Quy định chế độ nghỉ phép năm, chế độ nghỉ hè của giáo viên

Tìm hiểu ngay: Chế độ nghỉ phép năm của giáo viên gồm những gì? Quy định thời gian nghỉ hè của giáo viên bao lâu? Nghỉ hè giáo viên có hưởng lương không?

Nghỉ phép năm là gì?

Nghỉ phép năm hay ngày nghỉ hằng năm là ngày mà người lao động không cần phải làm việc nhưng vẫn được hưởng nguyên lương.

Nếu người lao động làm việc từ đủ 12 tháng trở lên (*) thì tùy vào tính chất của công việc mà số ngày nghỉ hằng năm cũng sẽ có sự khác biệt, cụ thể:

  • Người lao động làm các công việc trong điều kiện bình thường: 12 ngày nghỉ phép;
  • Người lao động chưa đủ tuổi thành niên, người lao động là người khuyết tật hoặc người lao động làm các công việc nặng nhọc, nguy hiểm, độc hại: 14 ngày nghỉ phép;
  • Người lao động làm các công việc đặc biệt nặng nhọc, nguy hiểm, độc hại: 16 ngày nghỉ phép.

Nếu người lao động làm việc ít hơn 12 tháng (*) thì số ngày nghỉ hằng năm sẽ tương ứng với số tháng làm việc.

----

(*) Thời gian làm việc cho cùng một người sử dụng lao động.

>> Có thể bạn quan tâm: Các ngày nghỉ được hưởng nguyên lương của người lao động.

Quy định về chế độ nghỉ phép năm, nghỉ hưởng nguyên lương của giáo viên

Theo Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 15/2017/TT-BGDĐT thì thời gian làm việc và thời gian nghỉ hàng năm của giáo viên các cấp được quy định như sau:

1. Quy định về thời gian làm việc của giáo viên các cấp

➧ Đối với giáo viên tiểu học - Tổng thời gian làm việc 42 tuần

  • Thời gian giảng dạy và thời gian dành cho các hoạt động giáo dục (*): 35 tuần;
  • Thời gian học tập và bồi dưỡng, nâng cao trình độ: 5 tuần;
  • Thời gian chuẩn bị năm học mới: 1 tuần;
  • Thời gian tổng kết năm học: 1 tuần.

➧ Đối với giáo viên trung học cơ sở và trung học phổ thông - Tổng thời gian làm việc 42 tuần

  • Thời gian giảng dạy và thời gian dành cho các hoạt động giáo dục (*): 37 tuần;
  • Thời gian học tập và bồi dưỡng, nâng cao trình độ: 3 tuần;
  • Thời gian chuẩn bị năm học mới: 1 tuần;
  • Thời gian tổng kết năm học: 1 tuần.

➧ Đối với giáo viên trường dự bị đại học - Tổng thời gian làm việc 42 tuần

  • Thời gian giảng dạy và thời gian dành cho các hoạt động giáo dục (*): 28 tuần;
  • Thời gian học tập và bồi dưỡng, nâng cao trình độ, tìm tòi và nghiên cứu khoa học, xây dựng tài liệu cùng một số hoạt động liên quan khác: 12 tuần;
  • Thời gian chuẩn bị năm học mới: 1 tuần;
  • Thời gian tổng kết năm học: 1 tuần.

----

(*) Theo quy định về kế hoạch thời gian năm học.

2. Quy định về chế độ nghỉ phép của giáo viên (chế độ nghỉ phép hàng năm)

Theo Khoản 3 Điều 5 quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông ban hành kèm theo Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT được sửa đổi bởi Khoản 4 Điều 1 Thông tư 15/2017/TT-BGDĐT giáo viên các cấp có thời gian nghỉ hàng năm gồm:

  • Nghỉ hè;
  • Nghỉ Tết âm lịch;
  • Nghỉ học kỳ;
  • Nghỉ các ngày khác.

Cụ thể về từng chế độ nghỉ phép của giáo viên như sau.

➧ Chế độ nghỉ hè của giáo viên

  • Giáo viên các cấp có thời gian nghỉ hè hàng năm là 2 tháng, bao gồm các ngày nghỉ hàng năm theo Bộ luật Lao động 2019;
  • Giáo viên được hưởng nguyên lương cùng các phụ cấp (nếu có), chẳng hạn: phụ cấp ưu đãi nhà giáo, phụ cấp đặc thù nhà giáo, phụ cấp thâm niên nhà giáo… trong suốt 2 tháng nghỉ hè.

➧ Chế độ Tết âm lịch và nghỉ học kỳ

Thời gian nghỉ Tết âm lịch và thời gian nghỉ học kỳ sẽ được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định.

