Kinh doanh bán hàng online có cần kê khai và đóng thuế không?

Cùng Anpha tìm hiểu: Bán hàng online có phải nộp thuế không? Các loại thuế bán hàng online mà hộ kinh doanh, doanh nghiệp & cá nhân kinh doanh phải nộp.

Tìm hiểu bán hàng online có phải nộp thuế không?

1. Bán hàng online có cần đăng ký kinh doanh không?

Trước khi giải đáp thắc mắc bán hàng online có đóng thuế không, Anpha sẽ chia sẻ cho bạn về quy định đăng ký kinh doanh bán hàng online. Nhờ đó, bạn có thể biết được trường hợp nào bắt buộc phải đăng ký kinh doanh và trường hợp nào không cần phải đăng ký.

Cụ thể:

➤ Trường hợp 1: 

Cá nhân bán hàng online theo hình thức tự phát, không có cửa hàng (không có địa điểm cố định) thì không cần đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, cá nhân kinh doanh vẫn phải đăng ký mã số thuế theo mẫu số 03-ĐK-TCT (ban hành kèm Thông tư 105/2020/TT-BTC).

Sau khi đăng ký MST thành công, cơ quan thuế sẽ cấp mã số thuế theo cấu trúc MST-001 để cá nhân nộp tờ khai và nộp tiền thuế.

➤ Trường hợp 2: 

Cá nhân hoặc tổ chức kinh doanh bán hàng online có cửa hàng và hoạt động bán hàng thường xuyên thì bắt buộc phải làm thủ tục xin giấy phép kinh doanh (giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh).

Đối với trường hợp này, bạn có thể lựa chọn 1 trong 2 hình thức đăng ký kinh doanh dưới đây để bán hàng online:

  • Hộ kinh doanh cá thể: phù hợp với quy mô nhỏ lẻ, vốn hạn chế, ít nhân viên, ít hàng hóa;
  • Công ty/doanh nghiệp: phù hợp với quy mô kinh doanh lớn, đa dạng hàng hóa, có nhu cầu mở thêm nhiều chi nhánh.

Xem thêm:

>> Bán hàng trên shopee, lazada có cần đăng ký kinh doanh không?;

>> Cách đăng ký giấy phép kinh doanh bán hàng online, qua mạng.

2. Bán hàng online có đóng thuế không?

Như Anpha đã chia sẻ ở trên, bán hàng online có 2 trường hợp và dù bạn bán hàng ở trường hợp nào thì đều phải nộp thuế.

Quy định về cách nộp thuế đối với từng trường hợp như sau:

➤ Trường hợp 1: Cá nhân kinh doanh bán hàng online tự phát, không có cửa hàng và không đăng ký kinh doanh chỉ cần đăng ký MST cá nhân để kê khai thuế.

➤ Trường hợp 2: Cá nhân/tổ chức bán hàng online có cửa hàng, đăng ký kinh doanh theo hình thức hộ kinh doanh hoặc doanh nghiệp thực hiện đóng thuế theo đúng quy định của từng loại hình.

Tóm lại, bán hàng online bắt buộc phải nộp thuế. Tuy nhiên, tùy vào từng trường hợp, từng hình thức kinh doanh, doanh thu đạt được mà mức nộp thuế sẽ khác nhau.

Các loại thuế phải nộp khi bán hàng online trên website

Nộp thuế bán hàng online là vấn đề mà nhiều bạn quan tâm khi bắt đầu kinh doanh online. Tại nội dung này, Anpha sẽ chia sẻ chi tiết các loại thuế mà bạn phải nộp khi bán hàng online theo hình thức hộ kinh doanh và doanh nghiệp.

Lưu ý:

Đối với trường hợp cá nhân kinh doanh bán hàng online không đăng ký kinh doanh (thuộc diện cá nhân kinh doanh) thì nộp các loại thuế tương tự như hộ kinh doanh. 

