
Điều kiện hưởng chế độ thai sản bảo hiểm xã hội. Cách tính tiền thai sản 2025: trợ cấp thai sản, trợ cấp 1 lần khi sinh con, tiền và chế độ dưỡng sức sau sinh.
Chế độ thai sản là một trong những chế độ mà người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) được hưởng nhằm hỗ trợ, bù đắp một phần thu nhập cũng như sức khỏe cho:
- Người lao động nữ từ lúc mang thai, khám thai đến khi sinh con và nuôi con nhỏ;
- Người lao động nam có vợ sinh con.
Chế độ này thể hiện ý nghĩa nhân văn trong chính sách an sinh xã hội, bởi đây là khoảng thời gian mà người lao động (đặc biệt là lao động nữ) sẽ mất đi phần lớn thu nhập cũng như phải tạm gác lại công việc để thực hiện thiên chức làm cha, làm mẹ.
Để xác định rõ bản thân có được hưởng chế độ thai sản hay không, điều kiện và mức hưởng chế độ thai sản như thế nào, bạn có thể tham khảo bài viết mà Anpha chia sẻ dựa trên Luật Bảo hiểm xã hội 2024 dưới đây.
Xem thêm:
>> Quy định đối tượng hưởng chế độ thai sản;
>> Quyền lợi khi tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc - 5 chế độ;
>> Quyền lợi của lao động nữ mang thai - Căn cứ Bộ luật Lao động.
I. Điều kiện hưởng chế độ thai sản mới nhất
1. Điều kiện để hưởng chế độ thai sản cho nữ khi sinh con
- Lao động nữ sinh con đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 6 tháng trở lên trong vòng 12 tháng gần nhất trước khi sinh con (1);
- Lao động nữ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 3 tháng trở lên trong vòng 12 tháng gần nhất trước khi sinh con (đối với người lao động có thời gian tham gia BHXH bắt buộc ít nhất từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định bác sĩ) (2);
- Lao động nữ sinh con đã đóng BHXH bắt buộc từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng gần nhất trước khi sinh con (đối với trường hợp phải nghỉ việc để điều trị vô sinh, hiếm muộn).
Lưu ý:
Lao động nữ sinh con đáp ứng đủ điều kiện (1) hoặc điều kiện (2) nhưng đã thôi việc trước thời điểm sinh con thì vẫn được hưởng chế độ thai sản như trường hợp đang còn làm việc tại doanh nghiệp. Thời gian hưởng chế độ thai sản không được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội vì doanh nghiệp đã báo giảm lao động khi lao động nghỉ việc.
2. Điều kiện để hưởng chế độ thai sản cho nam (người lao động có vợ sinh con)
Để được hưởng chế độ thai sản nam (chế độ thai sản cho chồng), người lao động cần đảm bảo 2 điều kiện là đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và có vợ sinh con.
----------
Ngoài ra, theo Luật Bảo hiểm xã hội 2024, đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cũng sẽ được hưởng trợ cấp thai sản.
Theo đó, lao động nữ sinh con hoặc lao động nam có vợ sinh con nếu đóng BHXH ít nhất đủ 6 tháng trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con sẽ được hưởng trợ cấp bằng 2.000.000 đồng cho mỗi con (kể cả thai từ 22 tuần tuổi trở lên chết trong tử cung và thai chết trong khi chuyển dạ).
>> Xem thêm: Điểm mới của Luật Bảo hiểm xã hội 2024.
II. Các khoản tiền, trợ cấp thai sản khi sinh con
Các khoản tiền, trợ cấp thuộc chế độ thai sản khi sinh con mà người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được hưởng gồm:
- Trợ cấp thai sản những ngày nghỉ việc đi khám thai;
- Trợ cấp 1 lần khi sinh con, nhận con do nhờ mang thai hộ, nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi;
- Trợ cấp thai sản trong thời gian nghỉ sinh con 6 tháng;
- Trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau sinh con và đi làm lại.

