
Các quy định mới về chế độ làm việc của giáo viên phổ thông từ ngày 22/04/2025 như: điều chỉnh thời gian thực dạy, bổ sung chế độ nghỉ thai sản cho giáo viên trùng hè…
Ngày 07/03/2025, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 05/2025/TT-BGDĐT quy định về chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông, dự bị đại học. Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 22/04/2025.
Theo quy định tại Điều 5 Thông tư 05/2025/TT-BGDĐT, thời gian làm việc trong năm học của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng (hiệu phó) và giáo viên trường phổ thông là 42 tuần, trong đó:
- Số tuần giảng dạy các nội dung thuộc chương trình giáo dục phổ thông: 37 tuần, gồm 35 tuần thực dạy và 2 tuần dự phòng (*);
- Số tuần học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ: 3 tuần;
- Số tuần chuẩn bị năm học mới và tổng kết năm học: 2 tuần.
Như vậy, thời gian thực dạy của giáo viên phổ thông được điều chỉnh thành 35 tuần thay vì 37 tuần cho việc giảng dạy và các hoạt động giáo dục như quy định cũ.

Lưu ý:
(*) Trường hợp khẩn cấp, đột xuất để phòng, chống dịch bệnh, thiên tai hoặc trong trường hợp cấp bách phải điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học thì thời gian giảng dạy này sẽ được thực hiện theo quy định điều chỉnh của cơ quan các cấp có thẩm quyền.
Thời gian nghỉ hằng năm của hiệu trưởng, hiệu phó, giáo viên THPT
➨ Đối với hiệu trưởng và phó hiệu trưởng
Căn cứ theo quy định tại Khoản 4 Điều 6 Thông tư 05/2025/TT-BGDĐT, thời gian nghỉ hằng năm của hiệu trưởng và hiệu phó bao gồm:
- Nghỉ hè;
- Nghỉ lễ, Tết;
- Các ngày nghỉ khác theo quy định của Bộ luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội.
Trong đó, thời gian nghỉ hè được bố trí linh hoạt trong năm học và trong thời gian nghỉ hè của giáo viên để đảm bảo tính ổn định đối với các hoạt động của nhà trường, đồng thời đảm bảo các nhiệm vụ công tác được hoàn thành khi cơ quan quản lý các cấp triệu tập (nếu có).
Lưu ý:
Để tránh trường hợp tất cả các cán bộ quản lý đều nghỉ cùng thời điểm, không duy trì được tính liên tục trong các hoạt động của nhà trường thì lịch nghỉ hè của hiệu trưởng, hiệu phó phải được báo cáo cơ quan quản lý hoặc theo phân cấp.
➨ Đối với giáo viên
Cũng tại Khoản 1 Điều 6 Thông tư này quy định thời gian nghỉ hằng năm của giáo viên phổ thông bao gồm:
- Nghỉ hè (*);
- Nghỉ lễ, Tết;
- Các ngày nghỉ khác theo quy định của Bộ luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội.
Ghi chú:
(*) Nếu có đề nghị triệu tập từ cơ quan có thẩm quyền thì trong thời gian nghỉ hè, giáo viên có thể phải tham gia đào tạo, bồi dưỡng tương ứng với từng vị trí việc làm, hoặc tham gia công tác tuyển sinh, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Có thể bạn quan tâm:
>> Quy định về chế độ nghỉ phép năm của giáo viên;
>> Các ngày nghỉ lễ trong năm.
Bổ sung thời gian nghỉ thai sản của giáo viên phổ thông theo quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 6 Thông tư 05/2025/TT-BGDĐT, cụ thể như sau:
➨ Đối với giáo viên nữ
Trường hợp thời gian nghỉ thai sản và nghỉ hè có giai đoạn trùng nhau thì thời gian nghỉ sẽ bao gồm:
- Thời gian nghỉ thai sản;
- Thời gian nghỉ hè ngoài thời gian nghỉ thai sản (trước hoặc sau thời gian nghỉ thai sản).
Theo đó, nếu giáo viên nữ nghỉ hè ít hơn tổng số ngày nghỉ hằng năm theo quy định của Bộ luật Lao động thì sẽ được nghỉ thêm một số ngày. Trong đó:
- Tổng số ngày nghỉ hè và số ngày nghỉ thêm sẽ bằng số ngày nghỉ hằng năm theo quy định của Bộ luật Lao động;
- Thời gian nghỉ thêm được sắp xếp linh hoạt theo thỏa thuận giữa giáo viên với hiệu trưởng.
