Quy định đóng bảo hiểm xã hội lao động part time, freelancer

Lao động part time & freelancer là gì? Có bắt buộc phải tham gia bảo hiểm xã hội? Các mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện & mức lương đóng bảo hiểm xã hội?

I. Hình thức lao động freelancer

1. Lao động freelancer là gì?

Freelancer là những người làm công việc tự do, tự kinh doanh, tự cung cấp dịch vụ, không có sự ràng buộc bởi một ngành nghề nhất định, càng không có ràng buộc về thời gian, địa điểm làm việc.

Freelancer được thuê để thực hiện công việc do khách hàng hoặc chủ dự án đưa ra và thường được trả lương theo dự án. Người làm việc tự do được phép làm cho nhiều người sử dụng lao động cùng một lúc, miễn là hoàn thành công việc theo đúng tiến độ.

Các công việc phổ biến của freelancer có thể kể đến như: viết bài, thiết kế đồ họa, lập trình, dịch thuật, tiếp thị trực tuyến, tư vấn kinh doanh và nhiều lĩnh vực khác…

>> Tham khảo chi tiết: Hình thức lao động freelancer.

2. Những lưu ý khi ký hợp đồng lao động freelancer

Bản chất freelancer là một hình thức làm việc tự do, không ràng buộc phải làm việc cho bất kỳ một công ty hay tổ chức nhất định. Các công việc thường diễn ra trong thời gian ngắn hạn, trả thù lao dưới dạng khoán. Việc ký hợp đồng lao động thì thường mang tính chất lâu dài và có sự ràng buộc về nghĩa vụ theo nội quy công ty nên sẽ không phù hợp trong trường hợp này.

Tuy nhiên, freelancer vẫn có thể ký hợp đồng dịch vụ để:

  • Đảm bảo về mặt luật pháp, là cơ sở để giải quyết tranh chấp giữa các bên khi có tranh chấp xảy ra;
  • Đảm bảo các yếu tố cơ bản của HĐLĐ nhưng bản chất và mục đích đơn giản, phù hợp hơn với tính chất của công việc giữa bên cung ứng dịch vụ và bên trả phí.

Theo quy định tại Điều 513 Bộ luật Dân sự 2015, hợp đồng dịch vụ là văn bản thỏa thuận giữa bên cung ứng dịch vụ và bên sử dụng dịch vụ. Bên cung ứng dịch vụ sẽ thực hiện các công việc cho bên sử dụng dịch vụ, ngược lại bên sử dụng dịch vụ sẽ phải trả thù lao cho bên cung ứng dịch vụ.

Hiện nay, mẫu hợp đồng dịch vụ không được quy định cụ thể. Nhưng khi thực hiện soạn thảo hợp đồng dịch vụ cần đảm bảo những điều khoản cơ bản sau:

  1. Thông tin các bên;
  2. Nội dung của hợp đồng (dịch vụ thực hiện và phạm vi công việc);
  3. Thời gian thực hiện;
  4. Quyền và nghĩa vụ các bên;
  5. Giá dịch vụ, thời gian thanh toán và phương thức thanh toán;
  6. Chấm dứt hợp đồng;
  7. Giải quyết tranh chấp.

>> TẢI MIỄN PHÍ: Mẫu hợp đồng dịch vụ.

3. Tham gia bảo hiểm xã hội cho lao động freelancer

3.1. Lao động freelancer có bắt buộc tham gia bảo hiểm xã hội?

Căn cứ theo Khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:

  1. Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;
  2. Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng.

Theo đó, bảo hiểm xã hội bắt buộc chỉ áp dụng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động từ 1 tháng trở lên. 

➨ Vậy nên, vì không có sự ràng buộc quyền và nghĩa vụ bằng hợp đồng lao động nên freelancer không thuộc diện phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

3.2. Mức đóng bảo hiểm xã hội áp dụng cho lao động freelancer

Tại Khoản 4 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều này.