➧ Các ngày nghỉ khác

Hiệu trưởng sẽ chịu trách nhiệm bố trí thời gian nghỉ hàng năm cho giáo viên tùy vào kế hoạch của mỗi năm học, quy mô, đặc điểm cũng như điều kiện của mỗi trường.

Ngoài ra, nếu giáo viên làm việc đủ 5 năm tại 1 cơ sở giáo dục thì số ngày nghỉ hàng năm sẽ được tăng thêm 1 ngày. Đây là quy định ngày nghỉ hàng năm tăng theo thâm niên làm việc được quy định tại Điều 114 Bộ luật Lao động. Tuy nhiên số ngày nghỉ hàng năm tăng thêm này đã được tính trong 2 tháng nghỉ hè của giáo viên theo quy định nêu trên. 

3. Quy định về chế độ nghỉ việc riêng được hưởng nguyên lương của giáo viên

Dựa theo quy định tại Điều 115 Bộ luật Lao động 2019, giáo viên sẽ được nghỉ hưởng nguyên lương và phải thông báo cho người đứng đầu đơn vị đang làm việc vào một số trường hợp đặc biệt như:

  • Bản thân kết hôn: Nghỉ 3 ngày;
  • Con ruột, con nuôi kết hôn: Nghỉ 1 ngày;
  • Con ruột, con nuôi, vợ/chồng mất: Nghỉ 3 ngày;
  • Cha ruột, mẹ ruột, cha nuôi, mẹ nuôi của bản thân hoặc của vợ/chồng mất: Nghỉ 3 ngày.

Quy định về trường hợp nghỉ không hưởng lương của giáo viên

Ngoài ra, tùy từng trường hợp mà giáo viên có thể thỏa thuận với trường học (nơi đang công tác giảng dạy) để được phép nghỉ không hưởng lương. Tức là, giáo viên vẫn có quyền được nghỉ việc không hưởng lương nhưng phải được sự đồng ý của người đứng đầu cơ sở giáo dục.

Đồng thời, trường hợp để giáo viên nghỉ việc không hưởng lương bao gồm:

  • Cha/mẹ kết hôn;
  • Anh ruột, chị ruột, em ruột kết hôn;
  • Ông nội, bà nội, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột mất;
  • Một số lý do khác nếu giáo viên thỏa thuận được với người đứng đầu đơn vị.

Hiện nay, pháp luật không có quy định về phương thức thông báo và hình thức thỏa thuận cụ thể nên giáo viên có thể sử dụng điện thoại, email, tin nhắn… miễn sao nhận được sự chấp thuận của người đứng đầu đơn vị.

Quy định về việc trả lương ngày phép chưa nghỉ cho giáo viên

Theo Điều 13 Luật Viên chức 2010, do đặc thù ngành nghề nên giáo viên không thể hoặc khó có thể sử dụng hết số ngày nghỉ hàng năm nên đối với những ngày không nghỉ sẽ được thanh toán một khoản tiền tương ứng.

Tuy nhiên như Anpha chia sẻ ở nội dung trên, thời gian nghỉ hàng năm của giáo viên đã bao gồm 2 tháng nghỉ hè hưởng nguyên lương. Đồng thời theo quy định:

  • Việc thanh toán lương cho những ngày phép chưa nghỉ chỉ áp dụng cho tối đa 12 ngày (*), không áp dụng cho toàn bộ 2 tháng nghỉ hè theo chế độ của giáo viên;
  • Nguyên nhân không nghỉ ngày phép (tức không nghỉ 12 ngày trong 2 tháng nghỉ hè) là do yêu cầu công việc.

Nói ngắn gọn, giáo viên được hưởng 12 ngày phép năm như một người lao động bình thường, nhưng số ngày nghỉ hàng năm đã được tính vào những ngày nghỉ hưởng nguyên lương trong 2 tháng hè.

(*) Thời gian nghỉ hàng năm của một người lao động làm việc đủ 12 tháng trong điều kiện làm việc bình thường cho một người sử dụng lao động.

>> Xem thêm: Nghỉ ốm hưởng nguyên lương là gì.

7 lưu ý về chế độ nghỉ phép trong năm của giáo viên

Giáo viên cần nắm một số lưu ý sau đây để có thể nhận được đầy đủ quyền lợi về chế độ nghỉ phép. 

1. Trong trường hợp giáo viên làm việc chưa đủ tháng, nếu tổng của số ngày làm việc thực tế và số ngày nghỉ hưởng nguyên lương vượt quá 1/2 số ngày làm việc bình thường trong tháng (theo hợp đồng lao động) thì vẫn được xem là một tháng làm việc khi tính số ngày nghỉ phép năm.

