được các điều kiện xóa án tích theo quy định của pháp luật thì người này có thể được xóa án tích theo các trường hợp sau:

  1. Đương nhiên được xóa án tích;
  2. Xóa án tích theo quyết định của Tòa án.

Người có án tích có đi nước ngoài được không?

Pháp luật Việt Nam hiện nay chưa có quy định đối với trường hợp không được xuất cảnh, bị cấm xuất cảnh mà chỉ có quy định về các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh có thời hạn.

Cụ thể tại Điều 36 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019 quy định có 9 trường hợp công dân Việt Nam bị tạm hoãn xuất cảnh, bao gồm:

  1. Bị can, bị cáo hoặc người bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố mà qua xác minh, kiểm tra thấy người đó có khả năng thực hiện hành vi phạm tội và xét thấy cần phải ngăn chặn ngay việc tiêu hủy chứng cứ hoặc bỏ trốn của người này;
  2. Là người thuộc một trong các đối tượng:
    • Đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù;
    • Đang được hoãn chấp hành án phạt tù;
    • Được tha tù trước thời hạn có điều kiện trong thời gian thử thách;
    • Đang hưởng án treo trong thời gian thử thách;
    • Đang trong thời gian chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ.
  3. Người phải thi hành án/người đại diện theo pháp luật của tổ chức, cơ quan đang có nghĩa vụ thi hành quyết định, bản án dân sự nếu có căn cứ xét thấy việc xuất cảnh của người này ảnh hưởng đến lợi ích nhà nước, ảnh hưởng quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức hoặc để đảm bảo cho việc thi hành án;
  4. Người có nghĩa vụ theo quy định pháp luật về tố tụng dân sự nếu xét thấy việc giải quyết vụ án có liên quan đến nghĩa vụ của họ với nhà nước, tổ chức, cơ quan, cá nhân và việc xuất cảnh của người này ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án, lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức hoặc để đảm bảo cho việc thi hành án;
  5. Người có liên quan đến nghĩa vụ thuế với cơ quan nhà nước, cụ thể là:
    • Người nộp thuế hoặc người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đang bị cưỡng chế thi hành các quyết định hành chính về quản lý thuế;
    • Người Việt Nam muốn xuất cảnh để định cư ở nước ngoài nhưng chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế theo quy định;
    • Người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà trước khi xuất cảnh chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế theo quy định.
  6. Người đang bị cưỡng chế hoặc là người đại diện của tổ chức đang bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và xét thấy cần phải ngăn chặn ngay việc người này bỏ trốn;
  7. Người bị kiểm tra, thanh tra, xác minh có đủ căn cứ xác định rằng người đó vi phạm đặc biệt nghiêm trọng và cần phải ngăn chặn ngay việc người này bỏ trốn;
  8. Người đang mắc bệnh dịch nguy hiểm có tính lây lan, truyền nhiễm và xét thấy cần ngăn xuất cảnh để khống chế khả năng lây lan, truyền nhiễm dịch bệnh ra cộng đồng (trừ các trường hợp được phía nước ngoài cho phép nhập cảnh);
  9. Người bị cơ quan chức năng cho rằng việc xuất cảnh của họ có ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng.

Như vậy, trường hợp công dân Việt Nam chưa được xóa án tích nhưng đã chấp hành xong án phạt tù, đồng thời đang trong tình trạng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì vẫn có thể được xuất cảnh ra nước ngoài (kể cả xuất cảnh theo diện đi xuất khẩu lao động) nếu không thuộc một trong các đối tượng bị tạm hoãn xuất cảnh kể trên.

Có thể bạn quan tâm:

>> Thời hạn xóa án tích;

>> Điều kiện xóa án tích;

>> Thủ tục xóa án tích tại Sở Tư pháp.

Điều kiện xuất cảnh của công dân Việt Nam

Căn cứ theo quy định tại Điều 33 Luật Xuất cảnh nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019 (sửa đổi bởi Khoản 11 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam), công dân Việt Nam được xuất cảnh khi đáp ứng được các điều kiện sau đây:

  1. Có đầy đủ các giấy tờ xuất nhập cảnh nguyên vẹn và còn thời hạn sử dụng;
  2. Có thị thực (visa nhập cảnh) hoặc giấy tờ chứng minh, xác nhận cho phép nhập cảnh của nước ngoài, trừ các trường hợp được miễn thị thực;
  3. Không thuộc một trong các trường hợp bị cấm, không được xuất cảnh hoặc bị tạm hoãn xuất cảnh theo quy định.

Lưu ý:

Đối với người bị mất năng lực hành vi dân sự, khó khăn trong việc nhận thức và làm chủ hành vi, người chưa đủ 14 tuổi khi xuất cảnh phải có người đại diện hợp pháp đi cùng.

>> Có thể bạn quan tâm: Các nước miễn visa nhập cảnh cho hộ chiếu Việt Nam.

Câu hỏi thường gặp về vấn đề chưa xoá án tích có được đi nước ngoài không

1. Người có án tích có đi nước ngoài được không?

Được. Công dân Việt Nam dù đang có án tích (chưa được xóa án tích) nhưng không thuộc đối tượng bị cấm, tạm hoãn xuất cảnh theo quy định thì vẫn có thể được xuất cảnh ra nước ngoài.

2. Đi tù về có được đi nước ngoài không (đi theo diện xuất khẩu lao động)?

Được. Trường hợp công dân Việt Nam chưa được xóa án tích nhưng đã chấp hành xong án phạt tù và đang không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, tức là không thuộc các trường hợp bị hoãn xuất cảnh thì vẫn có thể được xuất cảnh để đi xuất khẩu lao động, chỉ cần đáp ứng được các điều kiện xuất cảnh theo quy định.

3. Người được hoãn chấp hành án phạt tù có được xuất cảnh không?

Theo quy định của pháp luật hiện hành, công dân Việt Nam đang được tạm hoãn chấp hành án phạt tù thuộc trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh, tức là chưa thể xuất cảnh ngay được.

>> Xem chi tiết: Trường hợp tạm hoãn xuất cảnh.

4. Điều kiện xuất cảnh của công dân Việt Nam như thế nào?

Để được xuất cảnh ra nước ngoài, công dân Việt Nam cần đáp ứng được các điều kiện sau đây:

  1. Có đầy đủ các giấy tờ xuất nhập cảnh nguyên vẹn và còn thời hạn sử dụng;
  2. Có thị thực (visa nhập cảnh) hoặc giấy tờ chứng minh, xác nhận cho phép nhập cảnh của nước ngoài, trừ các trường hợp được miễn thị thực;
  3. Không thuộc một trong các trường hợp bị cấm, không được xuất cảnh hoặc bị tạm hoãn xuất cảnh theo quy định.

Gọi cho chúng tôi theo số 0984 477 711 (Miền Bắc) - 0903 003 779 (Miền Trung) - 0938 268 123 (Miền Nam) để được hỗ trợ.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Đánh giá chất lượng bài viết, bạn nhé!

0.0

Chưa có đánh giá nào
Chọn đánh giá

Gửi đánh giá

BÌNH LUẬN - HỎI ĐÁP

Hãy để lại câu hỏi của bạn, chúng tôi sẽ trả lời TRONG 15 PHÚT

SĐT và email sẽ được ẩn để bảo mật thông tin của bạn GỬI NHANH