
Truy thu thuế sàn thương mại điện tử như thế nào? Truy thu thuế Shopee từ năm nào? Nguyên tắc, đối tượng bị truy thu thuế thương mại điện tử (thuế TMĐT).
Trong những năm gần đây, sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) đã mang lại nhiều thuận lợi cho người tiêu dùng và người bán hàng. Tuy nhiên, đi kèm với đó là thách thức đối với cơ quan thuế trong việc quản lý nghĩa vụ thuế của các cá nhân, tổ chức kinh doanh trên nền tảng số. Một trong những vấn đề được quan tâm là truy thu thuế trên sàn TMĐT. Bài viết này sẽ làm rõ các câu hỏi liên quan đến chủ đề này.
I. Cơ sở pháp lý
Các quy định liên quan đến truy thu thuế trên sàn TMĐT được thể hiện trong nhiều văn bản pháp luật, tiêu biểu gồm:
II. Quy định về truy thu thuế bán hàng online
1. Truy thu thuế là gì?
Truy thu thuế là việc cơ quan thuế yêu cầu cá nhân, tổ chức phải nộp bổ sung số tiền thuế còn thiếu do không khai báo hoặc khai sai nghĩa vụ thuế. Đây là biện pháp áp dụng khi cơ quan chức năng phát hiện hành vi vi phạm về thuế như trốn thuế, gian lận, khai sai hoặc không kê khai thu nhập phát sinh.
Tham khảo thêm:
>> Hành vi trốn thuế là gì?
>> Doanh nghiệp trốn thuế ai chịu trách nhiệm?
2. Truy thu thuế thương mại điện tử, truy thu thuế Shopee từ năm nào?
Việc truy thu thuế đối với hoạt động TMĐT đã được cơ quan thuế thực hiện từ khoảng năm 2018. Tuy nhiên, bước ngoặt quan trọng là từ năm 2022, khi Nghị định 91/2022/NĐ-CP (sửa đổi bổ sung Nghị định 126/2020/NĐ-CP) chính thức yêu cầu các sàn TMĐT phải cung cấp thông tin giao dịch của người bán cho cơ quan thuế. Điều này tạo điều kiện để cơ quan thuế dễ dàng xác định nghĩa vụ thuế của các cá nhân hoặc tổ chức kinh doanh TMĐT.
Quy trình truy thu thuế bao gồm các bước sau:
- Kiểm tra, rà soát dữ liệu giao dịch của cá nhân, doanh nghiệp trên sàn TMĐT;
- Đối chiếu với hồ sơ khai thuế;
- Thông báo và yêu cầu người nộp thuế bổ sung số tiền còn thiếu;
- Nếu không tự nguyện thực hiện, cơ quan thuế sẽ áp dụng các biện pháp cưỡng chế.
III. Nguyên tắc truy thu thuế thương mại điện tử
- Việc truy thu thuế phải được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, dựa trên các văn bản như Luật Quản lý thuế, Luật Thuế thu nhập cá nhân… và các thông tư, nghị định liên quan. Cơ quan thuế không được tự ý áp dụng biện pháp truy thu mà không có căn cứ pháp lý rõ ràng;
- Các tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ thuế đều phải tuân thủ quy định và chịu truy thu nếu vi phạm, đồng thời có nghĩa vụ kê khai trung thực, phải nộp đầy đủ số tiền thuế còn thiếu, kể cả khi không còn thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính;
- Cơ quan thuế có trách nhiệm công khai và thông báo đẩy đủ các thông tin liên quan đến việc truy thu thuế bao gồm số tiền thuế truy thu, lý do truy thu và thời gian nộp bổ sung.
