
Chứng thực chữ ký người dịch là gì? Thủ tục, điều kiện công chứng, chứng thực chữ ký người dịch tại Phòng Tư pháp. Lệ phí chứng thực chữ ký người dịch.
Thủ tục chứng thực chữ ký người dịch thường được thực hiện khi công dân có nhu cầu công chứng bản dịch văn bản, giấy tờ từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc ngược lại. Vậy những loại giấy tờ, văn bản nào được chứng thực chữ ký? Quy trình thực hiện ra sao? Cùng Kế toán Anpha tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Chứng thực chữ ký người dịch là gì?
Chứng thực chữ ký người dịch là việc cơ quan có thẩm quyền thực hiện chứng nhận chữ ký trên bản dịch là chữ ký do người dịch (biên dịch viên) ký. Đây là căn cứ để xác định trách nhiệm của người dịch về tính chính xác nội dung đối với các văn bản, giấy tờ được dịch.
Hiện nay, việc chứng thực chữ ký được thực hiện khi khách hàng yêu cầu dịch thuật - công chứng bản dịch để làm những loại giấy tờ như:
>> Xem thêm: Các loại văn bản bắt buộc phải công chứng, chứng thực.
Các loại giấy tờ không được chứng thực chữ ký người dịch
Theo quy định tại Điều 32 Nghị định 23/2015/NĐ-CP, các loại giấy tờ, văn bản dưới đây không được dịch thuật để yêu cầu chứng thực chữ ký:
- Giấy tờ đã bị tẩy xóa, sửa chữa nội dung hoặc thêm, bớt nội dung không hợp lệ;
- Giấy tờ đã bị hư hỏng, cũ nát, không xác định được rõ nội dung;
- Giấy tờ đóng dấu mật của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền;
- Giấy tờ không đóng dấu mật nhưng có ghi rõ là không được dịch;
- Giấy tờ có nội dung sau đây:
- Trái pháp luật, trái với đạo đức xã hội;
- Tuyên truyền, kích động chiến tranh, chống phá nhà nước;
- Xuyên tạc lịch sử của dân tộc;
- Xúc phạm danh dự, nhân phẩm của cá nhân, tổ chức;
- Ảnh hưởng xấu đến uy tín của cá nhân, tổ chức;
- Vi phạm quyền công dân.
- Giấy tờ được cấp hoặc công chứng/chứng nhận bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài chưa được hợp pháp hóa lãnh sự.
>> Có thể bạn cần: Thủ tục hợp pháp hóa lãnh sự.
Điều kiện công chứng, chứng nhận chữ ký người dịch
Thủ tục chứng thực chữ ký bản dịch được thực hiện khi đáp ứng các điều kiện sau:
➧ Văn bản, giấy tờ yêu cầu chứng thực chữ ký người dịch không thuộc một trong các trường hợp bị cấm dịch thuật để yêu cầu chứng thực chữ ký được đề cập ở trên;
➧ Người thực hiện dịch thuật phải đáp ứng các điều kiện sau:
- Có đủ năng lực hành vi dân sự;
- Có tối thiểu bằng cử nhân ngoại ngữ hoặc tối thiểu bằng tốt nghiệp đại học về thứ tiếng nước ngoài cần dịch;
- Phải thông thạo ngôn ngữ cần dịch đối với những ngôn ngữ không phổ biến mà người dịch không có bằng cử nhân ngoại ngữ hoặc không có bằng đại học theo điểm 2 nêu trên;
- Phải ký hợp đồng và đăng ký chữ ký mẫu với Phòng Tư pháp cấp quận/huyện nếu người thực hiện dịch thuật là cộng tác viên của Phòng Tư pháp quận/huyện.
Thủ tục công chứng, chứng thực chữ ký người dịch
1. Chứng thực chữ ký người dịch ở đâu?
Các cơ quan, tổ chức sau đây có thẩm quyền và trách nhiệm thực hiện thủ tục công chứng, chứng thực chữ ký người dịch trên văn bản, giấy tờ từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài và từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt:
- Phòng Tư pháp quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh;
- Đại sứ quán, Lãnh sự quán, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam ở nước ngoài (gọi chung là cơ quan đại diện ngoại giao).
