Tố cáo là gì? Tố giác là gì? Phân biệt giữa tố cáo và tố giác

Phân biệt tố cáo và tố giác về: cơ sở pháp lý, quyền và nghĩa vụ người thực hiện, cơ quan & thời hạn giải quyết… Các biện pháp bảo vệ người tố giác tội phạm.

Tố giác và tố cáo là gì?

1. Tố giác là gì?

Căn cứ theo quy định tại Điều 144 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, tố giác tội phạm là việc cá nhân phát hiện và tố cáo về hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền. Theo đó, việc tố giác, tin báo về tội phạm có thể thực hiện bằng lời, bằng văn bản hoặc qua các phương tiện thông tin khác.

Tức là bạn có thể hiểu, tố giác chỉ phát sinh đối với hành vi vi phạm pháp luật hình sự. 

Ví dụ: 

Biết rõ về một hành vi giết người đã được thực hiện, biết địa điểm và người thực hiện hành vi phạm tội mà không tố giác cho cơ quan thẩm quyền.

2. Tố cáo là gì?

Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 Luật Tố cáo 2018, tố cáo là việc cá nhân trình báo cho cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có thẩm quyền về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ tổ chức, cơ quan hay cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích nhà nước, ảnh hưởng quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, cụ thể bao gồm:

  • Tố cáo hành vi vi phạm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công vụ;
  • Tố cáo hành vi vi phạm về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực.

Thông thường, tố cáo chỉ liên quan đến lĩnh vực hành chính.

Ví dụ: 

Cán bộ làm việc trong cơ quan nhà nước thực hiện sai trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cho công dân.

Bài viết có liên quan: 

>> Thế nào là tố cáo;

>> Tố cáo lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Phân biệt tố giác và tố cáo

➨ Cơ sở pháp lý


➨ Chủ thể thực hiện

Tố giác

Tố cáo

Cá nhân phát hiện và cho rằng có hành vi vi phạm pháp luật đã xảy ra hoặc có thể xảy ra và có dấu hiệu của phạm tội.

Cá nhân có tên tuổi, địa chỉ rõ ràng và biết về hành vi vi phạm pháp luật.


➨ Quyền, nghĩa vụ của người tố giác, tố cáo

Tố giác

Tố cáo

Việc tố giác vừa là quyền vừa là nghĩa vụ của công dân.

Việc tố cáo là quyền của công dân.


➨ Hành vi vi phạm pháp luật

Tố giác

Tố cáo

Hành vi vi phạm pháp luật có thể cấu thành tội phạm, phải có dấu hiệu của tội phạm tương ứng với một tội danh quy định trong Bộ luật Hình sự.

Hành vi vi phạm pháp luật thuộc mọi lĩnh vực, không phân biệt tính chất hay mức độ vi phạm.


➨ Cơ quan giải quyết

Cơ quan giải quyết tố giác

  • Cơ quan điều tra;
  • Cơ quan được giao nhiệm vụ thực hiện một số hoạt động điều tra;
  • Viện kiểm sát (một số trường hợp đặc biệt theo quy định).

Cơ quan giải quyết tố cáo

Thẩm quyền giải quyết đơn tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật thuộc về các cá nhân, tổ chức sau:

Hành vi vi phạm

Cá nhân, cơ quan giải quyết

Vi phạm trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của công chức, viên chức, cán bộ.

Người đứng đầu cơ quan, tổ chức quản lý công chức, viên chức, cán bộ đó.

Vi phạm trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người đứng đầu hoặc cấp phó của cơ quan, tổ chức.

Người đứng đầu của cơ quan, tổ chức cấp trên quản lý trực tiếp của cơ quan, tổ chức đó.

Vi phạm trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của công chức, viên chức, cán bộ thuộc thẩm quyền quản lý của nhiều tổ chức, cơ quan.

Người đứng đầu tổ chức, cơ quan trực tiếp quản lý công chức, viên chức, cán bộ bị tố cáo chủ trì giải quyết phối hợp với người đứng đầu tổ chức, cơ quan có liên quan.

Hành vi vi phạm của công chức, viên chức, cán bộ của cơ quan, tổ chức đã sáp nhập, hợp nhất, chia, tách.

