Quy định, điều kiện hưởng trợ cấp thôi việc - Chế độ thôi việc

Quy định thôi việc, trợ cấp thôi việc là gì? Khi nào được hưởng trợ cấp thôi việc? Điều kiện hưởng trợ cấp thôi việc và cách tính trợ cấp thôi việc, TCTN, BHXH.

Thôi việc là gì? Trợ cấp thôi việc là gì?

1. Thôi việc là gì?

Thôi việc được hiểu là một cá nhân đang làm việc cho một cá nhân hoặc tổ chức, cơ quan nào đó thì nghỉ việc, không còn tiếp tục làm việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (viết tắt: HĐ lao động/HĐLĐ).

Thôi việc có thể được xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng chủ yếu là do môi trường làm việc hiện tại không phù hợp hoặc do mức lương không đúng với nguyện vọng, khả năng.

>> Bài viết liên quan: Nhảy việc là gì?

2. Trợ cấp thôi việc là gì?

Trợ cấp thôi việc là khoản tiền trợ cấp, hỗ trợ tài chính mà người lao động (NLĐ) được nhận từ người sử dụng lao động (NSDLĐ) sau khi thôi việc, nghỉ việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động với điều kiện việc chấm dứt hợp đồng lao động phải được thực hiện một cách hợp pháp.

>> Bài viết liên quan: Trợ cấp thôi việc và trợ cấp mất việc.

Quy định về thôi việc, trợ cấp thôi việc đối với người lao động

1. Điều kiện hưởng trợ cấp thôi việc

➤ Các trường hợp được hưởng trợ cấp thôi việc

Người lao động làm việc đủ từ 12 tháng trở lên và làm việc thường xuyên, sau khi thôi việc sẽ được NSDLĐ chi trả trợ cấp thôi việc đối với các trường hợp sau:

  • Hợp đồng lao động hết hạn;
  • NLĐ đã hoàn thành đầy đủ công việc theo HĐLĐ;
  • Việc chấm dứt HĐLĐ đã được NLĐ và NSDLĐ thỏa thuận;
  • NLĐ bị Tòa án kết án tù giam, tử hình hoặc bị cấm làm công việc ghi trong HĐLĐ;
  • NLĐ chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết, mất tích và mất năng lực hành vi dân sự;
  • NSDLĐ không phải là bên chấm dứt HĐLĐ hoặc NSDLĐ là cá nhân chết, bị Tòa án tuyên bố là mất tích, đã chết, mất năng lực hành vi dân sự;
  • NLĐ hoặc NSDLĐ đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo Bộ luật Lao động 2019.

➤ Các trường hợp không được hưởng trợ cấp thôi việc

Người lao động sẽ không được hưởng trợ cấp thôi việc sau khi nghỉ việc nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

  • NLĐ đã đủ điều kiện hưởng lương hưu;
  • NLĐ tự ý nghỉ việc không có lý do chính đáng (*) từ 5 ngày trở lên trong vòng 30 ngày hoặc từ 20 ngày trở lên trong vòng 365 ngày.

Ghi chú:

(*) Các lý do được xem là chính đáng bao gồm: bản thân hoặc người thân bị ốm (có xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh), thiên tai, hỏa hoạn và một số lý do khác theo nội quy lao động.

2. Quy định về thời gian báo trước khi thôi việc (thời gian thông báo nghỉ việc)

➤ Phải xin thôi việc trước bao nhiêu ngày?

Tùy thuộc vào loại hợp đồng lao động mà thời gian thông báo nghỉ việc của người lao động được quy định theo bảng dưới đây.

Thời gian thông báo thôi việc Thời hạn hợp đồng lao động
≥ 45 ngày Không xác định thời hạn
≥ 30 ngày Xác định thời hạn từ 12 tháng - 36 tháng
≥ 3 ngày Xác định thời hạn từ dưới 12 tháng

Tuy nhiên nếu người lao động làm các công việc đặc thù, thời gian thông báo trước khi thôi việc, nghỉ việc được quy định như sau.