Lưu ý:
- UBND xã, phường, thị trấn và tổ chức hành nghề công chứng (gồm văn phòng công chứng và phòng công chứng) có quyền chứng thực chữ ký trên văn bản giấy tờ, chứng thực bản sao từ bản chính nhưng không được chứng thực chữ ký người dịch;
- Hiện nay, nhiều văn phòng công chứng, phòng công chứng có liên kết với Phòng Tư pháp quận huyện, nên công dân có thể sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký tại các đơn vị dịch thuật công chứng này.
Xem thêm:
>> Dịch vụ soạn thảo hợp đồng;
>> Dịch vụ soạn thảo đơn thư pháp lý.
2. Quy trình chứng thực chữ ký người dịch
Trình tự các bước thực hiện chứng thực chữ ký người dịch trên các văn bản, giấy tờ của công dân được thực hiện như sau:
➧ Bước 1: Xuất trình giấy tờ của người dịch và giấy tờ cần chứng thực chữ ký
Trường hợp người dịch là cộng tác viên dịch thuật theo hợp đồng của Phòng Tư pháp quận/huyện yêu cầu chứng thực chữ ký thì:
- Không cần xuất trình giấy tờ cá nhân (như CCCD hoặc hộ chiếu);
- Xuất trình bản dịch và bản gốc giấy tờ cần dịch.
Trường hợp người dịch không phải là cộng tác viên dịch thuật của Phòng Tư pháp mà tự dịch văn bản, giấy tờ và yêu cầu chứng thực chữ ký để phục vụ mục đích cá nhân thì xuất trình các giấy tờ sau đây:
- Bản chính hoặc bản sao công chứng CCCD/thẻ căn cước/hộ chiếu còn thời hạn sử dụng;
- Bản chính hoặc bản sao công chứng bằng cử nhân ngoại ngữ trở lên về thứ tiếng nước ngoài cần dịch hoặc có bằng tốt nghiệp đại học trở lên đối với thứ tiếng nước ngoài cần dịch (trừ trường hợp dịch ngôn ngữ không phổ biến);
- Bản dịch và giấy tờ, văn bản cần dịch.
➧ Bước 2: Xác thực chữ ký người dịch
Sau khi tiếp nhận giấy tờ của người dịch và bản dịch cần chứng thực chữ ký, người chịu trách nhiệm chứng thực của Phòng Tư pháp hoặc cơ quan đại diện ngoại giao thực hiện:
- Đối với người dịch là cộng tác viên của Phòng Tư pháp: Người chịu trách nhiệm chứng thực đối chiếu chữ ký trên bản dịch với chữ ký mẫu mà cộng tác viên đă đăng ký với Phòng Tư pháp. Trường hợp nghi ngờ thì yêu cầu cộng tác viên ký lên bản dịch trước mặt người thực hiện chứng thực;
- Đối với người dịch không phải là cộng tác viên của Phòng Tư pháp: Người chịu trách nhiệm chứng thực yêu cầu người dịch ký tên lên bản dịch trước mặt người thực hiện chứng thực.
➧ Bước 3: Công chứng chữ ký người dịch
Người chịu trách nhiệm chứng thực tiến hành kiểm tra giấy tờ của người dịch yêu cầu chứng thực chữ ký, nếu thấy giấy tờ đầy đủ, hợp lệ theo quy định thì thực hiện chứng thực như sau:
- Ghi đầy đủ lời chứng chứng thực chữ ký người dịch theo mẫu quy định;
- Ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu của cơ quan, tổ chức thực hiện chứng thực;
- Ghi vào sổ chứng thực.
Lưu ý:
- Trường hợp bản dịch có từ 2 trang trở lên thì người thực hiện chứng thực chữ ký bản dịch phải ghi lời chứng vào trang cuối cùng và đóng dấu giáp lai;
- Trường hợp viên chức ngoại giao, viên chức lãnh sự vừa là người dịch vừa là người chứng thực chữ ký bản dịch tại cơ quan đại diện lãnh sự thì viên chức ngoại giao, viên chức lãnh sự phải cam đoan nội dung giấy tờ, văn bản đã dịch chính xác; ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu của cơ quan đại diện ngoại giao.
