
Quy định đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc từ Luật Bảo hiểm xã hội 2024: người lao động là công dân Việt Nam, người sử dụng lao động, chủ HKD.
Luật Bảo hiểm xã hội 2024 (Luật BHXH 2024) được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 7 ngày 29/06/2024, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2025. Với 11 Chương và 141 Điều, Luật Bảo hiểm xã hội 2024 quy định nhiều điểm mới, trong đó nội dung về nhóm đối tượng thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc nhận được khá nhiều sự quan tâm.
Dưới đây là thông tin chi tiết về các nhóm đối tượng phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo Luật BHXH 2024.
Quy định đối tượng tham gia BHXH bắt buộc - Từ ngày 01/07/2025
1. Người lao động là công dân Việt Nam
Những người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc bao gồm:
- Người làm việc theo hợp đồng thuộc 1 trong các trường hợp sau:
- Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn;
- Người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ đủ 1 tháng trở lên;
- Người làm việc theo hợp đồng có trả công, tiền lương và chịu sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên;
- Người lao động thuộc các trường hợp trên làm việc không trọn thời gian, có tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc thấp nhất.
- Chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có thực hiện đăng ký kinh doanh;
- Cán bộ, công chức, viên chức, công nhân và viên chức quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu;
- Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ thuộc quân đội nhân dân;
- Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ hoặc chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân;
- Người làm công tác cơ yếu được hưởng lương như đối với quân nhân;
- Hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ công an nhân dân;
- Học viên công an, quân đội, cơ yếu đang theo học hưởng sinh hoạt phí;
- Lực lượng dân quân thường trực;
- Người hoạt động không chuyên trách tại cấp xã, thôn, tổ dân phố;
- Người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (Luật số 69/2020/QH14 quy định người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng) trừ trường hợp có quy định khác tại điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên;
- Vợ/chồng không hưởng lương từ ngân sách nhà nước, được hưởng chế độ sinh hoạt phí khi được cử đi công tác nhiệm kỳ cùng thành viên cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài;
- Quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp theo luật định, người đại diện phần vốn nhà nước có hưởng tiền lương và không hưởng tiền lương;
- Giám đốc, tổng giám đốc, thành viên hội đồng quản trị, thành viên ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên và các chức danh quản lý khác được bầu của hợp tác xã (HTX), liên hiệp hợp tác xã (theo quy định của Luật Hợp tác xã) có hưởng tiền lương và không hưởng tiền lương.
2. Người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam
Công dân nước ngoài làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn, có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, trừ các trường hợp sau:
- Di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp (theo quy định của pháp luật khi làm việc tại Việt Nam đối với lao động nước ngoài);
- Tại thời điểm giao kết hợp đồng lao động đã đủ tuổi nghỉ hưu (quy định tại Khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động số 45/2019/QH14);
- Điều ước quốc tế có quy định khác mà Việt Nam là thành viên.
3. Người sử dụng lao động
Người sử dụng lao động thuộc các trường hợp sau đây phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc:
- Cơ quan nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập;
- Doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị thuộc QĐND, CAND và tổ chức cơ yếu;
- Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp và các tổ chức xã hội khác;
- Tổ chức quốc tế, cơ quan, tổ chức nước ngoài hoạt động tại Việt Nam;
- Doanh nghiệp, tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX, hộ kinh doanh, tổ chức khác và cá nhân thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động.
4. Các đối tượng khác theo quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Đối với đối tượng khác ngoài nhóm đối tượng người lao động là công dân Việt Nam thuộc các trường hợp phải tham gia BHXH bắt buộc nêu trên mà có việc làm, thu nhập ổn định, thường xuyên trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ.
Xem thêm:
>> Điểm mới Luật Bảo hiểm xã hội 2024 - Áp dụng từ ngày 01/07/2025;
>> Chế độ bảo hiểm y tế mới nhất - Cập nhật theo Luật Bảo hiểm y tế 2024;
>> Các đối tượng không phải tham gia BHXH bắt buộc.
Câu hỏi liên quan đến quy định về đối tượng đóng BHXH bắt buộc
1. Chủ hộ kinh doanh có phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo Luật BHXH 2024 không?
Có. Theo Luật BHXH 2024 có hiệu lực từ ngày 01/07/2025, chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có thực hiện đăng ký kinh doanh là đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
2. Mức đóng BHXH bắt buộc dành cho chủ hộ kinh doanh là bao nhiêu?
Theo quy định tại Điểm a Khoản 4 Điều 33 Luật Bảo hiểm xã hội 2024, mức đóng BHXH bắt buộc của chủ hộ kinh doanh là 25% tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc (3% vào quỹ ốm đau và thai sản, 22% vào quỹ hưu trí và tử tuất).
>> Xem chi tiết: Mức đóng BHXH của chủ hộ kinh doanh.
3. Người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam có thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc?
Có. Người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên thuộc diện phải tham gia BHXH bắt buộc theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 (thay đổi so với quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2014, người lao động là công dân nước người có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề được tham gia BHXH bắt buộc).
Bá Vũ - Phòng Kế toán Anpha
Đánh giá chất lượng bài viết, bạn nhé!
BÌNH LUẬN - HỎI ĐÁP
Hãy để lại câu hỏi của bạn, chúng tôi sẽ trả lời TRONG 15 PHÚT