Thời gian thông báo thôi việc Thời hạn hợp đồng lao động
≥ 120 ngày Không xác định thời hạn
Xác định thời hạn từ 12 tháng trở lên
≥ 1/4 thời hạn hợp đồng lao động Xác định thời hạn từ dưới 12 tháng

>> Xem thêm: Các trường hợp được phép nghỉ việc không báo trước.

➤ Quy định về hình thức thông báo trước khi thôi việc

Căn cứ tại Điều 35 Bộ luật Lao động 2019, người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động tuy nhiên cần phải thông báo trước với người sử dụng lao động. Quy định về hình thức thông báo thôi việc được hướng dẫn như sau:

  • Nếu hợp đồng, nội quy công ty không quy định cụ thể về hình thức thông báo thôi việc: NLĐ có thể thông báo thôi việc bằng văn bản hoặc bất cứ hình thức nào khác;
  • Nếu hợp đồng, nội quy công ty quy định cụ thể về hình thức thông báo thôi việc: NLĐ phải thực hiện theo đúng thỏa thuận, nội quy.

Các chế độ thôi việc - trợ cấp thôi việc cho người lao động

Chi tiết về từng chế độ thôi việc, Kế toán Anpha sẽ chia sẻ ngay dưới đây.

1. Trợ cấp thôi việc (trợ cấp mất việc làm)

Trợ cấp thôi việc là khoản trợ cấp mà NLĐ được nhận nếu chưa tham gia BHTN. Tuy nhiên, từ 01/01/2009 đến thời điểm hiện tại, người lao động khi ký HĐLĐ từ 3 tháng trở lên đều phải tham gia BHXH, BHYT và BHTN, do đó sẽ không được hưởng trợ cấp thôi việc, trừ các khoản thời gian sau:

  • Thời gian NLĐ đã làm việc trực tiếp cho NSDLĐ;
  • Thời gian thử việc;
  • Thời gian mà NLĐ được NSDLĐ cử đi học;
  • Thời gian nghỉ để hưởng chế độ ốm đau, thai sản theo quy định;
  • Thời gian nghỉ để điều trị, phục hồi chức năng lao động khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà được NSDLĐ trả lương theo quy định;
  • Thời gian nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân theo quy định mà được NSDLĐ trả lương theo quy định;
  • Thời gian phải ngừng việc không do lỗi của NLĐ;
  • Thời gian nghỉ hằng tuần, nghỉ việc nguyên lương khi đình công;
  • Thời gian để thực hiện nhiệm vụ của tổ chức đại diện NLĐ;
  • Thời gian bị tạm đình chỉ công việc.

Trường hợp NLĐ đủ điều kiện hưởng trợ cấp thôi việc, trong thời hạn 14 ngày (kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động), NLĐ sẽ được NSDLĐ thanh toán tiền trợ cấp thôi việc.

➤ Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc

Căn cứ tại Khoản 3 Điều 8 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, thời gian làm việc tính trợ cấp thôi việc được tính theo công thức sau:

Thời gian tính trợ cấp thôi việc = Tổng thời gian làm việc thực tế - Thời gian tham gia BHTN + Thời gian đã được chi trả trợ cấp thôi việc

Trong đó:

  • Tổng thời gian làm việc thực tế bao gồm các khoản thời gian như là: 
    • Thời gian thử việc;
    • Thời gian nghỉ hưởng chế độ (thai sản, ốm đau);
    • Thời gian ngừng làm việc không phải do lỗi của NLĐ…
    • Thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp là thời gian mà NLĐ đã đóng BHTN và thời gian NLĐ không thuộc diện tham gia BHTN nhưng được NSDLĐ thanh toán cùng với tiền lương 1 khoản tương đương BHTN mà NSDLĐ phải đóng cho NLĐ theo quy định.

➤ Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc

Tiền lương tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân theo HĐLĐ của 6 tháng liền kề trước khi NLĐ thôi việc và được tính theo năm (tức là đủ 12 tháng), nếu có tháng lẻ thì sẽ được tính như sau:

Số tháng lẻ Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc
Từ 1 tháng đến 6 tháng 1/2 năm làm việc
Trên 6 tháng 1 năm làm việc

>> Tham khảo chi tiết: Quy định về trợ cấp thôi việc - Từ a - z cách tính trợ cấp thôi việc.

