8 lưu ý trước khi nhảy việc: thời gian báo trước, quyền lợi bảo hiểm xã hội khi nghỉ việc, thanh toán tiền lương sau khi nghỉ việc, nghỉ việc ngang có sao không…
Nhảy việc là gì?
1. Nhảy việc là gì?
Nhảy việc (hay còn được gọi là chuyển việc) là một hiện tượng phổ biến hiện nay. Nhảy việc có thể được hiểu là hành động một cá nhân chủ động chấm dứt hợp đồng lao động tại một công ty và chuyển sang làm việc tại một công ty khác. Không giống như thôi việc, nhảy việc là một lựa chọn tự nguyện do chính người lao động (NLĐ) đưa ra.
Nhảy việc có thể xảy ra trong bất kỳ lĩnh vực nào, từ công nghệ thông tin đến y tế và giáo dục. Đây là một cách để người lao động tìm kiếm cơ hội mới, thử thách bản thân và phát triển sự nghiệp. Tuy nhiên, quyết định nhảy việc cũng cần được suy nghĩ kỹ lưỡng và có những chuẩn bị cần thiết. Bởi điều này có thể mang lại những bất lợi đối với cả doanh nghiệp cũng như người lao động nếu diễn ra thường xuyên:
- Đối với các doanh nghiệp: Xu hướng nhảy việc liên tục của nhân sự khiến nhiều công ty cùng công tác quản lý nhân sự gặp khó khăn trong quá trình đảm bảo tiến độ, hiệu quả công việc;
- Đối với người lao động: Nếu nhảy việc quá nhiều và liên tục cũng sẽ mang lại nhiều bất lợi trong quá trình tìm việc mới, bởi các doanh nghiệp hầu như sẽ không đánh giá cao các nhân sự thường xuyên nhảy việc.
>> Bài viết liên quan: Thôi việc là gì?
2. Các lý do nhảy việc, nghỉ việc
Môi trường làm việc không phù hợp, mức lương, phúc lợi không đáp ứng được nguyện vọng ban đầu của NLĐ hoặc nhu cầu thăng tiến trong công việc hay các lý do các nhân là những nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến xu hướng nhảy việc “ồ ạt” như hiện nay.
Tuy nhiên, phần lớn lý do nghỉ việc của NLĐ chính là mức lương và các chế độ phúc lợi. Hiện nay, có rất nhiều doanh nghiệp khi tuyển dụng đã đưa ra những chế độ vô cùng hấp dẫn nhưng sau khi NLĐ làm việc một thời gian thì họ lại không nhận được đủ và đúng các phúc lợi theo thỏa thuận ban đầu. Chính điều này đã khiến họ đưa ra quyết định nhảy việc.
5 điều cần biết - Trước khi nghỉ việc cần làm gì?
Để tránh mất quyền lợi, bạn cần lưu ý một số vấn đề trước khi đưa ra quyết định nhảy việc, cụ thể:
- Có cần thông báo nghỉ việc cho công ty không?
- Nghỉ việc báo trước bao nhiêu ngày?
- Nếu nghỉ việc ngang có sao không?
- Quyền lợi bảo hiểm xã hội khi nghỉ việc gồm những gì?
- Có cần tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội khi nghỉ việc không?
Dưới đây Kế toán Anpha sẽ chia sẻ chi tiết cho bạn từng vấn đề nhé.
1. Người lao động có cần thông báo nghỉ việc cho công ty không?
Trước khi nhảy việc, NLĐ cần chấm dứt hợp đồng lao động. Và căn cứ Điều 35 Bộ luật Lao động, NLĐ có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (tức có quyền nhảy việc) nhưng phải thông báo trước với người sử dụng lao động theo quy định, ngoại trừ các trường hợp sau:
- Không được đảm bảo điều kiện làm việc theo thỏa thuận, không được bố trí theo đúng công việc và địa điểm làm việc;
- Không được trả lương đúng thời hạn và không được trả đủ lương;
- Bị ngược đãi, bạo hành hoặc phải chịu những lời nói, hành vi nhục mạ và các hành vi gây tổn hại tới sức khỏe, nhân phẩm, danh dự hoặc bị cưỡng bức lao động;
- Bị quấy rối tình dục;
- Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo quy định;
- Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định;
- Chủ doanh nghiệp cung cấp thông tin sai sự thật, không trung thực làm ảnh hướng đến việc thực hiện hợp đồng lao động.