1. Kê khai và nộp thuế bán hàng online theo mô hình hộ kinh doanh

Có 3 loại thuế mà shop bán hàng online theo mô hình hộ kinh doanh cần nộp là: lệ phí môn bài, thuế TNCNthuế GTGT (VAT). 

1.1. Lệ phí môn bài

Người bán hàng online sẽ nộp lệ phí môn bài định kỳ hàng năm. Lệ phí môn bài sẽ được tính dựa trên doanh thu hàng năm.

Người bán hàng online có doanh thu hàng năm từ 100 triệu trở lên sẽ phải nộp lệ phí môn bài từ 300.000 đồng - 1.000.000 đồng. Chi tiết về mức lệ phí môn bài cần nộp như sau:

Căn cứ tính thuế môn bài Mức thuế môn bài cần nộp
Doanh thu trên 500 triệu đồng/năm 1.000.000 đồng/năm
Doanh thu trên 300 - 500 triệu đồng/năm 500.000 đồng/năm
Doanh thu trên 100 - 300 triệu đồng/năm 300.000 đồng/năm
Lưu ý:

Cửa hàng bán hàng online sẽ được miễn lệ phí môn bài trong các trường hợp sau:

  • Năm đầu thành lập hộ kinh doanh;
  • Có doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống.

1.2. Thuế thu nhập cá nhân (thuế TNCN) và thuế giá trị gia tăng (thuế GTGT)

➤ Doanh thu bao nhiêu thì phải nộp thuế TNCN, thuế GTGT?

Căn cứ theo Khoản 2 Điều 4 Thông tư 40/2021/TT-BTC, người bán hàng online có doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm dương lịch từ 100 triệu đồng/năm trở xuống thì không phải nộp thuế TNCN và thuế GTGT.

Như vậy, nếu doanh thu tính trong năm dương lịch từ 100 triệu trở lên thì người bán hàng online phải có nghĩa vụ nộp thuế TNCN và thuế GTGT.

➤ Cách tính thuế TNCN, thuế GTGT

Số thuế TNCN phải nộp = Doanh thu tính thuế TNCN  x Tỷ lệ thuế TNCN
 
Số thuế GTGT phải nộp = Doanh thu tính thuế GTGT x Tỷ lệ thuế GTGT

Trong đó:

  • Tỷ lệ thuế TNCN là 0,5% và thuế GTGT là 1% (do bán hàng online thuộc hoạt động phân phối, cung cấp hàng hóa);
  • Doanh thu tính thuế TNCN và doanh thu tính thuế GTGT là doanh thu bao gồm thuế (trường hợp thuộc diện chịu thuế) của toàn bộ tiền bán hàng, tiền công, tiền hoa hồng và tiền cung ứng dịch vụ phát sinh trong kỳ thuế từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ;
  • Trường hợp người bán hàng không xác định được doanh thu tính thuế khoán hoặc xác định không phù hợp thực tế, cơ quan thuế sẽ ấn định để xác định số thuế phải nộp.

Xem thêm:

>> Cách tính thuế và các loại thuế HKD cá thể phải nộp;

>> Phương pháp, đối tượng và cách tính thuế khoán hộ kinh doanh.

2. Kê khai và nộp thuế bán hàng online theo mô hình doanh nghiệp

Trường hợp, bạn kinh doanh bán hàng online theo hình thức doanh nghiệp thì ngoài 3 loại thuế phải nộp như HKD cá thể là: lệ phí môn bài, thuế GTGT và thuế TNCN thì bạn còn phải nộp thêm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN).

Tuy nhiên do khác nhau về hình thức kinh doanh, nên cách tính thuế GTGT, thuế TNCN, thuế TNDN và cách xác định mức nộp lệ phí môn bài đối với doanh nghiệp cũng sẽ khác với HKD cá thể. Cụ thể như sau:

2.1. Lệ phí môn bài

Mức lệ phí môn bài khi kinh doanh online theo hình thức doanh nghiệp sẽ được tính dựa trên vốn điều lệ.