IV. Đối tượng bị truy thu thuế trên sàn thương mại điện tử
Các đối tượng chính bị truy thu thuế bao gồm:
- Cá nhân, hộ kinh doanh hoạt động trên các sàn TMĐT như Shopee, Tiki, Lazada, Facebook, TikTok... có doanh thu từ 100.000.000 đồng/năm nhưng chưa thực hiện khai thuế kinh doanh online hoặc kê khai thiếu;
- Các doanh nghiệp kinh doanh qua sàn TMĐT: Các công ty không kê khai đúng thu nhập, chi phí hoặc doanh thu phát sinh từ hoạt động kinh doanh số;
- Sàn TMĐT: Nếu vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin hoặc có dấu hiệu tiếp tay cho hành vi trốn thuế;
- Người bán hàng online (như Facebook, Instagram) không đăng ký mã số thuế hoặc không kê khai doanh thu đầy đủ.
Tham khảo thêm:
>> Kinh doanh bán hàng online có cần kê khai và đóng thuế không?
>> Bán hàng trên TikTok có phải nộp thuế không?
>> Tiếp thị liên kết - affiliate marketing có đóng thuế không?
>> Bán hàng Shopee - Lazada có cần đăng ký kinh doanh không?
V. Quy định xử phạt khi kê khai thuế thương mại điện tử sai
1. Công thức tính tiền chậm nộp thuế thương mại điện tử
Mức tính tiền chậm nộp và thời gian tính chậm nộp thuế được quy định như sau:
Mức tính
|
=
|
0.03%/ngày
|
x
|
Số tiền thuế chậm nộp
|
Thời gian tính tiền chậm nộp được tính liên tục, bao gồm cả ngày lễ, ngày nghỉ theo quy định của pháp luật (theo Luật sửa đổi số 56/2024/QH15 được ban hành ngày 29/11/2024, có hiệu lực từ ngày 01/01/2025), cụ thể là:
Từ ngày tiếp theo ngày cuối cùng của thời hạn nộp ➜ Ngày liền kề trước ngày nộp tiền thuế
|
Lưu ý:
Tiền chậm nộp thuế của cá nhân/HKD và doanh nghiệp áp dụng như nhau.
2. Mức phạt chậm đăng ký thuế bán hàng online
Thời gian chậm đăng ký thuế
|
Mức xử phạt
|
1 - 10 ngày
|
Phạt cảnh cáo nếu có tình tiết giảm nhẹ
|
1 - 30 ngày (trừ trường hợp quy định phạt cảnh cáo)
|
1.000.000 - 2.000.000 đồng
|
31 - 90 ngày
|
3.000.000 - 6.000.000 đồng
|
Từ 91 ngày trở lên
|
6.000.000 - 10.000.000 đồng
|
3. Mức phạt chậm nộp tờ khai thuế trên sàn thương mại điện tử
Thời gian chậm nộp tờ khai
|
Mức xử phạt
|
1 - 5 ngày
|
Phạt cảnh cáo nếu có tình tiết giảm nhẹ
|
1 - 30 ngày
|
2.000.000 - 5.000.000 đồng
|
31 - 60 ngày
|
5.000.000 - 8.000.000 đồng
|
61 - 90 ngày
|
8.000.000 - 15.000.000 đồng
|
Từ 91 ngày trở lên nhưng không phát sinh thuế (*)
|
Từ 90 ngày trở lên, phát sinh tiền thuế nhưng đã nộp đủ thuế và tiền chậm nộp vào NSNN trước khi CQT lập biên bản về hành vi chậm nộp hồ sơ khai thuế
|
15.000.000 - 25.000.000 đồng
|
Lưu ý:
Các mức phạt kể trên áp dụng đối với doanh nghiệp, còn đối với cá nhân hoặc hộ kinh doanh thì mức phạt bằng 1/2 mức trên.
4. Mức phạt kê khai thuế thương mại điện tử sai dẫn đến thiếu số thuế phải nộp
Việc kê khai thuế kinh doanh trên sàn thương mại điện tử sai dẫn đến giảm tiền thuế phải nộp hoặc tăng tiền thuế được miễn, giảm, hoàn thì áp mức phạt theo 1 trong 2 cách sau:
- Phạt 20% tiền thuế khai thiếu;
- Phạt 20% tiền thuế đã được miễn, giảm, hoàn cao hơn quy định.