Thời gian thông báo trước khi nghỉ việc, đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động được quy định cụ thể như sau.
Thời gian |
Trường hợp |
Ít nhất 45 ngày |
NLĐ làm việc theo HĐLĐ không thời hạn |
Ít nhất 30 ngày |
NLĐ làm việc theo HĐLĐ có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng |
Ít nhất 3 ngày |
NLĐ làm việc theo HĐLĐ có thời hạn dưới 12 tháng |
Trường hợp NLĐ làm ngành, nghề, công việc đặc thù (*) thì quy định về thời gian báo trước khi nghỉ việc, nhảy việc như sau.
Thời gian |
Trường hợp |
Ít nhất 120 ngày |
NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động:
- Không thời hạn
- Có thời hạn từ 12 tháng trở lên
|
Ít nhất bằng 1/4 thời hạn hợp đồng |
NLĐ làm việc theo HĐLĐ có thời hạn dưới 12 tháng |
----
(*): Các ngành, nghề, công việc đặc thù bao gồm:
- NLĐ hoạt động trong lĩnh vực tàu bay: thành viên tổ lái, nhân viên kỹ thuật bảo dưỡng, nhân viên điều độ, nhân viên sửa chữa, khai thác bay;
- Người quản lý doanh nghiệp: chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh, chủ tịch hội đồng thành viên, thành viên hội đồng thành viên, chủ tịch công ty, chủ tịch hội đồng quản trị…;
- Thuyền viên thuộc thuyền bộ và làm việc trên tàu Việt Nam đang hoạt động ở nước ngoài hoặc thuyền viên được thuê lại làm việc trên tàu biển nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam;
- Các trường hợp khác do pháp luật quy định.
3. Nghỉ việc ngang, vi phạm thời gian báo trước khi nghỉ việc có sao không?
➨ Nghỉ việc ngang là gì?
Nghỉ việc ngang là trường hợp mà NLĐ đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không thông báo nghỉ việc cho người sử dụng lao động như đã trình bày ở mục trên.
➨ Nghỉ việc ngang có sao không?
Khi nghỉ việc ngang, quy định về quyền lợi đối với người lao động như sau:
- Được hưởng những quyền lợi sau:
- Có quyền rút BHXH 1 lần;
- Được chốt sổ, nhận lại sổ BHXH;
- Nhận tiền lương cho những ngày làm việc đúng quy định;
- Nhận tiền thai sản (nếu có).
- Không được hưởng những quyền lợi sau:
- Tiền trợ cấp thôi việc;
- Tiền trợ cấp thất nghiệp.
Lưu ý:
Đối với trường hợp nghỉ việc ngang, NLĐ sẽ phải bồi thường cho NSDLĐ (các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp) các khoản tiền sau:
- Nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động;
- 1 khoản tiền tương ứng với tiền lương theo HĐLĐ đối với những ngày không báo trước;
- Chi phí đào tạo theo quy định như: chi phí chi trả cho người dạy, tài liệu học tập, trường, lớp, máy móc, thiết bị…
Tìm hiểu chi tiết:
>> Cách tính trợ cấp thôi việc cho người lao động;
>> Phân biệt trợ cấp thôi việc và trợ cấp thất nghiệp.
4. Quyền lợi, chế độ bảo hiểm xã hội khi nghỉ việc, nhảy việc
➨ Hưởng bảo hiểm xã hội khi nghỉ việc
Người lao động làm việc tại các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp có tham gia BHXH bắt buộc khi nghỉ việc, nhảy việc có thể chọn 1 trong 2 phương án sau:
- Lãnh bảo hiểm xã hội sau 1 năm nghỉ việc (tức là hưởng chế độ bảo hiểm xã hội 1 lần);
- Nghỉ việc nhưng vẫn muốn đóng bảo hiểm xã hội: Bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội cho đến khi đủ điều kiện tham gia BHXH tự nguyện hoặc BHXH bắt buộc. Nếu đóng BHXH đủ 20 năm trở lên thì về sau bạn sẽ được nhận lương hưu và chế độ BHYT.
>> Tham khảo thêm: Có nên nhận BHXH 1 lần?