Người đứng đầu của cơ quan, tổ chức sau sáp nhập, hợp nhất, chia, tách mà người bị tố cáo đang công tác chủ trì giải quyết phối hợp với người đứng đầu cơ quan, tổ chức liên quan.

Hành vi vi phạm của công chức, viên chức, cán bộ của cơ quan, tổ chức đã giải thể.

Người đứng đầu của cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp cơ quan nơi công chức, viên chức, cán bộ công tác trước khi giải thể.

Hành vi vi phạm của cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ.

Người đứng đầu của cơ quan, tổ chức cấp trên quản lý trực tiếp của cơ quan, tổ chức đó.


➨ Thời hạn xử lý

Tố giác

Tố cáo

Trong vòng 20 ngày kể từ ngày tiếp nhận

Trong vòng 30 ngày kể từ ngày thụ lý tố cáo.


Đối với tố giác

Trong vòng 20 ngày kể từ ngày tiếp nhận việc tố giác, tin báo tội phạm, cơ quan điều tra phải tiến hành kiểm tra, xác minh và ra quyết định khởi tố vụ án hình sự hoặc không khởi tố vụ án hình sự hoặc tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác. 

Tuy nhiên, tùy trường hợp mà thời hạn được quy định như sau:

  • Trường hợp sự việc bị tố giác có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều nơi, thời hạn giải quyết được kéo dài thêm nhưng không quá 2 tháng;
  • Trường hợp vẫn chưa thể kết thúc việc xác minh trong thời hạn quy định, Viện kiểm sát có thể gia hạn một lần nhưng không quá 2 tháng.

Đối với tố cáo

Tùy từng vụ việc bị tố cáo mà thời hạn được quy định thêm như sau:

  • Đối với vụ việc bị tố cáo có nhiều tình tiết phức tạp thì có thể gia hạn thời gian giải quyết một lần nhưng không quá 30 ngày;
  • Đối với vụ việc bị tố cáo đặc biệt phức tạp thì có thể gia hạn thời gian giải quyết tố cáo hai lần, mỗi lần gia hạn không quá 30 ngày.

➨ Hậu quả pháp lý

Tố giác

Tố cáo

Quan hệ pháp lý phát sinh ngay từ thời điểm có dấu hiệu tội phạm xảy ra.

Quan hệ pháp lý chỉ phát sinh khi công dân có hành động tố cáo đến cá nhân, cơ quan có thẩm quyền khi phát hiện hành vi vi phạm.


Đối với tố giác

Khi biết rõ tội phạm đang chuẩn bị, đang thực hiện hoặc đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật mà không tố giác, cá nhân phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm.

Người tố giác phải có trách nhiệm đối với nội dung tố giác, nếu cố ý tố giác sai sự thật thì tùy theo mức độ sẽ bị xử lý hành chính hoặc hình sự.

Đối với tố cáo

Nếu phát hiện hành vi vi phạm pháp luật nhưng không tố cáo, cho dù hành vi đó bị phát giác thì công dân cũng không phải chịu bất kỳ trách nhiệm gì cả.

Người tố cáo phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung tố cáo, trường hợp cố tình tố cáo sai sự thật thì tùy theo mức độ có thể bị xử lý về hành chính hoặc hình sự.

------

Có thể thấy, tố cáo là quyền của công dân, tức là người dân có thể tố cáo cũng có thể không nhưng tố giác lại vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ của công dân, song vẫn có nhiều trường hợp người dân không dám lên tiếng về những hành vi vi phạm pháp luật có khả năng tội phạm.

Do đó, để khuyến khích người dân thực hiện tố giác, tin báo về tội phạm cũng như đảm bảo về quyền và nghĩa vụ tố giác, pháp luật hiện nay có quy định về các biện pháp để bảo vệ người tố giác, góp phần phòng chống tội phạm (quy định tại Điều 486 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015).