2. Trợ cấp thất nghiệp - Chế độ bảo hiểm thất nghiệp

Trợ cấp thất nghiệp được trích từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp và được tính dựa trên quá trình tham gia bảo hiểm thất nghiệp trước đó của người lao động. Từ đó bạn có thể hiểu, trợ cấp thất nghiệp là một trong những chế độ của bảo hiểm thất nghiệp. 

Ngoài ra, theo Luật Việc làm 2013 còn có 3 chế độ khác là:

  • Chế độ tư vấn, hỗ trợ và giới thiệu công việc mới;
  • Chế độ hỗ trợ học nghề;
  • Chế độ hỗ trợ đào tạo nghề, nâng cao, bồi dưỡng trình độ kỹ năng nghề để có thể duy trì việc làm.

Công thức tính trợ cấp thất nghiệp theo bảng sau đây:

Trợ cấp thất nghiệp hàng tháng = 60% x BQTL tháng đóng BHTN của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp

Lưu ý:

Trợ cấp thất nghiệp hàng tháng ≤ 5 lần mức lương tối thiểu vùng hoặc mức lương cơ sở.

Một người trong quá trình làm việc (tính từ khi bắt đầu đến khi ngừng việc hoặc nghỉ hưu) chỉ được hưởng tối đa 12 tháng trợ cấp thất nghiệp.

Tham khảo chi tiết: 

>> Thủ tục làm bảo hiểm thất nghiệp;

>> Cách làm bảo hiểm thất nghiệp online.

3. Chế độ hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần

Theo Điều 1 Nghị quyết 93/2025/QH13, người tham gia BHXH bắt buộc sau 1 năm nghỉ việc hoặc BHXH tự nguyện sau 1 năm không tiếp tục đóng mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH thì sẽ được rút BHXH 1 lần.

Như vậy, nếu NLĐ tham gia BHXH bắt buộc tại cơ quan, tổ chức mà khi xin thôi việc chưa đóng đủ 20 năm BHXH thì sẽ được lãnh BHXH 1 lần.

Mức hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần khi thôi việc được tính căn cứ theo số năm tham gia BHXH theo công thức sau đây:

Mức hưởng BHXH 1 lần = 1,5 x MBQTL x Thời gian tham gia BHXH trước 2014 + 2 x MBQTL x Thời gian tham gia BHXH từ 2014

Ghi chú:

MBQTL: Mức bình quân tiền lương.

Nếu người lao động chưa tham gia BHXH bắt buộc đủ 1 năm thì mức hưởng BHXH 1 lần bằng 22% các mức tiền lương tháng đóng BHXH. Mức hưởng tối đa bằng 2 tháng mức tiền lương bình quân.

Tuy nhiên, vì hồ sơ rút bảo hiểm xã hội 1 lần bao gồm sổ bảo hiểm xã hội (bản chính), do vậy sau khi thôi việc, để không ảnh hưởng đến thủ tục rút BHXH 1 lần nói riêng hoặc các quyền lợi trợ cấp thất nghiệp nói chung, người lao động nên yêu cầu đơn vị sử dụng lao động cung cấp một trong các giấy tờ sau:

  1. Các giấy tờ chứng minh nghỉ việc hợp pháp:
    • Hợp đồng lao động đã hết hạn;
    • Thông báo hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động;
    • Giấy xác nhận đã hoàn thành công việc theo thỏa thuận hợp đồng;
    • Quyết định cho thôi việc;
    • Quyết định sa thải hoặc quyết định kỷ luật buộc thôi việc.
  2. Sổ BHXH sau khi đã được chốt thời gian đóng.

Ngoài ra, nếu NLĐ muốn lấy bản sao các tài liệu liên quan đến quá trình làm việc thì NSDLĐ sẽ phải cung cấp bản sao tài liệu và gửi cho NLĐ. Chi phí sao chép và gửi tài liệu sẽ do NSDLĐ chi trả.

Tham khảo chi tiết:

>> Thủ tục chốt sổ bảo hiểm xã hội;

>> Quy định rút bảo hiểm xã hội 1 lần.