➨ Khi nghỉ việc cần lấy giấy tờ gì để hưởng bảo hiểm thất nghiệp?
Ngoài ra, để đủ điều kiện lãnh trợ cấp thất nghiệp, bạn cần yêu cầu người sử dụng lao động cung cấp một số các giấy tờ sau để chứng minh đã nghỉ việc:
- Thông báo chấm dứt hợp đồng;
- Hợp đồng lao động hết hạn;
- Quyết định thôi việc…
Đồng thời, bạn cũng có thể đề nghị người sử dụng lao động nhanh chóng hoàn thành thủ tục chốt sổ bảo hiểm xã hội (ngay cả khi bạn nghỉ ngang) để sớm tiến hành hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp.
>> Tham khảo thêm: Hướng dẫn thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Theo quy định của Bộ luật Lao động, khi hợp đồng lao động chấm dứt, người sử dụng lao động có trách nhiệm:
- Hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác của NLĐ (nếu có);
- Cung cấp bản sao các tài liệu liên quan đến quá trình làm việc của người lao động nếu họ yêu cầu. Chi phí sẽ do người sử dụng lao động trả.
Như vậy, đối với trường hợp NLĐ nghỉ nhưng không báo trước vẫn sẽ được nhận lại sổ BHXH theo đúng quy định, NSDLĐ lúc này phải có trách nhiệm chốt sổ, trả lại tờ rời BHXH cho NLĐ.
Tham khảo thêm:
>> Cách lấy sổ bảo hiểm xã hội.
>> Người lao động nghỉ ngang có được chốt sổ BHXH?
3 điều cần biết - Sau khi nghỉ việc cần làm gì?
1. Tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội khi nghỉ việc
Sau khi nghỉ việc, nếu bạn ký kết hợp đồng lao động với đơn vị, doanh nghiệp mới thì vẫn có thể tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc tại đơn vị đó.
Trường hợp bạn không làm việc tại bất kỳ đơn vị, doanh nghiệp nào khác sau khi nghỉ việc nhưng có nhu cầu tiếp tục đóng BHXH thì có thể tham gia BHXH tự nguyện.
Tuy nhiên, bạn chỉ có thể tham gia BHXH tự nguyện nếu bạn đã đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc các trường hợp sau đây:
- Làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn/vô thời hạn/thời vụ hoặc một công việc có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng;
- Làm việc theo hợp đồng có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng;
- Cán bộ, công chức, viên chức;
- Người đang công tác tại các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an;
- Người lao động Việt Nam sang nước ngoài làm việc theo hợp đồng lao động;
- Người giữ chức vụ quản lý công ty, doanh nghiệp hoặc quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng lương;
- Người hoạt động không chuyên trách được hưởng lương ở các địa phương.
Nếu bạn không thuộc 1 trong các trường hợp trên thì bạn có thể tham gia đóng BHXH tự nguyện để đảm bảo các quyền lợi sau này như chế độ hưu trí, BHYT…
>> Tham khảo thêm: Quyền lợi khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
2. Quy định về hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần sau khi nghỉ việc
Nếu bạn nghỉ việc nhưng không còn mong muốn đóng BHXH nữa mà có nhu cầu hưởng BHXH 1 lần thì có thể liên hệ với cơ quan BHXH nơi cư trú để làm thủ tục hưởng BHXH 1 lần.
Tuy nhiên, bạn chỉ có thể được hưởng chế độ BHXH 1 lần đối với các trường hợp:
- Ra nước ngoài định cư;
- Đến tuổi hưởng lương hưu mà chưa đóng đủ 20 năm BHXH;
- Công an/bộ đội không đủ điều kiện hưởng lương hưu sau khi xuất ngũ, thôi việc, phục viên;
- Đến tuổi hưởng lương hưu nhưng chưa đóng đủ 15 năm BHXH và không tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện (áp dụng đối với lao động nữ ở các địa phương);
- Người bị mắc bệnh nguy hiểm như bại liệt, lao nặng, xơ gan cổ trướng, phong, ung thư, HIV đã sang giai đoạn AIDS và các bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế;
- Sau 1 năm nghỉ việc mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH và không tiếp tục đóng BHXH.