Để tránh bị xử phạt khi kê khai thuế bán hàng online thiếu hoặc sai quy định, bạn có thể tham khảo các dịch vụ liên quan của Kế toán Anpha như sau:
>> Dịch vụ đăng ký mã số thuế khi bán hàng online;
>> Dịch vụ kê khai thuế kinh doanh online cho cá nhân/HKD.
5. Mức phạt hành vi trốn thuế TMĐT
- Phạt 1 lần tiền thuế nếu có từ 1 tình tiết giảm nhẹ;
- Phạt 2 lần tiền thuế nếu có 1 tình tiết tăng nặng;
- Phạt 2,5 lần tiền thuế nếu có 2 tình tiết tăng nặng;
- Phạt 3 lần tiền thuế nếu có từ 3 tình tiết tăng nặng;
- Phạt 1,5 lần - 3 lần tiền thuế nếu có vi phạm nghiêm trọng.
Mức phạt cụ thể và biện pháp khắc phục được quy định tại Điều 17 Nghị định 125/2020/NĐ-CP.
Lưu ý:
Ngoài việc bị xử phạt tiền theo quy định, người nộp thuế vẫn phải nộp đủ số tiền thuế còn thiếu và tiền lãi chậm nộp tính đến ngày nộp.
Tham khảo thêm:
>> Mức xử phạt hành chính và hình sự về hành vi trốn thuế;
>> Cách tính tiền phạt chậm nộp thuế - Có ví dụ cụ thể;
>> Cách tính thuế và hướng dẫn kê khai thuế thương mại điện tử;
>> Thời hạn nộp tờ khai thuế và báo cáo thuế - Tổng hợp mới nhất.
VI. Thời hiệu xử phạt, thời hạn truy thu thuế kinh doanh online
1. Thời hiệu phạt tiền chậm nộp thuế sàn thương mại điện tử
- Không bị giới hạn thời hiệu xử phạt, vì đây là tính lãi tài chính trên nghĩa vụ nộp thuế, không phải hành vi vi phạm hành chính;
- Căn cứ: Luật Quản lý thuế và Luật sửa đổi số 56/2024/QH15;
- Áp dụng khi người nộp thuế nộp tiền thuế sau thời hạn quy định.
Ví dụ:
Chị M kinh doanh mỹ phẩm trên Shopee và TikTok Shop. Doanh thu tháng 01/2025 là 150.000.000 đồng, chị đã nộp tờ khai thuế cá nhân kinh doanh đúng hạn vào ngày 15/02/2025. Tuy nhiên, đến ngày 28/02/2025, chị mới nộp tiền thuế vào ngân sách nhà nước.
Theo quy định, hạn nộp tiền thuế cho tháng 01/2025 chậm nhất là ngày 20/02/2025. Như vậy, tiền chậm nộp được tính từ ngày 21/02/2025 đến ngày 27/02/2025 (7 ngày).
Số tiền chậm nộp = Số tiền thuế × 0.03% × 7 ngày.
Giả sử số thuế phải nộp là 2.000.000 đồng, thì tiền phạt chậm nộp thuế = 2.000.000 × 0.03% × 7 = 4.200 đồng.
2. Thời hiệu xử phạt hành vi chậm đăng ký thuế kinh doanh online
- Thời hiệu xử phạt: 2 năm;
- Căn cứ: Điều 10 Nghị định 125/2020/NĐ-CP;
- Ngày tính thời hiệu: Là ngày người nộp thuế thực hiện đăng ký thuế (theo Khoản 2a Điều 8 Nghị định 125);
- Xử phạt khi đăng ký thuế trễ so với thời điểm phát sinh doanh thu chịu thuế.