2. Toàn bộ thời gian làm việc tại một trường học công lập được xem là thời gian làm việc để tính ngày nghỉ hàng năm tăng thêm (theo thâm niên làm việc) nếu giáo viên tiếp tục công tác tại một trường học công lập khác.

3. Khi nghỉ phép năm mà chưa đến kỳ trả lương thì giáo viên có thể tạm ứng tiền lương, số tiền được ứng ít nhất phải bằng tiền lương của những ngày nghỉ phép.

>> Xem thêm: Cách tính tiền lương ngày phép chưa nghỉ.

4. Giáo viên có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động (người đứng đầu cơ sở giáo dục) để gộp ngày phép (tối đa là 3 năm một lần) hoặc chia ra thành nhiều đợt.

5. Nếu người sử dụng lao động từ chối yêu cầu nghỉ phép của giáo viên không đúng quy định của pháp luật thì sẽ bị phạt tiền:

  • Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với cá nhân;
  • Từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với tổ chức.

Câu hỏi liên quan đến quy định chế độ nghỉ phép, nghỉ hè của giáo viên

1. Chế độ nghỉ phép năm là gì?

Nghỉ phép năm (hay ngày nghỉ hằng năm) là ngày mà người lao động không cần phải làm việc nhưng vẫn được hưởng nguyên lương.

>> Tìm hiểu thêm: Các ngày nghỉ được hưởng nguyên lương của người lao động.

2. Nghỉ hè giáo viên có lương không?

Theo Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT được sửa đổi bởi Khoản 4 Điều 1 Thông tư 15/2017/TT-BGDĐT thì nghỉ hè là một trong những chế độ nghỉ phép hàng năm của giáo viên. Theo đó, thời gian nghỉ hè của giáo viên kéo dài trong 2 tháng. Trong suốt thời gian nghỉ hè giáo viên vẫn được hưởng nguyên lương cùng các phụ cấp khác nếu có như là: phụ cấp thâm niên nhà giáo, phụ cấp ưu đãi nhà giáo… 

3. Giáo viên không nghỉ hết phép năm có được thanh toán tiền không?

Chế độ nghỉ phép năm (nghỉ việc hưởng nguyên lương) của giáo viên bao gồm: nghỉ hè, nghỉ Tết âm lịch, nghỉ học kỳ cùng một số ngày nghỉ khác. Theo đó, 2 tháng nghỉ hè của giáo viên đã bao gồm các ngày nghỉ phép hàng năm theo Bộ luật Lao động 2019. 

Từ đó bạn có thể hiểu, giáo viên dù không nghỉ hết phép năm thì vẫn được nhận đủ lương. 

4. Giáo viên được nghỉ phép bao nhiêu ngày?

Các ngày nghỉ phép của giáo viên như sau:

  • Nghỉ hè: 2 tháng;
  • Nghỉ Tết âm lịch: Theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo;
  • Nghỉ học kỳ: Theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo;
  • Nghỉ các ngày khác: Theo chỉ đạo của hiệu trưởng hoặc người đứng đầu cơ sở giáo dục.

5. Hiệu trưởng được phép cho giáo viên nghỉ mấy ngày?

Như nội dung Anpha chia sẻ trong bài thì hiệu trưởng sẽ chịu trách nhiệm chỉ đạo và bố trí thời gian nghỉ hàng năm cho giáo viên căn cứ vào quy mô, đặc điểm, điều kiện cũng như kế hoạch của từng năm học. 

Tức là, hiệu trưởng có quyền cho giáo viên nghỉ việc không nhận lương, tùy vào lý do và yêu cầu của từng giáo viên mà không bị luật giới hạn số ngày. Tuy nhiên, khi xét duyệt cho giáo viên nghỉ việc không hưởng lương thì hiệu trưởng phải đảm bảo công tác giảng dạy tại trường không bị ảnh hưởng cũng như chế độ tiền lương đối với giáo viên dạy thay.

Gọi cho chúng tôi theo số 0901 042 555 (Miền Bắc) - 0939 356 866 (Miền Trung) - 0902 602 345 (Miền Nam) để được hỗ trợ.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Đánh giá chất lượng bài viết, bạn nhé!

5.0

1 đánh giá
Chọn đánh giá

Gửi đánh giá

BÌNH LUẬN - HỎI ĐÁP

Hãy để lại câu hỏi của bạn, chúng tôi sẽ trả lời TRONG 15 PHÚT

SĐT và email sẽ được ẩn để bảo mật thông tin của bạn GỬI NHANH