➨ Vì vậy, nếu muốn đóng bảo hiểm xã hội, lao động freelancer có thể đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được tính theo công thức:

Mức đóng/tháng = 22% x Mức thu nhập chọn đóng BHXH tự nguyện - Mức nhà nước hỗ trợ đóng

Trong đó, mức nhà nước hỗ trợ như sau:

Đối tượng Số tiền hỗ trợ
Hộ nghèo 99.000
Hộ cận nghèo 82.500
Khác 33.000

(Đơn vị tính: Đồng/tháng)

Freelancer được tự chọn mức thu nhập tham gia đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện nhưng phải đảm bảo giới hạn sau đây:

1. Mức thấp nhất = 1.500.000 đồng (mức chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn)

Ví dụ: 

Anh A đang làm freelancer, muốn tham gia BHXH tự nguyện ở mức thấp nhất, anh A thuộc đối tượng khác. Vậy, mức đóng BHXH tự nguyện của anh A mỗi tháng sẽ là:

Mức đóng/tháng = (22% x 1.500.000) - 33.000 = 297.000 đồng/tháng

2. Mức cao nhất = 20 x Mức lương cơ sở (*)

(*) Từ ngày 01/07/2023 mức lương cơ sở là 1.800.000 đồng, căn cứ theo Nghị định 24/2023/NĐ-CP.

Ví dụ:

Anh A đang làm freelancer, thuộc đối tượng khác được nhà nước hỗ trợ. Anh A muốn tham gia BHXH tự nguyện ở mức cao nhất. Vậy, mức đóng BHXH tự nguyện của anh A mỗi tháng sẽ là:

Mức đóng/tháng = (22% x 1.800.000 x 20) - 33.000 = 7.887.000 đồng/tháng

>> Tham khảo chi tiết: Các mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện.

II. Hình thức lao động part time

1. Lao động part time là gì?

Lao động part time hay còn gọi gọi là công việc bán thời gian. Đây hình thức làm việc không trọn thời gian, không theo quy chuẩn giờ hành chính được quy định tại Điều 32 Bộ luật Lao động 2019, cụ thể:

  • Thời gian thỏa thuận làm việc ngắn hơn so với khoảng thời gian làm việc bình thường;
  • Thời gian thỏa thuận được tính theo ngày, tính theo tuần, theo tháng được pháp luật quy định hoặc được quy định trong nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể và thỏa thuận khi giao kết hợp đồng lao động.

Đồng thời, người lao động làm việc không trọn thời gian được hưởng lương và bình đẳng trong thực hiện quyền, nghĩa vụ như người lao động làm việc trọn thời gian.

>> Tham khảo chi tiết: Hình thức lao động part time.

2. Những lưu ý khi ký hợp đồng lao động part time

Căn cứ theo Điều 32 Bộ luật Lao động 2019 có quy định, dù làm việc không trọn thời gian, người lao động vẫn được hưởng lương và bình đẳng trong thực hiện quyền, nghĩa vụ như người lao động làm việc trọn thời gian. Vì vậy, người sử dụng lao động vẫn phải ký hợp đồng lao động với người lao động. 

Căn cứ hợp đồng lao động, từ đó xác định được mức lương cho người lao động theo đúng quy định của pháp luật và những vấn đề khác liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động và người sử dụng lao động.

Khi thực hiện soạn thảo hợp đồng lao động phải đảm bảo những điều khoản cơ bản sau:

  1. Thông tin các bên;
  2. Nội dung hợp đồng (công việc và địa điểm làm việc);
  3. Thời hạn của hợp đồng;
  4. Mức lương, hình thức & thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác;
  5. Chế độ nâng bậc, nâng lương;
  6. Thời gian làm việc;
  7. BHXH, BHYT, BHTN;
  8. Các điều khoản khác do 2 bên thỏa thuận (chế độ bảo hộ, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề...)

>> TẢI MIỄN PHÍ: Mẫu hợp đồng part time.

3. Tham gia bảo hiểm xã hội cho lao động part time

3.1. Lao động part time có bắt buộc tham gia bảo hiểm xã hội?

Căn cứ tại Khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:

  1. Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;
  2. Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng.

➨ Như vậy, nhân viên part time là người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng thuộc đối tượng tham gia đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, mức đóng bảo hiểm xã hội như đối với lao động làm việc trọn thời gian.