Ví dụ:
Cá nhân A bắt đầu bán hàng online từ tháng 03/2023, nhưng đến tháng 30/06/2025 mới đăng ký mã số thuế kinh doanh online. Do đó, nếu cơ quan thuế phát hiện trễ nhất đến tháng 30/06/2027 thì vẫn có thể xử phạt.
3. Thời hiệu xử phạt hành vi chậm nộp tờ khai thuế trên sàn thương mại điện tử
- Thời hiệu xử phạt: 2 năm;
- Căn cứ: Điều 11 Nghị định 125/2020/NĐ-CP;
- Ngày tính thời hiệu: Là ngày người nộp thuế thực tế nộp tờ khai (theo Khoản 2a Điều 8 Nghị định 125);
- Xử phạt khi cá nhân không nộp tờ khai thuế đúng thời hạn so với quy định.
Ví dụ:
- Cá nhân C bán hàng online trên sàn TMĐT Shopee và TikTok Shop từ năm 2021 đến 2024, có doanh thu mỗi năm trên 100.000.000 đồng nhưng không kê khai và nộp thuế;
- Đến ngày 28/02/2025, cá nhân C tự giác nộp tờ khai và nộp đủ thuế, tiền lãi chậm nộp cho 4 năm trước;
- Sau đó, ngày 28/12/2025, cơ quan thuế tiến hành kiểm tra và xem xét xử phạt.
Do hành vi vi phạm là không nộp tờ khai đúng hạn, thời hiệu xử phạt được tính từ ngày cá nhân nộp tờ khai muộn (ngày 28/02/2025). Như vậy, đến ngày 28/12/2025 vẫn còn trong thời hiệu xử phạt 2 năm, nên cơ quan thuế có quyền xử phạt vi phạm hành chính.
Trường hợp sau ngày 28/12/2025 cơ quan thuế mới tiến hành kiểm tra thì đã hết thời hiệu xử phạt, cá nhân C sẽ không bị xử phạt nữa.
4. Thời hiệu xử phạt hành vi kê khai thuế bán hàng online sai làm giảm số thuế phải nộp
- Thời hiệu xử phạt: 5 năm;
- Căn cứ: Điều 16 Nghị định 125/2020/NĐ-CP;
- Ngày tính thời hiệu: Là ngày tiếp theo của thời hạn nộp hồ sơ khai thuế của kỳ tính thuế phát sinh hành vi khai sai;
- Xử phạt trong các trường hợp sau:
- Cá nhân, hộ kinh doanh có kê khai nhưng kê khai thiếu doanh thu, sai thuế suất, hoặc làm sai số tiền phải nộp;
- Không có dấu hiệu cố ý gian lận.
Ví dụ:
Cá nhân D bán hàng online trong tháng 01/2025, có doanh thu 500.000.000 đồng nhưng chỉ kê khai 200.000.000 đồng, làm phát sinh số thuế phải nộp thấp hơn thực tế. Theo đó:
- Hạn nộp hồ sơ thuế tháng 01/2025: Ngày 20/02/2025;
- Ngày tính thời hiệu xử phạt: Ngày 21/02/2025;
- Thời hiệu xử phạt kết thúc: Ngày 21/02/2030;
Nếu cơ quan thuế phát hiện hành vi khai sai vào ngày 01/03/2026 thì vẫn còn thời hiệu xử phạt. Cá nhân D sẽ bị phạt 20% trên số thuế khai sai, cộng với tiền lãi chậm nộp và bị truy thu số thuế nộp thiếu.
5. Thời hiệu xử phạt hành vi trốn thuế kinh doanh online
- Thời hiệu xử phạt: 5 năm;
- Căn cứ: Điều 17 Nghị định 125/2020/NĐ-CP;
- Ngày tính thời hiệu: Là ngày tiếp theo của thời hạn nộp hồ sơ khai thuế của kỳ phát sinh hành vi trốn thuế;
- Xử phạt trong các trường hợp sau:
- Không nộp hồ sơ đăng ký thuế, không nộp tờ khai thuế;
- Nộp tờ khai sau 90 ngày kể từ ngày hết hạn và có phát sinh số thuế phải nộp mà bạn không tự giác nộp đủ trước khi bị cơ quan thuế phát hiện.