>> Xem thêm: Thủ tục chứng thực chữ ký trên văn bản, giấy tờ.
3. Thời hạn chứng thực chữ ký người dịch
Thời hạn thực hiện thủ tục chứng thực chữ ký người dịch phải được thực hiện ngay trong ngày Phòng Tư pháp hoặc cơ quan đại diện ngoại giao tiếp nhận yêu cầu hoặc phải hoàn thành trong ngày làm việc tiếp theo nếu tiếp nhận yêu cầu sau 15 giờ.
Trường hợp Phòng Tư pháp hoặc cơ quan đại diện ngoại giao có thỏa thuận bằng văn bản với người yêu cầu chứng thực thì thời gian hoàn thành thủ tục có thể kéo dài hơn theo thỏa thuận của hai bên.
Phí chứng thực chữ ký người dịch mới nhất hiện nay
Mức phí chứng thực chữ ký người dịch mới nhất hiện nay như sau:
- Phí chứng thực chữ ký người dịch tại Phòng Tư pháp quận/huyện là 10.000 đồng/bản, không phân biệt người yêu cầu chứng thực chữ ký có phải là cộng tác viên dịch thuật của Phòng Tư pháp hay không;
- Phí chứng thực chữ ký người dịch tại cơ quan đại diện ngoại giao (Đại sứ quán, Lãnh sự quán... Việt Nam tại nước ngoài) là: 10 USD/bản.
>> Xem thêm: Lệ phí chứng thực - lệ phí công chứng giấy tờ mới nhất 2025.
Một số câu hỏi về thủ tục chứng thực chữ ký người dịch
1. Trách nhiệm của người dịch đối với văn bản, giấy tờ được dịch là gì?
Người dịch thuật phải chịu trách nhiệm trước đơn vị thực hiện chứng thực, khách hàng yêu cầu dịch thuật về tính chính xác của nội dung bản dịch; không được dịch những giấy tờ, văn bản thuộc trường hợp không được dịch để yêu cầu chứng thực chữ ký.
2. Trách nhiệm của Phòng Tư pháp khi công chứng chữ ký người dịch?
Người thực hiện công chứng, chứng thực chữ ký của Phòng Tư pháp phải chịu trách nhiệm tính xác thực về chữ ký của người dịch trong bản dịch.
3. Có thể chứng thực chữ ký bản dịch tại văn phòng dịch thuật công chứng không?
Theo quy định thì văn phòng công chứng không được chứng thực chữ ký người dịch. Tuy nhiên, nhiều văn phòng công chứng có liên kết với Phòng Tư pháp quận huyện, nên công dân có thể sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký tại các đơn vị dịch thuật công chứng này.
4. Cá nhân tự dịch và xin chứng thực chữ ký người dịch tại Phòng Tư pháp được không?
Được. Trường hợp cá nhân không phải là cộng tác viên dịch thuật của Phòng Tư pháp mà tự dịch văn bản, giấy tờ và yêu cầu chứng thực chữ ký để phục vụ mục đích cá nhân thì xuất trình các giấy tờ sau đây:
- Bản chính hoặc bản sao công chứng CCCD/thẻ căn cước/hộ chiếu còn thời hạn sử dụng;
- Bản chính hoặc bản sao công chứng bằng cử nhân ngoại ngữ trở lên về thứ tiếng nước ngoài cần dịch hoặc có bằng tốt nghiệp đại học trở lên đối với thứ tiếng nước ngoài cần dịch (trừ trường hợp dịch ngôn ngữ không phổ biến);
- Bản dịch và giấy tờ, văn bản cần dịch.
5. Phí chứng thực chữ ký người dịch là bao nhiêu?
Phí chứng thực chữ ký người dịch tại Phòng Tư pháp quận/huyện là 10.000 đồng/bản.
Phí chứng thực chữ ký người dịch tại Đại sứ quán, Lãnh sự quán, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại nước ngoài là: 10 USD/bản.
Gọi cho chúng tôi theo số 0984 477 711 (Miền Bắc) - 0903 003 779 (Miền Trung) - 0938 268 123 (Miền Nam) để được hỗ trợ.