3.2. Quy định về đóng bảo hiểm xã hội lao động part time

Như ở trên đã nói, mức đóng BHXH của lao động part time sẽ tương đương với mức đóng của lao động làm việc trọn thời gian. Nhưng trên thực tế, đối với công việc part time thời gian làm việc sẽ không đủ tháng. Do đó, căn cứ theo Khoản 3 Điều 85 quy định:

  • Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng bảo hiểm xã hội tháng đó;
  • Thời gian không làm việc ở trên không được tính để hưởng bảo hiểm xã hội, trừ trường hợp nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.

➨ Như vậy, nếu cộng dồn khoảng thời gian làm việc thực tế trong một tháng mà số ngày nghỉ làm việc nhiều hơn 14 ngày so với thời gian làm việc bình thường của người lao động trọn thời gian, người lao động làm việc bán thời gian sẽ không phải đóng bảo hiểm xã hội.

Tại Khoản 2 Điều 6 của Luật Bảo hiểm xã hội quy định, mức tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm đóng đối với người lao động làm công việc hoặc chức danh giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường. 

Do đó, nếu mức lương lao động nhận thấp hơn mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm đóng thì người lao động cũng không được đóng bảo hiểm (Điều 3 Nghị định 38/2022/NĐ-CP).

Người lao động làm việc bán thời gian sẽ được đóng BHXH khi đảm bảo các điều kiện sau:

  1. Giao kết HĐLĐ từ đủ 1 tháng trở lên;
  2. Thời gian không làm việc và không hưởng lương trong tháng không quá 14 ngày;
  3. Mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tại thời điểm đóng không được ít hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.

>> Tham khảo chi tiết: Các mức đóng bảo hiểm xã hội.

III. Phân biệt lương gross và lương net

1. Lương gross là gì? Lương net là gì?
Phân loại Khái niệm
Lương gross

Là tổng thu nhập người lao động được nhận bao gồm:

- Lương cơ bản;

- Các khoản trợ cấp, hoa hồng, phụ cấp, các khoản đóng bảo hiểm và thuế thu nhập cá nhân (TNCN).

Lương net Là tiền lương mà người lao động thực nhận hàng tháng khi các khoản BHXH, BHYT và thuế thu nhập cá nhân đã được trích đóng.

Xét theo khái niệm ở trên, người lao động nhận lương gross sẽ phải trích ra % tiền đóng các khoản bảo hiểm xã hội và thuế thu nhập cá nhân.

Căn cứ theo quy định tại Quyết định 595/QĐ-BHXH, tỷ lệ trích tiền lương đóng bảo hiểm của người lao động lần lượt là: BHXH (8%), BHTN (1%) và BHYT (1.5%).

2. Cách tính lương gross và lương net

Lương gross thường được sử dụng trong các hợp đồng lao động để làm cơ sở tính toán lương net hay lương thực nhận của người lao động được tính qua lại bằng công thức sau:

Lương net = Lương gross - (Tiền BHXH + Tiền BHYT + Tiền BHTN + Thuế TNCN)
Lương gross = Lương net + Tiền đóng bảo hiểm bắt buộc + Thuế TNCN (nếu có)

Trong đó:

  • Tiền đóng bảo hiểm bắt buộc của người lao động = 10,5% tiền lương (cụ thể tiền BHXH chiếm 8%, BHTN chiếm 1% và BHYT chiếm 1,5%);
  • Tiền thuế thu nhập cá nhân = (Tổng thu nhập - Các khoản không chịu thuế - Khoản được giảm trừ) x Thuế suất.

Ví dụ: 

Chị B là nhân viên kế toán tại công ty ABC ký hợp đồng lao động 12 tháng, mức lương gross là 18.000.000 đồng. Chị B không có người phụ thuộc → Mức tham gia BHXH của chị B sẽ là:

  • BHXH = 18.000.000 x 8% = 1.440.000
  • BHTN = 18.000.000 x 1% = 180.000
  • BHYT = 18.000.000 x 1.5% = 270.000

➨ Tổng mức đóng BHXH hàng tháng = 1.440.000 + 180.000 + 270.000 = 1.890.000 đồng

Chị B không có người phụ thuộc, nên các khoản giảm trừ bao gồm giảm trừ bản thân = 11.000.000 đồng

Thu nhập tính thuế = 18.000.000 - 11.000.000 - 1.890.000 = 5.110.000 đồng

Thu nhập tính thuế > 5.000.000 đồng sẽ thuộc thuế suất 10%. Cụ thể:

Tiền thuế thu nhập cá nhân = (10% x 5.110.000) - 250.000 = 261.000 đồng

➨ Vậy tổng số tiền chị B thực nhận mỗi tháng (lương net) là:

Lương net = 18.000.000 - 1.890.000 - 261.000 = 15.849.000 đồng

IV. Các câu hỏi liên quan đến lao động part time và lao động freelancer

1. Hồ sơ, thủ tục đăng ký tham gia BHXH tự nguyện cho freelancer như thế nào?

Freelancer kê khai online tờ khai (mẫu TK1-TS) hoặc đến trực tiếp cơ quan BHXH, các đại lý thu BHXH nơi cư trú để đăng ký.

>> Tham khảo chi tiết: Cách đăng ký bảo hiểm xã hội tự nguyện.

2. Freelancer được hưởng quyền lợi gì khi tham gia BHXH tự nguyện?

Freelancer sẽ được hưởng quyền lợi về chế độ hưu trí và tử tuất khi tham gia BHXH tự nguyện, cụ thể:

  • Khi lao động freelancer không có nhu cầu hưởng lương hưu, lao động có thể rút BHXH 1 lần khi đáp ứng đủ các điều kiện được rút như lao động đã đủ tuổi nghỉ hưu nhưng thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm và không tiếp tục tham gia BHXH, lao động ra nước ngoài định cư, lao động mắc một trong các bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, HIV/AIDS, bại liệt…;
  • Khi người lao động là freelancer qua đời thì người thân của người đó sẽ được nhận trợ cấp mai táng và trợ cấp tử tuất theo quy định.

>> Tham khảo chi tiết: Quyền lợi khi tham gia bảo hiểm xã hội.

3. Nên nhận lương gross hay lương net thì có lợi cho lao động hơn?

Khi nhận lương gross có ưu điểm là người lao động chủ động tính toán được các khoản thuế TNCN và bảo hiểm của mình, việc này cần đảm bảo thường xuyên để tránh người sử dụng lao động tính và trích nộp sai.

Khi nhận lương net có ưu điểm là người lao động sẽ nhận được đúng số tiền đã thỏa thuận, việc nộp các khoản bảo hiểm, thuế TNCN sẽ do người sử dụng lao động tính toán và trích nộp. Trên thực tế, các doanh nghiệp thường sử dụng lương net, mức lương thấp hơn quy định để đóng bảo hiểm cho lao động dẫn đến mức đóng và các quyền lợi về bảo hiểm cũng sẽ thấp hơn.

➨ Do vậy, người lao động dù chọn lương gross hay lương net thì số tiền bạn nhận được cuối cùng đều giống nhau. Nhưng khi nhận lương gross người lao động có thể chủ động tham chiếu, tính toán được chính xác mức lương mình nhận được hàng tháng. Khi bạn gặp các vấn đề như tai nạn lao động, thất nghiệp hoặc nghỉ thai sản thì vẫn được hưởng các quyền lợi trên mức lương gross mà bạn đóng và doanh nghiệp đồng ý trả, nên người lao động nên nhận lương gross thay vì lương net.

4. Mức lương tối thiểu của người lao động partime là bao nhiêu?

Tiền lương tối thiểu của người lao động làm việc bán thời gian (part time) quy định tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định 38/2022/NĐ-CP, cụ thể tiền lương tối thiểu theo giờ là:

  • Vùng I: 22.500 đồng/giờ;
  • Vùng II: 20.000 đồng/giờ;
  • Vùng III: 17.500 đồng/giờ;
  • Vùng IV: 15.600 đồng/giờ.

Như vậy, người sử dụng lao động không được trả lương cho người lao động làm việc theo giờ thấp hơn mức lương tối thiểu nêu trên.

Linh Ngàn - Phòng Kế toán Anpha

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Đánh giá chất lượng bài viết, bạn nhé!

0.0

Chưa có đánh giá nào
Chọn đánh giá

Gửi đánh giá

BÌNH LUẬN - HỎI ĐÁP

Hãy để lại câu hỏi của bạn, chúng tôi sẽ trả lời TRONG 15 PHÚT

SĐT và email sẽ được ẩn để bảo mật thông tin của bạn GỬI NHANH