- Không xử phạt trốn thuế trong các trường hợp sau:
- Người nộp tờ khai trễ trên 90 ngày, nhưng không phát sinh số thuế phải nộp;
- Có phát sinh thuế, nhưng người nộp thuế đã tự giác nộp đủ số thuế và tiền chậm nộp vào ngân sách trước khi bị cơ quan thuế kiểm tra, thanh tra hoặc phát hiện.
Ví dụ:
Cá nhân E kinh doanh online từ tháng 01/2024, có doanh thu cả năm 600.000.000 đồng nhưng không đăng ký mã số thuế và cũng không nộp bất kỳ tờ khai thuế nào cho năm 2024.
Cơ quan thuế kiểm tra và xác định đây là hành vi cố tình không kê khai thuế để trốn tránh nghĩa vụ thuế, thuộc trường hợp bị xử phạt trốn thuế. Theo đó:
- Hạn nộp hồ sơ thuế tháng 01/24: Ngày 20/02/2024;
- Ngày tính thời hiệu xử phạt: Ngày 21/02/2024;
- Thời hiệu xử phạt kết thúc: Ngày 21/02/2029.
Nếu cơ quan thuế phát hiện hành vi trốn thuế vào ngày 15/01/2026 thì vẫn còn trong thời hiệu xử phạt. Cá nhân E có thể bị phạt từ 1 - 3 lần số tiền thuế trốn, tùy mức độ vi phạm theo Điều 17 Nghị định 125/2020/NĐ-CP.
Nếu đã hết thời hiệu xử phạt, cơ quan thuế vẫn có quyền truy thu số thuế còn thiếu, tiền lãi chậm nộp nhưng không áp dụng xử phạt hành chính.
VII. Các câu hỏi thường gặp về truy thu thuế bán hàng Shopee, Lazada, Tiki…
1. Nếu cá nhân kinh doanh trên nhiều sàn cùng một lúc thì tính thuế như thế nào?
Cá nhân cần tổng hợp doanh thu từ tất cả các sàn TMĐT bao gồm cả thu nhập chuyển khoản, tiền mặt hoặc ví điện tử, nếu vượt 100.000.000 đồng/năm, cá nhân thuộc diện phải nộp thuế.
2. Cá nhân kinh doanh trên sàn TMĐT nước ngoài như Etsy có cần kê khai nộp thuế không?
Có. Cá nhân là người cư trú Việt Nam có phát sinh thu nhập từ hoạt động kinh doanh dù trên nền tảng trong nước hay nước ngoài, đều phải kê khai và nộp thuế tại Việt Nam.
Có thể bạn cần:
>> Dịch vụ khai thuế thu nhập từ nước ngoài chuyển về;
>> Dịch vụ khai thuế kinh doanh online cho cá nhân.
3. Cá nhân mới bắt đầu bán hàng online cần đăng ký và nộp thuế như thế nào?
Từ ngày 01/01/2025, cá nhân kinh doanh online trên sàn thương mại điện tử (như Shopee, Tiki, Lazada) hoặc trên các nền tảng mạng xã hội (như Facebook, Zalo, TikTok...) sẽ thực hiện đăng ký mã số thuế đuôi 888 để kê khai và nộp thuế kinh doanh trực tuyến.
Để đăng ký mã số thuế đuôi 888 thì cá nhân cần có tài khoản định danh điện tử VNeID mức 2 và MST cá nhân tiền lương tiền công (mã số thuế 10 số).
>> Tham khảo thêm: Dịch vụ đăng ký mã số thuế cá nhân kinh doanh đuôi 888.
Lê Nga & Hà Phạm - Phòng Kế toán Anpha