1. Trợ cấp thai sản những ngày nghỉ việc đi khám thai
Trong thời gian mang thai, lao động nữ được nghỉ việc đi khám thai sẽ được hưởng chế độ thai sản BHXH tối đa 5 lần, mỗi lần nghỉ không quá 2 ngày. Trong đó:
- Thời gian nghỉ việc được tính hưởng chế độ thai sản khi khám thai là ngày làm việc (không kể ngày lễ, Tết và ngày nghỉ hàng tuần);
- Mức trợ cấp 1 ngày bằng mức lương bình quân làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc của 6 tháng gần nhất trước khi nghỉ việc đi khám thai chia cho 24 ngày.
Công thức tính tiền thai sản những ngày nghỉ việc đi khám thai:
Mức hưởng
|
=
|
Số ngày nghỉ x 100% MBQTL đóng BHXH bắt buộc 6 tháng gần nhất
|
|
24
|
|
Ví dụ 1:
Chị A đang tham gia BHXH bắt buộc từ tháng 01/2024 với mức lương tham gia BHXH là 6.000.000 đồng/tháng. Đến tháng 03/2025, chị A được tăng lương và được công ty điều chỉnh tăng mức đóng BHXH thành 7.000.000 đồng/tháng. Tháng 11/2024, chị A biết mình có thai nên đã xin nghỉ việc để đi khám thai. Tính đến tháng 07/2025, khi chị sinh con (sinh mổ), chị đã xin nghỉ tổng cộng 10 ngày để đi khám thai.
Mức trợ cấp nghỉ việc đi khám thai mà chị A được hưởng trong trường hợp trên:
- Mức lương bình quân 6 tháng gần nhất trước khi nghỉ việc: 6.000.000 đồng (tháng 11/2024 chị A nghỉ việc đi khám thai và cả năm 2024 chị đóng BHXH với mức 6.000.000 đồng);
- Số ngày nghỉ đi khám thai: 10 ngày;
- Số ngày làm việc bình quân trong tháng làm căn cứ tính trợ cấp thai sản: 24 ngày.
Như vậy, số tiền trợ cấp thai sản chị A nhận được là: (10 x 6.000.000) / 24 = 2.500.000 đồng.
2. Trợ cấp 1 lần khi sinh con, nhận con do nhờ mang thai hộ, nhận con nuôi dưới 6 tháng tuổi
Mức trợ cấp 1 lần khi sinh con bằng 2 lần mức tham chiếu (*) tính tại thời điểm người lao động sinh con, nhận con (căn cứ theo Khoản 4 Điều 58 Luật BHXH 2024).
(*): Hiện tại, mức tham chiếu dùng làm căn cứ tính trợ cấp 1 lần khi sinh con vẫn là mức lương cơ sở. Theo Nghị định 73/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/07/2024, mức lương cơ sở hiện được áp dụng là 2.340.000 đồng/tháng.
Ví dụ 2:
Căn cứ thông tin ở ví dụ 1, chị A sinh con vào tháng 07/2025 nên mức lương cơ sở áp dụng sẽ là 2.340.000 đồng.
Theo đó, mức trợ cấp 1 lần khi sinh con mà chị A được hưởng: 2 x 2.340.000 = 4.680.000 đồng.
Lưu ý:
Nếu lao động nữ sinh con mà không đủ điều kiện hưởng trợ cấp 1 lần thì người chồng được hưởng trợ cấp nếu đảm bảo điều kiện đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong vòng 12 tháng trước khi vợ sinh con.
3. Trợ cấp thai sản trong thời gian nghỉ sinh con 6 tháng
3.1. Đối với lao động nữ sinh con
Trong thời gian nghỉ sinh con, lao động nữ được hưởng trợ cấp thai sản với mức hưởng một tháng bằng 100% mức tiền lương trung bình đóng BHXH bắt buộc của 6 tháng gần nhất trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.
Ví dụ 3:
Theo thông tin từ ví dụ 1, chị A sinh con vào tháng 07/2025. Vậy 6 tháng gần nhất làm căn cứ tính mức bình quân tiền lương đóng BHXH bắt buộc của chị A là từ tháng 01/2025 đến tháng 06/2025.