➨ Đối với giáo viên nam
Trường hợp giáo viên nam hưởng chế độ nghỉ thai sản khi vợ sinh con theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội thì trong thời gian nghỉ theo chế độ vẫn được tính là dạy đủ định mức tiết dạy theo quy định và không cần phải dạy bù.
Trường hợp giáo viên nam có thời gian nghỉ chế độ thai sản khi vợ sinh con trùng với thời gian nghỉ hè thì không được nghỉ bù.
Có thể bạn quan tâm:
>> Các ngày nghỉ trong năm - Theo quy định của Bộ luật Lao động;
>> Quy định về chế độ thai sản - Bao gồm cả chế độ thai sản cho nam.
Căn cứ theo Điều 13 Thông tư 05/2025/TT-BGDĐT quy định về việc quy đổi định mức tiết dạy đối với các hoạt động chuyên môn như sau.
➨ Trường hợp quy đổi 1 tiết dạy = 1 tiết định mức
Quy đổi 1 tiết dạy trực tuyến (hoặc trực tuyến) bằng 1 tiết định mức áp dụng cho các hoạt động chuyên môn sau:
- Dạy online theo kế hoạch giáo dục của trường (không tổ chức theo lớp học) mà số học sinh tham gia ít hơn tổng số học sinh bình quân của 2 lớp theo quy định;
- Dạy tiếng Việt cho trẻ em là dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1 theo quy định (trừ trường hợp dạy vào thời gian nghỉ hè);
- Dạy liên trường (tham gia giảng dạy đồng thời từ 2 trường trở lên theo sự phân công);
- Dạy học sinh ôn thi tốt nghiệp, thi tuyển sinh theo quy định.
➨ Trường hợp quy đổi 1 tiết dạy = 1,5 tiết định mức
Quy đổi 1 tiết dạy trực tuyến (hoặc trực tuyến) bằng 1,5 tiết định mức áp dụng cho các hoạt động chuyên môn sau:
- Báo cáo viên tại lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, chuyên môn cho giáo viên được tổ chức bởi hiệu trưởng hoặc cấp có thẩm quyền;
- Dạy minh họa tại buổi sinh hoạt chuyên môn theo kế hoạch;
- Báo cáo tại hoạt động ngoại khóa, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp hoặc dạy hoạt động trải nghiệm được tổ chức bởi nhà trường theo quy mô trường hoặc khối lớp (có giáo án, kế hoạch dạy học hoặc đề cương báo cáo);
- Dạy tiếng Việt cho trẻ em dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1 trong thời gian nghỉ hè;
- Dạy trực tuyến cùng 1 thời điểm cho 2 lớp trở lên theo kế hoạch giáo dục của nhà trường (không tổ chức theo lớp học) mà số học sinh tham gia học bằng tổng số học sinh bình quân của 2 lớp trở lên theo quy định.
➨ Các trường hợp đặc biệt
Trường hợp 1: Giáo viên dạy phụ đạo hoặc dạy thêm cho học sinh có kết quả môn học cuối học kì liền kề ở mức chưa đạt theo kế hoạch giáo dục của nhà trường
- 1 tiết dạy trực tiếp được quy đổi tối đa không quá 1,5 tiết dạy định mức;
- Hiệu trưởng trường căn cứ vào quy mô tổ chức của lớp và năng lực của học sinh để xác định cụ thể mức quy đổi tiết dạy sau khi thống nhất ý kiến với Hội đồng trường.
Trường hợp 2: Giáo viên tham gia bồi dưỡng HSG, học sinh tham gia Hội khỏe Phù đổng, học sinh tham gia Hội thao Giáo dục Quốc phòng và An ninh, hướng dẫn học sinh tham gia cuộc thi học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp hoặc cuộc thi khoa học kỹ thuật theo kế hoạch giáo dục của nhà trường
- 1 tiết dạy trực tiếp (hoặc trực tuyến) được quy đổi tối đa không quá 2 tiết dạy định mức;
- Hiệu trưởng trường căn cứ vào quy mô, cấp của kỳ thi để xác định mức quy đổi tiết dạy sau khi thống nhất ý kiến với Hội đồng trường.
Trường hợp 3: Giáo viên dạy môn chuyên tại lớp chuyên trong trường chuyên thì 1 tiết dạy môn chuyên được quy đổi bằng 3 tiết dạy định mức.
Trường hợp 4: Giáo viên nhận phân công làm giám khảo trong các cuộc thi hoặc hội thi của giáo viên cấp trường theo kế hoạch (do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định) thì 1 tiết tham gia chấm trực tiếp được quy đổi bằng 1 tiết định mức.
