So Sánh Các Loại Hình Công Ty Theo Luật Doanh Nghiệp 2020

 
Bảng so sánh chi tiết các loại hình công ty, doanh nghiệp Việt Nam dựa trên các tiêu chí như chủ sở hữu, thành viên góp vốn, vốn điều lệ, tư cách pháp nhân...

Theo Luật Doanh nghiệp 2020, có 5 loại hình công ty tại Việt Nam là công ty cổ phần, công ty TNHH 1 thành viên, công ty TNHH 2 thành viên trở lên, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân. Mỗi loại hình doanh nghiệp đều có những đặc điểm và ưu nhược điểm riêng. Trong bài viết này, Anpha sẽ so sánh các tiêu chí đặc trưng và cơ bản nhất của từng loại hình doanh nghiệp với nhau để các bạn có cái nhìn toàn diện nhất và dễ dàng lựa chọn được loại hình công ty phù hợp với nhu cầu và định hướng phát triển của mình.

Chú thích:

STT

NỘI DUNG

VIẾT TẮT

1

Công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên

CTY TNHH 1 TV

2

Công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên

CTY TNHH 2 TV TRỞ LÊN

3

Công ty cổ phần

CTY CP

4

Doanh nghiệp tư nhân

DNTN

5

Thành viên hợp danh

TVHD

6

Thành viên góp vốn

TVGV

 

1. Chủ sở hữu

  • Công ty TNHH 1 thành viên chỉ có duy nhất 1 chủ sở hữu là cá nhân hoặc tổ chức;
  • Công ty TNHH 2 thành viên trở lên có thể có nhiều đồng chủ sở hữu (có thể là cá nhân hoặc tổ chức), tối thiểu là 2 và tối đa không quá 50 đồng chủ sở hữu;
  • Chủ sở hữu công ty cổ phần chính là cổ đông của công ty (có thể là cá nhân hoặc tổ chức), tối thiểu là 3 và không giới hạn số lượng cổ đông tối đa;
  • Chủ sở hữu công ty hợp danh là cá nhân và được gọi là thành viên hợp danh. Công ty hợp danh có ít nhất 2 thành viên là chủ sở hữu chung của công ty; 
  • Doanh nghiệp tư nhân chỉ có 1 chủ sở hữu duy nhất là cá nhân, được gọi là chủ doanh nghiệp tư nhân. Chủ doanh nghiệp tư nhân không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên hợp danh của công ty hợp danh.

So với 3 loại hình doanh nghiệp còn lại, việc không cho phép tổ chức làm chủ sở hữu trong công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân cũng là 1 hạn chế, khiến nhiều cá nhân, tổ chức không mấy mặn mà khi lựa chọn thành lập 2 loại hình doanh nghiệp này.

2. Số lượng thành viên, cổ đông góp vốn

  • Công ty TNHH 1 thành viên chỉ có duy nhất 1 thành viên (là cá nhân, tổ chức) góp vốn thành lập doanh nghiệp; 
  • Công ty TNHH 2 thành viên trở lên được thành lập bởi tối thiểu là 2 và tối đa là 50 thành viên (là cá nhân hoặc tổ chức); 
  • Công ty cổ phần: Cổ đông tham gia góp vốn có thể là cá nhân, tổ chức; số lượng cổ đông tối thiểu là 3 và không giới hạn số lượng; 
  • Công ty hợp danh: Có tối thiểu 2 thành viên hợp danh là cá nhân và ngoài ra có thể có thêm các thành viên góp vốn. Như vậy, công ty hợp danh không bị giới hạn tối đa số lượng thành viên cùng góp vốn vào công ty;
  • Doanh nghiệp tư nhân: Chỉ có duy nhất 1 thành viên góp vốn là cá nhân, gọi là chủ doanh nghiệp tư nhân.

So với doanh nghiệp tư nhân và công ty TNHH 1 thành viên chỉ có 1 thành viên góp vốn, thì việc công ty cổ phần, công TNHH 2 thành viên trở lên và công ty hợp danh được quyền có nhiều thành viên tham gia góp vốn vào doanh nghiệp là điều kiện rất thuận lợi, giúp doanh nghiệp này có thể huy động vốn từ nhiều cá nhân, tổ chức khi có nhu cầu mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh.

3. Tư cách pháp nhân

Trong các loại hình doanh nghiệp, chỉ mỗi doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân.

Vậy, ưu điểm và bất lợi xoay quanh tư cách pháp nhân là gì?