Cụ thể mức đóng BHXH 6 tháng gần nhất của chị A như sau:
- Từ tháng 01/2025 đến hết tháng 02/2025: 6.000.000 đồng (2 tháng);
- Từ tháng 03/2025 đến hết tháng 06/2025: 7.000.000 đồng (4 tháng).
Mức lương trung bình làm căn cứ tính trợ cấp thai sản của chị A sẽ là:
(6.000.000 x 2 + 7.000.000 x 4) / 6 = 6.666.667 đồng
Như vậy, mức trợ cấp thai sản trong thời gian sinh con của chị A là:
(6.000.000 x 2 + 7.000.000 x 4) / 6 x 6 = 40.000.000 đồng
3.2. Đối với lao động nam đang tham gia BHXH bắt buộc có vợ sinh con
➨ Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho chồng:
Lao động nam đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc khi vợ sinh con sẽ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. Dưới đây là quy định về thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản của chồng:
- 5 ngày làm việc khi vợ sinh thường 1 con;
- 7 ngày làm việc khi vợ sinh mổ hoặc sinh con dưới 32 tuần tuổi;
- 10 ngày làm việc với trường hợp vợ sinh đôi, sinh ba trở đi thì thêm mỗi con được nghỉ thêm 3 ngày làm việc;
- 14 ngày làm việc nếu vợ sinh đôi phải mổ. Trường hợp vợ sinh ba trở lên phải mổ thì được nghỉ thêm 3 ngày làm việc cho mỗi con tính từ con thứ ba trở đi.
Lưu ý:
Ngày bắt đầu nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho chồng phải trong khoảng thời gian 60 ngày (**) kể từ ngày vợ sinh con. Trường hợp người lao động nghỉ nhiều lần thì:
- Ngày bắt đầu nghỉ việc của lần cuối cùng phải trong khoảng thời gian 60 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con;
- Tổng thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản không quá thời gian quy định đối với từng trường hợp kể trên.
(**): Trước đây, theo quy định của Luật BHXH 2014 thì khoảng thời gian giới hạn về ngày bắt đầu nghỉ việc hưởng chế độ thai sản của nam là 30 ngày. Tuy nhiên, căn cứ theo Luật BHXH 2024 thì khoảng thời gian này đã được nâng lên thành 60 ngày.
➨ Mức hưởng chế độ thai sản cho chồng:
Theo Khoản 2 Điều 59 Luật BHXH 2024, mức hưởng chế độ thai sản cho mỗi ngày nghỉ việc khi có vợ sinh con của lao động nam đang tham gia BHXH bắt buộc được tính bằng trợ cấp thai sản một tháng chia cho 24 ngày.
Căn cứ Khoản 1 Điều 59 Luật BHXH 2024 thì mức trợ cấp thai sản một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc của 6 tháng gần nhất trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.
Như vậy, mức hưởng trợ cấp thai sản những ngày nghỉ việc khi có vợ sinh con với lao động nam đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc (cách tính tiền thai sản cho chồng) được quy định như sau:
Mức hưởng
|
=
|
Số ngày nghỉ x 100% MBQTL đóng BHXH bắt buộc 6 tháng gần nhất
|
|
24
|
|
Ví dụ 4:
Lương bình quân 6 tháng gần nhất của chồng chị A tại ví dụ 1 là 10.000.000 đồng và chồng chị A được nghỉ 7 ngày vì chị sinh mổ.
Cách tính tiền thai sản của chồng chị A như sau: (7 x 10.000.000) / 24 = 2.916.667 đồng.
4. Trợ cấp nghỉ dưỡng sức sau sinh con và đi làm lại
➨ Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau sinh
Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau sinh theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 4 Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 là 30 ngày kể từ ngày hết thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản, lao động nữ chưa phục hồi sức khỏe thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ.
Thời gian nghỉ dưỡng sức sau sinh được tính liên tục bao gồm cả ngày nghỉ lễ, Tết, ngày nghỉ hàng tuần. Nếu thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe bắt đầu từ cuối năm trước chuyển tiếp sang đầu năm sau thì thời gian nghỉ đó được tính cho năm trước.
Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau sinh tối đa được quy định như sau:
- 10 ngày đối với lao động nữ sinh một lần từ 2 con trở lên;
- 7 ngày đối với lao động nữ sinh con phải phẫu thuật;
- 5 ngày đối với trường hợp khác.