Câu hỏi thường gặp về chế độ làm việc của giáo viên phổ thông từ 22/04/2025
1. Chế độ làm việc nào của giáo viên trường phổ thông được điều chỉnh theo Thông tư mới?
Theo Thông tư 05/2025/TT-BGDĐT có hiệu lực kể từ ngày 22/04/2025, các chế độ làm việc của giáo viên trường phổ thông được điều chỉnh, bổ sung bao gồm:
- Thời gian thực dạy của giáo viên;
- Thời gian nghỉ hằng năm của hiệu trưởng, hiệu phó;
- Thời gian nghỉ thai sản đối với giáo viên nữ và giáo viên nam;
- Trường hợp được quy đổi định mức tiết dạy.
>> Xem chi tiết: Chế độ làm việc của giáo viên phổ thông.
2. Từ 22/04/2025, thời gian thực dạy của giáo viên phổ thông được điều chỉnh như thế nào?
Theo quy định tại Điều 5 Thông tư 05/2025/TT-BGDĐT, thời gian thực dạy của giáo viên THCS và THPT là 35 tuần thay vì 37 tuần cho việc giảng dạy và các hoạt động giáo dục như quy định cũ.
Đồng thời, giáo viên được bổ sung 2 tuần dự phòng để hoàn thành các nội dung giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông.
>> Xem chi tiết: Thời gian thực dạy của giáo viên trường phổ thông.
3. Chế độ nghỉ thai sản cho giáo viên trùng hè được điều chỉnh thế nào?
Từ ngày 22/04/2025, nếu thời gian nghỉ thai sản và nghỉ hè của giáo viên nữ có giai đoạn trùng nhau thì thời gian nghỉ sẽ gồm thời gian nghỉ thai sản và thời gian nghỉ hè ngoài thời gian nghỉ thai sản (trước hoặc sau thời gian nghỉ thai sản).
Theo đó, nếu giáo viên nữ nghỉ hè ít hơn tổng số ngày nghỉ hằng năm theo quy định thì sẽ được nghỉ thêm một số ngày. Trong đó:
- Tổng số ngày nghỉ hè và số ngày nghỉ thêm sẽ bằng số ngày nghỉ hằng năm theo quy định;
- Thời gian nghỉ thêm được sắp xếp linh hoạt theo thỏa thuận giữa giáo viên với hiệu trưởng.
>> Xem chi tiết: Chế độ nghỉ thai sản cho giáo viên trùng hè (gồm cả giáo viên nữ và nam).
4. Quy định mới về thời gian nghỉ hằng năm của hiệu trưởng, hiệu phó như thế nào?
Theo Thông tư 05/2025/TT-BGDĐT, thời gian nghỉ hằng năm của hiệu trưởng, hiệu phó bao gồm nghỉ hè (tương tự như giáo viên), nghỉ lễ Tết và các ngày nghỉ khác theo quy định của.
Trong đó, thời gian nghỉ hè được bố trí linh hoạt trong năm học và trong thời gian nghỉ hè của giáo viên nhằm duy trì các hoạt động của nhà trường vẫn diễn ra như bình thường, đồng thời đảm bảo cho việc hoàn thành các nhiệm vụ công tác do cơ quan quản lý các cấp triệu tập (nếu có).
5. Hoạt động chuyên môn nào được quy đổi tương đương 1 tiết định mức theo quy định mới?
Theo quy định tại Điều 13 Thông tư 05/2025/TT-BGDĐT, các hoạt động chuyên môn được quy đổi tương đương với 1 tiết dạy định mức bao gồm:
- Dạy trực tuyến theo kế hoạch giáo dục của trường (không tổ chức theo lớp học) mà số học sinh tham gia ít hơn tổng số học sinh bình quân của 2 lớp theo quy định;
- Dạy tiếng Việt cho trẻ em là dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1 theo quy định (trừ trường hợp dạy vào thời gian nghỉ hè);
- Dạy liên trường (tham gia giảng dạy đồng thời ở 2 trường trở lên theo sự phân công);
- Dạy học sinh ôn thi tốt nghiệp, thi tuyển sinh theo quy định.
>> Xem đầy đủ: Các trường hợp được quy đổi định mức tiết dạy.
Gọi cho chúng tôi theo số 0984 477 711 (Miền Bắc) - 0903 003 779 (Miền Trung) - 0938 268 123 (Miền Nam) để được hỗ trợ.