Căn cứ tính thuế môn bài Mức thuế môn bài cần nộp
Doanh nghiệp có vốn điều lệ trên 10 tỷ đồng 3.000.000 đồng/năm
Doanh nghiệp có vốn điều lệ từ 10 tỷ đồng trở xuống 2.000.000 đồng/năm
Đơn vị phụ thuộc và các tổ chức kinh tế khác 1.000.000 đồng/năm
Lưu ý:

Doanh nghiệp sẽ được miễn lệ phí môn bài trong năm đầu thành lập.

2.2. Thuế thu nhập cá nhân (thuế TNCN)

Trường hợp doanh nghiệp có phát sinh trả lương cho người lao động (NLĐ) và thu nhập tính thuế của NLĐ lớn hơn 0 thì doanh nghiệp có trách nhiệm nộp thuế TNCN thay cho NLĐ. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần kiểm tra thu nhập của NLĐ có ở mức chịu thuế hay không. Nếu có, doanh nghiệp cần trích thuế TNCN của NLĐ trước khi chi trả cho họ hoặc thực hiện trích thuế TNCN thay cho NLĐ.

Tùy thuộc người lao động là cá nhân cư trú hay cá nhân không cư trú mà sẽ có cách tính thuế TNCN tương ứng.

➤ Cách tính thuế TNCN đối với NLĐ thuộc cá nhân lưu trú

  • Trường hợp có HĐLĐ từ 3 tháng trở lên: tính thuế TNCN theo biểu lũy tiến từng phần;
  • Trường hợp có HĐLĐ dưới 3 tháng hoặc không ký HĐLĐ: tính thuế TNCN theo thuế suất toàn phần 10%.

Cụ thể công thức tính cho từng trường hợp như sau:

➤➤ Tính thuế TNCN đối với NLĐ ký hợp đồng từ 3 tháng trở lên

Công thức tính thuế TNCN phải nộp như sau:

Thuế TNCN phải nộp = Thu nhập tính thuế x Thuế suất

Trong đó:

- Thu nhập tính thuế được xác định như sau:

Thu nhập tính thuế = Tổng thu nhập - Các khoản được miễn thuế - Các khoản giảm trừ
- Thuế suất (thuế suất theo biểu lũy tiến từng phần): tùy vào thu nhập chịu thuế/năm hoặc thu nhập chịu thuế/tháng ở mức bao nhiêu mà sẽ có mức thuế suất tương ứng.

>> Để biết cụ thể về thuế suất theo biểu lũy tiến từng phần cũng như chi tiết các khoản được miễn, được giảm trừ thuế TNCN, bạn tham khảo: Cách tính thuế TNCN đối với HĐLĐ 3 tháng trở lên.

➤➤ Tính thuế TNCN đối với NLĐ dưới 3 tháng hoặc không ký hợp đồng

  • Đối với doanh nghiệp trả tiền công, tiền lương cho NLĐ có HĐLĐ dưới 3 tháng hoặc không có HĐLĐ thì tổng mức thu nhập từ 2.000.000 đồng/lần trở lên phải khấu trừ thuế theo mức 10% thu nhập trước khi trả lương cho NLĐ;
  • Nếu NLĐ chỉ có duy nhất một nguồn thu nhập nhưng ước tính tổng mức thu nhập chịu thuế sau khi trừ các khoản giảm trừ gia cảnh không tới mức phải nộp thuế thì NLĐ làm cam kết theo mẫu 08/CK-TNCN để doanh nghiệp chi trả thu nhập làm căn cứ tạm thời chưa khấu trừ thuế TNCN.

➤ Cách tính thuế TNCN đối với NLĐ không thuộc cá nhân cư trú

Thuế TNCN phải nộp = Thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công x 20% thuế suất

Để biết chi tiết về cách tính thuế TNCN chính xác cho từng đối tượng, bạn tham khảo bài viết:

>> Cách tính thuế TNCN từ tiền lương, tiền công.