4. Thanh toán tiền lương, tiền ngày phép năm sau khi thôi việc

➤ Thanh toán tiền lương

Trong vòng 14 ngày làm việc, kể từ ngày thôi việc (ngày chấm dứt hợp đồng lao động), NSDLĐ phải thanh toán đủ các khoản lương cũng như các khoản tiền khác có liên quan quyền lợi của người lao động (Khoản 1 Điều 48 Bộ luật Lao động 2019). 

Thời hạn thanh toán kể trên có thể kéo dài hơn nhưng tối đa không quá 30 ngày nếu:

  • Việc chấm dứt hợp đồng lao động không xuất phát từ NSDLĐ;
  • NSDLĐ gặp các vấn đề về kinh tế, thay đổi cơ cấu hoặc công nghệ;
  • NSDLĐ chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, chuyển các quyền sở hữu và sử dụng tài sản hoặc thuộc các trường hợp đang chia, tách, sáp nhập…;
  • Thuộc các trường hợp bất khả kháng như thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh… 

➤ Thanh toán tiền ngày phép năm chưa nghỉ

Khoản 3 Điều 113 Bộ luật Lao động 2019 và Khoản 3 Điều 67 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định các điểm sau:

  • NSDLĐ phải thanh toán tiền lương cho những ngày phép chưa nghỉ hết của người lao động khi họ thôi việc;
  • Tiền ngày phép năm chưa nghỉ sẽ được tính dựa trên tiền lương theo hợp đồng lao động của tháng trước liền kề tháng NKĐ thôi việc.

Theo đó, khoản tiền lương những ngày nghỉ phép còn thừa khi NLĐ thôi việc, nghỉ việc được tính như sau:

Tiền lương ngày phép năm còn lại = Tiền lương theo HĐLĐ của tháng liền kề/Số ngày làm việc bình thường của tháng liền kề x Số ngày phép năm chưa nghỉ

Lưu ý:

Ngoài tiền lương, tiền ngày phép năm thì NLĐ sẽ được nhận thêm các khoản tiền khác liên quan đến quyền lợi nếu có thỏa thuận trong hợp đồng lao động, chẳng hạn: tiền phụ cấp, trợ cấp…

Quy định về chi phí chi trả trợ cấp thôi việc cho người sử dụng lao động

1. Khoản chi phí trợ cấp thôi việc có bắt buộc không?

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 46 Bộ luật Lao động 2019, NSDLĐ có trách nhiệm chi trả tiền trợ cấp thôi việc cho NLĐ đã làm việc thường xuyên từ 12 tháng trở lên và đủ điều kiện hưởng trợ cấp thôi việc (trừ trường hợp NLĐ đủ điều kiện hưởng lương hưu). Do đó, chi phí trợ cấp thôi việc là chi phí bắt buộc mà NSDLĐ phải chi trả cho NLĐ sau khi họ thôi việc, nghỉ việc đúng luật.

2. Công ty không trả trợ cấp thôi việc có sao không?

Trường hợp công ty không trả trợ cấp thôi việc cho NLĐ sẽ bị xử phạt hành chính. Mức xử phạt hành chính sẽ được tính theo số lượng NLĐ không được chi trả khoản trợ cấp này, cụ thể:

Số lượng lao động Mức phạt hành chính
Từ 1 đến 10 người lao động Từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng
Từ 11 đến 50 người lao động Từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng
Từ 51 đến 100 người lao động Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng
Từ 101 đến 300 người lao động Từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng
Từ 301 người lao động trở lên Từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng
 

Ngoài ra, NSLĐ sẽ phải trả đầy đủ tiền trợ cấp thôi việc cho NLĐ, bao gồm cả khoản tiền lãi của số tiền chưa được chi trả tính theo các ngân hàng thương mại nhà nước tại thời điểm xử phạt với mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất.

3. Chi phí chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động có tính thuế TNDN không?

Theo quy định tại Khoản 6 Điều 8 Nghị định 115/2020/NĐ-CP, chi phí chi trả trợ cấp thôi việc được hạch toán vào chi phí kinh doanh, sản xuất hay kinh phí hoạt động của NSDLĐ. Vì vậy, trợ cấp thôi việc là khoản chi phí hợp lý khi quyết toán thuế TNDN.