Mức hưởng BHXH 1 lần được tính theo số năm đóng BHXH, cứ mỗi năm sẽ được tính như sau:
- Những năm đóng BHXH trước năm 2014: Bạn sẽ được nhận 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH;
- Những năm đóng BHXH sau năm 2014: Bạn sẽ được nhận 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH;
- Trường hợp thời gian bạn đóng BHXH chưa đủ 1 năm thì mức hưởng BHXH 1 lần bằng 22% mức tiền lương tháng đã đóng BHXH và mức tối đa là 2 tháng bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.
Lưu ý:
Mức hưởng BHXH 1 lần sẽ không bao gồm những khoản tiền được nhà nước hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện, trừ trường hợp đang bị mắc các bệnh nguy hiểm đến tính mạng như AIDS, bại liệt, lao nặng, xơ gan cổ trướng và các bệnh khác được Bộ Y tế quy định;
>> Tham khảo thêm: Thủ tục rút BHXH 1 lần - chi tiết cách tính.
3. Quy định thanh toán tiền lương, các khoản tiền liên quan sau khi nghỉ việc
Căn cứ Điều 48 Bộ luật Lao động, trong thời hạn 14 ngày kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động thì NSDLĐ có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản tiền có liên quan đến quyền lợi của NLĐ.
Các khoản tiền NLĐ được nhận sau khi nhảy việc đúng luật, bao gồm:
- Trợ cấp thất nghiệp;
- Trợ cấp thôi việc;
- Tiền ngày phép năm chưa nghỉ hết;
- Tiền lương chưa thanh toán.
Lưu ý:
1) Trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng, NLĐ phải gửi hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp đến trung tâm dịch vụ việc làm để được xem xét chi trả tiền trợ cấp.
2) Để được nhận các khoản tiền nêu trên, NLĐ phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện tương ứng của từng khoản tiền theo quy định khi nghỉ việc.
Tham khảo thêm:
>> Chế độ bảo hiểm thất nghiệp khi nghỉ việc;
>> Cách tính tiền phép năm.
Khi nào nên nhảy việc?
1. Thời điểm nên nhảy việc
Nếu bạn muốn xác định thời điểm tìm một công việc mới phù hợp hơn với đa dạng sự lựa chọn lĩnh vực, ngành nghề thì đừng bỏ qua các thời điểm “vàng” của tuyển dụng sau đây:
- Tháng 1 - tháng 2 là thời điểm mà hầu hết các công ty đều tiến hành cơ cấu lại bộ máy hành chính, vì vậy khoảng thời gian đầu năm chính là thời điểm tốt nhất để bạn tìm kiếm công việc mới;
- Tháng 3 - tháng 5 cũng là cơ hội chuyển việc khá tốt và hợp lý. Vì sau Tết, nhu cầu tuyển dụng của các công ty khá lớn và khả năng rất nhiều công ty chưa thể bổ sung được đủ nhân sự mong muốn. Trong khoảng 3 tháng này, họ sẽ cố gắng rút ngắn thời gian tuyển dụng trước khi mùa hè đến;
- Tháng 9 - tháng 10, thời điểm các công ty thường tuyển dụng bổ sung nhân sự cuối năm để đạt kế hoạch, chỉ tiêu công việc đã đề ra trước đó.
2. Thời điểm không nên nhảy việc
Mức độ cạnh tranh thấp nhưng cơ hội việc làm rất ít, nếu bạn có ý định nhảy việc vào những tháng sau đây thì nên chú ý:
- Tháng 6 - tháng 8: Đây là thời điểm sau kỳ tuyển dụng đầu năm, vì vậy hầu hết các doanh nghiệp, công ty đã tìm kiếm gần như là đủ nhân sự cho các vị trí còn trống nên nhu cầu tuyển dụng của các tháng này thường rất ít;
- Tháng 11 - tháng 12: Được coi là thời điểm không nên nhảy việc nhất, vì 2 tháng cuối năm sẽ là thời gian mà các phòng ban của công ty tiến hành chuẩn bị cho công tác năm mới nên nhu cầu tuyển dụng cũng sẽ không cao. Ngoài ra, phòng nhân sự thường sẽ đợi đến tháng 1 và tháng 2, bởi 2 tháng này nhu cầu tìm việc rất cao, điều này sẽ giúp cho quá trình tuyển dụng diễn ra nhanh chóng, thuận lợi hơn.