  • Ưu điểm khi có tư cách pháp nhân:  
  1. Sự tách bạch giữa tài sản công ty và tài sản cá nhân;
  2. Thành viên công ty sẽ được nhân danh công ty để thực hiện các hoạt động như: ký kết hợp đồng nhân danh công ty, thực hiện việc quản lý công ty...;
  3. Doanh nghiệp có tư cách pháp nhân được quyền khởi kiện, yêu cầu tòa án giải quyết các tranh chấp thương mại với pháp nhân khác.
  • Bất lợi khi không có tư cách pháp nhân:
  1. Không có sự tách biệt giữa tài sản cá nhân và tài sản công ty. Chủ doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm giải quyết các vấn đề tài chính của doanh nghiệp bằng toàn bộ tài sản cá nhân;
  2. Trong quan hệ tố tụng, doanh nghiệp tư nhân không được nhân danh mình để tham gia với tư cách độc lập, mà tư cách tham gia là của Chủ doanh nghiệp tư nhân.

4. Vốn điều lệ

Như đã chia sẻ, doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân, nên tài sản công ty và tài sản chủ doanh nghiệp là một. Vì thế, vốn điều lệ của doanh nghiệp tư nhân là toàn bộ tài sản của chủ doanh nghiệp tư nhân, không phải chỉ giới hạn trong số vốn góp như các loại hình còn lại.

5. Trách nhiệm về nghĩa vụ tài sản

Anpha sẽ liệt kê trách nhiệm theo từng loại hình để bạn dễ dàng tham khảo thông tin, cụ thể:

>> Doanh nghiệp tư nhân:

Chế độ chịu trách nhiệm về nghĩa vụ tài sản của doanh nghiệp tư nhân được đánh giá cá nhất trong 5 loại hình doanh nghiệp; việc chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản đối với hoạt động kinh doanh mang lại rủi ro khá cao cho chủ doanh nghiệp tư nhân.

>> Công ty TNHH và công ty cổ phần:

Thành viên, cổ đông góp vốn chỉ chịu trách nhiệm hữu hạn về các khoản nợ trong phạm vi số vốn góp vào công ty, vì thế tương đối an toàn cho các thành viên, cổ đông khi góp vốn vào doanh nghiệp

>> Công ty hợp danh:

Riêng loại hình này, chế độ trách nhiệm được kết hợp từ các loại hình doanh nghiệp còn lại và được chia cụ thể như sau:

  • Thành viên hợp danh chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản cá nhân;
  • Thành viên góp vốn chỉ chịu trách nhiệm trên phạm vi số vốn đã góp.

Do đặc điểm này mà công ty hợp danh thường khó thu hút thành viên hợp danh mới gia nhập công ty.

6. Khả năng huy động vốn

3 yếu tố để đánh giá khả năng huy động vốn của doanh nghiệp trong giai đoạn thành lập:

  • Số lượng thành viên được góp vốn;
  • Khả năng phát hành cổ phiếu;
  • Sự thuận tiện chuyển nhượng vốn.

 

Xếp theo mức độ giảm dần về khả năng huy động vốn thì:

>> Vị trí số 1 là công ty cổ phần: Đây là loại hình công ty có khả năng huy động vốn cao và linh hoạt nhất. Bởi 3 lý do:

  • Công ty cổ phần là loại hình công ty duy nhất được phát hành cổ phiếu, chào bán các loại cổ phiếu, trái phiếu ra công chúng thông qua sàn giao dịch chứng khoán;
  • Không giới hạn số lượng cổ đông góp vốn nên có thể gia tăng số lượng cổ đông theo nhu cầu;
  • Thủ tục chuyển nhượng cổ phần đơn giản, nhanh gọn.

>> Vị trí số 2 là công ty TNHH 2 thành viên trở lên, bởi 2 lý do:

  • Có thể huy động vốn từ thành viên mới (tối đa 50 thành viên);
  • Có thể chuyển nhượng 1 phần vốn góp cho cá nhân, tổ chức khác. 

Tuy nhiên, bất cập duy nhất của loại hình doanh nghiệp này khi chuyển nhượng phần vốn góp là phải ưu tiên chuyển nhượng cho các thành viên trong công ty trước.

>> Vị trí thứ 3 là công ty hợp danh, bởi:

  • Có thể huy động vốn từ thành viên công ty hiện có hoặc có thể huy động từ thành viên mới và không hạn chế số lượng thành viên tối đa; 
  • Các thành viên công ty hợp danh cũng có thể chuyển nhượng vốn của mình cho người khác. 

