Các đối tượng KHÔNG phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc

Các đối tượng KHÔNG phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc (bao gồm người Việt Nam và người lao động nước ngoài) sẽ được Anpha chia sẻ tại bài viết này.

Quy định về việc tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc

Bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc là một trong những loại bảo hiểm do nhà nước yêu cầu người sử dụng lao động và người lao động phải tham gia, với mục đích đảm bảo hoặc hỗ trợ một phần thu nhập cho người lao động khi họ bị ốm đau, thai sản, gặp tai nạn lao động hay hết tuổi lao động.

Người tham gia bảo hiểm xã hội khi ốm đau sẽ được hỗ trợ chi phí khi khám chữa bệnh từ quỹ BHYT và sẽ được hưởng trợ cấp ốm đau, nghỉ thai sản, nghỉ chăm con ốm… 

Chi tiết các quyền lợi khi tham gia BHXH bạn có thể tham khảo chi tiết tại bài viết: Tham gia đóng bảo hiểm xã hội được những chế độ gì?

Mức đóng BHXH bắt buộc của người lao động và doanh nghiệp tổng cộng là 32% mức lương tháng đóng BHXH, với tỷ lệ như sau:

  • Người lao động đóng 10,5%;
  • Doanh nghiệp đóng 21,5%.

Các trường hợp chậm nộp hoặc trốn đóng BHXH bắt buộc sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 28/2020/NĐ-CP. 

Trường hợp người lao động không muốn tham gia BHXH thì phải gửi cam kết xác nhận không tham gia BHXH đến cơ quan BHXH để không bị xử phạt hành chính. Trong bản cam kết cần nêu rõ lý do và có xác nhận của đơn vị sử dụng lao động.

Các đối tượng không phải tham gia BHXH bắt buộc

1. Đối với người lao động là công dân Việt Nam

Người lao động là công dân Việt Nam không thuộc các trường hợp sau đây thì không phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, cụ thể:

  • Làm việc theo hợp đồng lao động vô thời hạn, làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn, làm việc theo hợp đồng lao động thời vụ hoặc làm một công việc có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng (bao gồm cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động và người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi);
  • Làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng;
  • Người lao động là cán bộ, viên chức, công chức;
  • Sĩ quan, hạ sĩ quan, binh sĩ, chiến sĩ, công nhân, học viên, người làm công tác cơ yếu đang công tác tại đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an;
  • Người lao động sang nước ngoài làm việc theo hợp đồng lao động;
  • Người quản lý công ty, doanh nghiệp, quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng lương;
  • Người hoạt động không chuyên trách có hưởng lương ở xã, phường, thị trấn.

➨ Như vậy, người lao động Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên, không nằm trong các đối tượng kể trên thì không phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Khi đó, người lao động có thể chọn không tham gia BHXH hoặc có thể tham gia BHXH tự nguyện.

Một số trường hợp cụ thể không phải tham gia BHXH bắt buộc:

  • Người lao động chỉ ký hợp đồng lao động dưới 1 tháng với đơn vị sử dụng lao động;
  • Người lao động đang trong thời gian thử việc và đã ký kết hợp đồng thử việc;
  • Người lao động nghỉ việc không hưởng lương nhiều hơn 14 ngày trong tháng (không thuộc diện nghỉ ốm, thai sản theo quy định);
  • Người lao động không ký hợp đồng lao động với đơn vị sử dụng lao động, chỉ thỏa thuận bằng miệng;
  • Người lao động làm việc bán thời gian có mức lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng;
  • Người lao động đã đến tuổi nghỉ hưu, có lương hưu nhưng vẫn lao động khi đủ sức khỏe và đáp ứng được yêu cầu công việc.
2. Đối với người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam

Theo quy định tại Nghị định 143/2018/NĐ-CP, điều kiện để đóng bảo hiểm xã hội cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam như sau:

  • Thứ nhất, công dân nước ngoài đã được cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam cấp giấy phép lao động/giấy phép hành nghề/chứng chỉ hành nghề;
  • Thứ hai, công dân nước ngoài đã ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 năm trở lên với tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam.

➨ Như vậy, công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam nếu không đáp ứng đầy đủ 2 điều kiện trên thì không thuộc đối tượng phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Tuy nhiên, nếu người lao động nước ngoài đã thỏa mãn cả 2 điều kiện trên mà thuộc một trong các trường hợp dưới đây thì cũng không thuộc đối tượng phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, cụ thể:

  • Một là, lao động nước ngoài di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp là lao động kỹ thuật, nhà quản lý, chuyên gia, giám đốc điều hành của doanh nghiệp nước ngoài đã có hiện diện thương mại (công ty con, chi nhánh, văn phòng đại diện) tại Việt Nam, di chuyển tạm thời trong nội bộ doanh nghiệp sang hiện diện thương mại tại Việt Nam và đã được doanh nghiệp nước ngoài tuyển dụng ít nhất 12 tháng trước đó;
  • Hai là, lao động nước ngoài đủ tuổi nghỉ hưu (nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi) theo quy định.

Một số câu hỏi về các trường hợp không cần tham gia BHXH bắt buộc

1. Những trường hợp nào không phải tham gia bảo hiểm xã hội?

Người lao động thuộc các trường hợp sau đây thì không phải tham gia BHXH bắt buộc:

  • Người lao động chỉ ký hợp đồng lao động dưới 1 tháng với đơn vị sử dụng lao động;
  • Người lao động đang trong thời gian thử việc;
  • Người lao động không ký hợp đồng lao động với đơn vị sử dụng lao động;
  • Người lao động nghỉ việc không hưởng lương nhiều hơn 14 ngày trong tháng (không thuộc diện nghỉ ốm, thai sản theo quy định);
  • Người lao động làm việc bán thời gian có mức lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng;
  • Người lao động đã đến tuổi nghỉ hưu.

2. Doanh nghiệp thuê người lao động nước ngoài thì có phải đóng BHXH cho họ không?

Người lao động làm việc tại doanh nghiệp theo giấy phép lao động, giấy phép hành nghề hoặc chứng chỉ hành nghề do cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam cấp thì doanh nghiệp sử dụng lao động nước ngoài phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người này.


3. Có phải đóng bảo hiểm xã hội cho nhân viên thử việc không?

Không. Người lao động đang trong thời gian thử việc không thuộc đối tượng phải tham gia BHXH.


4. Công ty tôi thuê một cô 57 tuổi đã về hưu làm tạp vụ thì có cần đóng BHXH không?

Trường hợp người lao động 57 tuổi đã về hưu có hưởng lương hưu thì không thuộc đối tượng phải tham gia BHXH bắt buộc.


5. CEO công ty nước ngoài sang làm việc ở chi nhánh tại Việt Nam 3 tháng thì có phải đóng bảo hiểm không?

Không. Giám đốc điều hành (Tiếng Anh viết tắt là CEO) của công ty nước ngoài di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp đã có hiện diện thương mại (chi nhánh) tại Việt Nam thì không thuộc đối tượng phải đóng BHXH bắt buộc.


Gọi cho chúng tôi theo số 0984 477 711 (Miền Bắc) - 0903 003 779 (Miền Trung) - 0938 268 123 (Miền Nam) để được hỗ trợ.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Đánh giá chất lượng bài viết, bạn nhé!

5.0

1 đánh giá
Chọn đánh giá

Gửi đánh giá

BÌNH LUẬN - HỎI ĐÁP

Hãy để lại câu hỏi của bạn, chúng tôi sẽ trả lời TRONG 15 PHÚT

SĐT và email sẽ được ẩn để bảo mật thông tin của bạn GỬI NHANH