➨ Mức hưởng chế độ nghỉ dưỡng sức sau sinh
Mức hưởng cho một ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản bằng 30% mức lương cơ sở. Như đã đề cập ở trên, theo Nghị định 73/2024/NĐ-CP, mức lương cơ sở áp dụng từ ngày 01/07/2024 là 2.340.000 đồng/tháng.
Như vậy, mức hưởng cho một ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản (cách tính tiền nghỉ dưỡng sức sau sinh) được xác định như sau:
Mức hưởng
|
=
|
Số ngày nghỉ
|
x
|
30%
|
x
|
2.340.000
|
Ví dụ 5:
Dựa vào thông tin ở ví dụ 1, chị A sinh mổ nên theo quy định chị được nghỉ 7 ngày cho chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau sinh.
Mức hưởng chế độ trợ cấp dưỡng sức sau sinh của chị A: 7 x 30% x 2.340.000 = 4.914.000 đồng.
Lưu ý:
Không áp dụng chế độ dưỡng sức sau sinh nếu lao động nữ sau sinh con mà trở lại làm việc trước khi hết thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo Khoản 1 Điều 53 Luật Bảo hiểm xã hội 2024.
Câu hỏi phổ biến về chế độ bảo hiểm thai sản, cách tính tiền thai sản khi sinh con
1. Khi nào được nhận tiền thai sản?
Theo quy định, sau khi sinh con thì người lao động có thể nộp hồ sơ hưởng chế độ thai sản cho người sử dụng lao động (tức là nơi mà người lao động đang có hợp đồng làm việc) để người sử dụng lao động làm hồ sơ nộp cho cơ quan BHXH.
Trường hợp người lao động nghỉ việc trước thời điểm sinh con thì nộp hồ sơ trực tiếp cho cơ quan BHXH nơi cư trú để được hưởng chế độ thai sản.
>> Xem chi tiết và tải mẫu miễn phí: Hồ sơ hưởng chế độ thai sản.
2. Cần chuẩn bị những gì để được hưởng chế độ thai sản cho lao động sinh con?
- Đối với lao động nữ sinh con: Chuẩn bị giấy chứng sinh hoặc giấy khai sinh (nếu đã làm thủ tục đăng ký khai sinh cho bé).
- Đối với lao động nam có vợ sinh con: Chuẩn bị giấy khai sinh (bởi vì trên giấy tờ này mới có đủ thông tin của cha và mẹ bé).
Xem thêm:
>> Thủ tục làm giấy chứng sinh ở bệnh viện;
>> Thủ tục làm giấy khai sinh cho bé.
3. Sau bao lâu kể từ khi nộp đủ hồ sơ hưởng thai sản sẽ nhận được tiền thai sản?
Sau khi người lao động nộp đủ hồ sơ hưởng chế độ thai sản, người sử dụng lao động phải nộp hồ sơ lên cơ quan BHXH trong vòng 10 ngày làm việc. Khi đã nhận đủ hồ sơ từ người sử dụng lao động, cơ quan BHXH phải giải quyết và tổ chức chi trả tiền thai sản trong vòng 6 ngày làm việc.
Trường hợp người lao động tự nộp hồ sơ lên cơ quan BHXH thì cơ quan BHXH phải giải quyết và tổ chức chi trả tiền thai sản trong vòng 3 ngày làm việc.
Tuy nhiên, thực tế thời gian giải quyết hồ sơ, chi trả tiền thai sản có thể lâu hơn (trung bình khoảng 2 - 4 tuần tính từ lúc nộp đủ hồ sơ đến khi nhận được tiền) bởi nhiều lý do như:
- Trong quá trình làm hồ sơ hưởng chế độ thai sản, bạn có thể nộp thiếu giấy tờ và phải bổ sung;
- Người sử dụng lao động còn nợ tiền BHXH tại thời điểm nộp hồ sơ;
- Cơ quan BHXH quá tải và không xử lý hồ sơ đúng hạn.
Oanh Nguyễn - Phòng Kế toán Anpha