Trường hợp, công ty hoặc NSDLĐ chi trả khoản trợ cấp này không đúng với quy định của Bộ luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội thì đây sẽ được tính là khoản chi phí không hợp lệ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.

>> Tham khảo chi tiết: Cách tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

Câu hỏi thường gặp liên quan đến thôi việc và trợ cấp thôi việc

1. Thôi việc là gì?

Thôi việc được hiểu là một cá nhân đang làm việc cho một cá nhân hoặc tổ chức, cơ quan nào đó thì nghỉ việc, không còn tiếp tục làm việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.

2. Trợ cấp thôi việc là gì?

Trợ cấp thôi việc là khoản tiền trợ cấp, hỗ trợ tài chính mà người lao động (NLĐ) được nhận từ người sử dụng lao động (NSDLĐ) sau khi thôi việc, nghỉ việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động với điều kiện việc chấm dứt hợp đồng lao động phải được thực hiện một cách hợp pháp.

3. NLĐ phải xin thôi việc trước bao nhiêu ngày?

Quy định về thời gian thông báo nghỉ việc, thôi việc đối với người lao động như sau:

  • Ít nhất 45 ngày: Đối với NLĐ làm việc theo HĐLĐ không thời hạn;
  • Ít nhất 30 ngày: Đối với NLĐ làm việc theo HĐLĐ có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng;
  • Ít nhất 3 ngày: Đối với NLĐ làm việc theo HĐLĐ có thời hạn dưới 12 tháng;
  • Ít nhất 120 ngày: Đối với NLĐ có công việc đặc thù khi làm việc theo HĐLĐ không thời hạn và HĐLĐ có thời hạn từ 12 tháng trở lên;
  • Ít nhất 1/4 thời hạn hợp đồng: Đối với NLĐ có công việc đặc thù khi làm việc theo HĐLĐ có thời hạn dưới 12 tháng.

>> Tham khảo chi tiết: Quy định về thời gian báo trước khi nghỉ việc.

4. Xin thôi việc đúng luật, NLĐ được hưởng các chế độ nào?

Khi thôi việc, nghỉ việc đúng luật thì NLĐ sẽ được:

  • Trợ cấp thôi việc;
  • Trợ cấp thất nghiệp;
  • Hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần;
  • Nhận các khoản thanh toán lương, ngày phép năm chưa nghỉ hết.

>> Tham khảo chi tiết: Chế độ thôi việc.

5. Điều kiện hưởng trợ cấp thôi việc gồm những gì?

Người lao động làm việc đủ từ 12 tháng trở lên, làm việc thường xuyên và thuộc 1 trong các trường hợp sau sẽ được hưởng trợ cấp thôi việc:

  • Hợp đồng lao động hết hạn;
  • NLĐ đã hoàn thành đầy đủ công việc theo HĐLĐ;
  • Việc chấm dứt HĐLĐ đã được NLĐ và NSDLĐ thỏa thuận;
  • NLĐ bị Tòa án kết án tù giam, tử hình hoặc bị cấm làm công việc ghi trong HĐLĐ;

>> Tham khảo chi tiết: Các trường hợp được hưởng trợ cấp thôi việc.

6. Mức hưởng, cách tính trợ cấp thôi việc của người lao động

NLĐ đáp ứng được các điều kiện hưởng trợ cấp thôi việc hoặc mất việc thì sau khi nghỉ việc, mỗi một năm làm việc, NLĐ sẽ được nhận khoản tiền trợ cấp bằng một nửa tháng tiền lương tính hưởng trợ cấp thôi việc.

>> Tham khảo chi tiết: Công thức tính trợ cấp thôi việc.

Gọi cho chúng tôi theo số 0901 042 555 (Miền Bắc) - 0939 356 866 (Miền Trung) - 0902 602 345 (Miền Nam) để được hỗ trợ.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Đánh giá chất lượng bài viết, bạn nhé!

0.0

Chưa có đánh giá nào
Chọn đánh giá

Gửi đánh giá

BÌNH LUẬN - HỎI ĐÁP

Hãy để lại câu hỏi của bạn, chúng tôi sẽ trả lời TRONG 15 PHÚT

SĐT và email sẽ được ẩn để bảo mật thông tin của bạn GỬI NHANH