Theo đó, khi có căn cứ xác định rằng sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người tố giác bị xâm hại hoặc bị đe dọa xâm hại do việc cung cấp tài liệu, thông tin, chứng cứ liên quan đến tội phạm, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng quyết định áp dụng những biện pháp để bảo vệ đối với người này, cụ thể là:

  • Tiến hành các biện pháp nghiệp vụ, sử dụng công cụ, vũ khí và các phương tiện khác hoặc bố trí lực lượng để canh gác, bảo vệ;
  • Hạn chế việc tiếp xúc, đi lại của người tố giác để bảo đảm an toàn cho họ;
  • Giữ bí mật và yêu cầu người khác giữ bí mật về các thông tin liên quan đến người tố giác;
  • Di chuyển và giữ bí mật về chỗ ở, nơi học tập, làm việc, học tập của người được bảo vệ;
  • Thay đổi lý lịch, tung tích và đặc điểm nhận dạng của người được bảo vệ (nếu người này đồng ý);
  • Cảnh cáo, răn đe và vô hiệu hóa các hành vi xâm hại đến người được bảo vệ;
  • Ngăn chặn và xử lý kịp thời về các hành vi xâm hại theo quy định;
  • Thực hiện các biện pháp bảo vệ khác theo quy định.

Việc áp dụng hay thay đổi các biện pháp bảo vệ kể trên không làm ảnh hưởng đến các quyền và lợi ích hợp pháp của người được bảo vệ.

>> Có thể bạn quan tâm: Cách làm đơn tố cáo chiếm đoạt tài sản (tố giác tội phạm).

Các câu hỏi thường gặp về sự khác nhau giữa tố cáo và tố giác

1. Tố cáo là gì?

Tố cáo là việc cá nhân trình báo cho cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có thẩm quyền về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ tổ chức, cơ quan hay cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích nhà nước, ảnh hưởng quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

>> Xem chi tiết: Tố cáo là gì?

2. Tố giác là gì?

Tố giác là việc cá nhân phát hiện và tố cáo về hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền. Theo đó, việc tố giác, tin báo về tội phạm có thể thực hiện bằng lời, bằng văn bản hoặc qua các phương tiện thông tin khác.

>> Xem chi tiết: Tố giác là gì?

3. Quyền và nghĩa vụ của công dân trong tố cáo và tố giác giống hay khác nhau?

Quyền và nghĩa vụ của công dân trong tố cáo và tố giác được quy định như sau:

  • Tố cáo là quyền của công dân, vậy nên người dân có thể tố cáo cũng có thể không;
  • Tố giác vừa là quyền vừa là nghĩa vụ của công dân, vậy nên khi biết rõ tội phạm đang chuẩn bị, đang thực hiện hoặc đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật mà không tố giác, cá nhân phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm.

>> Xem chi tiết: Phân biệt tố cáo và tố giác.

4. Phân biệt về hành vi vi phạm pháp luật bị trình báo trong tố cáo và tố giác?

Việc trình báo các hành vi vi phạm pháp luật trong tố cáo và tố giác có sự khác nhau như sau:

  • Tố giác là tố cáo, trình báo các hành vi vi phạm pháp luật có thể cấu thành tội phạm, phải có dấu hiệu của tội phạm tương ứng với một tội danh quy định trong Bộ luật Hình sự;
  • Tố cáo trình báo các hành vi vi phạm pháp luật thuộc mọi lĩnh vực, không phân biệt tính chất hay mức độ vi phạm.

>> Xem chi tiết: Phân biệt tố giác và tố cáo.

5. Trách nhiệm của công dân khi tố cáo và tố giác hành vi vi phạm giống hay khác nhau?

Khi tố cáo hay tố giác về bất kỳ hành vi vi phạm pháp luật nào, công dân đều phải chịu trách nhiệm đối với nội dung mà mình tố giác, tố cáo. Nếu cố ý tố giác hay tố cáo sai sự thật thì tùy theo mức độ sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Gọi cho chúng tôi theo số 0984 477 711 (Miền Bắc) - 0903 003 779 (Miền Trung) - 0938 268 123 (Miền Nam) để được hỗ trợ.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Đánh giá chất lượng bài viết, bạn nhé!

0.0

Chưa có đánh giá nào
Chọn đánh giá

Gửi đánh giá

BÌNH LUẬN - HỎI ĐÁP

Hãy để lại câu hỏi của bạn, chúng tôi sẽ trả lời TRONG 15 PHÚT

SĐT và email sẽ được ẩn để bảo mật thông tin của bạn GỬI NHANH