Những câu hỏi thường gặp khi nhảy việc, quyền lợi BHXH khi nghỉ việc
1. Người lao động có cần phải thông báo nghỉ việc trước không?
Có. Căn cứ Điều 35 Bộ luật Lao động, người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải báo trước cho NSDLĐ theo quy định.
>> Xem chi tiết tại: Quy định về thời gian thông báo trước khi nhảy việc.
2. Các khoản tiền được nhận khi nghỉ việc gồm những gì??
Nếu bạn nhảy việc đúng theo quy định của pháp luật thì sẽ nhận được những khoản tiền sau đây sau khi nghỉ việc tại công ty cũ:
- Tiền lương chưa thanh toán;
- Tiền trợ cấp thôi việc;
- Tiền phép năm chưa nghỉ hết;
- Tiền trợ cấp thất nghiệp.
3. Có thể tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội khi nghỉ việc được không?
Sau khi nghỉ việc, nếu bạn ký kết hợp đồng lao động với đơn vị, doanh nghiệp mới thì vẫn có thể tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc tại đơn vị đó.
Trường hợp bạn không làm việc tại bất kỳ đơn vị, doanh nghiệp nào khác sau khi nghỉ việc nhưng có nhu cầu tiếp tục đóng BHXH thì có thể tham gia BHXH tự nguyện.
>> Xem chi tiết tại: Tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội khi nghỉ việc.
4. Xin nghỉ việc phải báo trước bao nhiêu ngày?
Thời gian thông báo chấm dứt hợp đồng lao động được quy định cụ thể như sau:
- Ít nhất 45 ngày: Đối với trường hợp làm việc theo hợp đồng lao động không thời hạn;
- Ít nhất 30 ngày: Đối với trường hợp làm việc theo hợp đồng có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng;
- Ít nhất 3 ngày: Đối với trường hợp làm việc theo hợp đồng có thời hạn dưới 12 tháng.
Trường hợp NLĐ làm ngành, nghề, công việc đặc thù thì quy định về thời gian báo trước khi nghỉ việc, nhảy việc như sau:
- Ít nhất 120 ngày: Đối với trường hợp làm việc theo hợp đồng không thời hạn hoặc từ 12 tháng trở lên;
- Ít nhất 1/4 thời hạn của hợp đồng: Đối với trường hợp làm việc theo hợp đồng có thời hạn dưới 12 tháng.
>> Xem chi tiết tại: Quy định về thời gian báo trước khi nghỉ việc, nhảy việc.
5. Nên nhảy việc vào những khoảng thời gian nào?
Nếu muốn tìm một công việc mới phù hợp hơn thì đừng bỏ qua các tháng tuyển dụng sau: tháng 1, tháng 2, tháng 3, tháng 4, tháng 5, tháng 9, tháng 10. Bởi đây là những thời điểm nhu cầu tuyển dụng cao và dễ tìm việc hơn.
6. Người lao động có được hưởng bảo hiểm xã hội khi nghỉ ngang không?
Có. Nếu NLĐ nhảy việc theo hình thức nghỉ việc ngang thì sau khi nghỉ việc, NLĐ sẽ được nhận và không được nhận 1 số quyền lợi sau :
- Những quyền lợi mà NLĐ được nhận:
- Có quyền rút BHXH 1 lần;
- Được chốt sổ, nhận lại sổ BHXH;
- Nhận tiền lương cho những ngày làm việc đúng quy định;
- Nhận tiền thai sản (nếu có).
- Những quyền lợi mà NLĐ không được nhận:
- Tiền trợ cấp thôi việc;
- Tiền trợ cấp thất nghiệp.
7. Nếu nghỉ việc ngang có sao không, có phải bồi thường không?
Có. Đối với trường hợp nghỉ việc ngang, NLĐ sẽ phải bồi thường cho NSDLĐ (các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp) các khoản tiền sau:
- Nửa tháng tiền lương;
- 1 khoản tiền tương ứng với tiền lương được quy định tại hợp đồng trong những ngày không báo trước;
- Chi phí đào tạo: chi phí trả cho người dạy, tài liệu học tập, trường, lớp, máy móc, thiết bị…
Gọi cho chúng tôi theo số 0984 477 711 (Miền Bắc) - 0903 003 779 (Miền Trung) - 0938 268 123 (Miền Nam) để được hỗ trợ.