2.3. Thuế giá trị gia tăng (thuế GTGT)

Nếu doanh thu hàng năm từ 1 tỷ đồng trở lên thì doanh nghiệp nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ. Trường hợp doanh thu hàng năm dưới 1 tỷ đồng thì doanh nghiệp nộp thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp.

Lưu ý:

Trường hợp cơ sở kinh doanh có doanh thu hàng năm dưới 1 tỷ đồng đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thì nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ.

➤ Cách tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ:

Thuế GTGT phải nộp = Thuế GTGT đầu ra - Thuế GTGT đầu vào
➤ Cách tính thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp:

Kê khai thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp được tính theo 2 cách: trực tiếp trên doanh thu và trực tiếp trên GTGT.

➤➤ Kê khai theo phương pháp trực tiếp trên doanh thu:

Thuế GTGT phải nộp = Giá trị của hàng hóa bán ra x Thuế suất thuế GTGT (*)

(*): Thuế suất thuế GTGT là 1% (do bán hàng online thuộc hoạt động phân phối, cung cấp hàng hóa).

➤➤ Kê khai theo phương pháp trực tiếp trên GTGT:

Cách này thường áp dụng đối với các doanh nghiệp có hoạt động mua bán, chế tác đá quý, vàng bạc.

Thuế GTGT phải nộp = Giá trị gia tăng (**) x 10%
(**): Giá trị gia tăng = Giá bán ra - Giá mua vào.

2.4. Thuế thu nhập doanh nghiệp (thuế TNDN)

Thuế TNDN là loại thuế mà người bán hàng online phải nộp dựa trên khoản lợi nhuận cuối cùng của doanh nghiệp sau khi đã trừ các khoản chi phí hợp lý.

➤ Cách tính thuế TNDN:

Thuế TNDN = (Thu nhập tính thuế - Phần trích lập quỹ KH&CN (nếu có)) x Thuế suất thuế TNDN
Trong đó:

- Thuế suất thuế TNDN (còn gọi là thuế suất thông thường) là 20%;

- Thu nhập tính thuế được xác định như sau:

Thu nhập tính thuế = Thu nhập chịu thuế - (Thu nhập được miễn thuế + Các khoản lỗ được kết chuyển)
- Thu nhập chịu thuế được xác định như sau:
Thu nhập chịu thuế = Doanh thu - Chi phí được trừ + Các khoản thu nhập khác
----------

Trường hợp hộ kinh doanh hoặc doanh nghiệp bán hàng online trên website do mình sở hữu thì sẽ tự thực hiện các thủ tục khai thuế và nộp thuế.

Trường hợp hộ kinh doanh hoặc doanh nghiệp bán hàng trên website sàn thương mại điện tử (Tiki, Shopee, Lazada, Sendo... ) có thể ủy quyền cho sàn TMĐT thực hiện thay việc kê khai, nộp thuế với cơ quan thuế.

Mức phạt chậm nộp thuế đối với doanh nghiệp, HKD, cá nhân bán hàng online

Khi kinh doanh bán hàng dù là bán hàng tại cửa hàng hay bán hàng online, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân đều phải nộp thuế đúng theo quy định pháp luật.

Trường hợp cá nhân, hộ kinh doanh hay doanh nghiệp chậm nộp thuế có thể bị xử phạt hành chính hoặc phạt tiền tùy vào thời gian chậm nộp, cụ thể như sau:

Thời gian chậm nộp Mức phạt
Từ 1 - 5 ngày Phạt cảnh cáo
Từ 1 - 30 ngày 2.000.000 đồng - 5.000.000 đồng
Từ 31 - 60 ngày 5.000.000 đồng - 8.000.000 đồng
Từ 61 - 90 ngày 8.000.000 đồng - 15.000.000 đồng
Trên 90 ngày kể từ ngày hết hạn hồ sơ 15.000.000 đồng - 25.000.000 đồng
Lưu ý:

Đối với cá nhân kinh doanh bán hàng online chậm nộp thuế thì mức phạt sẽ bằng 1/2 mức phạt nêu trên.