Tuy nhiên, có 1 hạn chế là thành viên hợp danh phải được sự chấp thuận của các thành viên hợp danh còn lại nếu muốn chuyển nhượng phần vốn của mình tại công ty cho cá nhân, tổ chức khác.

>> Vị trí thứ 4 là công ty TNHH 1 thành viên, bởi 2 lý do:

  • Công ty TNHH 1 thành viên chỉ có thể huy động thêm vốn từ chủ sở hữu công ty hoặc bằng cách chuyển nhượng vốn sang cho cá nhân hoặc tổ chức khác;
  • Nếu chuyển nhượng 1 phần vốn góp thì bắt buộc phải chuyển đổi loại hình doanh nghiệp.

>> Cuối cùng là doanh nghiệp tư nhân

  • Khả năng huy động của loại hình doanh nghiệp này cực thấp. Doanh nghiệp tư nhân chỉ được huy động vốn từ chính chủ doanh nghiệp mà không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào, cũng như không được bán phần vốn góp cho cá nhân hoặc tổ chức khác, nên không có khả năng huy động vốn từ bên ngoài.

7. Chuyển đổi loại hình doanh nghiệp

>> Công ty TNHH 1 thành viênTrường hợp chủ sở hữu chấp thuận cho cá nhân hoặc tổ chức khác cùng góp vốn vào công ty thì công ty TNHH 1 thành viên bắt buộc phải chuyển đổi thành công ty TNHH 2 thành viên trở lên hoặc công ty cổ phần.

>> Công ty TNHH 2 thành viên trở lên 

  • Trường hợp sau khi thành lập nếu có nhiều hơn 50 thành viên góp vốn thì bắt buộc phải chuyển đổi sang loại hình công ty cổ phần;
  • Trường hợp số lượng thành viên góp vốn giảm xuống chỉ còn 1 thì bắt buộc phải chuyển thành công ty TNHH 1 thành viên.

>> Công ty cổ phần:

  • Trường hợp nếu số lượng cổ đông giảm xuống còn 2 thành viên, mà công ty không huy động được thêm vốn góp của cổ đông mới thì phải chuyển đổi thành công ty TNHH 2 thành viên để tiếp tục hoạt động;
  • Trường hợp số lượng cổ đông giảm xuống còn 1 thành viên thì công ty cổ phần phải chuyển đổi thành công ty TNHH 1 thành viên để tiếp tục hoạt động.

>> Doanh nghiệp tư nhân: Có thể chuyển đổi thành công ty TNHH 1 thành viên, 2 thành viên trở lên, công ty cổ phần và công ty hợp danh.

>> Công ty hợp danh: Không được chuyển đổi sang loại hình doanh nghiệp khác.

8. Quyền quyết định các vấn đề quan trọng của công ty

>> Đối với công ty cổ phần 

  • Đại hội đồng cổ đông là bộ phận có quyền lực cao nhất. Tuy nhiên, hội đồng quản trị mới là cơ quan trực tiếp quản lý và điều hành công ty. Chính vì thế, đa phần các quyết định liên quan đến cơ cấu tổ chức và quản lý công ty, công việc kinh doanh... đều được quyết định bởi hội đồng quản trị.

Ví dụ: Bầu hoặc bãi nhiệm với các chức danh quan trọng như chủ tịch hội đồng quản trị, giám đốc, tổng giám đốc,...; quyết định chiến lược phát triển hàng năm, mở rộng thị trường, các hoạt động marketing, đổi mới công nghệ...

>> Đối với công ty TNHH 2 thành viên trở lên 

  • Quyền quyết định tối cao thuộc về hội đồng thành viên. Các quyết định liên quan tới cơ cấu tổ chức quản lý công ty, các chiến lược kinh doanh, dự án đầu tư...đều phải được hội đồng thành viên thông qua. Giám đốc/tổng giám đốc chỉ có quyền hạn điều hành hoạt động kinh doanh hằng ngày của công ty, báo cáo và chịu trách nhiệm với Hội đồng thành viên về việc thực hiện nhiệm vụ được giao.

>> Đối với công ty hợp danh

  • Hội đồng thành viên có quyền quyết định tất cả các công việc kinh doanh của công ty. Nhưng thực chất, tất cả các quyết định đều phải được đa số thành viên hợp danh tán thành (với tỷ lệ ¾ hoặc ⅔ thành viên hợp danh tán thành) mới được thông qua.

>> Đối với công ty TNHH 1 thành viên và doanh nghiệp tư nhân

Chủ sở công ty/chủ doanh nghiệp tư nhân có toàn quyền quyết định đối với tất cả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp một cách nhanh chóng, dứt khoát.