>> Xem thêm: Doanh nghiệp trốn thuế bị phạt bao nhiêu?

Câu hỏi thường gặp về việc nộp thuế bán hàng online

1. Bán hàng online theo mô hình hộ kinh doanh phải nộp những loại thế nào?

Bán hàng online theo hình thức hộ kinh doanh, bạn cần phải nộp lệ phí môn bài, thuế GTGT và thuế TNCN.

>> Xem chi tiết: Nộp thuế bán hàng online theo mô hình hộ kinh doanh.

2. Bán hàng online có cần đăng ký kinh doanh không?

Tùy vào từng trường hợp mà mà tổ chức/cá nhân có thể đăng ký doanh hoặc không cần đăng ký kinh doanh khi bán hàng online, cụ thể:

  • Nếu cá nhân bán hàng online theo hình thức tự phát, không có cửa hàng thì không cần đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên vẫn phải đăng ký MST theo mẫu số 03-ĐK-TCT;
  • Nếu cá nhân/tổ chức kinh doanh bán hàng online có cửa hàng, hoạt động bán hàng thường xuyên và liên tục thì bắt buộc phải thực hiện thủ tục xin giấy phép kinh doanh theo hình thức hộ kinh doanh hoặc doanh nghiệp.

>> Xem chi tiết: Bán hàng online có cần đăng ký kinh doanh không?

3. Khi nào người bán hàng online theo mô hình hộ kinh doanh không phải nộp thuế?

Nếu doanh thu tính trong năm dương lịch từ 100 triệu trở xuống, người bán hàng online không phải nộp thuế TNCN và thuế GTGT. Ngoài ra, người bán hàng online còn được miễn lệ phí môn bài.

4. Bán hàng online theo mô hình doanh nghiệp cần nộp những loại thuế nào?

Bạn cần phải nộp 4 loại thuế sau: lệ phí môn bài, thuế GTGT, thuế TNDN, thuế TNCN (nếu phát sinh chi trả lương cho NLĐ và thu nhập tính thuế của NLĐ lớn hơn 0).

>> Xem chi tiết: Đóng thuế bán hàng online theo mô hình doanh nghiệp.

5. Tỷ lệ % tính thuế GTGT và thuế suất thuế TNCN đối với hộ kinh doanh khi bán hàng online là bao nhiêu?

Theo quy định pháp luật, bán hàng online là hoạt động phân phối, cung cấp hàng hóa nên tỷ lệ tính thuế GTGT, thuế suất thuế TNCN đối với hộ kinh doanh được quy định như sau:

  • Tỷ lệ thuế GTGT: 1%;
  • Tỷ lệ thuế TNCN: 0,5%.

(Căn cứ theo Phụ lục I Thông tư số 40/2021/TT-BTC).

6. Người bán hàng online chậm nộp thuế thì sẽ bị phạt như thế nào?

Trường hợp người bán hàng online phải nộp thuế nhưng nộp chậm sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng - 25.000.000 đồng (tùy vào thời gian chậm nộp).

>> Xem chi tiết: Mức phạt khi người bán hàng online chậm nộp hồ sơ khai thuế, nộp thuế.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Đánh giá chất lượng bài viết, bạn nhé!

5.0

6 đánh giá
Chọn đánh giá

Gửi đánh giá

BÌNH LUẬN - HỎI ĐÁP

Hãy để lại câu hỏi của bạn, chúng tôi sẽ trả lời TRONG 15 PHÚT

SĐT và email sẽ được ẩn để bảo mật thông tin của bạn GỬI NHANH