9. Cơ cấu tổ chức

- Công ty cổ phần là loại hình doanh nghiệp có cơ cấu tổ chức phức tạp nhất, đặc biệt ở những công ty cổ phần đã được niêm yết trên sàn chứng khoán, số lượng cổ đông rất lớn, cổ đông mới - cũ ra vào liên tục nên việc quản lý cũng gặp nhiều khó khăn.

- Công ty TNHH 2 thành viên trở lên và công ty hợp danh có cơ cấu tổ chức khá đơn giản. Đa phần các thành viên đều có sự quen biết nên việc quản lý và điều hành công ty không quá phức tạp.

- Công ty TNHH 1 thành viên và doanh nghiệp tư nhân có cơ cấu tổ chức đơn giản và gọn nhẹ nhất. Đa phần chủ sở hữu trực tiếp là giám đốc và dưới là các phòng ban chức năng.

10. Mức độ phổ biến của các loại hình doanh nghiệp

Xét theo mức độ giảm dần thì:

  • Xếp thứ nhất là công ty TNHH 1 thành viên: Đây là loại hình doanh nghiệp được nhiều người lựa chọn thành lập nhất bởi cơ cấu tổ chức đơn giản, dễ quản lý, phù hợp với những cá nhân kinh doanh với quy mô vừa và nhỏ. 
  • Xếp thứ hai là công ty TNHH 2 thành viên trở lên: Đây là loại hình doanh nghiệp được nhiều người lựa chọn khi có nhu cầu góp vốn cùng bạn bè, đối tác.
  • Xếp thứ ba là công ty cổ phần: Do yêu cầu chặt chẽ về cơ cấu tổ chức nên loại hình này thưng là sự lựa chọn cho những tổ chức, cá nhân kinh doanh những ngành nghề yêu cầu khả năng vốn huy động cao. 
  • Xếp cuối cùng là công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân: Là hai loại hình doanh nghiệp được ít người lựa chọn thành lập nhất bởi tính rủi ro cho chủ sở hữu cao và khả năng huy động vốn thấp.

Một số câu hỏi thường gặp về các loại hình công ty

1. Theo Luật Doanh nghiệp có mấy loại công ty?

Có 5 loại hình doanh nghiệp bao gồm: Công ty cổ phần, công ty TNHH 1 thành viên, công ty TNHH 2 thành viên trở lên, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân.

2. Loại hình doanh nghiệp nào không có tư cách pháp nhân?

Doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân. Chủ doanh nghiệp tư nhân chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

3. Loại hình doanh nghiệp nào được phát hành cổ phiếu?

Công ty cổ phần là loại hình công ty duy nhất được phát hành cổ phiếu, chào bán các loại cổ phiếu, trái phiếu ra công chúng thông qua sàn giao dịch chứng khoán.

4. Phân biệt các loại hình doanh nghiệp dựa trên những đặc điểm nào?

Để phân biệt các loại hình doanh nghiệp chúng ta có thể dựa vào hai tiêu chí đó là số lượng thành viên công ty, tư cách pháp nhân và 1 một số tiêu chí khác như vốn điều lệ, chế độ chịu trách nhiệm hữu hạn, cơ cấu tổ chức, khả năng huy động vốn…

5. Loại hình doanh nghiệp nào phổ biến nhất?

Từ thực tế cho thấy, công ty TNHH 1 thành viên là loại hình doanh nghiệp phổ biến và được nhiều người lựa chọn khi thành lập doanh nghiệp nhất do cơ cấu tổ chức đơn giản, dễ quản lý.

Trên đây, Anpha đã giúp bạn so sánh 5 loại hình doanh nghiệp Việt Nam thông qua 10 tiêu chí cụ thể. Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin tại bài viết ưu và nhược điểm các loại hình công ty, doanh nghiệp.

Nếu bạn cần tư vấn thêm thông tin hoặc quan tâm đến dịch vụ thành lập doanh nghiệp của Anpha, vui lòng liên hệ theo số 0984 477 711 (Miền Bắc)0903 003 779 (Miền Trung) hoặc 0938 268 123 (Miền Nam) để được hỗ trợ.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Đánh giá chất lượng bài viết, bạn nhé!

5.0

27 đánh giá
Chọn đánh giá

Gửi đánh giá

BÌNH LUẬN - HỎI ĐÁP

Hãy để lại câu hỏi của bạn, chúng tôi sẽ trả lời TRONG 15 PHÚT

SĐT và email sẽ được ẩn để bảo mật thông tin của bạn GỬI NHANH